Saturday, 10 August 2013

VỤ PHẾ THẢI TÀU NGẦM NGUYÊN TỬ USS MIAMI (Hà Tường Cát)




HÀ TƯỜNG CÁT
Friday, August 09, 2013 4:03:18 PM

Hôm Thứ Tư 7 thàng 8,  Hải Quân Hoa Kỳ loan báo không sửa chữa lại và sẽ phá hủy làm sắt vụn chiếc tàu ngầm nguyên tử USS Miami, danh số SSN-755.

Tàu đã bị hư hại nặng vì hỏa hoạn do một công nhân bất mãn gây ra ngày 23 tháng 5 năm 2012,  khi đang được  tu sửa thường kỳ trong ụ cạn tại công xưởng hải quân  Portsmouth ở Kittery tiểu bang Maine. Chi phí sửa chữa, thoạt đầu ước lượng $450 triệu, về sau tính lại phải tốn tới hơn $700 triệu và Hải Quân cho rằng quá khả năng đài thọ trong tình trạng ngân sách quốc phòng đang chịu nhiều cắt giảm.

Những tranh luận về quyết định này  không phải là chuyện lạ. Nhưng điều đáng nói là ý kiến bất đồng không trên căn bản giá trị quốc phòng hay sự cần thiết của chiếc tàu, một vũ khí chiến tranh quan trọng, mà đặt trọng tâm vào vấn đề ngân sách và việc làm của công nhân ở hải quân công xưởng. Các công đoàn lên tiếng phản đối vì công nhân mất việc, những nhà lập pháp vận động bênh vực cho quyền lợi của địa phương và tiểu bang, mà mọi người đều hiểu rằng có như vậy họ mới được lá phiếu cử tri ủng hộ.

Hải Quân Hoa Kỳ có tổng cộng gần 300 chiến hạm cỡ lớn ở tình trang hiện dịch không kể các tàu được đặt ở thế dự bị có thể dùng tới khi cần, trong số đó 71 tàu ngầm nguyên tử.  Như vậy thêm bớt một chiến hạm không phải là việc có ảnh hưởng đáng kể.

USS Miami là tàu ngầm tác chiến thuộc lớp 54 tàu ngầm Los Angeles, đã đưa vào hoạt động từ 23 năm, và hiện nay còn 41 tàu hiện dịch. Đây không phải là những chiến hạm mới nhưng theo kế hoạch bình thường sẽ còn sử dụng được đến năm 2025. Loren Thompson, phân tích gia quốc phòng thuộc Lexington Institute bày tỏ sự hoài nghi về ý nghĩa dự án sửa chữa tàu. Ông cho rằng tàu được đóng từ giữa thập niên 1980 với giá $900 triệu, bây giờ bị hư hại quá phân nửa, tốn $700 triệu để sửa không hợp lý, phá hủy là đúng.

Hải Quân Hoa Kỳ mới đây cũng đã quyết định giảm bớt 4 tàu ngầm nguyên tử SSGN lớp Ohio,  lớn hơn các tàu ngầm lớp Los Angeles. Tàu ngầm Los Angeles trọng tải 6,900 tấn, dài 362 feet rộng 33 feet, thủy thủ đoàn 133. Tàu ngầm Ohio trọng tải 20,000 tấn dài 561 feet, rộng 43 feet, thủy thủ đoàn 155, là loại tầu ngầm phóng hỏa tiễn.

18 tàu ngầm Ohio là những tầu phóng hỏa tiễn; tàu có danh số SSBN mang hỏa tiễn đạn đạo chiến lược tầm xa và 4 chiếc có danh số SSGN mang hỏa tiễn chiến thuật tầm trung, loại bình phi nghĩa là bay thấp giống như máy bay, đã dùng trong chiến tranh vùng Vịnh và các cuộc chiến chống khủng bố.

Tàu ngầm tác chiến để  chống chiến hạm địch,  trong khi nhiệm vụ chính của tàu phóng hỏa tiễn là các mục tiêu trên đất liền hoặc nếu cần cũng có thể là chiến hạm địch.

Nữ phát ngôn viên Hải Quân, Trung Úy Courtney Hillson nói rằng 4 tàu ngầm nguyên tử SSGN không còn cần thiết nữa và các tàu USS Ohio, USS Michigan, USS Florida, USS Georgia sẽ tiếp tục được dùng cho nhiệm vụ tuần tiễu đến khi lò phản ứng hạt nhân hết nhiên liệu vào khoảng giữa thập niên 2020.

Như thế về mặt quân sự và quốc phòng việc hủy bỏ tàu Miami là việc bình thường, dù đây là lần đầu Hải Quân Hoa Kỳ phải bỏ một chiến hạm nguyên tử còn sử dụng được. Năm 1988 tàu ngầm diesel-điện USS Bonnefish (SS-582) cháy ngoài khơi Florida và sau cũng bị bỏ không sửa lại. Hai tàu ngầm nguyên tử USSThresher (SSN-593) và USS Scorpion (SSN-589) chìm mất tích ngoài khơi Đại Tây Dương năm 1963 và 1968.

Nhưng nhiều công đoàn không đồng ý việc phá hủy USS Miami vì lo ngại công nhân mất việc làm. Chủ tịch những công đoàn này cho biết các nhà lập pháp Maine và New Hampshire ủng hộ dự án sửa chữa tàu Miami, và họ bất  bình với giới lãnh đạo Hạ Viện Liên Bang về biện pháp cắt giảm ngân sách tự động (sequestration). Bà Debbie Jennings, chủ tịch phân bộ 4 công đoàn thợ máy nói các công nhân còn lo ngại bị sa thải vì biện pháp sẽ kéo dài tới 9 năm.

Phó đô đốc Richard Breckenridge, tư lênh hành quân dưới mặt biển nói rằng quyết định phá hủy tàu ngầm Miami là một quyết định khó khăn đối với ông nhưng không thể nào làm khác. Ông giải thích là với ngân sách eo hẹp, tiền dùng cho việc sửa chữa tàu Miami nên để tu bổ hàng chục chiến hạm khác. Hiện nay nhiều chiến hạm nổi đã quá hạn kỳ mà chưa được đại tu, tổng cộng cần tới $2 tỷ,  nhưng các tàu ngầm không bị lâm vào tình trạng khó khăn nặng nề ấy.

Theo tính toán của đô đốc, mất $700 triệu để sửa USS Miami dùng thêm đươc năm nữa có nghĩa là mỗi năm tốn $70 triệu. Một giải pháp hợp lý hơn nữa là dành tiền ấy để đóng thêm mỗi năm 2 tàu ngầm mới lớp Virginia, trị giá mỗi chiếc $2.6 tỷ, sử dụng được 33 năm, chia đều ra trung bình mỗi năm $79 triệu.

Các tàu ngầm lớp Virginia mới bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2004, trọng tải 7,000 tấn, dài 377 feet, rộng 34 feet, thủy thủ đoàn 134, là tàu ngầm tác chiến chạy nhanh hơn tàu ngầm lớp Los Angeles (vận tốc trên 25 hải lý/giờ so với 20 hải lý/giờ). Hiện nay đã có 9 tàu ngầm lớp Virginia hiện dịch và theo kế hoạch có thể đóng tới 30 chiếc.

Tuy nhiên Phó đô đốc Breckenridge cũng giải thoát môt phần khó khăn cho công nhân hải quân công xưởng Portsmouth bằng cách dành $54 triệu để họ tiếp tục công tác tháo gỡ chiếc tàu, kể cả lò phản ứng nguyên tử. Sau đó vỏ tàu sẽ được kéo về hải quân công xưởng Puget Sound ở Bremerton tiểu bang Washington để cắt làm sắt vụn. Công xưởng tư nhân của Electric Boat ở Groton, Connecticut, hãng đã đóng chiến hạm USS Miami, được chia một phần công việc vì Portsmouth không đủ nhân lực và chuyên môn. Như vậy cũng có nghĩa là chiếc USS Providence, một tàu ngầm nguyên tử lớp Los Angeles khác, sẽ được đưa về Electric Boat để đại tu.

Thượng Nghị Sĩ  Cộng Hòa Susan Collins tiểu bang Maine hôm Thứ Tư nói rằng bà đã nhận được lời bảo đảm từ Hải Quân rằng sẽ không có việc hủy bỏ công tác đại tu tiềm thủy đĩnh nguyên tử theo chương trình đã định trong năm tới ở hải quân công xưởng Portsmouth, Kiittery.

Phó đô đốc Breckenridge kể lại rằng khi xảy ra vụ cháy tàu Miami tháng 5 năm 2012 ông đang là tư lệnh hải đội tàu ngầm số 2 trong đó có tàu Miami. Ông nói với các phóng viên hôm Thứ Tư: “Tôi lái xe suốt đêm đến hải quân công xưởng Portsmouth 4 giờ sáng.  Ngày hôm sau đó tôi đã xuống quan sát thiệt hại và vào thời gian ấy đã đồng ý với các giới lãnh đạo Quốc Hội, đặc biệt là các nhà lập pháp vùng New England, là sẽ sửa chữa để tàu Miami phục vụ trở lại. Nhưng rồi kinh phí lên cao và ngân sách thiếu hụt. Bây giờ chúng tôi đang trên tiến trình giải giới chiến hạm này và tin rằng sẽ không còn sự đảo ngược quyết định”.

Trong một tin tức khác, hôm Thứ Tư trong một buổi lễ tại Pearl Harbor, Hawaii, phó đô đốc James frank Caldwell Jr. đã bàn giao chức vụ Tư Lệnh Hạm Đội Tiềm Thủy Đĩnh Thái Bình Dương cho phó đô đốc Phillip Sawyer. Hạm đội tàu ngầm Thái Bình Dương chiếm khoảng 60% lực lượng tàu ngầm của Hải Quân Hoa Kỳ, bao gồm lực lượng chiến lược với các tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo gắn đầu đạn nguyên tử và lực lượng các tàu ngầm chiến thuật. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats