Trần Độ
Cập nhật lần cuối 20/08/2013
Diễn Đàn : Nhân ngày giỗ tướng Trần Độ cách đây không lâu, tiếp theo đó lại có những
đề xuất chính trị của Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận; một cuộc thảo luận về
dân chủ đa nguyên đang dấy lên. Chúng tôi vừa được nhà nghiên cứu Lữ Phương gửi
đến hai tài liệu : "một của Trần Độ đã mất và một của Nguyễn Kiến
Giang đang xoay xở khó khăn trên giường bệnh." như sự góp lời đối
thoại trước thời gian, trên những nền gốc tinh thần... Cùng với tài liệu
này chúng tôi cũng phát hành "Nhìn
lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam" của
Nguyễn Kiến Giang
*
*
Tết Tân Tỵ ngày 5 tháng giêng,
(ngày 28.1.2001)
Nhân dịp Tết, tôi lục các bài
viết cũ, đọc lại chơi, tiện thể lục được bức thư anh viết cho tôi từ đầu năm
1999, sau khi anh đã đọc xong 2 bài bút ký "Một Cái Nhìn Trở Lại " của tôi, và biết tin tôi đã bị (hay được)
khai trừ.
Ngay từ trang đầu của thư anh,
tôi thấy anh đã hiểu rõ tâm can tôi. Anh viết rằng: "Nếu có một cái gì đó
có ý nghĩa mà Đảng cho anh, thì đó là cái lý tưởng cực kỳ tươi đẹp để anh đi
vào tù đày và chết chóc thôi. Anh có bảo vệ Đảng thì cũng chỉ bảo vệ cái lý
tưởng đã trả bằng máu ấy. Chính là với lý tưởng ấy, thái độ của anh là nhất
quán trước sau. Trước đây Đảng có một thời đẹp đẽ thì bây giờ anh muốn Đảng giữ
gìn mãi mãi điều đẹp đẽ ấy”. Anh đã nói rất trúng tâm tư của tôi.
Tôi không có điều kiện để
nghiên cứu sâu vào các vấn đề lý thuyết, tuy rằng tôi cũng đọc được và được
nghe giảng khá nhiều nhưng tôi chỉ “vận dụng những ý tưởng có trong sách vào
cuộc đời”, và nhìn vào thực tiễn của cuộc đời mà suy ngẫm. Tôi đọc lại bút ký
của tôi, tôi lại càng thấy rõ té ra hơn chục năm nay, có thể cả mấy chục năm
nay, tôi cứ trăn trở chỉ có một điều, và vẫn cứ tiếp tục trăn trở về cái điều
đó, càng ngày càng sâu sắc, càng ngày càng day dứt đau đớn. Cái điều đó tôi đã
khái quát vào bốn câu mà anh có nhắc đến:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xoá đi thay bằng Cực Thiện
Tháng ngày biến hoá, Ác luân hồi.
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xoá đi thay bằng Cực Thiện
Tháng ngày biến hoá, Ác luân hồi.
Với tâm trạng ấy tôi rất tâm
đắc với mấy câu trong bài thơ "Cay đắng thay” của Bùi Minh Quốc.
Cái guồng máy nhục mạ con
người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
………….
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này.
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
………….
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính bộ máy này.
Tôi cứ nghiền ngẫm mãi cái cay
đắng và mỉa mai đó và ngày ngày, tháng ngày đau khổ về cái cay đắng ấy.
Không biết đã bao nhiêu lần,
tôi muốn giải đáp mấy câu hỏi ... cay đắng ấy:
Cuộc cách mạng ở Việt Nam, rút
cục đã xoá được cái gì, đập tan được cái gì ? và đã lập nên được cái gì, xây
dựng được cái gì ?
Rõ ràng ta đã xoá được cuộc
đời nô lệ mất nước, nhục nhã. Đời sống nhân dân giảm được đói nghèo dốt nát.
Mới giảm được thôi, chứ chưa thoát được hẳn đói nghèo và "dốt nát",
nghĩa là ta còn quá lạc hậu.
Ta đã đập tan được bộ máy đàn
áp, nô dịch, bóc lột, xoá được nỗi nhục mất nước và ta đã xây dựng được một bộ
máy như thế nào? và một xã hội như thế nào? Những tiêu ngữ Độc lập - Tự do -
Hạnh phúc, Dân chủ Cộng hoà, và mục tiêu một nước độc lập, thống nhất, hoà
bình, dân chủ giàu mạnh, đã thực hiện được đến đâu ???
Trong các mục tiêu lý tưởng
của ta thì lý tưởng lớn nhất, tha thiết nhất, bao trùm nhất là tự do dân chủ.
Nhưng hiện nay, ta đã có một
bộ máy nhà nước có mấy đặc điểm:
- To lớn, cồng kềnh, chồng chéo và do đó ít hiệu quả, nhiều mặt bất lực.
- Làm được một số việc xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhưng quá kém trong việc đưa đất nước phát triển nhanh. Đất nước ngày càng phát triển chậm chạp và tụt hậu xa so với các nước láng giềng trong khu vực.
- Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ “lưỡi gỗ” rất đông đảo, chuyên “ngụy biện”, “nói lấy được”, “nói bừa bãi”, “trắng trợn” bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng nhiều thủ đoạn như "lưu manh".
Trong khi ấy, bộ máy đã tạo
nên một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã
hội, làm tất cả mọi người trong xã hội không lúc nào được yên tâm và thường
xuyên lo lắng, sợ hãi. Đó, ta đã xây dựng nên một bộ máy như vậy và một xã hội
như vậy đó.
Bao nhiêu những điều tốt đẹp
xuất hiện sau cách mạng tháng Tám, ta tưởng nó sẽ mở rộng và nâng cao thì nay
tình hình lại phát triển ngược lại.
Từ một Đảng chịu gian khổ hy
sinh để giải phóng nhân dân, nay trở thành một Đảng cầm quyền xa rời nhân dân,
cai trị nhân dân, bắt nhân dân phải sống hết thảy theo ý của Đảng: nhân dân bị
tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Tất cả quyền và lợi trong xã hội, thâu tóm
trong tay Đảng và cụ thể là trong tay một nhóm đảng viên có địa vị ở các cấp.
Đảng tự do yêu cầu dân đóng góp và tự do sử dụng mọi sự đóng góp của dân, không
có tổ chức và lực lượng nào giám sát và kiềm chế.
Đảng nói những lời hay, làm ra
Hiến pháp và luật pháp có nhiều điều hợp lý, nhưng bộ máy của Đảng đều làm
ngược lại Hiến pháp và luật pháp, bất chấp đạo lý.
Đảng còn làm ngược lại cả Điều
lệ của chính mình như tự nhiên đẻ ra chế độ cố vấn; Bộ chính trị và Trung ương
quyết định những điều cấm đoán đảng viên ngoài quy định của Điều lệ như là tước
cả quyền công dân của đảng viên.
Đảng luôn tạo ra một không khí
khủng bố đối với bất cứ ai có chính kiến độc lập, làm cho xã hội khô cằn, Đảng
bưng bít và cấm tất cả những ý kiến dồi dào phong phú để đưa đất nước tiến lên.
Thế là Đảng đã tạo ra ở Việt
Nam một xã hội đầy tham nhũng, phản dân chủ (vì độc tài độc đoán và toàn trị),
đầy dối trá lừa bịp (vì nói một đàng làm một nẻo), đầy thủ đoạn (nịnh nhau, hất
nhau và hại nhau). Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ở bất cứ người nào, ta cũng
nghe thấy được những lời phàn nàn về sự không dân chủ, tàn bạo, lừa bịp, dối
trá; về những hiện tượng lưu manh, hãnh tiến. Trong bút ký của tôi, tôi đã nói
nhiều lần.
Trước 1945, xã hội ta có một
bộ máy của thực dân phong kiến có đủ các đặc điểm của sự tàn bạo, dã man, của
sự vơ vét, bóc lột và xa hoa hưởng thụ, của sự lừa bịp, dối trá, thủ đoạn đểu
giả.
Tôi “trọn tuổi xuân hiến dâng
cuồng nhiệt” để tham gia đập tan bộ máy đó và tích cực tham gia xây dựng bộ máy
mới, mà ngày nay ta gọi là "của dân, do dân, vì dân", có những nét
đẹp như trong những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945 và một xã hội, mọi
người thương yêu nhau, tôn trọng nhau. Tôi đã mơ ước hững nét đẹp ấy sẽ được mở
rộng và nâng cao tạo nên một xã hội lý tưởng.
Nhưng rồi …..
Cái không giống với mơ ước thì
nhiều và những cái giống với cái đã được đánh đổ thì lại càng ngày càng nhiều.
Và những gì trước đây ta khinh
bỉ, chửi rủa và chống phá thì ngày nay những cái đó lại xuất hiện nhiều và ngày
càng nâng cao.
Như vậy là ta lại xây nên
chính cái mà ta đã đập tan. Ta đã làm cho xã hội hiện nay lại có đủ các đặc
điểm của bộ máy ta đã đập tan, của cái xã hội ta đã phá bỏ.
*
Bộ máy cai trị bây giờ ngày
đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những
"lưỡi gỗ" xây dựng và truyền lan các thứ "lý luận"
"nói lấy được", dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, nguỵ biện để nhằm
một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là
"sự lãnh đạo của Đảng”. Suốt năm suốt tháng họ tổ chức đủ thứ đại hội, kỷ
niệm, lễ hội…để làm cho mọi người đều thấy đang sống trên những thắng lợi, và
mọi thắng lợi từ trước đến nay đều do bộ máy này tạo nên, dân phải biết ơn bộ
máy này. Tất cả những ý nghĩ, tư tưởng chệch chút ít so với tư tưởng chính
thống đều bị kết tội “chống đối” nặng nề.
Do đó, trong thực tế bộ máy
này là bộ máy phá dân chủ, phá dân chủ một cách trắng trợn, tinh vi và tàn bạo.
*
5.2.2001
Như thế là tôi cũng như anh,
ta đứng trước một sự biến động, một sự biến chuyển và biến dạng, là một Đảng từ
một tổ chức gồm những con người chịu hy sinh gian khổ, phấn đấu để đập tan một
bộ máy thống trị gian ác, giải phóng nhân dân, rồi sau khi đập tan được bộ máy
ấy thì lại trở thành một bộ máy cai trị, thống trị nhân dân. Nói thật gọn, là
từ người giải phóng biến thành kẻ thống trị. Khi là người giải phóng thì mọi
nguyện vọng, mục tiêu, tâm lý và tình cảm là của người giải phóng, và khi là kẻ
thống trị thì sẽ có đầy đủ nguyện vọng, mục tiêu, tình cảm và tâm lý của kẻ
thống trị. Đó là "cố giữ vững địa vị thống trị của mình", tình hình
ấy hình như không phải của riêng Việt Nam. Đó là một biến chuyển tất yếu. Xem
ra không ai cố ý, không ai có ý kiến trong việc này, không ai (kể cả những
người chủ chốt) tự giác được trong quá trình chuyển biến này, tất cả đều bị
cuốn vào sự vận hành của một cỗ máy khổng lồ.
Vậy đâu là nguồn gốc của sự
biến chuyển này. Có thể nói sự chuyển biến này có nhiều nguồn gốc:
Có nguồn gốc thứ nhất là từ ở
những học thuyết.
Rõ nhất là học thuyết về đấu
tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Học thuyết này được người vận dụng nó
đưa tới những chủ nghĩa kinh khủng như “chủ nghĩa thành phần”, “chủ nghĩa công
nông”, “chủ nghĩa lý lịch” … Các thứ chủ nghĩa ấy làm cho học thuyết giai cấp
bị méo mó thành bất nhân bất nghĩa. Ta có thể tin một cách chắc chắn rằng nếu
Mác và Lênin (là những trí thức lớn) còn sống đến bây giờ thì các ông tổ đó
cũng không thể chấp nhận các thứ chủ nghĩa “vô học” đó.
Học thuyết ấy bị méo mó ngày
càng lớn, càng cực đoan, nó thành ra kiểu Mao-ít, cao hơn nữa là kiểu Pôn Pốt.
và trở thành những tội phạm ghê tởm của loài người.
May mà Việt Nam ta chưa đi tới
chỗ đó.
Còn nhiều vấn đề học thuyết
khác, nhiều cách lý giải những khái niệm không theo kịp sự biến đổi tiến bộ của
nhân loại, vì không theo kịp mà thành ra sai lầm, thiếu sót. Những khái niệm cơ
bản như “lao động”, “bóc lột”, “sở hữu” … cứ bị quan niệm như cũ, như thế tất
phải đưa tới những cách xử lý cứng nhắc, không đúng và nhiều tai hại. Phải thấy
rõ rằng những đầu óc giáo điều đáng ghê tởm biết là chừng nào!
Về nguyên lý tổ chức của Đảng.
Khi cần tổ chức Đảng thành một
Đảng chiến đấu thì cần có những nguyên lý tổ chức thích hợp với hoàn cảnh chiến
tranh và cách mạng. Những nguyên lý ấy không thể thích hợp với thời hoà bình
xây dựng. Nhưng khốn thay, vẫn không có sự phân tích lại để điều chỉnh cho hợp
lý. Vì vậy Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cứ như mắc trong mớ bòng bong những mâu
thuẫn khi đề ra yêu cầu cho đảng viên của Đảng: lúc thì đảng viên phải làm giàu
để làm gương cho mọi người, và cũng để bảo đảm cho cuộc sống gia đình, lúc thì
lại cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân. Cho nên có những đảng viên làm kinh tế
đã phải thốt lên: "Tôi phải ra khỏi Đảng thôi". Cái kiểu gò bó bảo
thủ, giáo điều tạo nên một lớp người khá đông đảo chỉ biết “ngu trung” (nghĩa
là trung thành một cách ngu xuẩn), mất hết óc xét đoán để tìm hiểu thực tiễn
đời sống mới đang tiến triển mạnh mẽ, làm cho cả Đảng bị rơi vào trạng thái tê
liệt, tư duy ngày càng xa cuộc sống và do đó càng xa dân.
Xa dân mà lại cai trị dân thì
ngày càng đối lập với dân.
Nguồn gốc thứ hai của tình
hình biến đổi xã hội, đó là vai trò của những người có trách nhiệm chủ chốt.
Những người này càng về sau
càng là những người ít học, lại ít được tôi luyện, thành ra những người thô sơ
đơn giản. Những người đó có trách nhiệm lớn, nhưng lại vẫn mang đủ trong mình
bản tính tiêu cực của người bình thường: hám lợi, hám danh, thích quyền, ích kỷ
vv… Vì thế, những người đó trở thành thủ phạm của mọi tội lỗi: dốt nát, quan
liêu, tham nhũng, mất đoàn kết, bè phái. Đó là những tội không sao xoá bỏ được,
chỉ có ngày càng nặng thêm, và kết cục là toàn bộ cơ chế quyền lực không có một
sức mạnh nào làm phanh hãm và giám sát nó. Sức mạnh giám sát ấy chỉ có thể là
sức mạnh của một chế độ dân chủ. Dân chủ phải là vấn đề của một chế độ, chứ
không phải chỉ là mấy cái công tác lặt vặt như “dân chủ cơ sở”, “lấy ý kiến
việc nọ việc kia”, “ghi điều nọ điều kia vào Hiến pháp, nghị quyết và luật
pháp” v. v…
Ta không thể mơ tưởng có những
ông Thánh để thực hiện những học thuyết và nguyên lý. Rút cục thì vẫn là những
con người trần tục phải thực hiện các học thuyết ấy, mà con người trần tục thì
có đầy đủ những “cái trần tục”, làm hỏng học thuyết. Phải có một chế độ, một cơ
chế, một chiến lược dân chủ, có tác dụng hạn chế các tệ nạn quan liêu độc đoán
và tuỳ tiện.
Sự vận dụng các nguyên lý của
học thuyết và của tổ chức, tuỳ thuộc vào cá tính của những con người chủ chốt.
Người lãnh đạo như Hồ Chí Minh vận dụng các nguyên lý của học thuyết và nguyên
tắc tổ chức có lẽ sẽ mang lại những hệ quả kém xấu hơn. Ngược lại những người
không đủ trình độ và nhiều ham muốn cá nhân sẽ đưa đến những hậu quả ngày càng
tệ hại.
Nguồn gốc là ở “trình độ” cộng
với lòng “ham muốn quyền và lợi” của cá nhân, hai cái đó có lẽ là nguyên nhân
quan trọng nhất.
Những tình trạng yếu kém và
khuyết điểm trong quản lý, cai trị và tình trạng xã hội không tốt đẹp. Không
thể tìm nguyên nhân gần được, mà phải tìm từ nguồn gốc xa, ở chỗ Đảng đã xây
dựng nên một thể chế phản dân chủ và trọng quyền lực. Những câu chữ tốt đẹp như
“nhà nước của dân, vì dân, do dân” và “cán bộ nhà nước phải là đầy tớ trung
thành của nhân dân” chỉ còn là những câu nói mỉa mai, những cái màn mỏng manh
che giấu các thói hám quyền tham lợi, chia chác và giành giật nhau ghế ngồi và
danh vị.
Thật ra, cuộc cách mạng với
những lý tưởng cao đẹp của nó đã bị phản bội. Trốtsky là người đã nhận ra điều
này ở Liên xô từ năm 1936. Tôi cũng dần dần thấy ra điều này từ vài chục năm
nay.
Tôi không thể trung thành với
sự biến dạng này.
Tôi vẫn cầu mong Đảng này tự
phê bình mà nhận ra sự thật. Như thế tốt cho Đảng, và quan trọng hơn là tốt cho
đất nước. Nhưng tôi lại cũng thấy rằng cái Đảng này, với thể chế và trình độ
của nó hiện nay, không thể, không dám, và không muốn tự phê bình. Cuộc vận động
chỉnh đốn Đảng có tự phê bình chỉ là một sự “gãi ghẻ” thôi.
Tôi không thể không trung
thành với lý tưởng tốt đẹp của thời tuổi trẻ, thời Đảng là người giải phóng.
Phải chăng quy luật của lịch sử các triều đại là cứ lúc bắt đầu thì nhiều tốt
đẹp, tiến bộ thông minh, sáng suốt ? Thế rồi có những thắng lợi được ca ngợi
nhưng dần dần cứ sa sút, kém cỏi, dốt nát, sa đoạ, xuống cấp dần, đi đến phản
bội.
Cái triều đại Đảng cộng sản
này cũng đang thế chăng ? Đảng cộng sản cứ để mình bị sa vào cái quy luật suy
thoái ấy hay muốn cứu mình thoát khỏi sự suy thoái ?
Ngày nay Đảng này muốn bước ra
khỏi con đường phản bội cách mạng thì phải:
1. Xác định cho đúng vị trí
khiêm tốn của mình là một bộ phận của dân tộc, thực hiện lãnh đạo đất nước bằng
cách tôn trọng tất cả mọi người, nhất là những người trí thức, những người tài
năng có chính kiến độc lập.
2. Phải thực hiện đúng Hiến
pháp, thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ về tự do ngôn luận
và tự do bầu cử, nhân dân được tự do làm ăn.
3. Phải để cho mọi tổ chức, từ
Chính phủ, Quốc hội, Toà án, cho đến các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức của nó có quyền độc lập quyết định những vấn đề và hoạt động của
mình. Phải để cho công dân, nhất là thanh niên, được suy nghĩ độc lập, có tư
cách độc lập. Muốn thế phải xoá bỏ quyền lực của cơ quan tư tưởng và văn hoá
của Đảng, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng và định chức năng rõ rệt của các lực lượng
Công an.
Nhà nước phải được chỉnh huấn
về tư tưởng và tác phong “đầy tớ của nhân dân”
Đảng phải tách khỏi nhà nước,
không làm những việc thay cho nhà nước, thay Chính phủ, Quốc hội phải được
thành lập bởi những người thực sự có đức, có tài và do dân thực sự lựa chọn vô
tư, không có bất cứ sự “sắp xếp” và “hiệp thương” nào.
4. Cụ thể là phải sửa ngay
Luật báo chí, xuất bản, công nhận quyền có báo và xuất bản tư nhân. Các báo chí
có quyền độc lập của mình, không chịu sự “chỉ đạo” và kiểm soát của bất cứ cơ
quan nào.
21.2.2001
Đúng như anh nói, tôi có một
quãng đời tươi đẹp, sống với những lý tưởng cao thượng, tốt đẹp và ở trong một
Đảng cũng rất cao đẹp.
Và tôi mong muốn cho những cao
đẹp đó cứ tiếp tục mãi mãi và ngày càng cao lên.
Nhưng thực tiễn cuộc sống lại
diễn ra ngược lại.
Đảng cộng sản từ một Đảng
người-giải-phóng đã trở thành một Đảng cai trị, thực hiện một nền thống trị
không dân chủ và phản dân chủ. Đảng thực hiện độc tài và toàn trị. Đảng thực
hiện đúng cái mà Đảng đã từng phê phán, đó là chế độ Đảng trị. Có người không
thích chữ Đảng trị, nhưng chữ đó chỉ là phản ảnh và diễn tả đúng cái thực trạng
mà Đảng đã tạo ra, không hơn không kém.
Đảng đang thực hiện một nền
thống trị khe khắt, kiểm tra từng người trong toàn xã hội, kiểm soát và can
thiệp mọi chi tiết trong cuộc sống của xã hội, và điều dã man và tàn bạo nhất
là độc tài về ý thức hệ. Bất cứ một khác biệt nào đều bị quy vào là chống đối,
là phản động, là tội phạm. Hệ quả của chế độ này là trong xã hội không ai dám
nói khác, không ai dám có ý nghĩ khác, hoặc ít nhất thì dù có nghĩ một đàng
cũng phải nói một nẻo. Như vậy, xã hội bao trùm một sự giả dối, lừa bịp, bao
trùm một sự sợ hãi, bao trùm một sự tê liệt, về tư duy và cả về tình cảm. Đã có
một xã hội và một chế độ, mà tôi biết có người đã khái quát (chưa thật đúng
nhưng cũng không sai).
Lưu manh hoá xã hội
Bần cùng hoá nhân dân
Nô lệ hoá con người
Bình quân hoá cá tính.
Bần cùng hoá nhân dân
Nô lệ hoá con người
Bình quân hoá cá tính.
Như vậy, văn hoá chỉ còn ngày
càng tàn tạ và hư hỏng. Buồn thay! Điều đó không chỉ có tai hại trước mắt, mà
còn có tác hại làm suy thoái đời sống tinh thần của cả một dân tộc, một giống
nòi.
Thực ra, chắc chắn giống nòi
sẽ không để cho có sự sa sút và suy thoái ấy. Nhưng cái chế độ thống trị của
Đảng cộng sản đẻ ra hậu quả như thế. Đảng không nhận ra điều này mà tự đổi mới,
tự cách mạng, tôn trọng chế độ dân chủ và sinh hoạt dân chủ thì Đảng sẽ bị
giống nòi và dân tộc loại trừ, Đảng không thể cứ ngoan cố và đi sâu vào vũng
lầy tội ác được. Đảng đã từng coi quyền lợi dân tộc và đất nước cao hơn sinh
mệnh của mình, chính vì vậy mà Đảng làm cho dân tộc thắng lợi. Thế mà ngày nay,
Đảng lại coi sinh mệnh và vai trò của mình quan trọng hơn cả sự phát triển của
đất nước, hơn cả cuộc sống của nhân dân, hơn cả sự nghèo khổ và tụt hậu của đất
nước. Chắc chắn là Đảng sẽ đi vào ngõ cụt của sự tàn lụi.
Tôi nhìn thấy rõ điều này, tôi
lo và buồn cho Đảng nhiều. Đảng đã phản lại cả nguyên lý của Mác và của Lênin.
Lênin chuẩn bị cho nhà nước đi đến chỗ tiêu vong, để nhân dân tự tổ chức quản
lý. Còn Đảng cộng sản Việt Nam thì ngày càng tăng cường mở rộng quyền lực của
nhà nước và bó khuôn tất cả nhân dân vào khuôn phép và ý nghĩ của mình, làm cái
việc triệt tiêu mọi sức sống tinh thần của xã hội.
Anh có chia sẻ với tôi nỗi
buồn và lo ấy không ???
13.3.2001
Có người nói: Đảng là một dòng
nước chảy, cái dòng nước Cách mạng Tháng 8 và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ
đã chảy ra biển Đông mất rồi. Giữa hai bờ của Đảng hiện nay là dòng nước khác,
những người lớn tuổi chúng ta chỉ có thể trung thành với cái dòng nước “ngày
xưa” ấy. Tôi thấy hình ảnh ấy khá đúng.
Tôi vẫn không ân hận gì về
tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ, tôi vẫn tự hào với lý tưởng đó và tôi thấy
tôi vẫn trung thành với lý tưởng đó, cũng như tôi tự hào và trung thành với cái
Đảng của thời xưa mà có người gọi là Đảng của Hồ Chí Minh. Tôi không phân vân
chút nào với cái lòng trung thành và tự hào ấy. Tôi cho rằng bất kể sau này ai
viết lịch sử Việt Nam thế nào cũng không thể không có những trang đẹp nói về
quãng 30 năm và 70 năm ấy.
Còn ngày nay thì cứ phải trăn
trở day dứt với hiện tình, không thể nào yên được.
Cũng có người trách tôi là sao
không đưa ra được một đường hướng gì, có những biện pháp gì để khắc phục tình
hình ngày nay mà đưa đất nước phát triển mạnh mẽ lên. Còn nói về những mất dân
chủ và những tệ nạn khác thì mọi người biết cả rồi, mọi người đều “biết rồi,
khổ lắm, nói mãi”.
Ai đó mà cứ mong có người nào
đó đưa ra được một đường hướng và những biện pháp nào có hiệu lực ngay để tác
động vào tình hình đất nướcthì đó cũng là một điều ảo tưởng.
Tôi cũng đã được nghe và đọc
nhiều những ý kiến đề nghị với Đại hội IX. Tôi thấy rất nhiều ý kiến hay, nhưng
ngay như riêng tôi muốn chấp nhận một ý kiến nào cũng khó lắm. Mỗi ý kiến đều
có những điều phải trao đổi lại.
Tôi vẫn mơ ước có một sinh
hoạt dân chủ thực sự, gạt bỏ mọi cấm kỵ, mọi khuôn phép, bỏ qua những gì gọi là
“vấn đề nguyên tắc” mà tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghe hết những ý kiến ngược
nhau rồi tổ chức tranh luận. Cuộc phát biểu và tranh luận phải được tổ chức
trên các báo, phải cho xuất hiện những tờ báo độc lập có những cây bút độc lập
đề xuất và tranh luận. Có những cuộc tranh luận công khai và độc lập trên
truyền hình.
Làm như vậy để cả nước nghe,
cả nước bộc lộ ý kiến của mình.
Tôi thấy rõ như bản thân tôi,
tôi có nhiều nhận xét về tình hình, nhưng tôi thấy có những người có những nhận
xét hay hơn tôi và tôi cũng thấy rõ có nhiều nhận xét khác nhau thì thế nào
cũng tìm ra được một đường lối, một chiến lược cho đất nước đi lên, và chắc
chắn nó sẽ hay hơn nhiều cái văn kiện Đại hội IX mà báo chí đang làm rùm beng.
Tôi tin là như thế, anh Lữ
Phương ạ!
Trần Độ
No comments:
Post a Comment