Thứ sáu 09 Tháng Tám 2013
Biểu dương lực lượng trên biển, xâm nhập Senkaku, tổ chức
du lịch tại Hoàng Sa, đánh chiếm đảo đá ngầm Scarborough, từ Hoa Đông xuống
Biển Đông, Trung Quốc phô trương tham vọng làm cường quốc đại dương. Giới phân
tích không loại trừ viễn ảnh Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thống trị khu vực.
Thứ Năm hôm qua 08/08/2013, quyền đại sứ Trung Quốc tại
Tokyo bị Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu tới để nghe Nhật Bản phản đối về vụ việc
bốn tàu « hải cảnh » của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải quần đảo Senkaku hơn một
ngày. Trước đây, các tàu « hải giám » Trung Quốc chỉ kéo đến gần hoặc chỉ biểu
dương đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc « chủ quyền quốc gia » chừng
đôi ba tiếng đồng hồ.
Thế nhưng từ khi « thống hợp » toàn bộ lực lượng hải
thuyền « dân sự » dưới tên mới là « hải cảnh » vào đầu tháng 7 và được võ trang
vũ khí, thì Trung Quốc dường như muốn gia tăng áp lực tại Senkaku.
Theo các nhà phân tích Tây phương, Bắc Kinh từng bước
tăng cường lực lượng, gia tăng áp lực cho đến khi cảm thấy thời cơ chín muồi
thì ra tay thống lãnh vùng Tây Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Rick Fisher, chuyên gia về
ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực nhận định : ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung
Quốc đang tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự hiện có để ghi điểm thắng chính trị
chiến lược.
Khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên
bố tham vọng biến Trung Quốc thành « cường quốc hải dương ».
Đầu tháng 8, báo chí Trung Quốc tập trung tuyên truyền cổ
vũ cho sự kiện mà họ gọi là đã đủ sức « đập tan » chuỗi hàng rào án ngữ ngõ ra
Thái Bình Dương : năm chiến hạm và hộ tống hạm Trung Quốc đi một vòng quanh
quần đảo Phù tang vượt qua hai eo biển La Pérousse ở phía bắc và Miyako ở phía
nam.
Từ trước đến nay, chế độ Trung Quốc vẫn cảm thấy bị bao
vây bởi một hàng rào thù địch gồm Hàn Quốc, Nhật Bản , Đài Loan và các căn cứ
quân sự Mỹ.
Chuyên gia Jonathan Hoslag, thuộc Viện nghiên cứu Trung
Quốc cận đại (BICCS) tại Bỉ phân tích : Khi cho tàu chiến đi ngang qua hai « hổ
huyệt » mà họ không kiểm soát, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp « sẵn sàng bảo
vệ quyền lợi ra tận ngoài khơi của Thái Bình Dương chứ không chỉ giới hạn trong
ao nhà là biển Hoa Đông và biển Hoa Nam ».
Giới phân tích nghi nhận thêm là Trung Quốc không còn tôn
trọng tình trạng nguyên thủy trong vùng biển đảo có tranh chấp chủ quyền.
Năm 2012, hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên đánh chiếm
bãi đá ngầm Scarborough của Philippines mà họ gọi là Hoàng Nham.
Năm nay, Trung Quốc phô trương chương trình “du lịch tại
Tây Sa » tức là Hoàng Sa mà họ chiếm lấy bằng vũ lực sau trận hải chiến với hải
quân Việt Nam Cộng Hòa vào tháng Giêng năm 1974.
Cùng lúc đó, trên các trang mạng quân sự, Trung Quốc cố ý
cho thấy một góc của một hàng không mẫu hạm mới trong một công xưởng gần Thượng
Hải. Chuyên gia của tạp chí quốc phòng Anh Jane’s nghĩ rằng đây là một đoạn vỏ
tàu nhưng cũng có thể là mẫu mô hình.
Theo AFP, trên bức ảnh, người ta có thể phân biệt được
sàn đáp có thể sẽ được trang bị bệ phóng từ trường, một kỹ thuật tối tân mà chỉ
có Mỹ và Pháp biết được.
Tham vọng và những động thái xác định tham vọng này của
Hoa Lục đã gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực và mở đầu cho một kế hoạch
võ trang khẩn cấp để phòng thủ biển đảo.
Trong những ngày gần đây, Philippines thông báo mua đặt
hàng loạt chiến hạm của Mỹ, Pháp và Ý. Nhật Bản cho hạ thủy tàu « khu trục »
chở trực thăng mà thực chất là hàng không mẫu hạm trá hình. Do vậy, giới phân
tích không loại trừ viễn ảnh xẩy ra một cuộc đụng độ mà họ gọi là « chiến tranh
hàng không mẫu hạm » trong tương lai.
Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi «
Trung Quốc cần phải đóng thêm nhiều hàng không mẫu hạm ».
Chuyên gia Rick Fischer nhận định là cho đến bây giờ đảng
Cộng sản Hoa lục chỉ mới tiến hành « chiến tranh ảo với hạm đội tuần duyên
chống tuần duyên », nhưng « xung đột sẽ xảy ra nếu Trung Quôc gây sức ép
quá đà ». Cho đến khi « có nhiều hàng không mẫu hạm và hạm đội hộ tống
mà Trung Quốc cho là đủ sức chiến thắng , thì họ sẽ gây chiến ».
No comments:
Post a Comment