Thursday, 21 November 2013

20-11 : CHUYỆN TỪ NHỮNG NGƯỜI THẦY (Phạm Minh Hoàng)




20-11-2013

Thường thì ngày 20/11 người ta viết về thầy để tri ân công ơn dạy dỗ. Nhưng bài này thì khác, tôi viết về một câu hỏi ray rứt suốt những năm tháng trên ghế nhà trường và còn kéo dài mãi về sau.

Ngày 20/11 còn là ngày Nhà giáo Việt Nam, nghĩa là chỉ liên quan đến Việt Nam, nhưng bài này tôi lại viết về người thầy Pháp của mình.

Tên thầy là Yves Meyer, giáo sư toán. Năm nay thầy 74 tuổi.

Tôi còn nhớ mãi những ngày tháng khai giảng của niên khóa 1974-1975 khi tôi bỡ ngỡ bước chân vào giảng đường 333 của Đại học khoa học Orsay, còn gọi là Đại học Paris-Sud. Phong thái của thày toán quả bao giờ cũng khác các thầy cô vật lý hay hóa học, nghĩa là hơi có vẻ bụi bụi. Tôi chưa hề thấy thầy Meyer đeo cà-vạt, lúc nào củng một cái pull cổ cao và bộ veste nhung màu rêu. Cách dạy của thày cũng “style” không kém, thày thường ra một câu hỏi, đứa nào trả lời trúng thưởng 5 quan. Thày đứng tuốt dưới bảng đen và liệng đồng cắc lên đứa đáp trúng. Nói chung thì thầy không dạy xuất sắc nhưng vui vẻ và dễ hiểu.

Nhưng điều tôi nhớ nhất ở thầy nằm ở một câu nói, và câu nói đó chẳng dính dáng gì đến toán.

Có một hôm trong tiết của thầy, tôi đang căng tai và cố gắng viết càng nhiều càng tốt thì bất chợt tôi nghe thầy nói một câu mà nó còn vang vọng trong tai tôi đến hàng chục năm sau:
- Les avions américains bombardent le Nord-vietnam. (tạm dịch là “máy bay Mỹ ném bom Bắc Việt”).

Thời gian ấy tiếng Pháp tôi còn kém lắm (mới sang chưa đầy một năm), chỉ có thể hiểu được cỡ 20 đến 30% nhưng không hiểu tai sao tôi lại nghe và hiểu rõ mồn một câu nói ấy, nhất nữa là trong khi tôi đang húi húi chép túi bụi.

Sau câu hỏi ấy tôi thấy thầy thao thao nói một tràng dài, mặt thầy đanh lại. Tôi chẳng hiểu ất giáp gì. Tại sao thầy lại tương cái câu thời sự này vào buổi học toán? Cuối cùng thầy kết thúc “c’est lamentable” (thật thê thảm). Không khí giảng đường căng thẳng. Nhưng người căng thẳng nhất phải là tôi. Vì không cần phải giỏi tiếng Pháp ai cũng hiểu là thầy đang bênh cho cộng sản Bắc Việt. Vào thời buổi ấy, chiến sự Việt Nam gia tăng, tinh thần anh em du sinh chúng tôi cũng sục sôi không kém. Học xong là anh em vứt tập vở, xuống đường “ứng chiến” với tụi sinh viên VN thân cộng. Nhóm chúng tôi chỉ có 5 thằng đối đầu với một “lực lượng địch” đông gấp 3 gồm cả Tây cộng (Tây đen,Tây trắng lẫn Tây nâu).

Tâm trạng căng thẳng nhưng không biết phản ứng thế nào. Giơ tay lên nói thì không dám (vì tiếng Pháp yếu quá) mà để yên thì không chịu được. Lúc về nhà đem nói với lũ bạn thì chúng nó đều bàn ra:
- Mày mà đến gây sự với ông ấy thì tiêu đời. Mày có thấy các trợ giảng cũng thân cộng như ổng không? Nó trù thì mày chỉ có chết.

Quả đúng như thế, trong các trợ giảng thì còn có một người Việt Nam tên Bạch Vân, cũng là một người theo cộng sản. Rồi còn bà Tâm, bà Phạm mình cũng chưa biết chính kiến các bà ấy như thế nào.

Phải nói trong thập niên 70, chủ nghĩa cộng sản bao trùm hơn nửa trái đất. Ngoài Liên Xô, Trung quốc còn khối Varsovie, Cuba, Nicaragua, Angola… đó là chưa kể các nước “hồng hồng” như Ấn độ, các nước Bắc phi. Thuở ấy, đảng cộng sản Pháp chiếm một lượng cử tri kỷ lục, họ nắm 1/4 ghế trong Quốc hội và thao túng các công đoàn. Tôi còn nhớ có lần ông Pierre Juquin, một ủy viên bộ chính trị đảng công sản Pháp đến Đại học Orsay, người ta đã căng một tấm băng-rôn chào mừng ngay tại cổng chính. Thậm chí bộ trưởng đến thăm cũng chưa được cái vinh dự ấy. Thanh thế đàng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản lên cao chưa từng thấy. Tóm lại đâu cũng gặp “kẻ thù”.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản còn đặc biệt ảnh hưởng lên giới trí thức. Tại Pháp cũng như nhiều nước Âu châu lúc ấy đi theo chủ nghĩa cộng sản gần như là một phong trào, một cái mốt. Người ta theo đơn thuần chỉ là “thấy thằng lớn oánh thằng nhỏ là bênh thằng nhỏ”, cũng giống như ở VN hễ cứ xe hơi đụng xe máy là xe hơi lỗi….

Tôi nghĩ thầy Meyer cũng là một trong những số đó. Nhưng nói gì thì nói, tôi nhất quyết không “bỏ qua” vụ này. Đối với tôi, tôi phải “rửa hận” cho các chiến sĩ VNCH đang căng người ra bảo vệ đất nước trước làn sóng xâm lăng của hơn 10 sư đoàn đang ồ ạt vượt sông Bến Hải, cho dù hiệp định Paris ký kết còn chưa ráo mực. Tôi biết là thầy “chỉ có chết” khi tôi nói về vụ thảm sát Mậu thân năm 68 và gần đó nhất là vụ quân cộng sản pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) làm gần 100 em nhỏ chết và bị thương năm 1974. Tôi đã “thủ” sẵn các câu nói cũng như hình ảnh, chỉ chờ thầy đề cập đến chuyện này lần nữa là “tung chưởng” ngay giữa giảng đường, rồi mặc kệ chuyện nó ra đâu thì ra.

Nhưng cái ngày ấy đã không tới, sau năm đó tôi chuyển ngành và không có dịp gặp lại thầy. Điều đó đã ray rứt tâm hồn tôi trong nhiều năm liền. Tôi có cảm tưởng đã không làm tròn trách nhiệm của mình, cho dù chẳng có ai phó thác cho tôi cái sứ mạng ấy.

Năm tháng trôi qua, tôi trở về VN và bắt đầu công việc giảng dạy toán ứng dụng ở Đại học Bách Khoa TP.HCM. Thỉnh thoảng nhờ gu-gồ mà tôi biết được thầy vẫn còn làm việc, thậm chí thầy còn đạt được rất nhiều thành công. Vang dội nhất là thầy trở thành thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp và được giải Gauss trong cùng buổi lễ mà giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải Fields tại Ấn Độ. Tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ có dịp nhắc lại chuyện cũ, mà có lẽ giờ này thầy cũng không nhớ.

Nhưng cuộc đời lại quyết định theo một hướng khác.

Tháng 8/2010 tôi bị nhà nước VN bắt và bị kết án 17 tháng tù theo điều 79 Bộ Luật Hình sự: Âm mưu lật đổ chính quyền. Ra tù tôi nằm chèo queo ở nhà để lãnh tiếp 3 năm quản chế.

Tháng 8/2012 tôi bất ngờ tiếp hai người khách từ phương xa, giáo sư Michel Waldschmidt và giáo sư Pierre Cartier. Những tên tuổi lớn của toán học Pháp. Tôi quen thầy Waldschmidt tử hồi dạy ở ĐHBK qua một buổi thuyết trình về hàm diophante. Tôi đã đưa thầy đi tham quan ba ngôi chùa ở Sàigòn và chúng tôi trở nên bạn nhau từ đấy. Khi tôi bị tù, thầy có đến tận nhà thăm hỏi và sau đó lập một kiến nghị lên chính phủ Pháp có những biện pháp để trả tự do cho tôi. Kiến nghị đã được nhiều giáo sư Pháp hưởng ứng. Nghe tôi được tự do ông đã thu xếp và nhân tham dự Hội nghị Toán học tại Huế, ông đã đến hỏi “cho ra lẽ” câu chuyện của tôi. Ông dẫn theo người bạn là giáo sư Cartier.

Gs Cartier năm nay đã ngoài 80, ông là một chuyên gia về hình học đại số và hiện vẫn còn làm việc cho một Trung tâm nghiên cứu. Cả hai nhà toán học ngồi lặng nghe câu chuyện của tôi, vừa thích thú vừa xót xa. Kết thúc câu chuyện, thầy Waldschmidt nói:

- Tôi rất hiểu những khó khăn tình trạng cô lập này, nhưng cậu đừng lo, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ và giới thiệu cậu đến các đồng nghiệp. Họ sẽ biết và nhớ đến cậu.

Lúc ấy thầy Cartier mới lên tiếng.
- Michel (tên gọi của thầy Waldschmidt) đã kể hết cho tao nghe chuyện của mày. Tao rất thông cảm và chia sẻ khó khăn này. Để tao kể cho mày nghe, trong bài phát biểu của tao trước Hội nghị, tao đã kết luận rằng “Chỉ trong môi trường tự do toán học mới có thể phát triển tốt đẹp”. Nói rồi thầy cười, một nụ cười tinh nghịch như vừa làm được một cái gì thích thú. Nhưng đối với tôi, đây có lẽ là lời động viên hay nhất mà tôi nghe được từ khi ra tù. Tôi nhìn sâu vào mắt của thầy để gởi gấm hết tấm lòng biết ơn của mình. Sau đó chúng tôi lan man sang các chuyện khác. Đến một lúc thầy Cartier buột miệng hỏi:
- Mày có biết tên tuổi các nhà toán học Pháp chứ? Thầy Cartier gãi ngay chỗ ngứa, tôi phun ra một lô tên: Descartes, Lagrange, Laplace, Galois, Cauchy, Poisson…
- Đúng phóc, thế các nhà toán học gần đây, mày có biết ai không? Chà! chỗ này không phải là chỗ ngứa, nhưng tôi cũng tìm ra được Henri Cartan [1] và Laurent Schwartz. Thầy Cartier gật gù ra vẻ thán phục. Nhưng tôi thì chưa hài lòng, phải chứng tỏ kiến thức của mình. Trong lúc bối rối, chợt nhớ đến thầy cũ:

- Ông có biết Yves Meyer không? thầy Cartier trợn tròn con mắt màu xanh ve chai của mình:
- Mày cũng biết Meyer à?
- Dạ, đó là thầy của em ở Đại Học Orsay.
Thầy Cartier nở một nụ cười ranh mãnh:
- Vậy thì tao lả… ông nội của mày rồi!
Đến lượt tôi căng con mắt ra:
- Thế ra là…
- Ừ, tao là thầy của Yves Meyer!

Quả trái đất tròn thật. Tôi ào ào kể cho thầy những kỷ niệm về thầy Meyer nhưng tuyệt không nhắc đến chuyện máy bay Mỹ. Thầy Waldschmidt bất ngờ xen ngang nói:
- Này! Meyer cũng ký vào bản kiến nghị trả tự do cho cậu đấy!
Thật à! Tôi sững người!
- Thế cậu chưa xem website của tớ à?

Và đó là điều đầu tiên tôi làm khi về đến nhà. Quả thực như thế. Nằm giữa tên các nhà khoa học Pháp là chữ Yves Meyer sờ sờ. Tôi yên lặng một hồi lâu rồi gởi cho thầy một email cảm ơn. Thầy phúc đáp ngay và nói cho tôi biết rằng thầy đã vận động và gởi kiến nghị đến những địa chỉ có uy tín trong làng giáo dục Pháp.

Nhưng câu chuyện cũ ngày xưa vẩn âm ỉ trong tôi và tôi mong có câu trả lời thỏa đáng. Tôi ngồi viết một email dài dòng nhưng nghĩ sao xóa sạch chỉ giữ lại câu cuối: “Em cảm ơn thầy đã nghĩ đến em, nhưng em muốn biết động cơ nào khiến thầy đi tranh đấu cho một người chống lại cái chế độ mà trước đây thầy đã ra sức bênh vực nó”. Rồi tôi bấm nút Send.

Đợi một ngày, hai ngày rồi một tuần, hai tuần vẫn không thấy hồi âm. Tôi nghĩ chắc thầy giận. Nhưng cuối cùng thầy cũng trả lời. Email thầy trống không nhưng lại kèm theo một tập tin. Thầy gởi cho tôi bài diễn văn đọc trong một hội nghị toán học ở Madrid tháng 9/2001. Trong đó tôi thấy có dòng: “Les mathématiques signifient la liberté et l’égalité” - tạm dịch là “Toán học có nghĩa là tự do và bình đẳng”.

Chợt nhớ đến những gì thầy Cartier đã nói với tôi trước đó. “Chỉ trong môi trường tự do toán học mới có thể phát triển tốt đẹp”. Tôi không nghĩ rằng thầy Meyer đã “hội ý” với thầy của mình để trả lời cho tôi, nhưng đơn thuần đây là suy nghĩ của những trí thức chân chính. Ngày xưa họ bênh vực cho người cộng sản (thậm chí bênh vực cho cả chủ nghĩa cộng sản như Pierre Juquin), vì họ nghĩ rằng nó tốt, nó đang bị hà hiếp. Nhưng sau những biến cố thuyền nhân VN vào thập niên 80, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu thập niên 90, sự xuống dốc không phanh của đảng cộng sản Pháp mười năm trở lại đây đã bắt buộc họ phải suy nghĩ lại, và từ đó sẵn sàng đứng ra tranh đấu cho những người đang bị tù đày chỉ vì chính kiến, đơn giản chỉ là vì chúng tôi, vì chúng ta thực sự có chính nghĩa.

Cartan, Cartier, Meyer và tôi, cả bốn thế hệ đều là những nhà giáo”, ý nghĩ ấy khiến cho tôi vui mừng vì được “đứng ké” bên cạnh những tượng đài của toán học. Nhưng điều mà tôi vui mừng và hãnh diện hơn cả là có thể đứng ngang hàng với họ về một ý tưởng đã theo đuổi chúng tôi trong suốt cuộc đời. Đó là: Chỉ có tự do mới giúp cho con người phát triển toàn vẹn.

Sàigòn, 20/11/2013

Phạm Minh Hoàng
_______________________

[1] Henri Cartan là thầy hướng dẫn của thầy Cartier. Năm 1974, Cartan đã đấu tranh để nhà toán học Liên Xô  Léonide Pliouchtch được trả tự do, ngoài ra ông còn tham gia trong Hiệp hội bào vệ nhân quyền ở Paris.

[2] Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2007. Đảng CS Pháp chỉ được vỏn vẹn 1.9% số phiếu. Hiện nay chỉ có 7/577 dân biểu. Trong Đại hội đảng lần thứ 36 (2013), đảng CS Pháp đã quyết định từ bỏ biểu tượng búa liềm.







No comments:

Post a Comment

View My Stats