Tuesday, 20 August 2013

NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH DU NHẬP CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VÀO VIỆT NAM (Nguyễn Kiến Giang - Lữ Phương)




Nguyễn Kiến Giang - Lữ Phương
Cập nhật lần cuối 20/08/2013

...Những phát biểu của Nguyễn Kiến Giang trong bài viết này đã đi theo xu hướng “nhìn lại” một cách tổng hợp vai trò lịch sử của cái ý thức hệ đó đối với xã hội Việt Nam suốt một thế kỷ đã qua. Hàng loạt những vấn đề học thuật căn bản đã được đặt lại với những lý giải mới...

*
Nguyễn Kiến Giang

Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam

(Lữ Phương sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu)

Diễn Đàn : Nhân ngày giỗ tướng Trần Độ cách đây không lâu, tiếp theo đó lại có những đề xuất chính trị của Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận; một cuộc thảo luận về dân chủ đa nguyên đang dấy lên. Chúng tôi vừa được nhà nghiên cứu Lữ Phương gửi đến hai tài liệu : "một của  Trần Độ đã mất và một của Nguyễn Kiến Giang đang xoay xở khó khăn trên giường bệnh." như sự góp lời đối thoại trước thời gian, trên những nền gốc tinh thần... Cùng với tài liệu này chúng tôi cũng phát hành "Thư gửi anh Lữ Phương" của Trần Độ.

*
*

Vì tài liệu này quá dài, chúng tôi chỉ đăng bản giới thiệu của Lữ Phương dưới dạng bài theo chuẩn báo mạng. Toàn bộ tài liệu được đính kèm dưới dạng PDF, xin bạn đọc bấm vào dòng cuối trang này để đọc trực tuyến hoặc hạ tải về máy mình.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của BBC, Nguyễn Kiến Giang cho biết bài viết này của ông đã được trình bày tại một cuộc hội thảo ở Việt Nam vào năm 1995 (trước Đại hội Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam một năm), điều này cho chúng ta biết điều quan trọng sau đây: vào lúc bấy giờ, trong bản thân tầng lớp giới lãnh đạo của chế độ cộng sản Việt Nam đã có những chao đảo khiến những cấm kỵ về mặt ý thức hệ và hành chính mà chế độ từng đưa ra để ràng buộc, o ép giới trí thức và nghiên cứu từ lâu, nay đã không còn tác dụng trói buộc những dòng suy tưởng nằm ngay trong vòng kiểm soát của nó nữa.

Ý thức hệ chính thống của chế độ, mệnh danh là “chủ nghĩa Mác-Lênin” đã bị cuộc sống đẩy vào một cơn khủng hoảng chưa từng gặp, điều mà những ai đã sống qua cái đời sống tư tưởng của Việt Nam những năm 1986 đến 1991 đều không thể nào quên, do những tác động ghê gớm của perestroika cùng với sự sụp đổ sau đó của Đông Âu và Liên Xô: sau những nỗ lực “vận dụng” lại chủ nghĩa Mác-Lênin để tạo lại sức sống cho một mô hình chủ nghĩa xã hội bị xơ cứng, sai lầm, chính trong hàng ngũ những người cộng sản mà tác giả gọi là “lành mạnh” đã xuất hiện xu hướng muốn nhìn lại ngay sự tồn tại của bản thân cái học thuyết chính thống mệnh danh là “Mác-Lênin” ấy.

Những phát biểu của Nguyễn Kiến Giang trong bài viết này đã đi theo xu hướng “nhìn lại” một cách tổng hợp vai trò lịch sử của cái ý thức hệ đó đối với xã hội Việt Nam suốt một thế kỷ đã qua. Hàng loạt những vấn đề học thuật căn bản đã được đặt lại với những lý giải mới (phi chính thống) dựa vào một số tài liệu mới của giới nghiên cứu (như phương pháp tiếp cận, bối cảnh lịch sử, các hình thức du nhập…) nhưng điều quan trọng nhất được tác giả trình bày tập trung ở đây chính là cái học thuyết “Mác-Lênin” đặc biệt mang nội dung stalinít và maoít được Đảng Cộng sản chọn lựa, căn cứ vào đó phấn đấu kiến tạo nên một nước Việt Nam mới trong tương lai.

Phân biệt giai đoạn chống chủ nghĩa thực dân để giành độc lập với giai đoạn xây dựng hoà bình là điều mấu chốt để tác giả nhìn xét các sự việc đã qua. Phản bác những ý kiến chỉ nhìn thấy những sai lầm và tai hại toàn diện, trước sau như một của ý thức hệ Mác-Lênin với đất nước, tác giả đã phân tích những nhu cầu lịch sử đặc biệt của Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước dưới sự thống trị của thực dân để thuyết minh cho tính chính đáng của sự lựa chọn cộng sản (mà Hồ Chí Minh là đại biểu) đối với việc giải quyết điều mà tác giả gọi là “hệ vấn đề” của đất nước vào lúc bấy giờ, tức là một loạt những vấn đề mà tác giả cho rằng dù có khác nhau về quan điểm, tất cả các phong trào yêu nước đều có thể chia sẻ là độc lập dân tộc và canh tân xã hội.

Ý thức hệ cộng sản theo mô thức stalinít được Đảng Cộng sản chọn lựa để giải quyết “hệ vấn đề” nói trên, tuy mang trong bản thân những “căn tính” nguy hiểm, nhưng do phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ giành độc lập là chống sự đô hộ của thực dân nên chưa có điều kiện để bộc lộ, trái lại, theo tác giả, đã chứa đựng nhiều điều tích cực trong động lực lẫn phương pháp tranh đấu. Tác giả đã dành nhiều đoạn trình bày luận cứ này: tiếp thêm sức mạnh cho chủ nghĩa yêu nước nội tại một lý tưởng mới về công bằng xã hội, tìm chỗ dựa có thể tin cậy ở bên ngoài để hỗ trợ cuộc tranh đấu bên trong, khai thác được lực lượng quần chúng đông đảo bên dưới làm chỗ dựa, tập trung được sức mạnh vào bộ tham mưu chỉ huy để giành chiến thắng v.v…

Bên cạnh những mặt tích cực ấy, tác giả cũng đã nói nhiều đến những tiêu cực của ý thức hệ Mác-Lênin nói trên. Nhưng theo ông thì những sai lầm ấy chỉ bộc lộ rõ rệt, ngày càng hiển nhiên, trong thời kỳ hoà bình, đặc biệt vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước khi chế độ rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Những gì tạo ra những cái gọi là “ưu thế” trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, mang vào xây dựng, đã có tác dụng rất tệ hại: gò ép cuộc sống theo cái sơ đồ tương lai không tưởng, sùng bái các từng lớp bên dưới, xem thường trí thức bên trên, đồng hoá sự chọn lựa của Đảng với sự chọn lựa của nhân dân, độc tôn chân lý và quyền lực, bắt con người thường xuyên hy sinh cho tập thể, kinh tế không hiệu quả, mức sống người dân sa sút, bất mãn, mất lòng tin v.v…

Qua những gì đã phân tích, tác giả đã đi đến kết luận hết sức quan trọng sau đây:
“Cuộc sống đã chứng minh khá đầy đủ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã thuộc về quá khứ (một quá khứ thật oanh liệt, đầy những hào hùng và những bi kịch), mà không thuộc về hiện tại, lại càng không thuộc về tương lai. Ở một mức độ nào đó, “số phận” của nó cũng giống như “số phận” của Nho giáo ngày xưa”.

Tác giả cho rằng cuộc sống hiện nay đang phát triển theo một chiều hướng khác hoàn toàn với cái ý thức hệ Mác-Lênin ấy, cho nên ông đã đề nghị Đảng Cộng sản nên ý thức rõ điều đó để lãnh đạo dân tộc đi tìm con đường phát triển mới cho đất nước, trong đó điều đầu tiên được ông khẩn thiết kêu gọi là “không nên biến chủ nghĩa Mác-Lênin thành một vật phân chia xã hội về mặt tinh thần và tư tưởng để loại bỏ nhau”.

Giới thiệu một số nét chủ yếu trong bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong tình hình hiện nay, tôi đề nghị độc giả chú ý một số điểm sau đây:

1.    Bài viết này của tác giả là một bài phát biểu trước một hội thảo do chế độ đương quyền tổ chức và kiểm soát. Việc đánh giá các mặt tích cực lẫn tiêu cực của tác giả với cái ý thức hệ chính thống của chế độ đã giữ được sự ôn tồn, khách quan để thuyết phục nhưng cũng không vì thế mà kém quyết liệt, triệt để. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, những vấn đề ông đặt ra là hoàn toàn mang tính chất học thuật nghiêm chỉnh. Điều này cho chúng ta biết cách đây đã rất lâu rồi, Nguyễn Kiến Giang là một trong những người đã tạo ra xu hướng nghiên cứu đứng từ phía bên trong, trực diện yêu cầu Đảng Cộng sản xem xét lại tính chính đáng của học thuyết mệnh danh “Mác-Lênin” trước tình hình mới của đất nước và thế giới.

2.    Kết luận cuối cùng của tác giả về sự lỗi thời bất lực của ý thức hệ chính thống của chế độ mà chúng ta đã biết, đối với riêng ông, là một kết luận không dễ dàng: trả lời BBC, ông cho biết kết luận ấy đã được tìm ra sau một quá trình nhiều bước khó khăn, đau đớn, dằn vặt. Vì vậy có thể xem bài viết của ông là một bản kiểm nghiệm trung thực, can đảm với bản thân nhưng lại tỏ ra bao dung, thanh thản trước cái chế độ mà mình hiến dâng cả đời cho nó và cũng vì nó mà gặp phải nhiều lao đao. Với những người đã chọn lựa một thái độ trí thức như ông thì những kết án mệnh danh là “phản bội” đến từ phía bên này hoặc những yêu cầu đòi phải “sám hối” nhiều hơn đến từ phía bên kia, là hoàn toàn vô nghĩa.

3.    Trong khi kêu gọi Đảng Cộng sản chủ động từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin lỗi thời, tác giả không hề đặt quá nhiều ảo tưởng vào đề nghị ấy. “Có sự từ bỏ ngày càng triệt để. Có sự từ bỏ ngập ngừng. Có sự từ bỏ theo lối sách lược. Và cũng có cả sự không chịu từ bỏ. Bằng con mắt bình tĩnh, không khó gì mà không nhận ra tình trạng giằng co hiện nay xung quanh chủ nghĩa Mác-Lênin” – nhận xét này tác giả đã đưa ra cách đây hơn 10 năm, đến nay vẫn còn ý nghĩa. Chủ trương “đổi mới” mà Đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải nương theo cuộc sống để thực hiện, từ đó đến nay, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lùng nhùng về ý thức hệ như tác giả đã nói, cũng vì thế, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì về nhiều mặt (như chính trị, văn hoá) lại ngày càng đẩy đất nước vào những khủng hoảng trầm trọng hơn. Việc “biến chủ nghĩa Mác-Lênin thành một vật phân chia xã hội về mặt tinh thần và tư tưởng để loại bỏ nhau” do những chiếc lưỡi gỗ của Đảng chủ xướng vẫn không hề giảm bớt. Cuộc đấu tranh thanh toán “chủ nghĩa Mác-Lênin” có nội dung stalinít và maoít mà tác giả trình bày vì vậy vẫn chưa thể chấm dứt.

4.    Chúng ta không quên rằng bài phát biểu này của tác giả đã đã diễn ra cách đây hơn 10 năm rồi. Nếu ngày nay viết lại, chắc chắn nó sẽ được tác giả bổ sung về mặt tư liệu lẫn nhận định để làm cho lập luận được đầy đủ, chặt chẽ hơn. Đặc biệt không thể triển hạn việc cần thiết phải nhìn lại hệ thống tư tưởng của Marx, Engels, căn cứ vào đó làm rõ hơn những sai lầm trong nội dung của cái học thuyết gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” mà ông đề cập. Không làm sáng tỏ được điều này, chúng ta không thể nào nhìn ra được cái ảo tưởng cội nguồn của cuộc cách mạng mácxít trong cả một thời kỳ, vì đó sẽ không thể chấm dứt được những toan tính tiếp tục “vận dụng” chủ nghĩa Marx để biện minh cho những thể chế toàn trị, từ đó sinh ra những mưu toan ngược lại, muốn triệt hạ nó bằng cách đồng hoá nó với những thể chế toàn trị ấy. Về mặt lý luận, chúng ta đều biết rằng bản thân chủ nghĩa Marx là một vấn đề triết học phức tạp, không thể “bảo vệ” hoặc “phủ nhận” bằng những thủ đoạn chính trị nhất thời, thực dụng và thô bạo.

Sài Gòn, 1-4-2005
Lữ Phương

Attachments





No comments:

Post a Comment

View My Stats