Thứ tư, ngày 06 tháng
mười một năm 2013
Người ta cứ bảo tôi dũng cảm, chỉ vì dám nói lên suy
nghĩ của mình. Nhưng tôi nghĩ dũng cảm cần xét đến trong điều kiện nào.
Trong một đám đông im lặng, một người cất lên tiếng
nói, đám đông sẽ quay ra xem, đó là ai mà dám “kinh thiên động địa” như vậy?
Nếu đó là một kẻ mạnh cả về thế, lẫn về lực, bất kể họ nói gì, đám đông sẽ hoặc
tung hô, tán thưởng, hoặc chả dám phản ứng lại. Còn nếu đó là một kẻ thân cô
thế cô, bất kể người ta nói gì, đám đông sẽ nghĩ, hoặc là nó bị tâm thần, dở
hơi, hoặc là sẽ xúm lại mà đập cho chết.
Nếu lật lại thời gian, ngay từ những năm sau 1954,
đã có rất nhiều người bị vùi dập, bị tù đày chỉ vì họ dám nói khác với điều mà
đa số đám đông không nói, hoặc không dám nói. Cho dù bị giam hãm, bị đọa đày,
nhưng không thời kỳ nào là không có người không cam chịu im lặng. Chỉ có điều
trước đây, rất ít người biết đến họ.
Từ những năm 1956, 1957, ở Quỳnh Lưu đã có một cuộc
phản kháng quy mô rất lớn của người dân địa phương. Cuộc phản kháng mà nhà cầm
quyền gọi là bạo loạn đã thất bại. Sự đàn áp sau đó còn khốc liệt đến nỗi hàng
chục năm sau, lớp người trẻ tuổi của Quỳnh Lưu hôm nay không hề biết về một sự
kiện bi thương, từng xảy ra ngay trên quê hương mình, nếu không nhờ đến
internet !
Tuy ngày nay đã có nhiều người dám nói hơn trước
đây, nhưng vẫn có sự khác biệt rất lớn ở trung tâm hay vùng sâu vùng xa, ở nội
thành hay ngoại thành. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 có thể
diễn ra liên tiếp ở Hà Nội, thì ở thành phố Hồ Chí Minh bị ngăn chặn đến mức
chỉ diễn ra được 1 cuộc. Ở hai thành phố lớn nhất nước mà tiếng nói của người
dân còn bị đàn áp thế, nói gì đến vùng sâu vùng xa?
Mọi hình thức
phản kháng đều bị cho là phản động, và bị ngăn chặn từ trong “trứng” bằng các
hình thức rất thủ công, như cho người chặn cửa, cho người rình rập, khủng bố
bằng cách ném chất bẩn vào nhà, cô lập họ ở địa phương, gây sức ép trong công
việc mưu sinh, nhằm khiến cho họ sợ hãi, không còn đường sống mà phải chấp nhận
yên phận quy hàng.
Trong hoàn cảnh đó, quả thực người ta không biết
than thở và chia sẻ với ai, ở đâu. Trong những thành tựu của nền văn minh loài
người, facebook là một sự kỳ diệu của thế kỷ thứ 21. Nó có thể kết nối thông
tin một cách nhanh chóng, bất kể mọi rào cản về khoảng cách địa lý, cũng như sự
đánh phá bằng kỹ thuật. Hàng mấy chục năm trước, thông tin bị bưng bít và
chỉ được tuyên truyền một chiều, theo hướng có lợi cho chính sách ngu dân của
nhà cầm quyền. Nhưng khi có đầy đủ thông tin đa chiều, người dân không còn
u mê hoàn toàn như trước nữa (như tôi chẳng hạn).
Không chỉ ở các thành phố, hay các khu kinh tế lớn,
từ những vùng xa xôi hẻo lánh, hay những vùng mà người dân đa phần chỉ lo nai
lưng ra làm, cam chịu một cuộc sống tinh thần nghèo nàn, đèn nhà ai nhà
nấy rạng, vẫn có những con người khao khát sự thật, khao khát được tự do chia sẻ
và bày tỏ những suy nghĩ, những nguyện vọng, những trăn trở về những điều bất
công và ngang trái của cuộc sống.
Nhà cầm quyền rất sợ điều này. Sợ
facebook có thể khai sáng dân trí cho người dân. Sợ sự thật sẽ được phơi bày không chỉ bằng các bài viết thể hiện quan
điểm cá nhân phong phú và đa chiều, mà còn bằng những hình ảnh, những video
clip chứng minh rất cụ thể (cái gọi là trăm tai nghìn mắt làm sao che được
hết). Thế nên, họ tìm mọi cách tuyên truyền, ngăn chặn sự tiếp cận của người
dân với facebook. Ở các thành phố lớn, điều này khó, nhưng ở các tỉnh xa trung
tâm, cách ngăn chặn, cô lập những người tiếp cận facebook ít nhiều không phải
là không có hiệu quả.
Một cô giáo của trường trung học cơ sở An Thái Đông,
huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, hoàn toàn có thể an phận với cuộc sống của mình
bằng việc lên lớp vào giờ hành chính, và dạy thêm ngoài giờ để kiếm sống. Tôi
không rõ trong công việc ở trường, cô tham gia, góp ý thế nào, nhưng trên
facebook, cô thể hiện là một con người không hề bàng quan, mà đầy trách nhiệm
với cuộc sống cộng đồng. Mặc dù điều cô có thể làm là chỉ bày tỏ quan điểm, thế
nhưng người ta sợ những quan điểm của cô làm “ảnh hưởng” theo chiều làm “sáng
mắt” lũ trò nhỏ, vốn thích tò mò vào facebook để khám phá. Những vấn nạn về
ngành giáo dục không chỉ mạng lề trái nói đầy rẫy, mà báo lề phải cũng ca thán
không ít. Thế nhưng để truyền tải được những thông tin đó đến những người dân
lao động, những lớp con cháu họ để thức tỉnh họ là điều không dễ dàng, khi mà
tâm lý an phận, sợ bị trù úm, cô lập đã làm ý thức phản kháng của đa phần người
dân gần như bị tê liệt.
Từ những lời xì xầm về việc cô giáo lên facebook,
phản ảnh những vấn nạn của xã hội nói chung, và của ngành giáo dục nói riêng,
nhà trường bắt đầu can gián, răn đe cô giáo, cho cô là nói xấu chế độ, nói xấu
nhà trường, là phản động. Nhà trường in những bài cô giáo viết trên facebook,
nộp cho công an. Và rồi công an đến nhà, bắt cô ký vào các bài viết đó.
Không trách được cô giáo khi ký theo yêu cầu của
công an. Bất cứ ai cũng có thể sẽ làm thế theo thói quen “tuân lệnh”, mà không
hề biết về quyền của mình. Bị cô lập, bị khủng bố tinh thần, mặc dù cô giáo tin
rằng mình chẳng làm gì sai, nhưng cô vẫn bị hoảng loạn đến mức từng tuyên bố
rời bỏ facebook.
Tuy nhiên, facebook có thể được coi như một món ăn
tinh thần quý giá, khó có thể thiếu được, nên ngay sau khi tuyên bố giã từ, cô
giáo đã trở lại. Nghĩa là cô đã không đầu hàng, cho dù cô cảm thấy mình rất cô
độc. Tôi nghĩ đó mới thực sự là những người dũng cảm.
Mặc dầu vậy, cô vẫn không thể không giãi bày nỗi
niềm: "trước đây cuộc sống tinh thần em rất sung sướng, an nhàn, từ khi
chơi facebook biết nhiều ...cảm thấy khổ !"
Biết nhiều mà thấy khổ, đó là cái tâm của người có
trách nhiệm. Cái khổ này là thấy người khác khổ mà lực bất tòng tâm. Nỗi niềm
của cô giáo khiến tôi thực sự cảm động. Nếu bạn ở trong một cộng đồng, chỉ cần
sự im lặng quay lưng lại của cộng đồng đó với bạn, đó cũng là một hình thức
khủng bố rất nặng nề về tinh thần. Không chỉ thế, với tư cách là một cô giáo,
hàng ngày đứng trên bục giảng, người lớn còn hướng cho các học sinh cách nhìn
nhận cô giáo của chúng như một kẻ phản động, xấu xa. Đó là điều đáng lo ngại và
đáng lên án nhất.
Tôi chỉ còn biết khuyên cô giáo hãy tự tin vào chính
mình. Khi người ta tin vào lẽ phải, bất cứ mọi sự dèm pha, dị nghị hay vu khống
nào rồi cũng sẽ thất bại trước sự thật. Tôi tin rằng cùng với thời gian, mọi sự
u mê rồi cũng sẽ qua.
Can đảm lên nhé, cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai.
Cô giáo với học trò
https://fbcdn-photos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash3/p110x80/549054_176502015867301_734295270_a.jpg
Cô giáo với bạn bè và đồng nghiệp
Một trong những điều mà cô giáo quan tâm trên
facebook: “...Nếu muốn xã hội mình đang sống trong sạch hơn, tốt đẹp hơn thì
mỗi người chúng ta phải phân biệt được đúng, sai, phải, trái. Hãy biết nói
không với những cái sai. Hãy biết lên án những cái xấu xung quanh ta. Hãy làm
những điều mình cho là đúng. Nếu như mọi người ai cũng bảo đó là sai mà không
dám lên tiếng, mọi người vẫn làm theo cái sai thì trách chi mọi thứ càng ngày
càng tệ. Thấy thằng ăn trộm vào nhà hàng xóm, biết nó làm sai mà mình không dám
la lên, nó lấy hết đồ hàng xóm rồi thì nó sẽ qua viếng nhà mình.”
Chia sẻ những tâm sự này có phản động không nhỉ?
Được đăng bởi Phương Bích vào lúc Thứ tư, tháng mười một 06, 2013
No comments:
Post a Comment