Saturday 24 August 2013

[VÀO ĐẢNG - BỎ ĐẢNG] RỒI SẼ ĐI TỚI ĐÂU ? (Lữ Giang)




Lữ Giang
Ngày 22.8.2013

Trong mấy tuần qua, đã có nhiều cuộc tranh luận trên các cơ quan truyền thông cũng như các diễn đàn Internet về lời kêu gọi thành lập một chính đảng mang tên Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Việt Nam của ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên đảng CSVN và lời kêu gọi “Phá Xiềng” của ông Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu và ký giả miền Nam hoạt động cho Cộng Sản trước năm 1975. Đa số cho rằng hai người này là cò mồi của Đảng CSVN. Một số có ý kiến nên xem họ sẽ làm gì rồi sẽ phê phán...

Trong 38 năm qua, nhiều người “cứ nghe ai hô chống cộng là theo” nên đã bị Cộng Sản hay những tên lừa đảo làm mất cả chì lẫn chài, khi nhận ra thì đã quá muộn! Do đó, trước khi đưa ra một vài nhận xét về hai lời kêu gọi nói trên, chúng tôi xin nói qua về các mưu lược mà Đảng CSVN đã xử dụng để bảo vệ quyền bính.

MƯU LƯỢC VÀ QUYỀN BÍNH

Chúng ta nhớ lại, trong bài “Niềm Tin và Đạo Đức” được phổ biến hôm 15.8.2010, Tướng Lưu Á Châu (Liu Ya-zhou), Chính ủy Trường đại học Quốc phòng Trung Quốc có nói: “Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược”.

Sách Tàu nói đến “tam thập lục kế” tượng trưng cho vô lượng kế, trong đó có cả kế “dĩ đào vi thượng sách” (bỏ chạy là cách hay nhất). Mao Trạch Đông từng nói: "Đánh vẫn cứ phải đánh, đàm vẫn cứ phải đàm, hòa vẫn cứ phải hòa."

Sách và phim ảnh nói về mưu lược Trung Quốc tràn ngập thị trường sách báo của người Việt ở trong cũng như ngoài nước. Tuân Vực, một nhà mưu lược của Tào Tháo có nói đến bốn cách thắng của Trung Quốc, đó là "độ thắng", "mưu thắng", "võ thắng" và "đức thắng". Trong bốn cách này thì “mưu thắng” bao giờ cũng chiếm ưu thế.

Đảng CSVN, con đẻ của Đảng CSTQ, cũng không có tư tưởng, chỉ có mưu lược. Nhất cử nhất động đều dùng mưu lược. Bài “Vận dụng mưu lược, chuyển hướng chú ý của đối phương” đăng trên website bachkhoatrithuc.vn ở trong nước, đã mở đầu như sau:
Thành công thật sự sẽ thuộc về người có mưu lược hơn người. Trên đời này có rất nhiều “thành công phi thường” đạt được bằng những “cách làm phi thường”. Trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình, chúng ta phải vừa cố gắng nỗ lực, lại vừa phải biết cách động não, suy nghĩ, vận dụng mưu lược thích hợp, tìm ra con đường ngắn nhất để tạo được mục tiêu nào đó.”

Còn “người Việt quốc gia” hay “người Việt chống cộng” thì sao?

Năm 1945 Đảng CSVN chỉ có khoảng 300 người, nhưng đã cướp được chính quyền nhờ dùng mưu lược xảo trá. VNQDĐ tuy có trên hai triệu đảng viên, nhưng cứ ngồi chờ quân đồng minh đến nên thua đậm và bị thanh toán. Cũng bằng mưu lược, năm 1954 Đảng CSVN đã chiếm được miền Bắc và năm 1975 đã chiếm được miền Nam.

Sau 30.4.1975. CSVN đã thanh toán các thành phần chống đối bắng hai phương thức sau đây:

Phương thức thứ nhất là xâm nhâp vào các tổ chức chống đối để phá vỡ. Bằng phương thức này CSVN đã thanh toán
            (1) Tổ chức Phục Quốc,
            (2) Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, 
            (4) Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc của Võ Đại Tôn.

Phương thức thứ hai là hình thành các tổ chức CHỐNG CỘNG CÒ MỒI để gài bẫy thanh toán các tổ chức chống đối ở Thái Lan, Cambodia và trong nước.

MỘT VÀI NHÓM CÒ MỒI ĐIỂN HÌNH

Từ năm 1975 đến nay, có rất nhiều tổ chức chống cộng có mồi được Đảng CSVN dựng lên để làm bẫy sập. Chúng tôi đã nói đến những tổ chức này nhiều lần. Hôm nay chúng tôi xin nhắc lại một vài thí dụ điển hình.

1.- Nhóm cò mồi Nguyễn Hữu Chánh

Hà Nội cho các cán bộ tình báo vào nằm ngay trong Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương, Chính phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do và Đảng Dân Tộc… của Nguyễn Hữu Chánh để gài bắt các thành phấn chống đối, chẳng hạn như:  Hốt 260 “chiến hữu” ở Cambodia năm 1996, trong đó có Lý Thara; tổ chức “Đại Hội Biên Thùy Đông Dương” và thành lập “Chiến khu KC 702” giả ở Thái Lan vào 30.4.1998 để tập trung tàn quân của các lực lượng kháng chiến còn lại ở Thái gồm 38 người, trong đó 33 người đang lưu vong ở Thái Lan và Cambodia, 1 người từ hải ngoại về và 4 người ở trong nước ra, rồi gài bẫy cho Công An bắt và đưa ra xét xử ngày 16.5.2001, v.v.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành “sứ mạng”, Công An đã dùng Phan Nguyễn Thành Hiền Sĩ, một người tự nhận là thành viên của CPCMVNTD của Nguyễn Hữu Chánh, đặt bom không ngòi nổ ở Tòa Đại Sứ Hà Nội ở Thái Lan vào lúc 4 giờ sáng ngày 19.6.2001. Tòa Thái Lan đã tuyên phạt Hiền Sĩ 13 năm tù, còn CSVN ban hành trát truy nã quốc tế Nguyễn Hữu Chánh về tội khủng bố. Nguyễn Hữu Chánh hết dám ra khỏi nước Mỹ.

Mấy ngày qua, Nguyễn Hũu Chánh đã lên đài truyền hình tuyên bố sẽ rút 17.000 quân đang đóng ở Biên Thùy Đông Dương trở về để đổ bộ ra chiếm lại Hoàng Sa và Trường Sa. Chánh yêu cầu đồng bào mua “bond” (công khố phiếu) của  chính phủ Chánh và góp tiền mua tàu…

Có người thắc mắc: Mấy lâu nay Chánh lấy tiền đâu để nuôi 17.000 quân? Thắc mắc như thế là không hiểu gì về “tình hình chiến sự” cả. 17.000 quân đó đều là âm binh, không cần ăn uống gì, chỉ sống nhờ hơi của các đồ do bá tánh cúng. Khi đi Trường Sa, đoàn quân đó sẽ ĐI BẰNG DIỀU chớ không đi bằng tàu. Do đó, đồng bào chớ mua “bond” hay góp tiền cho Nguyễn Hữu Chánh.

2.- Nhóm cò mồi Nguyễn Sĩ Bình

Nguyễn Sĩ Bình sinh năm 1955 tại làng Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Năm 1992, Nguyễn Sĩ Bình về Việt Nam và bị Công An bắt vì “tổ chức chống đối chế độ”. Nguyễn Sĩ Bình được “khoan hồng” ngày 26.6.1993 và trở về Mỹ, rồi năm 1996 qua Cambodia tổ chức cái gọi là "Đại Hội Đảng Nhân Dân Hành Động” tập trung 24 người chống cộng còn hoạt động tại Cambodia cho Công An bắt và đưa về Việt Nam truy tố và tuyên án rất nặng. Điều đáng ngạc nhiên là Nguyễn Sĩ Bình, người đứng ra tổ chức Đại Hội, và người tình là Nguyễn Thị An Nhàn, lại không bị bắt mà được “trục xuất” về Mỹ trong thư thái hân hoan!

Năm 2006 Bác Sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đã đưa ông Hoàng Minh Chính qua Mỹ chữa bệnh, Nguyễn Sĩ Bình xúi Hoàng Minh Chính tuyên bố thành lập “Đảng Dân Chủ Việt Nam” ở hải ngoại để giúp Bình thay hình đổi dạng. Báo Công An cho biết vào tháng 3/2008, Nguyễn Tiến Trung đã giới thiệu Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định với Nguyễn Sĩ Bình để hình thành một tổ chức lật đổ chính phủ ở trong nước.

Tháng 9/2009, nhóm Lê Công Định qua Mỹ gặp Nguyễn Sĩ Bình “để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng Sản VN khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010” và tuyên bố gia nhập "Đảng Dân Chủ VN" tại Mỹ. Từ ngày 1.3.2009 – 3.3.2009, Lê Công Định lại đi tham gia “khoá huấn luyện bất bạo động” được tổ chức tại Pattaya, Thái Lan, v.v..

Các cuốn băng và video thu hai cuộc họp này đều nằm trong tay Công An nên Lê Công Định phải nhận tội. Trần Huỳnh Duy Thức bị 16 năm tù, 5 năm quản chế. Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế. Lê Công Định: 5 năm tù, 3 năm quản chế. Lê Thăng Long: 5 năm tù, 3 năm quản chế. Lê Công Định mới được thả ra.

3.- Nhóm cò mồi Nguyễn Công Bằng

Nguyễn Công Bằng chỉ là một hạ sĩ quan QLVNCH trước 1975. Khi qua Mỹ, Bằng đến ở Orange County và được Hoàng Việt Cương cài vào tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh với bí danh là Lê Chí Thức, làm Phát Ngôn Viên cho chính phủ của Chánh.

Khi Chánh làm xong “sứ mạng” ở Thái Lan và Cambodia, nhóm tham mưu của Bộ Công An rút, Nguyễn Công Bằng trở về Việt Nam thành lập Đảng Thăng Tiến, Đảng Vì Dân và Liên Đảng Lạc Hổng để gài bắt nhóm Linh mục Nguyễn Văn Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Sau đó Nguyễn Công Bằng qua Houston.

Hôm 18.8.2013 Nguyễn Công Bằng mới hô lên đã bị ám sát hụt ở Siem Reap, Cambodia và nghi là Cộng Sản! Chuyện Nguyễn Công Bằng còn dài. Chúng tôi sẽ kể tiếp.

Một nguồn tin cho biết ở trong nước Đảng Việt Tân đang liên lạc với các nhà tranh đấu để “phối hợp hành động”. Đa số đã biết đó là Đảng Việt Tân giả của Công An. Nhưng nhóm Thanh Niên và Sinh Viên Vinh cũng như Việt Khang và Phương Uyên đã bị sập bẩy.

Các kế hoạch gài bẫy trong và ngoài nước của Công An còn nhiều, nhất là dưới danh nghĩa của đảng Việt Tân. Chúng tôi sẽ bàn sau.

HAI NHÂN VẬT ĐỐI KHÁNG

Trước khi có ý kiến về hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận muốn lập Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Việt Nam, chúng tôi xin tóm lược lý lịch của hai nhân vật này.

1.- Vài nét về Lê Hiếu Đằng

Lê Hiếu Đằng sinh năm 1942, người gốc Thừa Thiên vào sinh sống ở Đà Nẵng, học Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng từ 1955 đến 1962, sau đó theo học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, mới hết năm thứ hai, chưa xong cử nhân. Đằng đã tham gia vào tổ chức nội thành của Đảng CSVN và hoạt động dưới danh nghĩa thành viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa.

Trong biến cố Tết Mậu Thân, "Ủy Ban Trung Ương Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam" được thành lập do Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo; Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết đồng Phó Chủ tịch; Tôn Thất Dương Kỵ làm Tổng thư ký; Dương Quỳnh Hoa, Hoàng Trọng Quỳ và Lê Hiếu Đằng làm Phó Tổng thư ký. Sau biến cố này, Lê Hiếu Đằng đã đi vào hoạt động bí mật và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Sau đó Đẳng làm Tổng thư ký Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định (1969-1975).
Từ 1975 đến 1983 Đằng là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Sau đó Đằng làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (từ 1989-2009) và Đại biểu HĐND Thành phố khóa 4 và khóa 5. Tính tới 2013, Đằng đã có 45 tuổi đảng (1968 – 2013). Hiện Đằng đang bị bệnh ung thư.

2.- Vài nét về Hồ Ngọc Nhuận

Hồ Ngọc Nhuận sinh năm 1935 tại Mỹ Tho, lớn lên học trường đạo rồi đi dạy học ở các trường tư thục, trong đó có trường Regina Pacis.
Năm 1966 tham gia Đoàn Thanh Niên Trừ Gian của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, sau đó được Võ Long Triều, Ủy Viên (Bộ Trưởng) Thanh Niên của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ cử làm Công Cán Ủy Viên đặc trách phát triển Quận 8.
Trong cuộc bầu cử Hạ Viện vào tháng 10/1967 Nhuận ra ứng cử đơn vị Quận 8 và đắc cử. Sau đó ông tái đắc cử và làm dân biểu đến 1975.
Ông tham gia nhóm đối lập của Ngô Công Đức và làm Giám Đốc Chính Tri nhật báo Tin Sáng của Ngô Công Đức. Sau 30.4.1975 tờ báo này vẫn được tiếp tục hoạt động một thời gian. Hồ Ngọc Nhuận trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM rồi Ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cho đến nay. Tuy nhiên, ông không phải là đảng viên.

BỎ ĐẢNG HAY BỊ ĐẢNG BỎ?

Qua lý lịch và lời phát biểu của hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận về việc thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội, chúng tôi có vài nhận xét như sau:

1.- Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận tuy theo Đảng CSVN nhưng không được trọng dụng. Họ bị vứt vào cái thùng rác Mặt Trận Tổ Quốc. Sự đối kháng của họ chắc chắn đã có từ lâu nhưng đến cuối đời họ mới dám nói ra.

2.- Ảnh hưởng của hai nhân vật này đối với quần chúng trong nước không cao, nên nhà cầm quyền không quan tâm nhiều những điều họ nói, vì nó không thể gây ra một phong trào đối kháng mới hoặc làm cho các cuộc đối kháng hiện tại bùng phát mạnh hơn.

3.- Hồ Ngọc Nhuận chỉ là loại chính khách mà Tướng Nguyễn Khánh gọi là “chính khách phòng trà”, thường dùng dao to búa lớn mỗi khi phát biểu và có tài xách động quần chúng, nhưng không có khả năng xây dựng các cơ sở chính trị và thiết lập các kế hoạch hành động. Đó là khuyết điểm chung của đa số chính khách miềm Nam. Họ thường chỉ đi kiếm ghế.

Lê Hiếu Đằng có kiến thức và biết tùy cơ ứng biến hơn. Ông không dám đưa ra một đảng mới mà chỉ đòi tái lập hai đảng cũ được Việt Minh đưa ra năm 1946, đó là Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội. Thật ra đó không phải là hai đảng đối lập mà chỉ là hai công cụ của Mặt Trận Việt Minh. Lúc đó Việt Minh tổ chức bầu cử quốc hội gian dối, nhưng không lẽ để Việt Minh chiếm hết 356 ghế? Do đó, Việt Minh phải cho ra hai đảng nữa để làm bình phong. Sau đó Việt Minh còn phải chia cho Việt Cách 20 ghề và Việt Quốc 50 ghế. Nay nếu tái lập Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội theo kiểu 1946 thì cũng chỉ là một trò hề.

Với cách hành động như trên mà gọi là “phá xiềng” thì chẳng ai tin. Nó chỉ góp phần vào việc làm xói mòn niềm tin vào chế độ mà thôi.

Ngày 22.8.2013
Lữ Giang

---------------------------------


Posted by basamnews on August 24th, 2013

Tiếp chủ đề “bỏ đảng”, “đa đảng”, phần 6 

Vậy là cho tới hôm nay, sau 12 ngày kể từ khi ông Lê Hiếu Đằng « nổ phát pháo » đầu tiên vào dinh lũy húy kỵ nhất của đảng, ta có thể cảm nhận bộ máy tuyên giáo của nó đã chính thức được khởi động, với 5 bài phản pháo. 

Bám sát theo tình hình thời sự nóng bỏng, bài bình luận này xin tạm ngưng nói về DÂN TRÍ, để bàn tới cuộc … ĐẤU TRÍ, ĐẤU LÝ.

Cũng để độc giả tiện theo dõi, chúng tôi đã mở một chuyên mục riêng trên đầu trang, có tên là ĐẢNG PHÁI, trước mắt tạm lưu trữ tất cả những bài viết thu thập được về cuộc trao đổi này, kế đến có thể là những tư liệu phục vụ kiến thức về các đảng phái, tổ chức chính trị trong, ngoài nước.

Gọi đây là một cuộc “đấu trí” và “đấu lý” vì rõ ràng đã xuất hiện hai “phe” có hai quan điểm trái ngược nhau, đang vừa tuyên truyền vừa thăm dò chiêu thức của nhau, một bên muốn đa đảng, một bên “kiên định lập trường” độc đảng cộng sản cầm quyền. Thêm nữa, cuộc đối đầu này cũng mới chỉ trên phương diện tuyên truyền, chưa có dấu hiệu phải sử dụng tới những ngón đòn pháp lý, khi phía “đa đảng” mới chỉ qua bài viết, trả lời phỏng vấn, chứ chưa có động thái “tụ tập đông người”, hay biểu tình, trưng biểu ngữ kêu gọi, … để mà bị bên kia kiếm cớ xử lý. 

(Bổ sung, hồi 7h5′, VTV điểm báo vừa loan tin vui cho phe “độc đảng”, tờ báo của lực lượng “còn đảng còn mình” đã có bài “Nhiều sai lầm lệch lạc trong bài “Viết trên giường bệnh” của ông Lê Hiếu Đằng“ của Minh Nghĩa, và tờ Đại đoàn kết nổ thêm phát pháo nữa, với bài  “Sự thật không như những điều anh Lê Hiếu Đằng suy nghĩ” của Nguyễn Túc. Chúng tôi sẽ kịp thời giới thiệu nội dung 2 bài này khi có trên mạng. Có lẽ cũng cần có thêm các gương mặt khác nữa, như báo Sài Gòn giải phóng, Công an TPHCM?).

Thế nhưng, nếu coi những gì diễn ra trong 12 ngày vừa qua như là Hiệp 1, thì phe “độc đảng”, với lực lượng cực kỳ hùng hậu, nhưng lại tỏ ra quá yếm thế so với phe “đa đảng” – không tấc sắt trong tay, tiên phong là một ông già nằm viện đang chữa trị trọng bệnh.

Với 5 bài báo của những “cây viết” vô danh, ngụy danh, “bí danh” phải đối chọi với hàng chục bài viết khác, trong đó có nhiều nhân vật tiếng tăm, có bề dày đáng nể về lý luận chính trị, thì thật là một cuộc đấu lý không cân sức.

Thậm chí, nếu thông tin mới đây từ một độc giả cung cấp về “cây viết” Hà Trọng Nghĩa trên Đại đoàn kết sáng qua là đúng, thì càng lo cho phe “độc đảng” đang phải vơ bèo vọt tép, chiêu mộ cả những phần tử cơ hội chính trị đầu đường xó chợ. Do chưa có điều kiện kiểm chứng, nên chỉ xin trích đoạn: “Đôi nét về Hà Trọng Nghĩa: tên thật: Hà Văn Thọ. Sinh 1957 nhưng khai man trong lý lịch Đảng là năm 1961. Từng làm ở các báo: Nhi Đồng, Giáo dục thời đại, Sài gòn giải phóng. Theo nhiều đồng nghiệp thì Thọ đi đến đâu tai tiếng đến đấy. Khi đang làm ở báo Giáo dục thời đại, người ta ko ngửi được muốn đuổi Thọ thì Thọ mặc cả: cho em vào Đảng em sẽ đi …”. Nhìn cuối trang báo thì vị này là đương kim Thư ký tòa soạn.

(Bổ sung, hồi 6h45′, sau khi đã đăng phần bình luận này, một nhà báo email cho biết thêm, nhưng do vấn đề quá tế nhị, khó kiểm chứng, nên chỉ xin trích: “HTN thực chất là một thằng nhà báo lưu manh thê thảm. Ko chỉ cơ hội, vụ lợi về chính trị, HTN máu  …”).
Nhưng đó mới chỉ là hình thức, còn nội dung các bài viết, cách tranh luận của phe “độc đảng” thì cũng đã có một số bài của phe “đa đảng” mổ xẻ đến nơi đến chốn.

Nặng ký nhất làm cho phe “độc đảng” khó đỡ có lẽ là bản Dự thảo Ý kiến của LS Trần Vũ Hải. Liệu Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể trả lời được hay không, hay lại “im lặng đáng sợ”? Một sản phẩm chuẩn mực cả về kiến thức pháp luật, thái độ làm việc nghiêm túc, lẫn sự khôn ngoan trong tranh đấu ôn hòa, để đấu trí với mớ tạp nham mà các báo QĐND, ND, ĐĐK tung ra. Đây cũng chính là minh họa rõ nhất cho tính chính danh, chính nghĩa hay không trong cuộc đấu trí – đấu lý này.

Điều đáng lo cho phe “độc đảng” là mới chỉ Hiệp 1 mà đã tỏ ra kém cỏi vậy, trong khi không hiểu họ có lường trước diễn biến của các hiệp sau sẽ ra sao chưa? Nếu chưa, xin được có vài gợi ý để vừa giúp cho phe “độc đảng” chuẩn bị lực lượng, phương án đối phó, cũng để những độc giả nào vội lo cho những diễn biến tiêu cực sẽ phải nghĩ lại. Đó là:

- Liệu tới đây, có những cá nhân, nhóm đảng viên ĐCSVN tuyên bố thành lập “Đảng Bác Hồ”, hay “Đảng Mác-xít thì đám báo chí quốc doanh như Quân đội nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết có dám lên tiếng mạt sát như với Đảng Dân chủ xã hội mà ông Lê Hiếu Đằng khởi xướng hay không?

- Ngoài ra, cũng có thể có những lực lượng khác, với những đòi hỏi khác nhau, như “tách đảng” (Đảng LĐVN và Đảng CSVN), lập Nhóm Cải cách, v.v.. trong đảng. Với một đối thủ đã khó “chơi”, vậy phải đối phó với nhiều đối thủ một lúc, đều xuất phát từ trong nội bộ đảng, thì sẽ ra sao?

- Phản ứng thiếu khôn ngoan vừa qua, và có thể cả trong thời gian tới, của phe “độc đảng” liệu có như “đổ thêm dầu vào lửa”, kích động những đảng viên còn phân vân, chưa quyết định theo phe “đa đảng”, nay quyết dấn tới?

- Liệu cú “gây sốc” của ông Lê Hiếu Đằng có phải là cánh quân chính của phe “đa đảng”, hay đó chỉ là đòn nhứ nghi binh, động tác giả, khiến phe “độc đảng” lỡ đà, để sau đó mới xuất hiện thực sự một vài nhóm khác với những đòn nhẹ ký hơn?

- Liệu những đảng viên trong nhóm “Kiến nghị 72” có lên tiếng về những tuyên bố của ông Lê Hiếu Đằng, người cũng tham gia ký tên trong bản Kiến nghị đó? Việc “lên tiếng” có thể có nhiều mức độ khác nhau, từ ủng hộ cho tới đơn giản chỉ đòi ban lãnh đạo đảng phải trả lời chính thức cho toàn thể đảng viên để tránh dư luận hoang mang …

- Liệu sẽ còn có những sáng kiến khác khiến các cơ quan có trách nhiệm không dễ lẩn tránh, ví như tổ chức đoàn đại diện các đảng viên tới Văn phòng trung ương đảng, trao trực tiếp một bản kiến nghị cho Ban Bí thư, tương tự với cách làm với bản Kiến nghị 72?
Và … còn nhiều nữa những khả năng có thể xảy ra. Những khả năng được nêu ra đều có cơ sở thực tế, sẽ được trình bày ở phần tiếp theo. 



No comments:

Post a Comment

View My Stats