Thursday, 22 August 2013

VIỆN VIỆT HỌC SẼ RA MẮT SÁCH "ĐỨC PHẬT GIỮA CHÚNG TA" (Việt Báo)




08/22/2013

WESTMINSTER (VB) – Giáo sư Trần Ngọc Ninh sẽ ra mắt sách “Đức Phật Giữa Chúng Ta” vào cuối tuần này tại Viện Việt-Học, theo thông báo của tổ chức văn hóa này.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh nguyên là Viện trưởng Viện Việt Học 2003-2008, đã có nhiều tác phẩm thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh sinh năm 1923 tại Hà Nội, học Y khoa tại Hà Nội, rồi sang Pháp tiếp tục học, đỗ Thạc sĩ Y khoa tại Pháp (1961), có nhiều công trình nghiên cứu Y khoa giá trị. Về nước, ông thành lập hai khoa giải phẫu xương và giải phẫu trẻ em [Phẫu nhi (Pediatric Surgery) và Phẫu khoa trực nhi (Orthopedic Surgery)] đầu tiên tại Việt Nam, được xem là “khúc xương sống” của Y khoa miền Nam Vừa giảng dạy, vừa hành nghề, Giáo sư đã đào tạo nhiều môn sinh có khả năng thay ông tiếp tục phát triển hai khoa này ở quê nhà.

Vào thập niên 1960, ông giảng dạy bộ môn Văn hoá và Văn minh Đại cương tại Đại học Vạn Hạnh. Ông cũng đã từng giữ chức vụ Tổng trưởng Văn hoá Xã hội, đặc trách Giáo dục, trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (1966-1967).

Năm 1978, giáo sư cùng gia đình vượt biên sang tị nạn tại Hoa Kỳ. Ở xứ người, tuy vẫn tiếp tục hành nghề y sĩ, ông vẫn tiếp tục khảo cứu về văn hoá, có những bài viết đăng rải rác trên các tạp chí ở hải ngoại. Năm 2000, ông tham gia Ban Cố Vấn Viện Việt-Học (Westminster, CA) do Gs Nguyễn Đình Hoà thành lập. Từ 03/2003 đến 1/2008, ông đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng VVH.

Trong hàng chục tác phẩm thuộc nhiều chuyên ngành về y khoa, văn hóa, ngữ học... Giaó sư Trần Ngọc Ninh cũng đã in một số tác phẩm về Phật Học, trong đó “Đức Phật Giữa Chúng Ta” là duyên khởi từ những năm giảng dạy ở Đại Học Vạn Hạnh.

Trong bài viết “Tưởng Nhớ Một Người Thầy Trong Đạo: Tỳ Kheo Thích Minh Châu” đã đăng trên Việt Báo cuối năm 2012, sau khi có tin Hòa Thượng Thích Minh Châu Viên Tịch, GS Trần Ngọc Ninh kể về cội nguồn của tác phẩm này, trích:

“...Buổi đầu tôi nói chuyện ở Viện Đại Học Vạn Hạnh, có chừng ba bốn chục người đến nghe, tất cả đều lễ phép, không ai bỏ ngang về. Buổi thứ nhì, được năm sáu mươi, với vài vị sư áo vàng. Buổi thứ ba, nói về triết học Cố Ấn tôi rợn tóc gáy vì Đại Giảng Đường chật ních vào khoảng bảy trăm người, với một đề tài rất khô khan khắc khổ mà tôi làm thành một giáo trình cẩn trọng để cho chính tôi.

GS Trần Ngọc Ninh tại tòa soạn Việt Báo ngày 10-9-2012.

Thượng Tọa Viện Trưởng [Thích Minh Châu] kiên nhẫn ngồi nghe với các thính giả và phê bình rằng bải giảng của tôi giống như một bài giảng của một vị thầy của Đại Học Nalanda, nơi Thượng Tọa học. Điều này không có gì lạ cả, là vì tuy các sách triết Ấn của GS. Dan Guita và của triết gia Rhadakrisnan chỉ nói rất sơ sài về tư tưởng Ấn thời Đức Phật, nhưng kinh Brahmajala, dịch là Phạm Võng, là cái lưới trời mà chính Đức Phật nói cho Tăng già, đã nói hết cả. Triết học trói buộc con người vào sự khổ đau vĩnh cữu.

Bài diễn giảng cuối cùng cho ngày Vesak của tôi tại Đại Học Vạn Hạnh là về "Tư Tưởng Xã Hội của Đức Phật". Khi nhận đề tài này, tôi ngơ ngẩn vì chưa hề nghe thấy một người nào hay đọc được trong một cuốn sách nào của Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga về Đức Phật xã hội. Nhưng tôi được biết rằng sau khi đã bị tất các Đạo lớn từ chối, Tiến Sĩ Ambedkar đã được Phật-giáo, mới trở lại Ấn-độ, cho phép làm một buổi lễ lớn nhận một triệu người cùng đinh bị ruồng bỏ được quy y Phật, và chính ông cũng bỏ đạo cũ để thờ Đức Phật. Rằng Phó-thủ-tướng Anh và Chủ tịch Đảng Xã hội là Atla, sau khi đi dự Đại Hội của Đảng Xã Hội Miến (Myanmar, tức Burma), đã tuyên bố rằng có một đảng xã hội Á Châu đặt chủ thuyết trên lòng từ bi của Đức Phật và bỏ thuyết tranh đấu giai cấp, rằng chính sách kinh tế của Canada nói rằng chủ trương trung-đạo theo Giáo-pháp (Dharma) của Đức Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng để diễn giảng về tư tưởng Xã Hội của Đức Phật thì là một chuyện khác. Tôi lại về nhà và mỗi tối đọc cho hết năm bộ của Kinh-tạng để nhặt ra những lời dạy của Phật Tổ về những chế độ và tập quán trong xã hội Bà La Môn Giáo. Và tôi sáng mắt lên những ý tưởng tân tiến của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác hơn hai ngàn sáu trăm năm trước.

Bài giảng của tôi năm ấy đã được GS. Trần Văn Từ dịch ra Anh văn, rồi lại được Bà Celia Barclay, một nữ sĩ Anh dịch lại rồi lưu truyền trong Đạo Quaker là một Giáo phái Thiên Chúa Giáo rất uy tín ở Anh Quốc. Tôi cũng dùng bài này làm nền móng cho một cuốn sách nhỏ của tôi, tựa đề là "Đức Phật Giữa Chúng Ta." Tôi nghĩ rằng thế giới hiện đại có thể được sáng hơn (enlightened) nếu được nghe lại những lời Phật dạy...”(hết trích)

Viện Việt Học trong Thư Mời dự ra mắt sách cho biết, đồng hương tham dự nên tới trước 15 phút để dễ tìm chỗ đậu xe.

Tác phẩm “Đức Phật Giữa Chúng Ta” của GS Trần Ngọc Ninh sẽ ra mắt vào Chủ Nhật, 25-8-2013 từ 10:00 giờ sáng đến 12:00 giờ trưa tại Viện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683.

CÁC TIN KHÁC :




No comments:

Post a Comment

View My Stats