Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Thursday,
November 14, 2013 @ 13:26:28 EST
Cách
đây hơn 3 tuần tôi ở Houston, và cuối tuần này tôi trở lại Houston. Làm như tôi
có duyên và nợ với thành phố này.
Giữa
hai lần đi Houston này là một chuyến đi thật xa, đến một vùng đất mà ít người
Việt ở hải ngoại đặt chân; nhưng vùng đất ấy lại có nhiều nghìn đồng bào từ
trong nước đang sống tất tả và có khi nhục nhằn.
Thứ
Bảy ngày 19 tháng 10, tôi tham dự buổi họp mặt của Phong Trào Liên Kết Dân Chủ
ở Houston và định ở lại thêm vài Chủ Nhật để gặp bạn mới và thăm bạn cũ. Nhưng
rồi tôi phải dời Houston sớm để đi Cyprus dự hội nghị về nạn buôn người. Ban tổ
chức hội nghị cho biết có nhiều nạn nhân người Việt ở đất nước Âu Châu này.
Chẳng
qua, cách đây vài tháng một phái đoàn gồm các tổ chức NGO của Cyprus đã đến
Houston, qua sự tài trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, để tìm hiểu về các biện pháp
hữu hiệu để chống buôn người. Khi biết rằng phái đoàn đang muốn tìm một người
Việt hoạt động trong lĩnh vực này, một vị giáo sư luật ở Houston giới thiệu họ
với tôi.
Thực
ra đầu tiên họ tìm cách liên lạc với một tổ chức chống buôn người ở Việt Nam.
Vị giáo sư luật, rất quen thuộc với hoạt động của CAMSA và tình hình ở Việt
Nam, giải thích cho họ rằng các tổ chức hoạt động ở Việt Nam sẽ không đóng góp
được gì nhiều để giải quyết vấn nạn vì bị kiểm soát rất chặt chẽ bởi chính
quyền, mà chính quyền thì dính dự vào một số vụ buôn công dân đi nước ngoài.
Giấy
mời nhận quá sát ngày, tôi phải lật đật rời Houston sớm hơn dự định để lên
đường đi thẳng đến Cyprus. Cyprus là một đảo quốc nằm ở phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ
và cũng khá gần với Hy Lạp. Dân trên đảo chỉ khoảng 1.2 triệu, 1/3 gốc Thổ còn
2/3 gốc Hy Lạp. Trước đây Cyprus là thuộc địa của Anh Quốc, mãi đến năm 1960
mới được độc lập. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, năm 1968, cuộc nội chiến xảy ra
giữa hai sắc dân Hy và Thổ. Cuộc đình chiến được dàn xếp và kiểm soát bởi Liên
Hiệp Quốc. Đất nước nhỏ bé này và thủ đô của nó bị chia đôi đến ngày nay, với
đoàn quân mũ xanh của LHQ đóng ở khu lằn ranh, gọi là “Lằn Xanh” (Green Line).
Máy
bay chuyển tiếp ở phi trường Dulles, Virginia, cách nhà tôi chỉ 20 phút nhưng
không thể về nhà.
Vì
không hề có chuyến bay thẳng từ Hoa Kỳ đến Cyprus, tôi lại phải chuyển máy bay
ở Vienna, Áo.
Sau
22 giờ vừa bay vừa ngồi đợi ở phi trường, tôi đến phi trường Larnaca, lấy xe đò
30 phút về thủ đô Nicosia và gọi xe taxi về khách sạn. Đến nơi thì đã 3 giờ
chiều ngày Thứ Hai. Tôi chỉ kịp tắm rửa và thay quần áo để đến dự buổi
tiếp tân tại cơ sở của KISA, tổ chức chống buôn người đứng ra triệu tập hội
nghị. Ở phòng khách của khách sạn, tôi nhập toán với những người hoạt động
chống buôn người đến từ nhiều quốc gia: Cộng Hoà Tiệp, Moldova, Ucraina, và cả
từ Việt Nam. Chúng tôi chờ xe hơi đến đón.
Cơ
sở của KISA nằm ở trong Lằn Xanh ngăn cách Nam và Bắc Cyprus. Các căn nhà trong
khu này nhan nhản lỗ đạn và bỏ trống. Khu này không có dân cư mà chỉ có lực
lượng mũ xanh của Liên Hiệp Quốc đóng quân tại đây.
Vùng
trái độn trong Lằn Xanh, Nicosia, Cyprus 21/10/13 (ảnh BPSOS)
Người
phát biểu mở đầu buổi tiếp tân là Đại Sứ John Koenig của Hoa Kỳ. Toà Đại Sứ Hoa
Kỳ tài trợ cho hội nghị về chống buôn người sẽ diễn ra trong hai ngày tới.
Là
công dân Hoa Kỳ độc nhất được mời tham dự hội nghị, tôi trao đổi với Đại Sứ
Koenig về chính sách của Hoa Kỳ và những việc mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có thể
làm đươc. Tôi nhận thấy vị đại sứ Hoa Kỳ này quả thật quan tâm đến nạn buôn
người. Những người hoạt động chống buôn người ở Cyprus sau này xác nhận là quả
vậy.
Cộng
Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có toà đại sứ hay toà lãnh sự ở Cyprus. Thế
mà có đến 5 nghìn người Việt đang lao động ở Cyprus. Ở cao điểm con số này lên
đến 12 nghìn. Phần lớn là chị em phụ nữ đi làm gia nhân, hay ô-sin, cho các gia
đình Cyprus hoặc làm trong các hãng sản xuất nhỏ. Không ít trong số họ đã trở
thành nạn nhân của nạn buôn người, bị bóc lột thậm tệ, bị đánh đập và có khi bị
xâm phạm thân thể. Nạn nhân gọi về trong nước cầu cứu thì môi giới trước đây
đưa họ đi lờ tịt, còn nhà nước thì xem như không biết gì.
Tại
buổi hội nghị kéo dài hai ngày, tôi có dịp tìm hiểu thêm về nạn buôn người ở xã
hội nhỏ bé nhưng đầy phức tạp này. Vùng miền Nam ảnh hưởng Hy Lạp thì có luật
chống buôn người và có một vài tổ chức bắt đầu hoạt động chống buôn người. Nửa
nước phương Bắc ảnh hưởng Thổ thì luật không những đã chẳng có mà ai đứng lên
chống buôn người còn bị chính quyền gây khó khăn. Bởi vậy, cùng thân phận nạn
nhân nhưng ở miền Nam thì đỡ khổ hơn là ở miền Bắc. Các tổ chức địa phương cho
biết là có một số nạn nhân Việt ở miền Nam bị dụ dỗ và đưa lén sang miền Bắc;
họ bị kẹt không trở lại được miền Nam. Xem như mất tích.
Vừa ăn
trưa vừa làm việc, Nicosia, Cyprus 22/10/13 (ảnh BPSOS)
Ban
tổ chức hội nghị yêu cầu tôi chia sẻ kinh nghiệm chống buôn người và kiến thức
về nạn buôn người ở Việt Nam.
Tôi
kể rằng năm 1999, BPSOS bắt đầu giúp đỡ 250 người Việt và 30 người Hoa bị buôn
sang đảo American Samoa. Đây là vụ buôn nô lệ lao động lớn nhất trong lịch sử
Hoa Kỳ bị chính quyền liên bang truy tố. Sau đó là hàng chục vụ khác ở Hoa Kỳ.
Năm
2008, BPSOS đồng sáng lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) nhằm
ngăn chặn đường dây buôn người tận gốc. Sau vài tháng hoạt động CAMSA can thiệp
thành công cho 2.300 nạn nhân mà phân nửa là người Việt ở Mã Lai. Trong 5 năm
hoạt động CAMSA can thiệp được tổng cộng khoảng 5 nghìn nạn nhân ở Mã Lai, Đài
Loan, Jordan, Nga, Guam…
Qua
các trường hợp này, mọi người tại bàn hội nghị đều thấy ra sự dính dự của chính
quyền Việt Nam trong nhiều hình thức và đường dây buôn lao động.
“Thảo
nào, năm ngoái chúng tôi mời Ông Đại Sứ Việt Nam ở Ý, quốc gia có toà đại sứ
Việt Nam gần nhất với Cyprus, sang đây để trình bày cho ông ta về tình trạng
của các nạn nhân người Việt. Ông ta hứa hẹn sẽ quan tâm,” đại diện của một tổ
chức Cyprus nói. “Nhưng rồi ông ta bặt tiếng cho đến giờ dù chúng tôi đã liên
lạc và thúc hối.”
Phần
trình bày kế hoạch trị tận gốc nạn buôn người tạo sự chú ý của toàn thể hội
nghị: “Trước hết, giải cứu nạn nhân ở những quốc gia tiếp nhận, như Mã Lai, Đài
Loan, Jordan, Nga… Qua các cuộc phỏng vấn nạn nhân, chúng tôi truy dần ra đường
dây buôn người từ trong nước, kể cả vai trò của các cơ quan chính quyền Việt
Nam. Đây là căn bản để chúng tôi thực hiện 3 bước kế tiếp.”
Bước
thứ nhất là phổ biến những kiến thức đơn giản để người dân trong nước nhận ra
những dấu hiệu nguy hiểm và biết cách tự đề phòng, và nếu có thân nhân đang là
nạn nhân thì biết cách liên lạc với CAMSA để giải cứu.
Một
người trong bàn hội nghị nhìn ra ngay thâm ý: “Đến trực tiếp với quần chúng,
bất luận chính quyền có hợp tác hay không.”
Bước
thứ hai là hỗ trợ cho các tổ chức tôn giáo ở trong nước để họ giúp cho những
đồng bào đang lâm nạn hay chưa đủ sức tự vệ.
Nhiều
tham dự viên tỏ vẻ tò mò và đặc biệt chú ý về bước thứ ba: áp lực chính
quyền, nhất là khi chính quyền không thật tâm chống buôn người.
Tôi
giải thích về hai mũi quốc tế vận: trực tiếp và gián tiếp, và lấy Mã Lai, Đài
Loan và Nga làm ví dụ. Gián tiếp có nghĩa là dùng các hồ sơ nạn nhân Việt được
giải cứu ở các quốc gia này để vận động Hoa Kỳ áp lực các chính quyền này giải
quyết tình trạng buôn người đến từ Việt Nam để tránh bị chế tài bởi Hoa Kỳ; như
vậy các chính quyền này phải áp lực lên Việt Nam. Còn trực tiếp là chứng minh
cho Hoa Kỳ thấy rằng nạn nhân người Việt không thể tự dưng xuất hiện ở các quốc
gia này mà phải có đường dây đưa họ đi từ Việt Nam; qua đó vận động Hoa Kỳ áp
lực trực tiếp lên Việt Nam với đe doạ chế tài.
Các
người tham dự hội nghị đồng ý sẽ giữ liên lạc đều đặn để tìm một phương án cho
Cyprus. Với tôi, phương án này có thể bảo vệ cho nhiều nghìn đồng bào của tôi
và có thể là một mũi nhọn áp lực thêm nữa lên Việt Nam.
Xong
hội nghị, một số trong chúng tôi hẹn nhau đi bộ băng qua Lằn Xanh để sang thăm
miền Bắc của thủ đô Nicosia, thuộc vùng dân Thổ. Khu phố cổ là một thành phố
được bao quanh bởi một bức tường thành rất kiên cố, được xây dựng từ nhiều
trăm năm qua. Đường xá chật hẹp với những căn nhả cổ xưa, truyền thống. Sau 40
năm ngăn cách, hai phần Nam và Bắc của Nicosia trở thành rất khác biệt về khung
cảnh, nếp sống, sinh hoạt.
Một
số người trong toán tham dự hội nghị nghỉ chân trong
khu "phố cổ" của Nicosia, Cyprus ngày 23/10/13 (ảnh BPSOS)
Chiều
hôm ấy mọi người về lại khách sạn để chuẩn bị ra phi trường trở về quốc gia
nguyên quán ngày hôm sau. Chuyến bay của tôi sẽ rất sớm ngày hôm sau và 4 giờ
sáng đã phải lên đường ra phi trường cách 30 phút lái xe.
Dù
vậy, tôi dành buổi tối để đi thăm một số nạn nhân người Việt đang được một tổ
chức Công Giáo chống buôn người ở địa phương giúp đỡ. Khi đến nơi, trên một
chục nạn nhân đang chờ, toàn là phái nữ. Người nhỏ nhất 20 tuổi. Người lớn nhất
cỡ 50. Có người mới chỉ học xong lớp 1; người học cao nhất là lớp 12.
Họ
rất ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi biết là có nhiều đồng bào của họ ở hải ngoại
quan tâm đến họ, trong khi những người có trách nhiệm, từ người môi giới đến
cán bộ nhà nước, thì lại lường gạt hay ruồng bỏ họ. Họ kể lại thái độ hống hách
hay thờ ơ của những người ấy. Hải ngoại với họ là một thế giới mơ hồ, nằm ngoài
ý tưởng và nhận thức. Nhưng khi biết có người đến từ cái thế giới xa
lạ ấy, họ đã háo hức kéo đến để gặp.
Nghe
những câu chuyện của những cô gái Việt, lòng tôi đau nhói. Đồng bào tôi vì đâu
phải tha phương cầu thực, khốn khổ và nhục nhằn ở khắp nơi.
Các
chị em đều muốn kể về cảnh ngộ của mình. Tôi ghi chép rất nhiều.
Một
cô, khoảng dưới 30 và học mới xong lớp 1, muốn giúp gia đình nên vay công mượn
nợ và đóng 6.5 nghìn Mỹ kim cho môi giới để đi làm gia nhân. Cô ký hợp
đồng trông nom một cụ bà người Cyprus bệnh nằm liệt giường. Đến nơi, cô không
chỉ trông nom cụ bà mà còn bị cụ ông 78 tuổi bắt phải ăn nằm với mình. Cắn răng
chịu đựng không được nữa, sau một thời gian cô bỏ trốn và báo cảnh sát.
Cảnh
sát tìm mãi mới ra một người Việt biết tiếng Hy Lạp làm thông dịch viên. Vô
phúc người này lại quen thân với kẻ môi giới đã bán cô đi. Ông ta nạt nộ cô nạn
nhân ngay trước mặt cảnh sát và bảo cô phải bỏ đơn kiện vì hợp đồng mà cô
ký có khoản phải ăn nằm với ông chủ. Trước sự áp đảo ấy, cô chỉ biết khóc.
Người thông dịch quay ra nói gì đó với cảnh sát và cảnh sát đóng hồ sơ. Thế là
cô sống vất vưởng mấy năm nay ở Cyprus vì không có tiền trả nợ nếu hồi hương.
Gặp
gỡ các nạn nhân, Nicosia, Cyprus ngày 23/10/13 (ảnh BPSOS)
Tôi
quay sang hỏi mấy người thiện nguyện có mặt thì họ giải thích rằng làm gì có
loại hợp đồng quái gở như vậy vì nó trái luật. Ai làm bản hợp đồng ấy phải đi
tù ngay thôi. Khổ nỗi dân mình ngôn ngữ không biết thì nói gì đến pháp với luật
của xứ người?
Những
mẩu chuyện khác cũng thương tâm và đau đớn không kém. Gia đình họ bị điêu đứng
với những khoản nợ mà cả đời mình, rồi đến đời sau cũng trả chưa hết. Có người
phải trả đến gần 15 nghìn Mỹ kim cho môi giới để rồi trở thành nô lệ ở xứ
người.
Theo
các nạn nhân cho biết, chính quyền Việt Nam đang có kế hoạch gởi thêm nhiều
nghìn ô-sin đến Cyprus.
Sau
buổi gặp gỡ, một chị mời tôi và mấy người thiện nguyện về nhà ăn cơm tối. Nơi
chị ở, chung với hai người nữa, là một căn chung cư hai phòng nhỏ hẹp nhưng gọn
gàng, sạch sẽ. Chị làm thức ăn thoăn thoắt để đãi khách. Chị nói tiếng Anh
rất khá và có thể nói chuyện lưu loát với mấy người thiện nguyện.
“Em
tự học đó anh.”
Tôi
hỏi chị làm sao sống. Chị cho biết là lên rừng hái nấm, măng tây rồi đem bán
cho các tiệm ăn. Mỗi tuần chị đến nơi mổ bò, mổ heo để xin các bộ phận mà họ bỏ
đi đem về làm thực phẩm. Chị đang nghĩ cách làm chả giò để đi bỏ mối. Sống chật
vật là vậy mà chị còn cưu mang một nạn nhân vừa chạy thoát ra, một thiếu nữ
chừng 20 tuổi, xinh xắn, hồn nhiên, đôn hậu. Vừa học xong trung học là cô phải
đi làm xa để giúp gia đình. Bị bà chủ đánh đập và bắt ép phải kết hôn với người
con trai, cô bỏ trốn. Cô đã phải đóng cho môi giới ở Việt Nam gần 15 nghìn Mỹ
kim.
Mười
giờ đêm chúng tôi chào ra về và bịn rịn chia tay. Trên đường về, tôi biết rằng
có nhiều việc để làm, nhiều nạn nhân để giải cứu ở đất nước Âu Châu nhỏ bé này.
Về
đến khách sạn đã là nửa đêm, chỉ còn 3 tiếng đồng hồ trước khi khởi hành.
Cuối
tuần này tôi trở lại Houston với một thông điệp gởi đến những đồng hương đã an
cư lạc nghiệp ở Hoa Kỳ: chúng ta, chỉ có chúng ta là chiếc phao cứu mạng cho
đồng bào đang gặp nạn ở khắp thế giới.
Poster : Góp Một Bàn
Tay
Cuối
tuần này là buổi gây quỹ Góp Một Bàn Tay do những thiện nguyện viên đứng ra tổ
chức, vừa để yểm trợ công tác bài trừ nạn buôn người vừa để gây quỹ pháp lý bảo
vệ đồng bào lánh nạn ở Thái Lan trước sự truy bức của chính quyền cộng sản. Tôi
sẽ nói về nạn buôn người, và một người mà tôi rất kính trọng sẽ chia sẻ kinh
nghiệm phục vụ đồng bào ở Thái Lan: cô Tuyết Mai.
Dù
tuổi đã cao, cô Tuyết Mai gần đây đã dành 6 tháng để tham gia vào toán thiện
nguyện của BPSOS ở Thái Lan. Cô xông pha, dấn thân, nhập cuộc cùng với những
người trẻ chỉ độ tuổi con cháu. Nhờ cô mà bây giờ một số trẻ em tị nạn bắt đầu
được cắp sách đến trường. Nhờ cô mà những đồng bào bị nhốt trong trại giam của
sở di trú Thái Lan được viếng thăm và trợ cấp. Cũng nhờ cô mà nhiều đồng bào
khốn khó có người để thố lộ tâm can.
Quả
thật, trên chuyến bay rời Cyprus, tôi đã nghĩ đến cô Tuyết Mai: Ước gì cô, hay
người nào như cô, có thể lên đường đến với hàng nghìn đồng bào đang rất bơ vơ ở
Cyprus và ở nhiều nơi khác nữa trên trái đất bao la này.
Tôi
tin rằng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại có những người như vậy.
Ts. Nguyễn Đình
Thắng
Bài liên quan:
Quỹ Pháp Lý Cho Đồng Bào Lánh Nạn ở Thái Lan
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2744
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2744
No comments:
Post a Comment