Đôi lời: Tin nổi không? Xin thưa, không những đại biểu quốc hội được “dặn”
mà Tổng biên tập báo có lẽ còn được … “dọa” sẽ … mất ghế, nếu như không
cho cái tựa kia biến mất, để tái sinh trở thành: “Tham nhũng chưa bị
sát thương!“. Hu hu … Nghe đau như có vụ sát nhân, thương quá!
Nhưng cũng may, mấy chữ quý giá
đó đã được một độc giả kịp thời chụp ảnh màn hình rồi đưa lên
Facebook.
Bổ sung, sáng 8/11/2013: + Phòng chống tham nhũng: Nói nhiều rồi, làm đi thôi! (TT).
“… ông Lê Như Tiến kể: “Có nhiều đại biểu Quốc hội ở các địa phương
trong lúc giải lao hay trò chuyện thân mật với nhau … bọn em ở địa phương
không dám nói đâu, mà nói thì nhiều khi phiền lắm vì trước khi đi họp lãnh
đạo tỉnh đã căn dặn rất kỹ, bảo nói gì thì nói nhưng không được nói chuyện tham
nhũng. Vì nếu nói chống tham nhũng nhưng khi còn cơ chế xin – cho thì mình
xin ai cho, càng không nên phát biểu chuyện tham nhũng ở địa phương vì như thế
là vạch áo cho người xem lưng”. + “Còn
xin cho thì đại biểu còn bị dặn dò” (TT). Phỏng vấn ĐB Dương Trung
Quốc.
Chưa hết! Cố lục lọi trên mạng,
thì cũng còn được vài dấu tích khác:
Đúng như lời bình trên
một bài viết chúng tôi đã đăng sáng qua, “… có vẻ như đã có sự bắt
tay nhau, giữa ‘nhóm lợi ích’ với ‘nhóm chỉnh đốn’. Những màn ‘kiến
nghị’ này nọ từ Chính phủ về sửa đổi Hiến pháp xem ra chỉ như trò
‘làm eo’ để ngã giá, gây sức ép nhằm hạn chế đòn đánh tham nhũng, vừa giảm bớt
sức ép dư luận trong dân giữa ‘cơn bĩ cực’ mà thôi.”
Dù sao chúng ta cũng còn mừng
và thêm chút ít hy vọng, khi có được vài vị đại biểu quốc hội dám nói, như ông
Lê Như Tiến.
BT
*
*
Tham nhũng chưa bị sát thương!
07/11/2013 12:09 (GMT + 7)
TTO – Đại biểu Lê Như Tiến, Phó
chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc
hội đã nói như vậy tại phiên thảo luận sáng 7-11 về công tác phòng chống tội
phạm và tham nhũng.
Đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp
Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ: phát biểu gì cũng được, trừ
tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không nên phát
biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì vạch áo cho người xem lưng.
Vậy là cuộc chiến chống tham
nhũng có nguy cơ triệt tiêu trên diễn đàn Quốc hội.
Bày binh bố trận rầm rộ, nhưng tham nhũng chưa bị sát thương
Đại biểu Lê Như Tiến nói: “Báo
cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng đã thẳng
thắn thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng không đạt yêu cầu, tham nhũng
chưa được ngăn chặn và đẩy lùi”.
“Chúng ta đã bày binh bố trận
rầm rộ, chiến lược chiến thuật bài bàn, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực,
quân lực và hỏa lực hùng hậu nhưng tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu.
Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện”,
ông nói tiếp.
Cử tri cho rằng, nợ xấu về tài
chính tiền tệ đáng lo ngại nhưng không đáng lo ngại bằng nơ xấu lòng tin, tồn
đọng trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng.
Thảo luận ở tổ, có đại biểu đã
đề xuất cơ quan chức năng nên tập trung “bắt hổ” với những vụ làm thất thoát
của nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, hơn là chỉ bắt mèo nhỏ, chuột con, có như
thế mới giải tỏa được tâm lý trong dân: “Mèo ăn miếng thịt chẳng tha/ Hổ vồ con
lợn đứng ngoài thở than”.
Dư luận xã hội cho rằng công
tác phòng chống tham nhũng chỉ dừng lại ở việc bắt sâu nhỏ lá cành chứ chưa bắt
được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ. Đó mới là nguyên nhân chính làm suy
kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội.
Cơ quan chống tham nhũng dày đặc, nhưng dân phát
hiện tham nhũng
Có một nghịch lý là các cơ quan
phòng chống tham nhũng của ta tầng tầng lớp lớp từ trung ương đến địa phương,
song phần lớn các vụ án tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông
tin đại chúng phát hiện.
Gần đây, có hiện tượng đáng
buồn là người dân đã không còn mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng chống
tham nhũng. Thứ nhất là vì khi phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho các
cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý, cũng không phản hồi, im lặng
đáng sợ.
Thứ hai, người đấu
tranh chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng, bởi kẻ
tham nhũng vốn sẵn tiền và quyền lực, không từ bất cứ thủ đoạn nào như dùng xã
hội đen để dằn mặt, chủ động gây ra những vụ tai nạn giao thông, ngụy tạo chứng
cớ, tố cáo ngược người chống tham nhũng, lẻn bỏ ma túy vào nhà, vào xe… để vu
oan giá họa. Người chống tham nhũng đơn thương độc mã, dễ tạo tâm lý xã hội
người ngay sợ kẻ gian, hoặc thờ ơ vô trách nhiệm, hoặc “mặc kệ nó”.
Có người còn khuyên đại biểu
Quốc hội im lặng là vàng, nhưng đại biểu quốc hội là đại diện cho ý chí, nguyện
vọng của cử tri mà không nói được tiếng nói của cử tri thì suốt đời là người
mắc nợ.
MAI HƯƠNG ghi
No comments:
Post a Comment