Thứ bảy 26 Tháng Mười 2013
Chủ đề đánh thuế 75% những người có thu nhập hàng năm
trên 1 triệu euro và đánh thuế các doanh nghiệp, trong đó có các câu lạc bộ
bóng đá vẫn được báo chí Pháp tiếp tục theo dõi và bình luận.
Trong bài xã luận : « Cuộc chiến của người nghèo, đình
công của cầu thủ », báo Le Monde châm biếm một bên là những người lao động
nghèo đang cố cứu vãn công việc của mình, dù thu nhập thấp và điều kiện lao
động vất vả. Bên kia là liên đoàn bóng đá Pháp, với những cầu thủ lương triệu
euro, quyết định đình công một ngày để phản đối dự luật thuế 75% áp dụng cho
những người có thu nhập hàng năm trên 1 triệu euro. Bài xã luận nhận định hài
hước rằng đây là lần đầu tiên « chủ một doanh nghiệp » (Liên đoàn bóng
đá Pháp) kêu gọi « nhân viên » đình công.
Trong bài : « Chống thuế 75%, các ông chủ ngành bóng
đá quyết định một ngày không thi đấu », chủ tịch của Liên đoàn các câu lạc
bộ bóng đá chuyên nghiệp Pháp (UCPF) biện minh hành động của họ là để cứu nền
bóng đá với 25 000 việc làm. Theo ông, hàng năm, ngành bóng đá Pháp đã nộp 750
triệu euro tiền thuế và giúp đỡ 130 triệu euro cho bóng đá nghiệp dư.
Dường như với Bộ trưởng Thể thao Pháp thì khoản đóng góp
đó chưa đủ. Ông thắc mắc tại sao một lĩnh vực đã được hưởng nhiều ưu đãi như
ngành bóng đá lại không đóng góp vào công cuộc khôi phục kinh tế mà người Pháp
đang thực hiện tại thời điểm này.
Báo Le Figaro tỏ ra đồng tình với phát biểu của tổng
thống Hollande rằng nếu dự luật thuế này được Nghị viện thông qua thì sẽ không
có một đặc cách nào hết, ngay cả đối với các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.
Nghi ngại vào khả năng quyết đoán của tổng thống, tác giả bài xã luận hài hước
: « Chúng ta hãy mong bàn tay không run rẩy vào phút chót của trận đấu này,
lúc mà chỉ có các cú sút ». Thế nhưng, liệu trong cuộc gặp gỡ sắp tới với
đại diện của Liên đoàn bóng đá Pháp, tổng thống Pháp có nhượng bộ như đã làm
trong vụ Leonarda ?
Trong một bài báo khác, Le Figaro cũng cho biết, « Hollande
từ chối nhượng bộ các câu lạc bộ bóng đá » cho tới thời điểm này. Nhiều dân
biểu tỏ ra ngạc nhiên tại sao các câu lạc bộ không chịu nộp thuế, trong khi đó
Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp vẫn nhận được tiền trợ cấp hàng năm từ Nhà
nước. Mùa giải 2012-2013, số tiền này lên tới 18,5 triệu euro, chiếm hơn 1%
ngân sách các câu lạc bộ. Ngoài ra, nhà nước còn đầu tư vào nhiều dự án cải tạo
hay xây dựng sân vận động mới cho giải vô địch Châu Âu 2016. Khoản tiền đầu tư
này chiếm tới 12% của 1,7 tỉ euro của dự án.
Trả lời câu hỏi có nên miễn thuế 75% cho các câu lạc bộ
bóng đá chuyên nghiệp, 83% độc giả trả lời của báo Le Figaro không đồng tình.
Được biết, các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp sẽ phải nộp 5% tổng doanh thu
của mình trong vòng hai năm, 2013 và 2014. Khoản tiền này lên tới 44 triệu
euro, trong đó chỉ riêng CLB Paris Saint Germain sẽ phải nộp 20 triệu.
*
*
Thứ sáu 25 Tháng Mười 2013
Các câu lạc bộ bóng đá nhà nghề Pháp hôm qua 24/10/2013 đã nhất trí đình
công vào tuần lễ cuối tháng 11. Đây là một hành động ngoạn mục để phản đối dự
án luật đánh thuế 75% đối với những người có mức thu nhập cao nhất. Được biết
lần cuối cùng giới bóng đá Pháp đình công trước đây là vào năm 1972.
Ông Jean-Pierre Louvel, Chủ tịch Liên hiệp các câu lạc bộ
chuyên nghiệp (UCPF) sau cuộc họp toàn thể đặc biệt hôm qua tuyên bố « đã
nhất trí với quyết tâm cứu vãn bóng đá, với một cuối tuần không có trận cầu nào
vào cuối tháng 11 ».
Ông Louvel cho biết các câu lạc bộ Liên đoàn 1 và Liên
đoàn 2 « kiên quyết phản đối dự án đánh thuế 75% » và nhấn mạnh : « Cần
ý thức về bi kịch đối với ngành bóng đá, Pháp là nước duy nhất đánh thuế các
doanh nghiệp bị lỗ lã. Tôi mong muốn hành động của chúng tôi sẽ làm thay đổi
chính sách về vấn đề này ».
Theo số liệu của UCPF, hai Liên đoàn 1 và 2 bị lỗ 108
triệu euro trong năm 2011/2012, lại vào thời điểm kinh tế khủng hoảng. Tuần tới
chủ nhân các câu lạc bộ bóng đá Pháp sẽ gặp gỡ Tổng thống François Hollande, để
yêu cầu bỏ chính sách đánh thuế 75%. Cuộc đối thoại hứa hẹn sẽ căng thẳng - Thủ
tướng Pháp hôm qua khẳng định các câu lạc bộ bóng đã sẽ phải được đối xử như « bất
kỳ doanh nghiệp nào khác ».
Có đến 85% người Pháp ủng hộ việc đánh thuế 75% bóng đá
chuyên nghiệp, theo một thăm dò dư luận công bố hôm qua. Đảng Cộng sản Pháp tố
cáo « việc vận động hậu trường quá đáng », còn ông Bruno Le Roux, chủ
tịch nhóm Xã hội ở Hạ viện nói rằng đây là « phản ứng của những đứa trẻ được
nuông chiều », « một cuộc đình công vô nghĩa ».
Để tranh thủ sự ủng hộ, các câu lạc bộ chuyên nghiệp tổ
chức một ngày vào cửa tự do các sân vận động, có các lãnh đạo tiếp đón người
ủng hộ để giải thích. Nhưng Michel Tonini, chủ tịch hội Yankees de l’Olympique
de Marseille cho rằng : « Để tránh mức thuế này, các câu lạc bộ chỉ việc trả
lương phù hợp với trình độ cầu thủ, mà hiện nay một số chơi rất tầm thường ».
Trận đấu được chú ý nhất trong tuần lễ đình công là trận
PSG – Lyon tối Chủ nhật 1/12, lẽ ra được kênh Canal+ truyền hình. Chưa biết đài
này có kiện các câu lạc bộ đòi bồi thường thiệt hại hay không.
Thứ Sáu tuần trước, các đại biểu Quốc hội Pháp đã thông
qua dự án đánh thuế những người có thu nhập cao nhất ở mức 75%. Đây là một phần
của dự án ngân sách 2014 mà Thượng viện phải xem xét, trước khi chuyển lại cho
Hạ viện biểu quyết.
Theo dự án đánh thuế này, những
người có thu nhập hàng năm trên một triệu euro, thì phần thu nhập vượt quá một
triệu sẽ bị đánh thuế 75%.
Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp rất giận dữ trước đề
án sẽ làm cho Liên đoàn 1 mất đến 44 triệu euro, nếu dựa theo thu nhập của 120
cầu thủ được trả lương cao nhất của 14 câu lạc bộ. Bên cạnh đó, tất cả các tổ
chức khác của bóng đá chuyên nghiệp Pháp là Liên đoàn Bóng đá Chuyên nghiệp
(LFP), Nghiệp đoàn các câu lạc bộ (UCPF), các cầu thủ (UNFP), các huấn luyện
viên (UNECATEF) và nhân viên hành chính (UAF) cũng đã quyết định tẩy chay ủy
ban về tính cạnh tranh của bóng đá do Bộ Thể thao thiết lập ngày 25/9.
No comments:
Post a Comment