Việt
Nguyên
Thursday, August 01, 2013 8:49:29 PM
LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên www.ngay-nay.com
***
“Chúng tôi yêu đất nước này và chúng tôi sẽ làm tất cả
những điều tốt đẹp nhất cho nước Mỹ”. Lời Tổng thống Obama nói về cựu Tổng
thống George W. Bush hồi tháng tư năm 2013 khác hẳn với thái độ kém thân thiện
của ông đối với hai vị Tổng thống Bush tiền nhiệm vào bốn năm trước trong thời
kỳ tranh cử và khi mới lên cầm quyền. Trong nhiệm kỳ đầu, T.T. Obama gặp hai
ông Bush bố và con đúng 5 lần trong bốn năm. Năm nay trong ba tháng, Tổng thống
Obama đã gặp các ông Bush ba lần, trong tháng tư ngày khánh thành thư viện Tổng
thống George W. Bush ở Texas đến tháng sáu ở Phi Châu, ông đã ca tụng ông Bush
con hết lời từ chương trình cứu trợ bệnh nhân bệnh AIDS đã cứu hàng triệu người
ở Phi Châu cho đến chương trình thiện nguyện của Tổng thống Bush bố.
Đứng vào vai trò Tổng thống cường quốc duy nhất trên thế
giới hiện nay, tổng thống Obama đã thay đổi khi phải đối phó với những khó khăn
của những vấn đề đối ngoại từ chiến tranh Iraq qua Á Phú Hãn đến Syria, Lybia
và Ai Cập. Ông đã đặt mình vào vị trí của cựu Tổng thống Bush và không còn chỉ
trích đường lối của hai vị Tổng thống Cộng hòa tiền nhiệm. Vụ Edward Snowden
xảy ra vào đầu tháng sáu năm 2013 đã cho thấy các ông Tổng thống Hoa Kỳ, dù
Cộng hòa hay Dân chủ, đều đi đúng theo một chính sách có lợi cho quốc gia họ dù
rằng ngoài mặt khác nhau với những lời tuyên bố trái nghịch.
Edward Snowden và cơ quan NSA
Câu chuyện Edward Snowden đổ bể, giống như chuyện tiểu
thuyết giả tưởng của nhà văn nổi tiếng George Owell xuất bản vào năm 1949. Cuốn
“1984” cùng với “Trại súc vật “nhằm chỉ trích mỉa mai xã hội Cộng Sản Xô Viết
thời độc tài Stalin, con heo làm cách mạng, lên làm người dành độc quyền lãnh
đạo, “tất cả con thú đều bình đẳng nhưng có con thú được bình đẳng hơn con thú
khác” bất cứ “con gì đi hai chân đều là kẻ thù” lãnh đạo dành những thức ăn
ngon quên quá khứ của mình đã từng là con thú. “Cuốn “1984” chỉ trích cả xã hội
của Josep Stalin lẫn xã hội Anh “tự kiểm duyệt” ngôn luận với “các anh cả, luôn
luôn dòm chừng”, “cảnh sát tư tưởng” kiểm soát tư tưởng của dân, “bộ sự thật”
dối trá với “lời nói hai nghĩa”. Hơn sáu mươi năm trước George Orwell đã tiên
đoán thế giới chia ba, nhân vật chính của câu chuyện là Winston giống hệt như
Edward Snowden, chạy trốn từ quốc gia ở giữa biển, Oceania, qua quốc gia phía
đông Á Châu, Eastasia, từ đó Winston gởi thông điệp viễn liên qua màn ảnh
truyền hình về cho dân Oceania cảnh báo cho dân biết về tình trạng đàn áp của
chính quyền độc tài, mở thơ kiểm duyệt giống như các chế độ Cộng Sản như thời
Việt Nam sau 1975, kiểm soát tư tưởng, “đá giầy bốt vào mặt những người dân
chống đối “như thời Joseph Stalin và bọn công an cộng sản Nga, Tàu, Việt Nam.
Những cảnh đàn áp chưa xảy ra nhưng cảnh sát của bộ sự thật, “Anh cả” (Big
brother) dòm ngó vào các đường dây liên lạc đã xảy ra ở Mỹ qua sự tiết lộ của
Edward Snowden
Câu chuyện cơ quan an ninh quốc gia NSA dò thám, nghe lén
điện thoại, xem thư, điện tín của dân và các chính quyền các nước khác không có
gì lạ. Trong thời chiến tranh Việt Nam, NSA đã nghe lén điện đàm và điện tín
liên lạc giữa tòa đại sứ VNCH và Dinh Độc Lập nhất là trong giai đoạn hòa đàm
Paris. Họ giải mật được những bức thơ của Đại sứ Bùi Diễm gửi Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu.
Trong thập niên 1970, cơ quan tình báo CIA và cơ quan NSA
đã tự lộng hành bất hợp pháp ở trong và ngoài nước không cần xin phép Tổng
Thống hay quốc hội, kết quả là Thượng và Hạ viện phải thành lập những ủy ban
tình báo tiếp đến là thành lập tòa án đặc biệt liên bang tình báo FISA.
Năm 2000 qua chương trình Echolon, các cơ quan tình báo
và NSA đã dùng vệ tinh, dây cáp dưới biển và máy điện toán tìm kiếm, dò xét tin
tức khắp thế giới. Năm 2001, tờ Washington Post đã báo động là mỗi ngày cơ quan
NSA đã dò xét hơn 11 tỷ thư điện tử và điện thoại.
Vào năm 1999, ông Michael Hayden xem phim trinh thám “Kẻ
thù của quốc gia” (Enemy of State, 1998) với tài tử da đen nổi tiếng Will
Smith. Trong phim Will Smith một công dân bình thường giỏi điện toàn tình cờ
xâm nhập vào hệ thống tình báo của NSA và cuộc đời của anh từ đó bị xáo trộn,
đời sống trở thành địa ngục dưới áp lực của FBI,CIA và NSA. Ông Hayden nói với
nhân viên là cơ quan NSA có bộ mặt xấu đối với dân Mỹ cần phải thay đổi, nhưng
năm 2001 sau biến cố 9/11 ở Nữu Ước ông Hayden lại thay đổi quan điểm, chủ
trương Hoa Kỳ phải trang bị với “cảnh sát mật” để hoàn toàn kiểm soát dân Mỹ.
Phó tổng thống Dick Cheney cực đoan hơn, chủ trương Hoa
Kỳ phải có chương trình cảnh giác hoàn toàn, công dân dò xét hàng xóm để chống
khủng bố, chương trình giống như hệ thống công an của các nước Cộng Sản, nhưng
dân Mỹ không chấp nhận. Phó tổng thống bí mật thực hành chương trình của ông.
Ông Michael Hayden sau đó nhận lãnh trách nhiệm giám đốc cơ quan CIA. Nhà báo
James Risen của tờ New York Times đã viết bài cảnh cáo: “T.T. Bush đã cho phép
nghe lén điện thoại mà không cần trát tòa”, giống như Will Smith trong phim “kẻ
thù của quốc gia”, nhà báo Risen gặp rắc rối, bị chính quyền Bush hăm dọa truy
tố ra tòa cho đến nay dưới chính quyền Obama sự đe dọa này cũng chưa được bãi
bỏ.
Trong thời kỳ tranh cử năm 2007 và 2008, ứng cử viên
Obama đả kích chính quyền Bush kịch liệt, chống việc theo dõi dò xét dân không
cần đến trát tòa, nhưng trong năm năm qua khi trở thành tổng thống ông Obama đã
giống như ông Bush. Chương trình dò xét, xem lén thơ từ của chính quyền Obama
bành trướng rộng hơn chương trình của chính quyền Bush. Báo Guardian ngày 6 và
7 tháng sáu năm 2013, đã vạch ra chín công ty điện tử lớn của Hoa Kỳ trong đó
có Apple, Google và Microsoft đã cộng tác, đưa tất cả tin tức cá nhân vào nội
dung thư từ cho chính quyền, họ quên mất một điều quan trọng trong hiến pháp
Hoa Kỳ xác định sự riêng tư (privacy) là một nhân quyền của con người. Chính
quyền cộng hòa dân chủ tôn trọng sự bí mật và sự riêng tư của người dân, điểm
khác biệt rõ rệt nhất phân biệt với chính quyền cộng sản.
Ông Obama có cùng một thời trang với giới trẻ Apple,
Facebook, hứa hẹn, hiện đại, dáng điệu “hip” “cool” khác với chính khách kiểu
cổ. T.T. Obama hứa thay đổi, hy vọng, còn Google hứa hẹn sẽ “không là qủy”
nhưng lời hứa không thực hiện khi chương trình dò thám bành trướng. Chương
trình của chính quyền Obama bí mật mặc dù có trát tòa. Trong thời kỳ chiến
tranh lạnh, các tin tức riêng tư khó thu thập, gián điệp phải dựa vào giấy như
trong những truyện trinh thám gián điệp của John Le Carré, gián điệp Smiley
trao đổi cặp táp trong đó là những hồ sơ mật, nay với kỹ thuật truyền tin,
chương trình Obama dễ thu thập tin tức cá nhân qua các máy phục vụ điện toán.
Chương trình Obama chỉ khác với chương trình mật của Phó
tổng thống Dick Cheney về mặt pháp lý có trát tòa nhưng bù lại thu thập nhiều
hồ sơ hơn. Trong khi làm việc cho CIA và NSA với vai trò phân tách viên cho
Broz Allen Hamilton, Edward Snowden đã cho thấy với kỹ thuật quốc phòng tân
tiến, NSA đã lấy hơn 280 triệu hồ sơ của thường dân Mỹ không dính đến khủng bố.
Chính quyền xem mọi người như quân khủng bố cho đến khi được chứng minh vô tội,
luật pháp đòi hỏi trát tòa nhưng tòa FISA luôn luôn bí mật và chấp thuận 99%
yêu cầu từ các cơ quan chính quyền. Các điều căn bản này trái ngược với chủ
trương của ứng cử viên Tổng thống Barack Obama và quyền làm người của người dân
trong xứ dân chủ. Tổng thống Obama vô tình làm đúng điều Phó tổng thống Dick
Cheney nói ngay sau biến cố 9/11. “Hoa Kỳ sẽ trở nên một nước được cai trị bởi
người chứ không bởi luật pháp!”
Ngay sau ngày Edward Snowden tiết lộ các chi tiết mật về
hệ thống tình báo Hoa Kỳ đối với dân Mỹ, ngày 7 tháng 6, Tổng thống cho biết
chính quyền không nghe lén điện thoại nhưng ông đã đi sai vấn đề. Giám đốc cảnh
sát Nữu Ước, ông Ray Keller đã bất đồng ý kiến với Tổng thống “ở nước dân chủ,
không bao giờ chính quyền có chương trình bí mật đối với dân”. Chính quyền
không nghe lén điện thoại lúc này nhưng nếu muốn chính quyền có thể nghe với
trát tòa FISA. Ngay cả đại diện dân cũng có thể gặp rắc rối, có 8 dân biểu được
tường trình về chương trình dọ thám nhưng không được tiết lộ những điều họ biết
vì bị cấm.
Edward Snowden phạm luật, tiết lộ bí mật đúng vào ngày
Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ họp hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Obama, vì lương
tâm cắn rứt hay là gián điệp phải chạy qua Hồng Kông rồi ghé Nga, chưa ai rõ
cho đến khi anh chàng trẻ tuổi bị dẫn độ về Mỹ. Người bênh vực Snowden cho anh
là anh hùng, chính quyền Hoa Kỳ xem Snowden là kẻ phản bội, chỉ có một điều chắc chắn là Edward Snowden
vô tình làm hại cho những cuộc đấu tranh dân chủ.
Trong 70 năm qua, Hoa Kỳ đã bảo đảm hòa bình và ổn định
trên thế giới bằng những chiến thuật và chính sách qua những cơ quan thế giới,
bảo vệ đường giao thông thương mại kể cả đường biển nay Trung Cộng với Tập Cận
Bình nhất quyết đưa Trung Hoa lên hàng đầu thế giới với “giấc mơ Trung Hoa” và
xã hội hài hòa đi ngược với con đường Hoa Kỳ đã đi, họ dựa trên tăng trưởng
kinh tế với định hướng xã hội mà không cải tổ xã hội để 100 triệu người Trung
Hoa vẫn còn trong cảnh nghèo, thiếu cơ hội cạnh tranh với con ông cháu cha gốc
hoàng tộc. Xã hội Trung Hoa với các thành phần đối lập không được tự do phát
biểu, tự do ngôn luận. Giấc mơ của những
người Trung Hoa khác với giấc mơ của chính quyền Trung Cộng. Giấc mơ của họ là
“giấc mơ qua Mỹ thành người Mỹ”.
Những đàn áp dân chủ đối lập ở Việt Nam và Trung Hoa gia
tăng sau ngày họp thượng đỉnh Mỹ Hoa nhất là các cuộc đàn áp nhắm vào thành
phần đối kháng dùng “blog”. Kỹ thuật điện toán, truyền tin mạng lưới không còn
cái “huyền thoại” kỹ thuật truyền thông đã đánh đổ chế độ cộng sản Xô Viết và
Đông Âu trong thập niên 1980-1990. Mạng lưới là phương tiện và dụng cụ. Xã hội
cộng sản Trung Hoa và Việt Nam không còn ở vào thời kỳ chậm tiến khi kỹ thuật
truyền thông mới phát triển. Phương tiện nào cũng có hai mặt tốt và xấu tùy
người xử dụng. Kỹ thuật truyền thông cũng có hai mặt giống như thần Shiva trong
huyền thoại Ấn Giáo vừa sáng tạo vừa phá hủy. Kỹ thuật cải thiện đời sống con người nhưng không cải thiện được con
người. Kỹ thuật truyền thông đem tin tức, loan truyền tin tức nhanh nhưng
đồng thời phá hoại các liên hệ gia đình và xã hội, cha mẹ con cái sống trong ảo
ảnh lúc nào cũng có gia đình bên cạnh. Nhờ kỹ thuật nhưng cũng vì kỹ thuật con
người quên bộ óc không còn suy nghĩ . Tin tức được loan truyền nhanh chóng
thiếu phối kiểm không như tờ báo giấy. Các thư điện tử được loan truyền mất
tính cách riêng tư. Phương tiện truyền thông ở trong tay qủy có tính cách phá
hoại với tin tặc. Trận chiến trên mạng không khác gì những kỹ thuật cổ mà từ
năm 1929, nhà khoa học Dermond Bernal đã cảnh cáo: “ nhân loại sẽ chia rẽ với
hai con đường đi, một con đường kỹ thuật và một con đường của người xưa sống tự
nhiên với những giá trị cổ truyền”. Ông Bernal đã quan tâm tiên đoán những tai
hại của kỹ thuật từ bom nguyên tử đến chiến tranh hơi ngạt.
Năm 1947, giáo sư toán đại học Harvard Nobert Weiner,
chuyên về động học (Cybernetics) đã giận dữ vì bom nguyên tử thả xuống Nagasaki
Nhật, trở thành nhân vật tranh đấu, ông luôn luôn cảnh cáo về Máy đã thay cho
Người. Các sách viết theo ông cũng tiên đoán chính xác về tình trạng kinh tế và
chính trị thế giới và nhân loại bị sẽ ảnh hưởng nặng bởi máy điện toán “bất cứ
quốc gia nào chấp nhận những điều kiện lao động tùy thuộc máy điện toán sẽ trở
thành một xã hội nô lệ”. Câu trả lời là phải xây dựng một xã hội dựa trên giá
trị nhân bản hơn là chỉ mua bán. Xã hội ấy đã thấy rõ hiện nay ở Trung Hoa. Ở
thập niên 1950, ông đã bảo người Nga “khoa học phải đứng ngoài chính trị”. Chế
độ Marx Lenin của Xô Viết và các quốc gia Cộng Sản đã xử dụng kỹ thuật phá hoại
giá trị con người.
Kỹ thuật mạng lưới Internet được phát minh từ thời Tổng
thống Eishenhower năm 1957 sau khi phi thuyền Nga Spunik được phóng lên không
gian. Dự án quốc phòng ARPA nối mạng lưới điện thoại để kiểm soát phi vụ. Sau
đó ông Tim Berners Lee làm việc trong cơ quan CERN Thụy Sĩ năm 1993 phát minh
w.w.w. Ông hy vọng với phát minh quan trọng nhất sau kỹ thuật in sách thời
Trung Cổ, Guttenberg, nhân loại sẽ tiến bộ trong việc thông tin mang đến tự do
tư tưởng và ngôn luận. Cùng năm 1993, Jaron Lanier cũng cho rằng “mạng lưới
thông tin quan trọng giúp con người học hỏi, ghi nhận thông tin mới hàng triệu
người tham dự mà không bị quảng cáo thương mại, chính trị hay bị cảnh cáo trừng
phạt từ chính quyền” Nhưng sự thật không được như ông Lanier mong muốn, thương
mại nhảy vào Google của Larry Page và Sven Berken nhà giáo dục, đã cho thấy
“báo điện tử phá hoại khả năng hấp thụ” Máy Google biết hết tất cả sở thích cá
nhân lựa chọn của từng người đưa quan điểm một chiều chỉ cho độc giả đọc những
gì họ muốn đọc, con người không cần phải nhớ, chỉ dựa vào máy điện tính và điện
thoại di động. Amazon biết tất cả sở thích cá nhân để bán sản phẩm. Lên Gmail,
Hotmail, Yahoo, Blog, tất cả bí mật cá nhân biết mất.
Năm 1999 Wendell Berry cảnh cáo “mạng lưới chia đôi thế
giới, một bên là con người có óc sáng tạo, một bên là con người sống như cái
máy”. Thật là một điều nghịch lý những người có óc sáng tạo như Sergey Bin,
Bill Gates lại tạo ra một thế giới người máy!
Con dao hai lưỡi Facebook, Twitter đã giúp cách mạng “mùa
xuân Á Rập” nhưng ngược lại nó cũng là dụng cụ của các chính quyền độc tài,
Cộng Sản bắt bớ, theo dõi các thành phần tranh đấu đối lập.
Sau khi Edward Snowden, người trẻ 29 tuổi, thiên tài điện
toán tiết lộ bí mật của cơ quan NSA thì cơ quan lại phát triển mạnh hơn, chính
quyền Hoa Kỳ xây dựng giữa Utah, ngoài thành phố Salt Lake City, một trung tâm
thu thập tin tức lên đến 1.7 tỷ Mỹ Kim sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm nay.
Những tin tức của NSA không thật sự tuyệt đối. Trong thời
chiến tranh Việt Nam, cơ quan NSA dò xét Việt Nam Cộng Hòa nhưng không giải mật
được tin tình báo của Bắc Việt, họ chỉ đúng một lần trong năm 1968, đoán VC sẽ
có một cuộc tấn công lớn dựa trên sự chuyển quân chứ không dựa trên tin tình
báo, nhưng lần đúng duy nhất đó của NSA lại không được tướng Westmoreland tin.
Sau 1975, những anh hùng không tên tuổi của VNCH, các mật mã viên Việt Nam làm
việc với chương trình NSA bị chính quyền cộng sản giết hết trong các trại cải
tạo.
Nếu cơ quan NSA và tướng Westmoreland nghe những tin tình
báo của VNCH cung cấp trong thời kỳ chiến tranh thì có lẽ giờ đây, năm 2013,
ông Trương tấn Sang sẽ không có dịp đến Hoa Kỳ gặp Tổng thống Barack Obama vào
ngày 25 tháng 7 năm 2013 ?
"Trong thời chiến tranh Việt Nam, NSA đã nghe lén điện đàm và điện tín liên lạc giữa tòa đại sứ VNCH và Dinh Độc Lập nhất là trong giai đoạn hòa đàm Paris. Họ giải mật được những bức thơ của Đại sứ Bùi Diễm gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu"(trích). Đây là lời kể của một người Việt đang tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ sau biến cố năm 1975. Tôi thấy rằng những việc làm vi phạm nhân quyền của chính phủ Mỹ đã có từ cách đây gần 50 năm rồi, nó đã thành hệ thống cung cấp dữ liệu cho các đời tổng thống Mỹ. Trước mặt người dân thì các vị tổng thống Hoa Kỳ luôn dùng những mỹ từ thể hiện đạo đức nhưng hàng tuần vẫn bật máy tính xem tất cả những thông tin được tổng hợp từ các chương trình nghe lén điện thoại, gián điệp mạng. Vụ Edward Snowden không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ bị tố cáo xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền. Ở Mỹ hay Đức đều thế cả, vì mục đích chính trị, các chính phủ vấn cho phép cơ quan an ninh những đặc quyền xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của chúng ta.
ReplyDelete