Kính
Hòa, phóng viên RFA
2013-08-15
2013-08-15
Tờ báo The Epoch Times, được cho là gần gủi với
phong trào Pháp Luân Công tại Trung quốc có hẳn một góc nhỏ để công bố số đảng
viên đảng cộng sản Trung quốc rời khỏi đảng.
Trong bài viết mới nhất của ông Lê Hiếu Đằng, một
đảng viên lâu năm của đảng cộng sản Việt Nam có câu “tôi biết nhiều đảng
viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ
vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể
ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới”.
Trong suốt lịch sử Việt Nam hiện đại, không có một
tổ chức chính trị nào ngự trị vũ đài chính trị của đất nước một cách tòan diện
và dài lâu như đảng cộng sản. Đó là một tổ chức chính trị chặt chẽ, có sức hấp
dẫn từ những năm đầu thế kỷ 20.
Sức hấp dẫn ấy đến từ những lý tưởng công bằng xã
hội, từ nỗi niềm mong ước giải quyết tòan diện các vấn đề của xã hội lòai
người. Sự hấp dẫn cộng sản còn mạnh mẽ hơn nữa sau khi thí nghiệm đầu tiên được
thực hiện tại nước Nga và các quốc gia phụ thuộc của nó, nơi mà thông tin ít ỏi
được mang ra làm khơi gợi trí tò mò.
Bức màn sắt đã sụp đổ. Thí nghiệm cộng sản đầu tiên
đã thất bại một cách rõ ràng, khó có lời biện hộ mang tính thuyết phục. Chỉ còn
lại trên trần gian này những thí nghiệm cộng sản, biến thái với thời gian,
trong cuộc hôn nhân đầy sóng gió của nó với kinh tế thị trường.
Một cán bộ giảng dạy có bằng Tiến sĩ, là đảng viên
cộng sản dạy đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, đang rời khỏi đảng cho chúng
tôi biết:
“Khoảng năm 2011 thì tôi thấy tình hình không ổn.
Chính sách không ổn, thực tế không ổn, sự quản trị không ổn của một đảng duy
nhất, nên tôi làm đơn xin ra khỏi đảng.”
Ngoài những lý do của sự hấp dẫn cộng sản là mong
ước về công bằng xã hội đã đề cập bên trên, sự hấp dẫn của đảng cộng sản Việt
Nam còn có lý do từ một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà bao lâu nay Đảng
đã rất thành công trong việc duy trì tính chính danh của mình. Từ cuộc đấu
tranh đó đảng biện minh cho ngôi vị độc tôn của mình. Tuy nhiên lý do biện minh
đó cũng đang bị thách thức. Một trong những thủ lĩnh phong trào sinh viên tại
các thành thị miền Nam trước 1975 là Huỳnh Kim Báu nói với đài Á châu tự do:
“Chuyện công lao quá khứ với hiện tại là hai phạm
trù khác nhau. Anh có thể có công với quá khứ nhưng bây giờ có tội với tương
lai. Không thể xét đoán công với tội mà cả dân tộc này chịu sự cai trị của Đảng
suốt đời như vậy. Trong khi đó dân tộc, đất nước có trước Đảng. Trước khi là
một Đảng viên thì là người Việt Nam đã, cái đó là điều hiển nhiên cho nên không
thể lấy lập luận đó để bảo vệ.”
Sự bất hợp lý của mô hình cai trị độc đảng đó được
người giảng viên đại học đang rời khỏi đảng nêu rõ:
“Cái đa đảng nó làm cho nhiều trường phái đấu tranh
với nhau, từ đó chọn ra cái tốt nhất cho đất nước, chứ kiểu độc tôn là hoàn
toàn không ổn.”
Người giảng viên này cũng nói về sự khủng khiếp hiện
tại ở Việt Nam khi chứng kiến sự cấu kết giữa đảng nắm quyền và các nhóm lợi
ích, hiện đang chi phối xã hội.
Những đảng viên nông dân, một lực lượng quan trọng
của đảng cộng sản, không có những lý luận về quản trị như trên, chắc là cũng
không hiểu lý tưởng cộng sản ở những năm đầu thế kỷ 20 như thế nào, nhưng họ
hòan tòan ý thức được là đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản hiện nay là không
cần thiết, khi cuộc sống của họ bị đe dọa bởi các nhóm lợi ích. Một nữ đảng
viên ở làng Trịnh Nguyễn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, vì không chấp nhận giao
đất cho các công ty, đã bị khai trừ khỏi đảng, bà nói với chúng tôi về chuyện
đó không chút luyến tiếc:
“Bao năm phấn
đấu vào đảng, nhưng nay họ làm sai, tôi không cần nữa. Bây giờ cần dân hơn cần
Đảng. Thân mình mình phải lo, chứ khi người ta lo đến mình là mình toi rồi.”
Sự hấp dẫn của chủ nghĩa đã không còn nữa, cho nên
đảng cộng sản phải lấy tư lợi ra để thu hút người vào đảng. Ông Lưu Hiểu Ba,
người bất đồng chính kiến nổi tiếng đang bị cầm tù tại Trung Quốc viết rằng
động cơ xin vào đảng của thanh niên Trung Quốc chỉ là tư lợi.
Người anh em của đảng Trung quốc là đảng Việt Nam
cũng có cùng phương pháp. Người cán bộ giảng dạy ở TP HCM nói tiếp về nguyên
nhân tại sao anh vào đảng:
“Lúc ấy tôi muốn lấy một học bổng trong chương trình
liên kết với Đại học Curtin bên Úc, mà muốn như thế thì phải là đảng viên đảng
cộng sản.”
Bỏ qua ý tưởng tư lợi, thì sự ham mê cống hiến có lẽ
cũng là lý do của nhiều trí thức trẻ, với hòai bão được cống hiến, được làm
khoa học, và trong một thời điểm lãng mạn nào đó của cuộc đời, nghĩ rằng đảng
cộng sản sẽ giúp mình thực hiện hòai bão ấy. Khi được hỏi anh nhìn nhận như thế
nào về cảm tình của giới trẻ có học thức hiện nay đối với đảng cộng sản, anh
trả lời ngay lập tức là không hề có.
Nếu cách đây mấy mươi năm người cộng sản Nam Tư Milovan
Djilas có nói:
"Nếu ở tuổi hai mươi mà không vào đảng thì là
người không tim, nhưng đến tuổi 40 mà còn ở trong đảng lại là người không có
trí."
Thì nay có lẽ giới trẻ Việt Nam không cần đến sự
chênh lệch đến 20 năm để quyết định.
------------------------------------------------------
Posted by adminbasam on August
15th, 2013
Luật
gia Lê Hiếu Đằng: “Một xã hội dân sự mạnh mới mong huy động được sức mạnh của
toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh” (BoxitVN). “Có hai việc bây giờ ta phải làm.
Một là về tư tưởng, phải kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin đã quá lạc hậu.
Phe gọi là Cộng sản chỉ còn Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, chưa kể Bắc Triều Tiên
với thể chế quái dị không biết ta có ôm vào phe mình hay không, nếu có thì quá
xấu hổ. Về công việc thực tế, bây giờ phải tập trung xây dựng xã hội dân sự
mạnh, trong đó có chính đảng đối lập. Phải bắt đầu cho cuộc vận động thành
lập một chính đảng mới“.
Bỏ
đảng, lập đảng khác (DĐTK).
*
Xin bàn tiếp chủ đề “bỏ
đảng”, “đa đảng”, mà trong các bản tin 27/4, 3/5
và 4/7/2013 đã đề cập ít nhiều. Bình
luận sáng qua nói về DÂN TRÍ, chính là vấn đề gốc rễ
của câu chuyện gắn với số phận ĐCSVN hôm nay.
Trải qua thời kỳ “Khai tối”,
kéo dài từ những năm tháng không được “nghe đài địch”, rồi khi được nghe thì
thế giới đã có video nhưng VN thì … cấm, truyền hình quốc tế – qua anten chảo
cũng vậy. Nhưng chuyện dân trí không đơn giản chỉ là có được tiếp nhận thông
tin, kiến thức từ bên ngoài biên giới hay không, mà điều còn quan trọng hơn, là
những thứ thông tin và nhận thức tư tưởng mà đảng CS, nhà nước nhồi vào sọ
người dân là thứ gì. Những thứ đó ra sao, chắc không cần phải liệt kê ra ở đây
nữa (Mời xem bức hình dưới đây, cô công nhân bắc loa giấy tự chế đọc báo
Nhân dân tập thể, để hình dung chút ít).
Sang thời kỳ được ngợi ca là
“Đổi mới”, một kiểu ngu dân khác đã nổi lên, không dễ nhận ra. Một xã hội bị tù
hãm, đói khổ triền miên, nếu như được “cởi trói” thực sự, cả về tư tưởng, văn
hóa, thông tin, … lẫn kinh tế thì thật tuyệt, như một cuộc cách mạng. Nhưng
không! Chỉ có cái dạ dày và lòng tham hưởng thụ vật chất được thỏa mãn, rất
nhanh. Thỏa sức kiếm ăn, chộp giật, nhưng nếu như vấn vương tư tưởng, quan điểm
ngoài thứ khuôn mẫu được đúc sẵn, không chỉ riêng chính trị, mà hết thảy mọi
lĩnh vực trong đời sống, là dễ bị mất miếng ăn ngay. Vậy thì còn gì bằng cho
phát triển thú tính, khi chỉ ưu tiên cho hàm răng và dạy dày, khỏi động não như
con người?
Thành công của công cuộc “thú
hóa” trong toàn hệ thống quyền lực còn mỹ mãn hơn nhiều so với ngoài xã
hội, bởi ở đó, điều kiện cho cuộc kiếm chác cướp giật là vô hạn, cơn mê say
tích cóp miếng ăn là vô độ, mà với nhiều quan tham thì cả trăm thế hệ con cháu
mai sau cũng không ăn hết. Thời Khai tối, con người như “thú đói”, nhưng chỉ là
“thú nuôi” (nhốt), còn thời được coi là Tối mịt, họ thành bầy “thú tham”, “thú
hoang”.
Qua thời “Tối mịt” này, với
những ai mong muốn con người được mở miệng nói, được có chính kiến riêng, thì
khó khăn càng nhiều hơn, gấp bội; bởi vì không như xưa, nay họ sẽ đụng tới
những miếng ăn lớn của đồng loại vừa đang chưa thỏa cơn đói, lại đã nảy sinh
lòng tham ngốn ngấu. Tiếc rằng, chút ít tự do được nới lỏng, cuộc mưu sinh được
khích lệ ganh đua, đã dễ làm ta không nhận ra mặt trái lớn hơn nhiều của nó.
Chẳng phải nhiều lời cũng biết
được bao năm qua, với một đất nước 80% người làm nông khốn khó, cả một hệ thống
chính quyền, đoàn thể, toàn bộ mạng lưới tổ chức đảng từ trung ương đến xóm
thôn, tổ dân phố, cả hệ thống giáo dục, văn hóa văn nghệ, … cùng bộ máy truyền
thông khổng lồ mạnh tới cỡ nào trong nhiệm vụ trói nhau và tự trói mình để hoàn
thiện công cuộc “thú hóa”. Nó mạnh tới độ mà nếu như bỗng nhiên “trời sinh” ra
một ông Tổng bí thư đảng muốn giải tán đảng, ông cũng sẽ thành tự sát nếu chỉ
hé lộ ra tí xíu ý đồ này.
Cho nên, nhu cầu khai dân trí
cho nội bộ đảng, chính quyền, “hệ thống chính trị” của nó có lẽ còn quan trọng
hơn là với dân chúng đông đảo cả nước.
Ai sẽ có thuận lợi hơn để khai
sáng cho hàng triệu cái đầu còn u tối nằm trong “hệ thống” đó, nếu không phải
là chính những cán bộ đảng viên còn đương chức đương quyền, hay đã nghỉ hưu,
nhưng có kiến thức, tư tưởng tiến bộ, kể cả tự thức tỉnh lương tâm, sám hối, và
bằng những phương pháp khéo léo, âm thầm, kiên định dần từng tí mà người ngoài
không dễ thấy được? Trần Độ là một tấm gương điển hình nhất đã đi vào lịch sử!
Còn những người ở ngoài hệ
thống đó, ngoài cả xã hội VN này? Rất cần, nhưng sự tham dự của họ đòi hỏi
nhiều kiến thức về NÓ, cùng những suy nghĩ, phương pháp khôn ngoan hơn rất
nhiều so với những gì đã có mấy chục năm qua.
Chỉ đơn cử một ví dụ để khơi
gợi cho việc bàn luận về nhận xét trên. Đó là, thử trở ngược thời gian tới
những năm ngay sau 1975, đã bao giờ, có ai là người “trong cuộc” tự đặt ra câu
hỏi, rằng:
Liệu những hy vọng quay lại/trở
về giành lại chính quyền VNCH và các hoạt động đi theo đó có vô tình lại đã góp
phần cho người cộng sản “thắng cuộc” có lý do (chính đánh hoặc không chính
đáng) để kéo dài thêm thời gian giam giữ các cựu quân nhân, viên chức chế độ cũ
trong các trại “cải tạo”, cùng với việc siết chặt quản lý xã hội và tiến hành
hàng loạt các cuộc thử nghiệm kinh tế, xã hội kinh hoàng?
Và xin được nhắc lại lần nữa,
rằng đây là một câu hỏi khơi gợi sự trao đổi nhiều chiều, trong một chủ đề rất
khó, hoàn toàn không phải là một khẳng định, để tránh phải có những kết luận
nóng nảy, vội vã, mất thời gian.
Để tạm kết thúc ở phần bàn luận
thứ hai này, cũng là chuẩn bị cho phần kế tiếp, xin nhắc tới Tuyên
ngôn “Phá vòng nô lệ” có nói về 1 trong 3 “vòng nô lệ” phải phá, trong cuộc
khai dân trí, là “nô lệ chính mình”, vì coi rẻ học hỏi, thành ngu dốt,
rồi bị những thói hư tật xấu trói chặt, trong đó có cả việc lấy cả cái “ngu
dân” để chống lại chính sách “ngu dân”.
No comments:
Post a Comment