Thursday, 22 August 2013

NHÀ VĂN LÊ LẠC GIAO & TẬP TRUYỆN MỘT THỜI ĐIÊU LINH (Phan Tấn Hải)




08/22/2013

Đón nhận tập truyện ngắn này, tôi không quá bất ngờ, vì bản thân mình đã đọc rải rác truyện của Lê Lạc Giao từ nhiều năm, và cũng đã từng đề nghị tác giả gom lại để ấn hành những truyện ngắn đã viết. Nhưng bất ngờ là, trong khi hai lần đọc toàn tập, một lần qua bản PDF và một lần qua bản in trên giấy, tôi đã có cơ hội nhìn lại sâu hơn toàn cảnh của một Việt Nam, nhìn lại những cảm xúc, suy nghĩ và chuyển động của những người đã trải qua một thời điêu linh ở quê nhà.

Tài hoa của Lê Lạc Giao tôi đã biết từ gần nửa thế kỷ trước, khi chúng tôi cùng học ở Đại Học Văn Khoa từ 1970, và rồi cuộc Tổng Động Viên đã lôi cả một thế hệ thanh niên vào cuộc chiến...

Văn của Lê Lạc Giao bây giờ đã trầm tĩnh hơn trong khi vẫn giữ được nét sôi nổi, và đã chạm vào lòng người đọc sâu thẳm hơn trong khi vẫn hiển lộ những nét tài hoa trong bút pháp – vẫn nhận ra một Lê Lạc Giao của thời anh viết trong Tạp Chí Tự Thức và Tạp Chí Nghiên Cứu Triết Học đầu thập niên 1970s, nhưng là một cánh chim bay cao hơn, với những tiếng kêu hướng về quê nhà vang vọng trầm thống hơn.

Cũng thế, nét vẽ của Lê Lạc Giao, trong chân dung tự họa in nơi bìa sau của tập truyên “Một Thời Điêu Linh,” đã tinh vi và đậm đà hơn là nét vẽ của thời thanh niên.

Tuyển tập “Một Thời Điêu Linh” gồm 14 truyện ngắn, dày 372 trang.

Tác giả Lê Lạc Giao tâm sự trong Lời Mở Đầu với những dòng, trích như sau:

“Viết văn, đối với tôi như một cách giải trí tâm hồn. Từ thuở học trung học tôi đã viết và luôn nghĩ giản dị rằng, viết để không phải cảm thấy buồn hay cô đơn. Một mặt nào đấy, trạng thái buồn và cô đơn lại là nguồn cảm hứng để tôi viết. Bằng suy nghĩ đơn giản ấy, tôi đã viết và các bài viết ấy đến ngày hôm nay hầu hết bị thất lạc vì thời gian và hoàn cảnh chiến tranh.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi không có dịp cầm bút nữa vì phải vào trại tù cải tạo. Sau khi ra tù, tôi cũng không có thì giờ để viết vì quá bận rộn với sinh kế trong thân phận của người bên thua cuộc. Sang Mỹ, có dịp cầm bút lại, tôi thấy lý do để mình viết ngày xưa vẫn không sai. Tôi thường viết để giải tỏa những u buồn, khuất lấp trong tâm hồn mình, nhưng không hề quan tâm đến việc xuất bản một tập truyện, dù chung quanh tôi, bạn bè cầm bút có người đã in đến hàng chục tác phẩm...

Tôi biết mình không tham vọng, nhưng với tôi, mỗi truyện ngắn là một kỷ niệm.” (hết trích)

Mỗi truyện ngắn là một kỷ niệm? Phải chăng tập truyện này là những màng hình ảnh về những kỷ niệm của tác giả? Đúng như thế, nơi các trang giấy của Lê Lạc Giao là những màu sắc còn lung linh trong trí nhớ chúng ta về một Sài Gòn, một Việt Nam, một hải ngoại, về một thế hệ tuổi trẻ rời sân trường đại học để vào một cuộc chiến, rồi cùng một nửa đất nước chấp nhận thua cuộc, những góc nhìn về các làng quê quê hương hay góc rừng mưu sinh, và tất cả là những phần đời của tác giả...

Nhà thơ Du Tử Lê, trong bài “Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Lê Lạc Giao” in cuối tập truyện và bài này có thể hiểu như một Lời Bạt (nếu có), đã ghi nhận:

“...phong cách nhà văn của Lê Lạc Giao: Người làm chủ được ngòi bút (những xung động) của mình!

Tôi không nghĩ chúng ta còn thấy phải đòi hỏi gì thêm, nơi truyện ngắn họ Lê, khi tác giả đã “…có được cái phong thái điềm tĩnh, để không bị lôi tuột, cuốn trôi theo cường lực thủy triều của những đột biến tình cảm lúc sáng tác.” (tr. 369)

Cuộc chiến Nam-Bắc đã để lại những đau đớn, tan vỡ trong từng gia đình. Như trong truyện “Vòng Tròn Số Phận,” khi Lê Lạc Giao kể về một nghệ sĩ đã tạc một tượng gỗ ở Đà Lạt, và được thị xã đưa ra triển lãm trong một công trình giới thiệu thủ công mỹ nghệ địa phương. Lúc đó có 4 ủy viên Bộ Chính Trị tới thăm, và nhà điêu khắc nói rằng pho tượng tên là Người ăn xin quá khứ, tạc theo khuôn mặt của chính nghệ sĩ điêu khắc này. Cuộc đối thoại trích như sau:


Bìa sách.
“Cả ba người ủy viên lúc này bước đến gần Cần đều gật đầu. Vị tổng bí thư hỏi:

- Có giống khuôn mặt, nhưng hình như... anh có phải ăn xin đâu?

- Thưa ông, tôi là kẻ ăn xin quá khứ. Tôi đang sống bằng đống rác quá khứ. Tôi moi móc nó để sống qua ngày. Không phải ăn xin là gì?

Cả bốn người trợn mắt nhìn Cần như kẻ điên khùng, một ủy viên lấy bút và quyển sổ ra ghi chép. Tiếp theo vị tổng bí thư hỏi tiếp:

- Anh có thể giải thích cho tôi nghe, thế nào anh là người ăn xin quá khứ?

- Ông hiểu lầm rồi, không phải tôi mà cả ông nữa. Tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn xin quá khứ.

Lần này, những người bảo vệ vây lấy Cần, một người khóa tay anh lại, muốn bắt anh đi. Vị tổng bí thư xua tay nói:

- Thả anh ta đi.

Chỉ có thế. Sau đó, bốn vị ủy viên ra về. Hôm sau, công an thị xã yêu cầu Cần trình diện, anh bị kết tội điêu khắc tuyên truyền bôi bác chế độ, phải đi học tập cải tạo. Cái tượng gỗ mít Người ăn xin quá khứ ấy làm cho Cần đi tù hai năm. Khi về nhà, Mẫn kể lại, tuy lên án bức tượng tuyên truyền phản động, nhà trưng bày thị xã vẫn thường xuyên mượn tượng bằng gỗ này về triển lãm mỗi khi có phái đoàn khách nước ngoài đến...”(trang 19)

Hay là một cách nhìn của Lê Lạc Giao về dòng chảy lịch sử, trong đó anh và cả dân tôc5 đang bị cuốn theo, qua truyện “Con Bọ Trên Guồng Quay”:

“Chiều xuống từ sân sau. Bóng nắng vàng nhạt hạ trên tàng hoa giấy đỏ. Tiếng lá rơi mà tôi nghe chừng như tiếng mưa rơi. Trước khi ra sân ngồi, tôi bỏ một đĩa hát và nghe vọng ra một phần nhạc ngày còn bé tôi hợp ca tại một trường trung học cao nguyên. Âm thanh bi tráng. Trường ca của một dân tộc vọng lại trong một linh hồn đang vất vưởng lang thang trên quả địa cầu.

Tổ tiên tôi từ ải Nam Quan đi đến mũi Cà Mau, và tôi, từ Cà Mau vượt biển ra đi. Tôi đi như trốn chạy dân tộc mình, cho đến khi nhận ra quê hương ruồng bỏ thì tóc đã bạc trắng, và trong cái vòng tròn thời gian, không gian vô giới hạn, tôi là con bọ mập già đã chạy lòng vòng đến hai thế kỷ!(trang 54)

Truyện của Lê Lạc Giao có những lúc rất buồn... buồn như tiếng gió hiu hắt nơi góc rừng. Như trong truyện “Một Kiếp Người,” khi kể về một người trong gia đình họ Lý ngậm ngải tìm trầm và đã biến thành xà niên, một sinh vật người rừng, trích:

“Dưới ánh sáng chập chờn, đó là một con vật người! Tuy lông lá bao phủ từ mặt tới chân, nhưng trên thân có một số mảnh vải rách bươm, dấu vết của quần áo còn sót lại. Con vật nửa người nửa thú ấy chợt quì xuống, lạy người chủ nhà, và trên đôi mắt, nước mắt chảy ràn rụa. Người chủ nhà sửng sờ ngạc nhiên trước sự bất ngờ ấy và ngay khi vừa quỳ lạy xong, con vật người ấy vụt quay lưng bỏ chạy ra đầu ngõ, con chó chạy theo sủa liên hồi.

Người chủ vào nhà, cho người đi mời các gia đình họ Lý còn lại, đến và kể lại câu chuyện vừa xả y ra. Một ông lão lớn tuổi sau khi nghe trầm ngâm một chốc rồi lên tiếng, “Có lẽ thằng cháu chưa chết mà vì ngậm ngải quá lâu nên không biết đường về và sau đó biến thành xà niên.”...”(trang 151)

Không chỉ kể chuyện, tác giả còn dùng những cử chỉ và sự kiện để mô tả các cảm xúc trong lòng. Ai có thể mô tả được nỗi cô đơn, và mô tả cách nào? Trong truyện “Phố Chiều Năm Cũ,” Lê Lạc Giao kể về nỗi cô đơn của hai người bạn (và rồi có lúc một đêm chàng ngủ lại ở nhà nàng hay khi về thì trời đã rất khuya?), trích:

“...Tôi chua xót kéo Hảo vào lòng. Nàng nhích ra khỏi tôi và lầm lũi đi về. Tôi bước theo sau. Trời dường lạnh hơn, vỉa hè cuối năm rộng thênh thang, hoang vu trong tầm mắt nhìn. Nỗi cô đơn như bám chặt lấy hai người, và tôi nhận rõ chung quanh mình những chiếc bóng cô đơn khác đang lang thang trên phố như những bóng ma. Khi chúng tôi về đến phòng, Hảo ngồi xuống xa-lông, cởi bỏ áo ngoài rồi mở máy sưởi.

Chiếc laptop vẫn còn mở, cô đơn lặng lẽ trên bàn. Tôi ngồi xuống bên cạnh Hảo, nàng quay nằm ngang, gác chân lên hai chân tôi, nhắm mắt không nói tiếng nào. Tôi cũng nhắm mắt lại, nghe từng tiếng tíc tắc vang vọng của chiếc đồng hồ treo tường.

Khi tôi mở bừng mắt, dường như Hảo đã ngủ. Nỗi khổ tâm dìm nàng sâu vào giấc ngủ mệt nhoài của những xung đột tinh thần. Tuy hôm nay tôi tỉnh táo, nhưng bản thân mình như chia xẻ trọn vẹn khổ đau bất tận của nàng. Nhẹ nhàng, tôi nhấc chân Hảo lên, rồi nhích ra ngoài chỗ ngồi. Đứng lên, tôi bồng Hảo vào giường ngủ, nàng vươn tay ôm cổ tôi và mỉm cười.

Chờ Hảo ngủ yên, tôi ra phòng khách, mở thêm chai bia uống và nhìn ra ngoài cửa kính. Trời bên ngoài tối đen, không còn nhìn thấy hai đóa hoa xương rồng nữa...” (trang 187)

Nhà văn Lê Lạc Giao cũng là một võ sư Vịnh Xuân Quyền, và do vậy anh cũng có những quan tâm về quyền pháp khi nghĩ tới một cuộc chiếns ắp tới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nỗi quan tâm đó, anh trình bày về kỹ thuật chiến đấu trong truyện “Hà Dĩ Giải Ưu?” qua lời Hoàng Trác dạy cho sư đệ là Tiểu Kỷ, trích:

“...Tiểu Kỷ tò mò hỏi:

- Trong ngũ hình, bài tam thập liễu diệp liên hoàn thủ chủ con nào?

- Xà hạc, nói chung chủ tốc độ trên nền khí công.

- Như thế không khác quyền pháp Vịnh Xuân hay sao?

- Đúng vậy, Vịnh Xuân quyền của Hoa Nam Phật Sơn, nhưng anh dùng “gậy ông đập lưng ông” cho họ biết rằng chính phần âm của bát thủ pháp Vịnh Xuân sẽ khống chế toàn bộ quyền pháp Hoa Nam nói riêng và Trung Hoa nói chung!”(trang 208)

Trong tập truyện cũng còn nhiều hình ảnh đau đớn từ cuộc chiến vừa qua.

Như trong truyện “Một Thời Điêu Linh,” tác giả Lê Lạc Giao kể về một căn nhà thân thương và một phố thị quen thuộc bỗng nhiên trở nên như rất xa lạ khi anh trở về từ trại giam tù bình:

“...Trước đây mười năm, căn nhà này của anh. Bây giờ vẫn là của anh, nhưng chẳng hiểu vì sao, anh cứ nghĩ rằng mình thuê mướn nó. Anh không thấy chút gì quen thuộc nơi một thời anh đã sống như chị anh nói, “Phải cố nhớ lại chứ, trong đầu ít ra còn chút kỷ niệm.” Hậu hỏi lại, “Kỷ niệm gì đây?”

Khi chiến tranh đi qua, mọi người như ra khỏi cơn ác mộng nhưng sự thật không phải giản dị như thế. Bóng tối quá khứ nhuốm đen quãng đời còn lại những người một thời từng là chứng nhân và nạn nhân của cuộc chiến tranh.”(trang 219)

Hay như trong truyện “Bên Này Ước Vọng,” tác giả kể về cô thiếu nữ tên Thục có chồng là một sĩ quan VNCH; cha ruột của Thục lại là một Thiếu Tướng Miền Bắc VN, đã gửi cô từ nhỏ cho sống với ba mẹ nuôi, và chú nuôi của Thục lại là một tướng lãnh VNCH. Cô Thục cũng đã trải qua những tháng ngày gian nan sau năm 1975, và rồi sau cơ may được ra hải ngoại định cư, để nhiều thập niên sau về lại thăm VN. Lê Lạc Giao viết:

“...Ngồi trên thềm đá hoa cương của nhà hát thành phố, nơi nửa thế kỷ trước, cô bé Thục bắt đầu lên bậc trung học được mẹ nuôi mua cho chiếc xe đạp để đạp đến trường. Cô và các bạn dừng xe nơi này đứng ngắm những tấm bích chương quảng cáo phim đang chiếu tại rạp bên kia đường. Thục nhìn trung tâm mua sắm rộn rịp ngày hôm nay vừa nhớ lại tuổi thơ ngày xưa, cho cô cảm giác mình đã đạp xe trên một đoạn đường dài ba mươi sáu năm. “Mình bao giờ cũng đạp xe, cái giỏ xe nhỏ đằng trước chứa ước mơ và hạnh phúc lại là kẻ đi nhờ, ngồi phía sau, chỉ có thể cảm nhận nhưng không biết hình thù ra sao?” Cô tự bảo: “Dân tộc mình cũng thế, lúc nào cũng cắm cúi đạp xe và yên chí mình đang chở hạnh phúc đằng sau. Dù hạnh phúc có xuống xe thì họ vẫn gò lưng đạp xe với hy vọng một hạnh phúc khác sẽ lên yên phía sau đi nhờ.” Sau hai mươi năm trở về quê hương, Thục vẫn thấy họ khổ cực và hy vọng. Dường như bên này ước vọng, ai nấy vẫn không dấu thái độ bằng lòng của mình...”(trang 365)

“Một Thời Điêu Linh” là một tập truyện xuất sắc, nơi những người cùng thế hệ với tác giả có thể nhìn thấy hình ảnh mình phảng phất trong đó, nơi có những lúc như bị biến hình thành một người rừng, nơi độc giả có khi thấy mình cô đơn như chiếc máy tính laptop trên bàn, nơi mình tự tạc tượng mình để ăn xin quá khứ, nơi chúng ta cùng quan tâm về một thế nước trước một Trung Quốc hung hiểm, và là nơi chúng ta tự thấy mình như một thiếu nữ bị vùi dập giữa cơn lốc chiến tranh mà không hề biết “hạnh phúc hình thù ra sao”...

Ấn phí 25 Mỹ Kim, tập truyệt do Triết Văn xuất bản.

Có thể liên lạc với tác giả ở Email: lelacgiao51@yahoo.com  hay vào http://trietvan.com/

No comments:

Post a Comment

View My Stats