ThS.
Hoàng Phong Tuấn
4/08/2013
(Trần
Thanh Mại và Xuân Diệu phê bình thơ Nôm Hồ Xuân Hương) [1]
1.
Tồn tại trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù, phê bình
văn học giai đoạn 1945 – 1985 tại miền Bắc Việt Nam chịu sự chi phối của quan
điểm chính trị (1). Phân tích sự chi phối này sẽ góp phần nhận thức thực tiễn
mối quan hệ giữa chính trị và văn học trong phê bình văn học. Bài viết vận dụng
khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” phân tích trường hợp phê bình thơ Nôm Hồ Xuân
Hương của Trần Thanh Mại và Xuân Diệu (3). Từ đây, bài viết chỉ ra sự chi phối
của quan điểm chính trị biểu hiện qua sự viện dẫn ngôn ngữ chính trị làm quy
tắc cho phê bình văn học.
2. Trong giai đoạn cuối hành trình lý thuyết, phản hồi lại sự hoài nghi của
giới nghiên cứu về nhiệm vụ “khách quan hóa chân trời” trong phương pháp nghiên
cứu tiếp nhận, Hans Robert Jauβ đã khai triển thêm quan niệm về “chân trời”,
đặt nó trong mối liên hệ với khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” của Ludvig Wittgenstein:
“chân trời […] như là trò chơi ngôn ngữ trong triết học phân tích ngôn ngữ giai
đoạn hậu kỳ của Wittgenstein, chính trò chơi ngôn ngữ về cơ bản đã giúp cho
toàn bộ việc hiểu nghĩa có thể có được […]” (2). Theo Jauβ, việc hiểu một văn
bản văn học diễn ra trong trò chơi ngôn ngữ với những quy tắc của một hình thức
cuộc sống cụ thể. Vì vậy, nhiệm vụ “khách quan hóa chân trời” trong phương pháp
nghiên cứu tiếp nhận đòi hỏi phải phân tích trò chơi ngôn ngữ của bản thân từng
trường hợp tiếp nhận.
Trường hợp tiếp nhận bằng văn bản phê bình của Trần
Thanh Mại và Xuân Diệu về thơ Nôm Hồ Xuân Hương có thể xem như là một hiện
tượng của trò chơi ngôn ngữ trong phê bình văn học. Hiện tượng này liên quan
đến bốn văn bản, theo trình tự thời gian như sau: 1/ Xuân Diệu, Ba thi hào
dân tộc: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nxb Văn hóa, 1959; 2/ Trần
Thanh Mại, “Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương”, Tạp chí
Văn học, số 4, 1961; 3/ Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương: bà chúa thơ Nôm,
tái bản có bổ sung, Nxb Phổ thông, in 1961 (nộp lưu chiểu tháng 11/1961); 4/
Xuân Diệu, “Tính tư tưởng trong ba bài thơ của Hồ Xuân Hương”, viết từ 1972 –
1979, in lần đầu trên Tạp chí văn học, 1980, s.3.
Với mục đích “phân loại”, “thanh lọc” trên cơ sở
“tính tư tưởng”, bài báo của Trần Thanh Mại đã phân tích, xem xét vấn đề “tục
và dâm” trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, chủ yếu là nhằm loại những bài thơ tả cảnh
thiên nhiên và sinh hoạt, vì cho rằng chúng “nhảm nhí”, có “yếu tố dâm”, thậm
chí là “gieo rắc độc hại”: Chùa Hương Tích, Hang Cắc Cớ, Hang Thánh hóa, Đèo
Ba Dội, Kẽm Trống, Quán Khánh, Cái quạt I, II, Cái trống thủng… Đáng chú ý
là, trong bài phê bình của mình, Trần Thanh Mại đã thiết lập nên những quy tắc
của trò chơi ngôn ngữ trên cơ sở những quy ước của ngôn ngữ chính trị. Những
quy tắc này thể hiện kín đáo trong một số cách sử dụng ngôn ngữ và lập luận.
Biểu hiện trước hết của trò chơi ngôn ngữ nằm trong
đoạn Trần Thanh Mại phê phán những hình ảnh miêu tả sự việc và hoạt động trong
thơ Nôm Hồ Xuân Hương dựa trên quan niệm về vai trò của tầng lớp nhân dân lao
động: “Còn nói làm sao đây về thái độ của
nhà thơ đối với ý nghĩa của lao động, đối với công việc làm ăn của nhân dân, về
thái độ biểu hiện trong hai bài Tát
nước và Dệt cửi? Ở đây
chúng ta sẽ không thấy nhà thơ ca tụng những gì là chân chính, cao cả, những gì
là vất vả nhưng quang vinh để làm cho đồng ruộng tốt tươi, cho con người ấm áp.
Ở đây, cũng như ở khá nhiều trường hợp khác, những động tác thanh cao, đầy sáng
tạo của con người lao động đã trở thành những động tác của một việc có tính
chất thú tính. Đây gần như là một sự xuyên tạc và một sự báng bổ.
Mở đầu bài Tát nước là câu thơ mang hai chữ
có ý nói lái:
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè…
Rồi đến việc chứng kiến hàng sãi hình ảnh kỳ dị như:
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Rồi lại:
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve
v.v.
Đến bài Dệt cửi thì sự trâng tráo hầu như lên đến
cao độ:
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả,
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ
v.v. (4).
Điểm tựa cho đoạn phê bình trên là quan niệm đề cao
vai trò của lao động, biểu hiện qua từ “quang vinh” mà Trần Thanh Mại dùng để
nói về công việc lao động (5). Từ “quang vinh” quy chiếu đến một quy ước của
ngôn ngữ chính trị xã hội quen thuộc trong bối cảnh xã hội bấy giờ: “lao động
là vinh quang”. Quy ước này thể hiện một quan điểm chính trị xã hội về nhiệm vụ
của giai cấp nông dân, vốn dĩ cùng với giai cấp công nhân đóng vai trò chủ yếu
trong cuộc cánh mạng xã hội chủ nghĩa. Ông viện dẫn và sử dụng quy ước ngôn ngữ
này như là điểm tựa cho một quy tắc ngầm ẩn định giá văn học: văn học phải tôn
vinh hình ảnh người lao động, vì họ là hiện thân cho xã hội tương lai.
Sự viện dẫn này cho thấy Trần Thanh Mại đã kiến tạo
nên trong văn bản phê bình một quy tắc được viện dẫn từ ngôn ngữ chính trị,
nhằm chi phối sự vận hành của những phát ngôn tham gia cuộc chơi. Vì được viện
dẫn từ ngôn ngữ chính trị, nên quy tắc này có quyền lực và thẩm quyền đối với
những phát ngôn tham gia trò chơi; những phát ngôn không tuân thủ quy tắc của
trò chơi ngôn ngữ tất yếu sẽ bị loại trừ. Theo quy tắc này, những câu thơ trên
biểu hiện thái độ xem thường hình ảnh người lao động, “gần như là một sự xuyên
tạc và báng bổ”; nên chúng bị xếp vào loại “những bài có yếu tố dâm”. Đây là
một lời phê phán nghiêm trọng trong bối cảnh hình thức cuộc sống lúc bấy giờ,
tuy chỉ dành cho một số câu thơ riêng lẻ của Hồ Xuân Hương.
Bên cạnh đó, trong bài phê bình, Trần Thanh Mại có
đề cập đến quyển Hồ Xuân Hương. Tác phẩm. Thân thế và văn tài (6) của
Nguyễn Văn Hanh, và nhấn mạnh vào điều ông cho là “dụng tâm” và “âm mưu” khi
vận dụng quan điểm Freud: “Âm mưu của y
là muốn nói rằng lịch sử xã hội loài người không phải do đấu tranh giai cấp cấu
thành, mà vận mệnh con người nói chung, kẻ giàu cũng như người nghèo, kẻ áp bức
bóc lột cũng như người bị áp bức bóc lột đều do mỗi một cái “li-bi-đô” (bản
năng dâm dục) chi phối tất. Chỉ cần nhắc rằng việc Nguyễn Văn Hanh đưa học
thuyết nguy hiểm này ra giữa lúc trong nước ta đang có cao trào đấu tranh dân
chủ do Đảng ta lãnh đạo, việc ấy ắt không phải là một việc tình cờ” (7).
Trong lời bình luận này, Trần Thanh Mại rõ ràng đã
viện dẫn trực tiếp quan niệm chính trị về giải phóng lao động và “đấu tranh
giai cấp” làm hệ quy chiếu, sau đó đối chiếu với hoàn cảnh xã hội để tạo thành
một hệ lập luận chặt chẽ, mà logic của nó không dựa trên quy tắc của phê bình
văn học.
Quy ước chính trị được viện dẫn làm quy tắc trong
bài phê bình này còn thể hiện trong một lập luận khác, có vai trò quan trọng,
xâu chuỗi tất cả các lập luận trước và sau đó, làm hiện ra rõ hơn hệ thống quy
tắc phê bình, hay là luật chơi của trò chơi ngôn ngữ phê bình do Trần Thanh Mại
thiết lập. Lập luận này thể hiện trong đoạn văn phê phán một công trình phê
bình của Xuân Diệu về thơ Nôm Hồ Xuân Hương:
“Nhà phê bình và nhà thơ Xuân Diệu, trong cuốn Ba thi hào dân tộc vẫn nhìn nhận số lớn đề tài trong thơ Hồ Xuân
Hương là có mang hai nghĩa, theo danh từ ông dùng, là “nghĩa phô ra và nghĩa
ngầm”, nói khác đi là có cái mặt thanh cao mà cũng có cái mặt tục và dâm. Nhưng
Xuân Diệu không giải thích gì về nguồn gốc sản sinh ra hai yếu tố ấy của thơ Hồ
Xuân Hương, mà nhận toàn bộ thơ này với tất cả cái sảng khoái của một người
nghiện thơ, say thơ. Nhiều đoạn trong tập sách của ông cho ta thấy hình như ông
muốn thiên về bênh vực mặt thứ hai, bảo vệ và đề cao mặt thứ hai nữa. Chẳng hạn
ông đã viết: ‘Không phải cái gì vướng với lề lối tập tục thông thường một chút
là dìm đi ngay, như vậy cũng làm cho văn học nghèo nàn đi, và như vậy sẽ có
những vùng rất lớn của tâm tư con người mà không ai dám bén mảng dò la đến nữa,
những vùng thẳm sâu rộng lớn đó là những mạch nước ngầm rất quan trọng’. Ở đoạn
khác, Xuân Diệu viết: ‘Thơ Xuân Hương tục hay thanh? Đố ai bắt được? bảo rằng
nó hoàn toàn là thanh thì cái nghĩa thứ hai của nó dấu được ai, mà Xuân Hương
muốn dấu đâu? Mà bảo rằng nó là nhảm nhí, là tục, thì có gì là tục nào?” (8).
Đoạn văn phê phán công trình phê bình của Xuân Diệu
có hai quy chiếu ngầm ẩn nhưng hết sức quan trọng. Quy chiếu thứ nhất nhằm đến
phân tâm học của Freud có trong đoạn trích dẫn đầu tiên của Xuân Diệu ca ngợi
những “vùng thẳm sâu rộng lớn”, vốn đã bị phê phán trong đoạn trên là có “dụng
tâm” và “âm mưu” chính trị. Quy chiếu thứ hai là quy chiếu nhận xét của Xuân Diệu
về thơ Nôm Hồ Xuân Hương “thì có gì là tục nào” đến đoạn những hình ảnh lao
động trong thơ, vốn đã bị đánh giá là không có tính tư tưởng.
Tuy nhiên, quy tắc của trò chơi ngôn ngữ phê bình
được thiết lập bởi ngôn ngữ chính trị không chỉ thể hiện giá trị hiệu lực bằng
những quy chiếu trong văn bản xét như là một nước đi, mà nó còn thể hiện quyền
uy bằng những tác động tạo nên nước đi đáp trả, tranh thắng. Và thực tế thì sự
viện dẫn đến ngôn ngữ chính trị trong hai quy chiếu trên của Trần Thanh Mại
liên quan đến Xuân Diệu có một tác động hết sức mạnh mẽ. Trước hết, ngay trong
lần tái bản có bổ sung sau đó, vào tháng 11 năm 1961, Xuân Diệu đã cắt bỏ hoàn
toàn đoạn văn trong quy chiếu thứ nhất (9). Điều này biểu hiện giá trị hiệu lực
của quy tắc phê bình do Trần Thanh Mại thiết lập: nó loại khỏi cuộc chơi những
phát ngôn không tuân thủ quy tắc của trò chơi. Mãi lâu sau đó, vào năm 1980,
sau khi Trần Thanh Mại đã mất (1965), Xuân Diệu mới thiết lập những nước đi
tiếp theo trong bài “Tính tư tưởng trong ba bài thơ của Hồ Xuân Hương” (10),
nhằm tranh thắng với quy chiếu thứ hai của Trần Thanh Mại. Bản thân khía cạnh
thời gian công bố bài viết này (thời gian hoàn tất bài viết được ghi là 1972 –
1979), cũng phần nào cho thấy hiệu lực mạnh mẽ của quy tắc do Trần Thanh Mại
thiết lập.
Bài “Tính tư tưởng trong ba bài thơ của Hồ Xuân
Hương” của Xuân Diệu có phần phân tích về bài Tát nước, một bài thơ đã
được Trần Thanh Mại trích làm luận cứ phê phán. Trong phần này, Xuân Diệu phân
tích lại câu thơ mà Trần Thanh Mại cho rằng không có tính tư tưởng (“Nhấp nhổm
bên ghềnh đít vắt ve”):
“Hơn nữa cái đít ấy lại vắt ve, nghĩa là cong cớn lên, há có phải chỉ nói
vậy cho vui. Tại sao mà vắt ve? Tại vì nhấp nhổm, lưng có nhấp nhổm, cúi xuống
thật thấp, thì đít mới vắt ve, vểnh lên thật cao; sinh động biết chừng nào!
Nghĩa là người đàn bà lao động cật lực. – Trước khi giặc Mỹ leo thang ở miền
Bắc, khoảng những năm 1963, 64, tôi đi bình thơ ở các nông thôn, tôi đã bình
một bài thơ thủy lợi: “Con kênh, con máng con mương; Ba con cùng chảy anh
thương con nào?” và cắt giữa bài thơ hiện nay, tôi đã chen bài Tát nước hai trăm năm về trước; và
tôi đã mạn phép đồng bào, mạnh dạn nói: “Tôi đi qua một số xã hiện nay, tôi
thấy các bác gái chị gái tát nước lưng chưa nhấp nhổm, đít chưa vắt ve!”, không
ngờ ở một xã kia, đồng chí bí thư Đảng ủy sáng hôm sau đã khuếch trương điều
tôi nhận xét: “Như thế là chúng ta phải đặt thành vấn đề. Tại sao ngày trước
trong thơ Hồ Xuân Hương, người đàn bà tát nước cá thể mà lưng nhấp nhổm, đít
vắt ve, và hiện nay chúng ta tát nước cho hợp tác xã, cho chủ nghĩa xã hội,
nhiều người còn đứng thẳng, hai tay giật giật?”. Tức là vô hình trung mà câu
thơ Hồ Xuân Hương đặt vấn đề năng suất lao động. Lênin vĩ đại đã từng nói: cuối
cùng chủ nghĩa xã hội phải quật ngã chủ nghĩa tư bản bằng cách tạo ra một năng
suất lao động cao hơn nó. Hiện giờ, Đảng ta đang kêu gọi: trong sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội, cái thước đo tư tưởng và giá trị của mỗi người là năng
suất lao động, và chất lượng sản phẩm. Đọc lại câu thơ Hồ Xuân Hương, chẳng
đáng cho ta suy nghĩ lắm sao?” (11).
Đoạn phê bình trên có hai điểm đáng lưu ý. Thứ nhất,
nó đan xen một tự sự ngắn với lời dẫn nối giữa hai câu chuyện: “không ngờ ở một
xã kia”. Lời dẫn này mơ hồ, như một công thức thời gian – không gian không xác
định của tự sự dân gian, cho thấy mục đích của tự sự là nhằm tạo ra một ngữ
cảnh hợp lý cùng các quy ước phù hợp với hình thức cuộc sống tiêu biểu lúc bấy
giờ: hình ảnh lao động xã hội chủ nghĩa. Ngữ cảnh này xuất hiện các quy ước
tiêu biểu: “đồng chí Bí thư đảng ủy xã”, “chủ nghĩa xã hội”, “hợp tác xã” trong
thế đối lập với “cá thể”, … Thứ hai, trong đoạn phê bình trên có sự viện dẫn
trực tiếp quan niệm về giải phóng lao động và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa
Marx-Lenin: “cuối cùng chủ nghĩa xã hội phải quật ngã chủ nghĩa tư bản bằng
cách tạo ra một năng suất lao động cao hơn nó”. Đây là sự viện dẫn trực tiếp,
có uy lực mạnh mẽ hơn sự viện dẫn của Trần Thanh Mại.
Bằng sự viện dẫn ngôn ngữ chính trị để cấu tạo nên
trò chơi ngôn ngữ của phê bình văn học, Xuân Diệu đã phản bác lại lời phê phán
của Trần Thanh Mại rằng câu thơ của Hồ Xuân Hương có thái độ “xuyên tạc và báng
bổ… đối với ý nghĩa của lao động”. Trong luận điểm cuối của đoạn lập luận, ông
đưa ra một tiền đề để khẳng định ngược lại với Trần Thanh Mại về nội dung tư
tưởng của câu thơ trên bằng cách cho rằng:
“Hiện giờ, Đảng ta đang kêu gọi: trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cái
thước đo tư tưởng và giá trị của mỗi người là năng suất lao động, và chất lượng
sản phẩm”. Cũng bằng việc viện dẫn ngôn ngữ chính trị, nhưng ông đã xoay
chuyển góc nhìn, thước đo tư tưởng và giá trị con người bây giờ là năng suất
lao động và giá trị sản phẩm. Từ góc nhìn đó, hình ảnh “đít vắt ve” trong thơ,
không những phù hợp với quan niệm chính trị xã hội đương thời, mà còn phù hợp
với hình thức cuộc sống xã hội chủ nghĩa hiện tại của Việt Nam nữa, nên nó tất
yếu có giá trị tư tưởng.
Như vậy, bằng một nước đi xa hơn phạm vi văn học so
với lời phê phán của Trần Thanh Mại, nhưng viện dẫn ngôn ngữ chính trị một cách
trực tiếp, Xuân Diệu đã hoàn tất mục đích phát ngôn của mình trong một trò chơi
ngôn ngữ theo hình thức cuộc sống mà ông đang tồn tại: phản biện lời phê bình
của Trần Thanh Mại, khôi phục giá trị tư tưởng trong câu thơ trên nói riêng và
thơ Nôm Hồ Xuân Hương nói chung trong phạm vi chủ nghĩa Marx-Lenin. Nhìn bề
ngoài, không chỉ đoạn này, mà trong toàn bài phê bình, người đọc sẽ rất ngạc
nhiên và cho rằng ông đã cảm thụ và tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương theo cách thức
của xã hội học dung tục; nhưng nếu đặt phát ngôn phê bình của ông dưới góc nhìn
trò chơi ngôn ngữ, ta sẽ thấy được mục đích sâu xa, và hành động có ý nghĩa của
ông trong một hình thức đời sống đặc thù của bối cảnh xã hội Việt Nam. Vì để
hợp thức hóa cho giá trị của những vần thơ ấy, để cho những phát ngôn phê bình
không bị loại khỏi trò chơi ngôn ngữ do Trần Thanh Mại thiết lập, ông đã phải
tuân theo và viện dẫn ngôn ngữ chính trị trong bối cảnh xã hội bấy giờ làm quy
tắc cho phê bình văn học.
3. Sự chi phối của
ngôn ngữ chính trị trong thực tiễn phê bình văn học là một hiện tượng phổ biến
ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Tiếp cận những hiện tượng này,
phương pháp trò chơi ngôn ngữ giúp bóc tách từ bên trong cấu tạo và mục đích
phát ngôn của văn bản phê bình, đánh giá nhìn nhận lại những trường hợp phê
bình trong hình thức cuộc sống; hơn nữa, nó cũng góp phần làm rõ mối quan hệ
phức tạp giữa chính trị và văn học. Qua đó, lịch sử phê bình hiện lên không chỉ
bằng tập hợp những tiêu chí, kết quả, hay sự miêu tả các công trình tiếp nối
theo trình tự thời gian, mà còn có những hoạt động kiến tạo các quy tắc, vận
dụng các nước đi và thực hiện các mục đích trong những trò chơi ngôn ngữ đa
dạng và biến hóa của những hình thức cuộc sống đặc thù.
24/12/2011
CHÚ
THÍCH:
(1) Trần Đình Sử nhận xét: “Nhìn lại hệ thống quan
điểm văn nghệ của giai đoạn 40 năm ấy [1945 -1985], ta không thể không thấy,
tuy đúng đắn trong hoàn cảnh lúc ấy, nhưng ở vào hoàn cảnh mới hiện nay nó
không tránh khỏi những hạn chế như sơ lược và một chiều, khi biến văn nghệ
thành vũ khí của chính trị và không tránh khỏi có lúc có người đồng nhất với
chính trị, không thấy rõ đặc trưng thẩm mỹ của văn học, chưa tôn trọng vai trò
cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ”. Trần Đình Sử (2004), “Lý luận, phê bình
văn học Việt Nam thế kỷ XX”, in trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb
Giáo dục, Hà Nội, trang 730.
(2) Hans Robert Jauβ, 1991, Ästhetische Erfahrung
und literarische Hermeneutik, Suhrkamp, Frankfurt am Main, trang 659.
(3) “Trò chơi ngôn ngữ” là khái niệm quan trọng
trong triết học ngôn ngữ hậu kỳ của Wittgenstein. Theo Wittgenstein, chữ “trò
chơi” không có nghĩa giải trí, tầm thường; đây là khái niệm được ông đặt ra khi
phân tích và so sánh hoạt động sử dụng ngôn ngữ như những nước đi trong trò
chơi cờ. Trò chơi ngôn ngữ có những đặc điểm: 1/ Mỗi phát ngôn được tạo ra, và
do vậy cần phải được hiểu, theo những “quy tắc” của một “trò chơi ngôn ngữ”
giữa những cá nhân trong một “hình thức cuộc sống” nhất định. 2/ “Trò chơi ngôn
ngữ” có những “nước đi”, được tạo nên từ những phát ngôn của người tham gia;
giá trị hiệu lực của nước đi đặt trong quan hệ với quy tắc; nước đi không tuân
thủ quy tắc sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, vì không có giá trị hiệu lực. 3/ Những
“trò chơi ngôn ngữ” khác nhau có các quy tắc khác nhau; nên thay đổi quy tắc là
thay đổi trò chơi, thay đổi mối quan hệ giữa những người tham gia và giá trị
hiệu lực của phát ngôn. Lyotard phát triển khái niệm này ở khía cạnh “trò chơi
ngôn ngữ” có tính chất đối trọi, tranh đua bằng những nước đi và những nước đi
đáp trả, nhằm “thắng được ngôn ngữ đã xác lập”.
(4) Trần Thanh Mại, 1961, “Thử bàn lại vấn đề
tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Văn học, s.4.
(5) Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã nhạy bén phát hiện
ra sự khiên cưỡng của chữ này, ông viết: “Rõ ràng, nhà nghiên cứu đã suy diễn để
chứng minh cho bằng được quan điểm “lao động là vinh quang”, nên ông đã nói
những gì mà bài thơ không có” (Đỗ Lai Thúy, 2010, Hồ Xuân Hương, hoài niệm
phồn thực, Nxb Văn học, trang 34).
(6) Nguyễn Văn Hanh, 1937, Hồ Xuân Hương. Tác
phẩm. Thân thế và văn tài, Aspar, in kì nhì.
(7) Trần Thanh Mại, 1961, tài liệu đã dẫn.
(8) Trần Thanh Mại, 1961, tài liệu đã dẫn.
(9) Chúng tôi đối chiếu ba văn bản của Xuân Diệu: 1/
Ba thi hào dân tộc: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nxb Văn hóa,
in 1959 (bản Trần Thanh Mại trích dẫn và phê bình); 2/ Hồ Xuân Hương: bà
chúa thơ Nôm, tái bản có bổ sung, Nxb Phổ thông, in 1961 (nộp lưu chiểu
tháng 11/1961); 3/ “Tính tư tưởng trong ba bài thơ của Hồ Xuân Hương”, viết từ
1972 – 1979, in lần đầu trong Tạp chí văn học, 1980, s.3; in lại trong Các
nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987.
(10) Xuân Diệu, 1980, “Tính tư tưởng trong ba bài
thơ của Hồ Xuân Hương”, Tạp chí văn học, 1980, s.3.
(11) Xuân Diệu, 1980, tài liệu đã dẫn.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
[1] Bài viết tiếp thu những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Phạm Thị
Phương. Người viết xin chân thành cảm ơn.
No comments:
Post a Comment