Friday, 2 August 2013

THƯ CỦA HỌC TRÒ NGUYỄN THỊ DIỄM HÀ GỬI ĐẾN NHÀ THƠ NHÃ THUYÊN, TỨC CÔ GIÁO ĐỖ THỊ THOAN (Nguyễn Thị Diễm Hà)




Thứ Sáu, ngày 12.07.2013

Trong chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" tuần này, mời quý thính giả nghe Thư của học trò Nguyễn Thị Diễm Hà gửi đến nhà thơ Nhã Thuyên, tức cô giáo Đỗ Thị Thoan, qua sự trình bày của Mỹ Linh để tiếp nối chương trình tối nay.

*
*

Cô kính mến!

Em vừa đọc được các thông tin trái chiều nhau về luận văn cao học của cô. Các nhà văn phi nhà nước nhận định đây là một luận văn có tính cách mạng, chí ít là kiến giải về ý nghĩa tự do trong sáng tác, sáng tạo và giải thiêng những chuẩn mực gò bó có tính chính trị áp đặt vào người nghệ sĩ nói riêng và giới trí thức nói chung bấy lâu nay. Và cũng không ít ý kiến lên án cô một cách gay gắt rằng cô phản động, bôi nhọ hình tượng Hồ Chí Minh, bôi nhọ đảng Cộng sản. Thậm chí, một ông giáo sư còn đề nghị kỷ luật cả hội đồng đã chấm bài và tham gia vấn biện cho luận văn của cô.

Thật là hết chỗ nói đúng không cô? Làm sao mà người ta có thể nghĩ và đưa ra những hành động hết sức vớ vẩn, vô văn hóa đến như thế? Rất tiếc đây là lời nói và hành động của kẻ có ăn học, có học hàm giáo sư hẳn hoi chứ không phải là ý kiến của một kẻ thất phu vô học nào.

Điều này làm em nghĩ đến câu nói của một cán bộ an ninh cấp tá, ông này vốn là bạn học cũ của ba em, trong lần đến thăm nhân dịp sinh nhật ba em, chuyện trò một lúc, rượu vào lời ra, ba em có nói về chủ đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam và đưa ra một số mô hình dân chủ mà ba đã nghiên cứu trong những lần đi công tác nước ngoài. Ông này nghe ba em nói xong, tím môi lại và chỉ nói đúng một câu: "không có chân chủ dân chiết gì hết, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ biến Việt Nam thành một Thiên An Môn thứ hai!". Nghe xong câu này, ba em chỉ biết lắc đầu và thở dài, cũng từ đó, tình bạn đồng liêu, đồng môn giữa ba em và ông đại tá an ninh cắt đứt, không qua về với nhau nữa!

Thật là buồn phải không cô? Vì trong một đất nước mà mọi sự đều nằm dưới sự quản lý, chăn dắt của đảng Cộng sản, con người trở thành con cừu ngoan ngoãn phục tùng. Như vậy, còn gì để bàn nữa chứ! Hơn nữa, câu nói của ông đại tá an ninh làm em nghĩ đến hai thế lực rõ rệt, một thế lực chưa đầy 5 triệu nhưng lại thao túng mọi thứ quyền bính trong tay, đó là đảng Cộng sản, một thế lực lòng dân gồm hơn tám chục triệu con người mong mỏi được tự do, được làm người đúng nghĩa và căm ghét những gì trù dập, đè nén lên mình nhưng lại không có tấc sắt trên tay, đó là thế lực nhân dân. Và hơn bao giờ hết, thế lực chưa tới năm triệu con người kia hiểu rằng mình đã đánh mất uy tín, đánh mất niềm tin và đánh mất giá trị trước tám mươi lăm triệu người, họ bắt đầu dùng vũ lực, dùng đến sự dã man để hù dọa và áp đặt nhân dân. Rõ ràng, họ đã xem nhân dân là một địch thủ, là kẻ bắt buộc phải tuân phục sự chăn dắt của họ!

Và bây giờ, khi luận văn cao học của cô được bảo vệ xong, điều này chấm vào lịch sử giáo dục Việt Nam một dấu mốc mới về tính tự do trong sáng tạo, và nó cũng là bước khởi sự cho cuộc cách mạng mô phạm mà lâu nay vẫn luôn là địa hạt bỏ ngỏ, không có giáo viên, giảng viên hay trí thức nào dám chuyển hóa nó thành văn bản có tính giáo dục chính qui. Cô đã làm được điều này, chí ít là cô cũng giới thiệu cho các thế hệ sinh viên tìm hiểu về nhóm thơ Mở Miệng của Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Giúp các sinh viên hiểu thêm thế nào là văn học phi nhà nước, thế nào là giải thiêng, phá vỡ trung tâm hay dẹp bỏ đại tự sự... Tất cả những thao tác này có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn, nhằm cổ xúy cho các phong trào dân chủ trong nước cũng như hâm nóng bầu nhiệt huyết yêu nước vốn nguội lạnh trong một số thành phần, tầng lớp thanh niên Việt Nam.

Và hơn hết, đây là vấn đề chữ nghĩa, cô đã mô phạm hóa những gì gọi là vỉa hè, ngoài luồng, phi trung tâm, không mang tính đại tự xã hội chủ nghĩa thành một dòng suy tư và ý niệm. Cô đã cho thấy rằng bên ngoài những thứ hào nhoáng và vỏ bọc về một đất nước tươi đẹp, vẫn còn những thân phận, những mảnh đời lay lắt, sống ở cống ngầm, sống ở vỉa hè và trải nghiệm cuộc đời trên những giao lộ heo hút, bất định của thiên đường xã hội chủ nghĩa. Và, thông qua cô, bạn đọc nói chung, sinh viên nói riêng hiểu được thế nào là ngôn ngữ vỉa hè, thế nào là dấn thân cho nghệ thuật tự do và thể nghiệm nghệ thuật tự do. Thế nào là đứng trên tư cách một nghệ sĩ tự do để phản ánh nỗi thống khổ của con người, để chụp, chép và ghi những cảm giác của một thân phận bị hất bên lề xã hội chủ nghĩa.

Đương nhiên, tất cả những việc cô đã làm là việc cần thiết cho dân tộc và nhân loại trên con đường nghiên cứu, tạo tác nghệ thuật. Nhưng, cô cũng đã làm cho những kẻ cố tình bóp nát tự do trong đôi tay độc tài chạm nọc. Họp cảm thấy mọi thứ quyền lợi và mọi thứ tô vẽ của mình lâu nay bị lột trần, bị giễu nhại và bị coi rẻ không đáng xu nào. Và, những giáo sư chuyên chế xã hội chủ nghĩa là chạm nọc nặng nhất.

Vì sao? Vì họ bị cô dùng chiếc búa khoa học và sáng tạo đập vỡ vụn cái khối lý luận chính trị được bọc vỏ văn học xã hội chủ nghĩa của họ. Và hơn hết, sự hiện diện của luận văn đậm chất phi nhà nước của cô đã vô hình trung làm họ bẽ mặt, họ cảm thấy uy đức công thần xã hội chủ nghĩa của mình mấy chục năm nay lại bị một đứa ngang tuổi con cháu mình dẹp bỏ, xem như chưa từng có. Đó là những gì khiến họ cay cú, và họ cũng rất thù hận cô vì cô đã làm cho máu công thần, máu bảo vệ đảng Cộng sản của họ nổi lên tận cổ vì họ vẫn còn ăn lương nhà nước, vẫn là giáo sư, vẫn là trí thức Cộng sản, họ sẽ bị khiển trách và trừng phạt nếu không dẹp bỏ được cô. Vì cô chẳng biết sợ họ, cô đã ngang nhiên làm luận văn, nghiên cứu đề tài về những thứ tuyệt đối cấm kỵ của nhà nước Cộng sản. Vì cô là một thi sĩ, một trí thức chân chính!

Em thật tâm cảm phục cô. Cô nhớ giữ gìn sức khỏe và cẩn thận mọi việc cô nhé, người ta nói rằng kẻ sĩ thường qua sông qua biển không chết nhưng chết vì dẫm phải cứt trâu. Cô nhớ nhìn thật kỹ dưới mỗi bước chân mình cô nhé! Kính chúc cô khỏe mạnh và an nhiên tự tại!

Thân kính

Nguyễn Thị Diễm Hà



No comments:

Post a Comment

View My Stats