ĐỀ NGHỊ LẤY THÁNG 12/2013 LÀ THÁNG NHÂN
QUYỀN VIỆT NAM
Posted by diendanxahoidansu on 16/11/2013
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
*****
Hà nội ngày 16 tháng 11 năm
2013
ĐỀ NGHỊ LẤY THÁNG 12/2013 LÀ THÁNG NHÂN QUYỀN VIỆT NAM
Kính gửi:
Ông Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam
Tôi, Trần Vũ Hải, hành nghề
luật sư tại 81 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống đa, Tp. Hà nội, xin
chúc mừng Ông vừa được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ và chúc
mừng ngành ngoại giao đã vận động thành công để Việt Nam được bầu vào Hội đồng
Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 (sẽ trở thành thành viên chính thức
vào ngày 1/1/2014).
Để chuẩn bị Việt Nam đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền, và nhân
ngày Nhân quyền Thế giới 10/12/2013, chúng tôi trân trọng đề nghị Ông kiến nghị
với Quốc hội và Chính phủ lấy tháng 12/2013 là Tháng Nhân quyền Việt Nam.
Mặc dù có những ý kiến khác
nhau về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, cá nhân tôi với tư cách luật sư ghi
nhận có những tiến bộ nhất định về nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2013,
chính quyền đã có cách thức lắng nghe ý kiến của dư luận trong và ngoài nước.
Tôi xin nêu hai ví dụ sau:
1) Ngày 25/12/2012 xuất hiện Lời
kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp tại Việt Nam của hàng trăm
nhân sĩ trí thức Việt Nam, trong đó có đề nghị Quốc hội hủy bỏ Điều 88 Bộ luật
Hình sự – BLHS (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam). Mặc dù
Quốc hội chưa hủy bỏ Điều luật này, nhưng trong năm 2013 chưa thấy có vụ án nào
được khởi tố hình sự theo Điều luật này (có những vụ án được xét xử theo Điều
luật này, nhưng là những vụ án đã được khởi tố trước năm 2013).
2) Sau khi có các vụ khởi
tố 3 bloggers theo Điều 258 BLHS vào tháng 5 và 6 năm 2013 ở cả ba miền Việt
Nam, đã xuất hiện Tuyên bố 258 ngày 19/7/2013 của một mạng lưới blogger
người Việt Nam đề nghị hủy bỏ Điều 258 BLHS (Tội lợi dụng các quyền tự do
dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân). Sau khi có Tuyên bố này, đến nay chưa thấy có blogger nào hoặc
người khác vì phát biểu quan điểm bị khởi tố theo Điều luật này.
Chúng tôi hy vọng rằng, những
tiến bộ và lắng nghe này không chỉ vì Việt Nam vận động để vào Hội đồng Nhân quyền,
mà là một quá trình chuyển biến thực sự tại Việt Nam về nhân quyền. Việc lấy
Tháng 12/2013 là Tháng Nhân quyền Việt Nam sẽ thể hiện quyết tâm của
Việt Nam thực thi các quyền con người theo đúng thông lệ quốc tế tại Việt Nam.
Trong trường hợp Nhà nước chấp
nhận đề nghị Tháng 12/2013 là Tháng Nhân quyền Việt Nam, chúng tôi đề
nghị những việc sau được tập trung làm trong Tháng Nhân quyền Việt Nam:
a) Yêu
cầu các cơ quan báo chí, truyền thông đăng nội dung 14 cam kết tự nguyện của
Việt Nam về nhân quyền như một thành viên Hội đồng Nhân quyền (Đáng tiếc đến
nay chúng tôi chưa thấy báo chí Việt Nam đăng, nhắc đến 14 cam kết này)
b) Yêu cầu
xuất bản Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền 1948, các Công ước về nhân quyền mà
Việt Nam đã tham gia và cung cấp miễn phí cho các tầng lớp nhân dân.
c) Công
bố dự kiến của Việt Nam về thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia theo Cam kết
thứ 3 trong 14 cam kết nêu trên và lấy ý kiến trong các chuyên gia và những
người quan tâm.
d) Tổ
chức hội thảo, đối thoại về nhân quyền tại Việt Nam, trong đó cho phép tranh
luận công khai giữa những người phê phán nhân quyền tại Việt Nam và những người
cho rằng Việt Nam đã thực hiện tốt về nhân quyền theo những tiêu chuẩn được
quốc tế công nhận, tạo điều kiện cho báo chí thông tin đầy đủ về những hội
thảo, đối thoại này.
e)
Khuyến khích những cá nhân, tổ chức (kể cả phi chính phủ), đặc biệt giới luật
sư, luật gia phổ biến các vấn đề về nhân quyền tại Việt Nam dưới các hình thức
khác nhau.
Những việc trên cũng là việc
Việt Nam cần làm để thể hiện Việt Nam là một thành viên nghiêm túc của Hội đồng
Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Theo chúng tôi, những giới sau đây cần được chú trọng phổ
biến về nhân quyền (không chỉ trong Tháng Nhân quyền Việt Nam):
1) Những phạm
nhân, những người đang bị bắt, tạm giam
2) Những
người đang bị mất đất, mất công ăn việc làm.
3) Những
người có nguy cơ yếu thế như: người tàn tật hoặc khuyết tật, người đồng
giới, người dân tộc thiểu số.
4) Học sinh
trung học, sinh viên
5) Những
người trực tiếp giải quyết đến các việc của người dân như các chiến sĩ công an,
dân phòng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ tiếp dân.
6) Lãnh đạo
các cấp chính quyền, đoàn thể
Chúng tôi tin rằng với cương vị
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Ông sẽ có những phương thức
thích hợp để thúc đẩy thực thi nhân quyền tại Việt Nam, học tập các kinh nghiệm
quốc tế về nhân quyền để áp dụng tại Việt Nam, để Việt Nam xứng đáng với vị thế
là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, sau khi kết thúc nhiệm kỳ
sẽ chứng minh được cho thế giới biết Việt Nam thực thi nhân quyền theo đúng
cam kết và tiêu chuẩn quốc tế.
Trân trọng,
Trần Vũ Hải
—–
* Xem:
Bài 5 Ngày
Pháp luật Việt Nam, Hiến pháp, Công ước về nhân quyền và Nguyễn Thanh Chấn,
Nguyễn Công Nhựt;
No comments:
Post a Comment