Được đăng ngày Thứ bảy, 23
Tháng 11 2013 13:47
Chỉ còn vài ngày nữa là quốc
hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp. Bình thường thì dự thảo
này sẽ được thông qua vì đó là ý muốn của Đảng CSVN và "quốc hội" chỉ
là một cỗ máy giơ tay do Đảng điều khiển. Chế độ cộng sản đã thay đổi và sửa
đổi hiến pháp quá nhiều lần nên đối với quần chúng Việt Nam nếu có sửa đổi hiến
pháp một lần nữa cũng chẳng có gì quan trọng. Vấn đề là chúng ta đang sống
trong một thời điểm rất không bình thường.
Một số đông đảo trí thức đã ký
tên vào kiến nghị yêu cầu hoãn việc thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp vì dự
thảo này không chấp nhận được. Nó không những không phải là một bước tiến về
dân chủ như mọi người chờ đợi và như bối cảnh quốc gia và quốc tế đòi hỏi mà
còn là một bước lùi. Nó vẫn ngoan cố khẳng định độc quyền của đảng cộng sản.
Xấc xược hơn nữa nó còn buộc các lực lượng vũ trang phải trung thành trước hết
với Đảng. Phản biện là đúng nhưng trước một thái độ trắng trợn như vậy câu hỏi
phải được đặt ra là kiến nghị và yêu cầu có còn là một thái độ phù hợp không?
Chúng ta sẽ có thấy phải có
thái độ quả quyết và dứt khoát hơn nếu nhìn kỹ hơn vào nội dung những sủa đổi
chính.
Trước hết là điểm đang gây bất mãn: Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45)
qui định các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng
Cộng Sản Việt Nam trước cả tổ quốc. Đảng cộng sản qua điều này đã tự định nghĩa như một lực lượng chiếm
đóng. Đối với một lực lương chiếm đóng thái độ phải có không phải là yêu
cầu và kiến nghị mà là chống trả không nể nang. Chúng ta không thể nhân nhượng.
Giải thích của đảng cộng sản là quân đội và công an do đảng lập ra thì phải
trung thành trước hết với đảng. Đây không phải là một lý luận mà là một sự xúc
phạm đối với lý luận.
Một sửa đổi quan trọng khác
chưa được lưu ý đúng mức là việc bãi bỏ vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước
và chính sách "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Cụm từ này cũng như các cụm từ "kinh tế nhà nước", "kinh
tế tập thể" đã biến mất trong dự thảo sửa đổi hiến pháp. Thay đổi này
không những không bị phản đối mà hình như còn được hoan nghênh. Dễ hiểu, vì cái
gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là một cóp
nhặt ngây ngô của một khẩu hiệu của Trung Quốc và một quái thai ngôn ngữ. Tuy
nhiên chúng ta phải rất cảnh giác. Một lập trường đúng về nguyên tắc chưa chắc
đã thực sự đúng trong mọi trường hợp. Còn tùy thuộc ở thời điểm, bối cảnh và
người lấy quyết định. Chúng ta đã nhìn thấy hậu quả của quyết định này tại Nga.
Từ bỏ kinh tế nhà nước và tư hữu hóa các công ty quốc doanh đã chỉ là cơ hội để
đám cường hào trong đảng xâu xé tài sản quốc gia. Đó là tình trạng chắc chắn sẽ
xảy ra trong thực trạng Việt Nam hiện nay. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho
một đợt hôi của mới đối với các công ty và tập đoàn quốc doanh. Từ bỏ kinh tế
xã hội chủ nghĩa là việc nên và cần làm nhưng không phải để đổi lấy một tình trạng
cướp đoạt. Chúng ta đã cảnh giác đủ chưa? Quyền sở hữu đất mà mọi người đều đòi
cũng thế. Nhìn nhận quyền sở hữu đất không được đồng nghĩa với chính thức hóa
những chiếm đoạt bất chính. Tất cả những cải tổ quan trọng và cần thiết đó chỉ
có thể thực hiện trong một chế độ nghiêm chỉnh, nghĩa là dân chủ. Và ngay dưới
một chế độ dân chủ di sản của một chế độ độc tài tham nhũng cũng phải được giải
quyết một cách rất thận trọng.
Điểm quan trọng nhất của dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này là sự tập
trung quyền lực vào chủ tịch nước. Phải chăng ban lãnh đạo cộng sản muốn tập trung quyền lực vào tay một
chủ tịch nước, có mọi triển vọng sẽ kiêm luôn chức tổng bí thư Đảng theo mô
hình Trung Quốc, để chấm dứt một tình trạng phân tán quyền lực đang làm tê liệt
chế độ? Nhưng sự phân tán này không phải ngẫu nhiên mà có mà là hậu quả của
tình trạng mất lý tưởng và đạo đức trong đảng. Bộ máy sàng lọc của đảng vì thế
đã loại bỏ hết những người có nhân cách và chỉ để lại những cấp lãnh đạo mờ
nhạt, cơ hội và thủ đoạn. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu không ai đủ bản lãnh
và uy tín để đoàn kết toàn đảng, và phân tán quyền lực là điều tự nhiên phải
đến. Tình trạng phân tán quyền lực này tuy gây bế tắc nhưng cũng đã giúp chế độ
tồn tại, vì cho phép các phe phái trong đảng thỏa hiệp để chia chác quyền lực
và quyền lợi. Sự thỏa hiệp này sẽ không thể có được nữa khi tất cả quyền lực
tập trung vào một người. Các phe phái bị đặt vào thế hoặc được tất cả hoặc thua
hết. Không ai có thể nhường ai. Cuộc đấu đá sẽ rất dữ dội và có thể làm sụp đổ
cả đảng lẫn chế độ cộng sản. Lần sửa đổi hiến pháp này vì thế đặt ra cho chế độ
nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Chế độ bế tắc vì phân tán lực lượng nhưng giải
quyết tình trạng này lại chỉ đưa tới một tình trạng nhiều lần hiểm nghèo hơn.
Đó là thế của kẻ sa lầy, không làm gì thì lún dần, cựa quậy lại càng lún nhanh
hơn. Chắc chắn nhiều cấp lãnh đạo Đảng nhận ra điều này và đang tự hỏi có nên
rút lại dự thảo hay không. Khả năng thông qua dự thảo không lớn như người ta
tưởng.
Dù sao những người dân chủ Việt
Nam không nên để bị cám dỗ bởi ước mong sửa đổi hiến pháp này được thông qua để
chế độ cộng sản tan vỡ trong bạo loạn bởi vì như thế chính đất nước cũng sẽ lâm
vào bạo loạn. Bạo loạn không bao giờ thuận lợi cho việc thiết lập dân chủ cả,
nhất là khi chưa có một tổ chức dân chủ đủ tầm vóc và uy tín. Phải nói một tiếng KHÔNG dứt
khoát với dự thảo sửa đổi hiến pháp này.
Chúng ta càng phải chống lại dự
thảo sửa đổi hiến pháp này vì nó rất có thể làm chúng ta mất hẳn chủ quyền.
Không thể tưởng tượng rằng những người lãnh đạo cộng sản có thể mù quáng đến
nỗi không nhìn thấy sự nguy hiểm của việc tập trung quyền lực vào một tay người
mà họ sẽ không tìm ra được. Vậy tại sao họ vẫn tiến hành vụ sửa đổi hiến pháp
này? Phải chăng là vì trong một lúc tất cả các phe phái đều đã chủ quan cho
rằng mình sẽ giành được phần thắng rồi cùng lâm vào thế lỡ phóng lao? Giả thuyết có xác xuất lớn hơn nhiều là họ sửa đổi hiến
pháp do áp lực của Trung Quốc để thiết lập mô hình Trung Quốc tại Việt Nam và
người chủ tịch nước kiêm tổng bí thư sẽ là người do Trung Quốc chỉ định và hỗ
trợ. Như thế vấn đề người chủ tịch nước được giải quyết nhưng chủ
quyền Việt Nam không còn. Chúng ta không thể chấp nhận viễn ảnh này. Phải
chống lại dự thảo sửa đổi hiến pháp này với tất cả quyết tâm và phẫn nộ. Yêu
cầu và kiến nghị không đủ, không đúng và cũng không xứng đáng. Mọi người Việt
Nam, trước hết là trí thức Việt Nam, phải đảm nhận trách nhiệm của mình, nghĩa
là phải phản ứng ở mức độ mãnh liệt nhất mà chọn lựa bất bạo động cho phép.
Chúng ta càng có
lý do để phản ứng thật mạnh mẽ bởi vì những người lãnh đạo cộng sản tuy cúi đầu
trước ngoại bang nhưng lại đang thách thức nhân dân Việt Nam một cách xấc xược. Điều 4 của dự thảo sửa đổi hiến pháp đã thêm một
câu: "Đảng (ĐCSVN) chịu trách nhiệm trước nhân dân…". Trách
nhiệm ở đây phải hiểu theo nghĩa pháp lý vì hiến pháp là luật. Về phương diện
pháp lý chịu trách nhiệm có nghĩa là có thể bị trừng phạt nếu không làm tròn
phận sự. Nhưng đảng cộng sản lai khẳng định rằng họ sẽ cầm quyền một mình, mãi
mãi và một cách tuyệt đối. Hơn thế nữa họ còn bắt các lực lượng vũ trang đặt họ
lên trên cả tổ quốc. Vậy thì cái câu "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân
dân" chỉ có ý nghĩa của một sự khiêu khích. Đảng CSVN muốn nói rằng
đáng lẽ họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Việt Nam, nghĩa là có thể bị sa
thải qua bầu cử tự do, mới đúng nhưng họ bất chấp vì trước mặt họ chỉ có những
kẽ khiếp nhược không dám bảo vệ ngay cả những quyền cơ bản nhất của mình. Đây là lúc mà mọi người Việt Nam, trước hết là trí thức
Việt Nam, cần tự hỏi chúng ta đã sống như thế nào để họ ngạo mạn đến thế.
Nguyễn Gia Kiểng
No comments:
Post a Comment