Thứ bảy 24 Tháng Tám 2013
Vòng thương thảo lần thứ 19 về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương diễn
ra tại Brunei đã kết thúc hôm qua, 23/08/2013, nhưng không đạt được kết quả
mong muốn. Đại diện của 12 quốc gia tham gia đàm phán vẫn để lộ nhiều bất đồng
dai dẳng, buộc Washington phải cố hòa dịu.
Trong một tuyên bố chung, sau vòng đàm phán mở ra từ hôm
thứ Năm, bộ trưởng của 12 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Úc, New
Zealand, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) và châu Mỹ (Canada,
Chilê, Hoa Kỳ, Mêhicô và Peru) cùng bày tỏ mong ước sớm đạt được một thỏa thuận
trong năm nay. Tuy nhiên, theo AFP, giữa mười hai nước thành viên, vẫn còn tồn
tại nhiều mối quan ngại cần được giải tỏa.
AFP ghi nhận là trong suốt các cuộc trao đổi vừa qua,
Malaysia bày tỏ lo lắng cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi đó, những đòi
hỏi miễn trừ của Nhật Bản lại gây tranh cãi.
Bộ trưởng thương mại Malaysia Mustapa Mohamad cho biết là
ông đã nêu ra một số mối quan tâm tại cuộc họp, trong đó có đề nghị nới lỏng sự
kiểm soát đối với doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng cảnh cáo rằng nước ông sẽ
không thay đổi chương trình hành động dành ưu tiên kinh tế cho đa số người Mã
Lai. Chính sách này đã khiến một số nhà đầu tư chạy khỏi Malaysia, và là một
điểm bất đồng trong cuộc đàm phán thương mại tự do trong quá khứ với Mỹ.
Theo Bộ trưởng Malaysia, một số quốc gia TPP khác cũng
chia sẻ mối quan tâm của Malaysia về doanh nghiệp nhà nước.
Một số tiếng nói cũng cảnh báo rằng Tokyo, chỉ mới quyết
định tham gia các cuộc đàm phán hồi tháng trước, nhưng đã đòi hỏi quá nhiều
biệt đãi, miễn trừ khiến cho phải mất nhiều thời gian mới đạt được thỏa thuân,
làm cho việc đúc kết TPP khó đạt được trong năm nay như mong muốn.
Trong bối cảnh căng thẳng này, ông Michael Froman, Bộ
trưởng Thương mại Hoa Kỳ đã đứng ra đảm bảo rằng chừng nào các bên chưa sẵn
sàng, Washington sẽ không ép buộc một quốc gia nào chấp nhận thỏa thuận.
Ý kiến này đã được ông nhấn mạnh rõ ràng trong buổi họp
báo bế mạc vòng đàm phán : “Đầu tiên hết, không có chuyện áp đặt mô hình Mỹ lên
các nước khác. Đây là một cuộc đàm phán có liên quan đến 12 quốc gia, được mời
họp lại để cùng nhau làm việc về khá nhiều hồ sơ quan trọng”.
No comments:
Post a Comment