Mặc Lâm,
biên tập viên RFA
2013-08-03
2013-08-03
Vụ án Văn học Nhã Thuyên tức Đỗ Thị Thoan bước vào
tuần lễ thứ ba với hàng chục bài viết dồn đẩy bài luận văn thạc sĩ vào chân
tường qua cái nhãn phê bình văn học. Những luận điểm phê bình này được GS Trần
Đình Sử gọi là “Phê bình kiểm dịch” còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên gọi thẳng là “Phê bình chỉ điểm”.
Kiểm dịch hay chỉ điểm cũng đều đe dọa sự vận động
của nền văn học Việt Nam do đó qua sự quan trọng của bản thân sự kiện văn học
này Mặc Lâm xin được một lần nữa trao đổi với nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên trước cái tựa ấn tượng và rất “hiện thực” của ông.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên hiện giữ chức
chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ mới nhất này.
Trước tiên ông Phạm Xuân Nguyên lý giải tại sao rất
nhiều nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam vẫn chưa thoát ra được lý thuyết
văn học hiện thực Xã hội chủ nghĩa, mặc dù cố tìm cách tiếp cận với nền phê
bình văn học Tây phương.
Phạm
Xuân Nguyên: Cùng với sự chuyển đổi của công cuộc đổi mới có
nhiều thay đổi cách nhìn nhận từ kinh tế thị trường, về dân chủ về nhà nước
pháp quyền, xã hội dân sự. Nó đang tiệm cận với thế giới với giá trị cốt lõi
căn bản của nhân loại. Trong văn học, do chiến tranh do những việc trong thời
kỳ bao cấp mà theo một loại hình khác và cho đến bây giờ khi trở lại cuộc sống
bình thường thì văn học cũng có một sự chuyển đổi nội tại. Bên phê bình cũng
thế thường được gọi là phê bình Văn học Xã hội chủ nghĩa. Cụm từ ấy trước đây
coi như cụm từ thống soái trong mọi bài viết, trong mọi nghị quyết, chỉ thị hay
trong mọi bài phê bình văn học không thể không nhắc tới phê bình văn học xã hội
chủ nghĩa.
Nó áp dụng lên tất cả thực tế sáng tác, phê bình hay
giảng dạy nhưng cho đến bây giờ không ai nói hay nhắc tới nữa. Tất nhiên không
phải không nói đến thì tự nhiên nó mất. Những di hại hay tác động tiêu cực của
nó vẫn còn rơi rớt trong tư duy của nhà quản lý hay nhiều người khá sâu đậm.
Nói ngay như chuyện bản luận văn của cô Nhã Thuyên: những bài phê phán có thể
gọi là đánh đập giống như trước đây khiến người ta liên tưởng đến vụ án văn
chương trước đây nhưng tôi tin là có sự chuyển đổi trong hệ hình trong văn học.
Xung đột hay tiêu diệt?
Mặc
Lâm: Theo ông các lý thuyết văn học nước ngoài được giới
phê bình trong nước tiếp cận ra sao?
Phạm
Xuân Nguyên: Những lý thuyết, trường phái nước ngoài cả cũ lẫn
mới thí dụ như là lý thuyết của Bắc kinh chẳng hạn. Về thi pháp tiểu thuyết
những quan niệm đối thoại từ đó ra liên văn bản được giới thiệu và áp dụng tại
Việt Nam. Cũng có những lý thuyết mà đối với phuơng Tây hay châu Âu gọi là cũ
như “cấu trúc”, “hậu cấu trúc”, “hiện thực học”... lần lượt được dịch được giới
thiệu cũng như được vận dụng tại Việt Nam và điều này là có. Do đó mà bao giờ
cũng có cái cũ và cái mới. Mới thì đi theo thế hệ mới họ vận dụng vào đời sống
văn học cả đương đại lẫn trung đại.
Nếu chỉ thuần về chuyên môn thì hai hệ mỹ học hoàn
toàn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau vì từ lý thuyết đã khác nhau nên nhẹ
thì va chạm xung đột mà nặng thì có thể tiêu diệt nhau.
Mặc
Lâm: Theo như anh vừa nói thì do hai hệ mỹ học xung đột
nhau gây ra sự tiêu diệt lẫn nhau. Hệ quả hiện nay là có nhiều nhà phê bình
đánh nhóm Mở Miệng qua bài luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tuy nhiên nhiều người
không đồng tình với ý kiến này mà họ cho là sâu xa hơn, đàng sau đó là các động
cơ chính trị không được trong sáng lắm anh nhận thấy ý kiến này ra sao?
Phạm
Xuân Nguyên: Tôi muốn nói là “chưa nói đến” những yếu tố có chính
trị can thiệp vào. Tôi chỉ nói xét theo chuyên môn thì cái cũ cái mới đứng trên
bình diện lý thuyết, trên những phuơng pháp khác nhau nó cũng đưa đến sự khác
nhau rồi. Nhẹ thì có thề va chạm ý kiến mà nặng thì va chạm quan điểm và hệ
thống lý thuyết. Cho đến bây giờ cái dòng chủ lưu vẫn thường là phê bình trên
mặt báo vẫn nặng tính chính trị. Vẫn phê bình văn học dưới lăng kính chính trị
cho nên thình thoảng lại có một vụ việc gì đấy. Một cuốn sách này bị cấm, một
bài báo kia bị phê phán... thường là có yếu tố chính trị, hoặc là bị quy kết
yếu tố chính trị. Chẳng hạn như cuốn tiều thuyết “Thời của thánh thần” của
Hoàng Minh Tường chẳng hạn. Người ta nói cuốn này nói về cải cách ruộng đất,
nói về một thời kỳ lịch sử nên nó bị cấm.
“Trung tâm/ngoại biên” đang được áp dụng?
Mặc
Lâm: Xin lỗi phải cắt ngang anh chỗ này, những người tấn
công Nhã Thuyên và cuốn Thời Của Thánh Thần có khác nhau, thay vì phải tấn công
nhóm Mở Miệng vì họ là người sáng tác còn Nhã Thuyên chỉ là người làm luận văn
một trào lưu văn học mà chị gọi là “bên lề” do đó người ta có quyền nghĩ rằng
nhóm người phê bình Nhã Thuyên có động cơ khác ngoài động cơ văn học?
Phạm
Xuân Nguyên: Trong vụ Nhã Thuyên này thì nhiều người tự hỏi vì
sao như vậy? Rõ ràng ở đây người ta đánh giá có một cái gì khác ngoài vẩn đề
của một bản luận văn, nhất là bản luận văn này đã được bảo vệ cách đây ba năm
và được hội đồng cho điểm 10. Tự nhiên bây giờ có ai tung nó ra lấy nó như một
cái cớ để nhằm mục đích gì? Cho đến bây giờ đã có khoảng 20 bài viết với những
lời quy kết rất nặng nề tuy chưa biết đúng sai thế nào mà đòi phải đuổi việc cô
Nhã Thuyên, kỷ luật người hướng dẫn rồi báo động phải xem lại việc đào tạo khoa
văn của trường Đại học Sư phạm... thì rõ ràng đây là ý đồ ngoài văn học.
Mọi người khi quan sát hiện tượng này thì đều thấy
rất rõ như vậy cho nên anh không thể quy kết một cách xằng bậy như vậy. Rõ ràng
nhóm Mở Miệng họ có một quan điểm và họ có những tuyên ngôn của họ để nhằm đạt
tới vấn đề mỹ học, tư tưởng hay quan điểm. Cô Nhã Thuyên lấy đó làm đối tượng
và khảo sát nó, xử lý văn học và dùng lý thuyết “trung tâm/ngoại biên” khai
thác lý thuyết “Kẻ bên lề”...để soi chiếu vào.
Nó thật sự khoa học và được một hội đồng chấp nhận.
Quy trình làm luận án cao học cũng như luận án tiến sĩ tại Việt Nam phải qua
rất nhiều công đoạn vì đây là một quy trình khoa học. Vì vậy nếu ông Nguyễn Văn
Lưu hay là ai khác khi đọc có thể không đồng ý với nó nhưng ông phải trình bày
nó như một cách đọc luận văn và từ đó phải đưa ra một cách đọc về nhóm Mở Miệng
dưới một góc độ khác để so sánh, đối chiếu những quan niệm này với nhau.
Người ta đã chụp cho nó chiếc mũ phản động. Đã lớn
tiếng động chạm đến sinh mệnh chính trị và cả nghề nghiệp, cuộc sống của người
ta nữa.
Mặc
Lâm: Nhóm Mở Miệng đã xuất hiện từ nhiều năm qua chứ không
phải mới đây. Tuy nhiên người ta chưa thấy bất cứ một bài phê bình văn học nào
viết về nhóm này một cách khoa học. Câu hỏi đặt ra là phải chăng vì họ sáng tác
theo dòng văn chương hậu hiện đại khiến cho giới phê bình e dè vì họ không đủ
lý luận lẫn lập luận để đụng tới lĩnh vực này hay chính nhận thức thẩm mỹ trong
văn học xã hội chủ nghĩa đã cản trở họ làm công việc này?
Phạm
Xuân Nguyên: Có cả hai. Một là họ không đứng trong hệ thống mỹ
học mới và họ không chấp nhận hệ thống mỹ học này, ta tạm gọi đó là lý do “văn
học” và bên cạnh đó là lý do “giải thiêng”. Thật ra trong vụ đánh đấm, phê
phán này thì nó càng chứng tỏ đúng là có trung tâm và ngoại biên. Họ càng
muốn phủ nhận điều đó thì càng rõ ràng bởi những phê phán này dù tự giác hay
không tự giác, ý thức hay không ý thức thì họ đã tự đặt mình vào vị trí trung
tâm và chế áp ngoại biên. Bản thân những người bị phê phán trong cuộc tôi cho
đó là sự dũng cảm của tổ Văn học Việt Nam Hiện đại đã hướng dẫn cho bài luận
văn này. Bởi vì khi làm như vậy họ biết là sẽ bị đặt vào vị trí bên lề, và từ
đó sẽ bị coi là không chính danh, không thuộc trung tâm.
Toàn bộ cuộc phê phán này đã chứng tỏ có trung tâm
và ngoại biên đúng như lý thuyết. Trung tâm này có đầy đủ những áp chế những
cái ngoại biên hay bên lề. Phải nói thật rằng những người viết bài phê phán vừa
rồi là những người không nắm được lý thuyết. Họ không lập luận và cũng không đi
vào lý thuyết vì họ biết đó là điểm yếu của họ cho nên họ phải đẩy sang phía
chính trị, tư tưởng và giọng điệu của họ là giọng điệu quy kết chứ không phải
phân tích.
Mặc
Lâm: Cho tới nay sự lên tiếng bênh vực cho bản luận văn
này trên phương tiện truyền thông chính thống vẫn còn quá thưa thớt ngoại trừ
bài viết “Phê bình chỉ điểm” của ông xuất hiện trên tờ Pháp Luật Thành phố. Trong
khi đó các tờ báo lớn và chính quy như Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, Văn Nghệ,
Thanh Tra và hàng chục tờ báo khác viết bài tấn công đả kích... sự chênh
lệch này sẽ dẫn tới hậu quả gì thưa ông?
Phạm
Xuân Nguyên: Nó sẽ tác hại đến nền phê bình văn học Việt Nam. Qua
vụ Nhã Thuyên này người ta thấy y hệt những vụ xảy ra từ trước tới nay, tức là
chỉ có một chiều. Báo chí chính thống chỉ đăng những bài phê mà không đăng
những bài lại (bênh vực). Người bị hại cũng không được lên tiếng để bảo vệ mình
tức là không có sự trao đổi bình đẳng. Rõ ràng ở đây chưa có một điều gì rõ
ràng mà chỉ là áp lực nhưng Hội đồng chấm luận văn phải họp lại thì đủ thấy sức
mạnh của phía trung tâm như thế nào và điều này đã khiến mọi người lo sợ cho
một vụ Nhân văn Giai phẩm mới.
Đúng là bổn cũ soạn lại y hệt như mọi thao tác như
từ trước tới nay. Nhiều bài, nhiều báo ra dồn dập luận điệu giống như nhau. Quy
kết về chính trị, quy kết về tư tưởng và không chứng minh, lẫn lộn mọi thứ. Lẫn
lộn giữa đối tượng và người nghiên cứu đối tượng.
Mặc
Lâm: Xin cám ơn ông.
------------------------------------------------
Posted by adminbasam on August
4th, 2013
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên: “Phải nói thật rằng những người viết bài phê phán vừa rồi là những
người không nắm được lý thuyết. Họ không lập luận và cũng không đi vào lý
thuyết vì họ biết đó là điểm yếu của họ cho nên họ phải đẩy sang phía chính
trị, tư tưởng và giọng điệu của họ là giọng điệu quy kết chứ không phải phân
tích”.
Động cơ chính trị với những màn
đấu tố như kiểu thời Nhân văn Giai phẩm trong vụ Nhã Thuyên là rất rõ ràng.
Nhân tiện, xin cung cấp thêm một số “sự vụ” có vẻ như ngoài lề nhưng thực ra
lại nằm trong cả một chuỗi vấn đề hình thành nên đấu tố luận văn Nhã Thuyên:
1- Sự lộn xộn láo nháo của màn
“đấu thầu” chức hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong thời gian vừa
rồi. Chưa nói đúng sai nhưng rất có thể bên thua cuộc nhân vụ đấu tố này để
thuê thêm âm binh làm rùm beng sự việc, tấn công đối thủ.
2- Bùi Chát, một thành viên của
nhóm Mở Miệng, hiện giờ là sinh viên trường Đại học Luật Tp HCM, chính là một
trong các thành viên nòng cốt kiện Đoàn trường Đại học Luật vì những trò vu
cáo, đấu tố rất thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật ở ngay tại một trường đào
tạo ngành luật. Rất có thể các vị quản ly ở trên nhân vụ việc Nhã Thuyên nên
tiện tay tấn công nhóm Mở miệng cho bõ tức và qua đó nhấn mạnh, quy kết tính
chất “phản động” của những sinh viên này.
Từ một vụ án tưởng chừng thuần
tuý văn chương nghệ thuật, nhìn rộng ra cả các vấn đề chính trị đương thời,
thiết nghĩ các vị quản lý đầu ngành nên có tầm nhìn rộng mở hơn, và tỉnh táo,
khôn ngoan hơn, chấp nhận dần quy luật của một xã hội dân chủ, hơn là những màn
đánh đấm rất thiếu văn hoá, phản nhân văn và đi ngược lại với tinh thần pháp
quyền trong một xã hội đang hướng dần tới văn minh.
Mời xem lại màn “đấu thầu” chức hiệu trưởng
trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đăng trên báo Người Cao Tuổi:
Phần I: Trường
ĐHSP Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS.TS Nguyễn Văn
Minh? (23-05-2013). –
Phần II: Trường
ĐHSP Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS.TS Nguyễn Văn
Minh? (24-05-2013). –
Phần III: Trường
ĐHSP Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS, TS Nguyễn Văn
Minh (28-05-2013). –
Phần IV: Trường
ĐHSP Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS, TS Nguyễn Văn
Minh (30-05-2013). –
Phần V: Trường
ĐHSP Hà Nội: Các hành vi “trái pháp luật”của ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh
(30-05-2013).
Xem lại sự kiện sinh viên kiện
Đoàn trường ĐH Luật:
NHÓM
KHỞI XƯỚNG GỬI KHIẾU NẠI LÊN TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HCM (CLC Đoàn Văn
Vươn).
Mời xem lại:
Đơn
khiếu nại của Bùi Quang Viễn (lần 1)
No comments:
Post a Comment