Tuesday 27 August 2013

SỰ TÀN BẠO MUÔN NĂM ! (Người Buôn Gió)




Thứ ba, ngày 27 tháng tám năm 2013

Ngày bé tôi nghe các đàn anh kể những chuyện khốc liệt trong nhà tù. Những trận đòn, biện pháp hành hạ, tra tấn và khủng bố của các tù nhân với nhau. Thường là tù trách nhiệm (một dạng tù chỉ huy do cán bộ trại giam chỉ định) với các tù nhân khác, đôi khi là trực tiếp quản giáo tham gia cuộc đánh đập.

Và những thủ đoạn tra tấn muôn vàn màu sắc như trói treo phơi nắng hè, ngâm mình dưới ao mùa đông. Đòn đánh vào hai bên mạng mỡ hoặc hai bên hông thắt lưng để om thận, đòn úp bàn tay vỗ vào tai cho chấn thương âm màng nhĩ. Kiểu ngồi bó gối dẫn đến tê liệt chân...

Những câu chuyên đó không phải ở thời kỳ nhà tù thực dân, mà thời cách mạng đã thành công, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vinh quang đời đời. Chuyện như thế xảy ra ở nhà tù Phong Quang, Quyết Tiến, Cổng Trời, Yên Hạ, Kế, Phú Sơn, Lam Sơn, Thanh Lâm, Thanh Cẩm, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Lập, Thanh Xuân, Văn Hòa, Kim Chi, Thủy Nguyên... những nhà tù mà sau này tôi đã đến, đã ở, đã đi qua tùy trong hoàn cảnh khác nhau.

Định mệnh dường như gắn tôi với nhà tù từ nhỏ, 4 tuổi bám áo mẹ đi thăm bố, 13 tuổi cùng anh đi thăm bố, lớn đi thăm bạn bè, anh chị em. Rồi nhiều lúc chính mình lại ở tù cho người khác thăm. Bạn bè tôi tù nhiều lắm, bởi tôi sinh ra và lớn lên ở tận cùng của xã hội, chuyện nhà tù dính đến nhiều cũng là điều không có gì khó hiểu.

Thật kỳ lạ về trí nhớ của con người. Ký ức mà tôi nhớ được xa nhất lại là hình ảnh mẹ tôi làm bánh mỳ tẩm đường và dẫn tôi vào thăm bố ở nhà tù Hỏa Lò, lúc đó tôi mới tầm 4 tuổi. Chính vì ký ức này tôi còn nhớ được, nên khi con trai tôi mới 3 tuổi, tôi đã phải để ý kỹ sao cho cháu tránh được những điều không đáng thấy, hay không nên thấy. Năm con tôi 4 tuổi, tôi bị bắt vào tù vì điều 258. Ngày về con tôi nhảy lên bá cổ bố ngay từ cửa, cháu thốt rằng.
- Bố Hiếu đây, nhưng mùi không phải là mùi bố Hiếu.

Vâng, cái đó người tù gọi là mùi tù, mùi tù chỉ có người nào đi tù mới hiểu. Năm 2010 người đàn ông trí thức tôi gặp ở Berlinh tháo cặp kính trắng ra, lau mắt nghẹn ngào nói về mùi tù. Anh từng bị giam giữ 10 tháng tù ở Việt Nam vì những tư tưởng của mình. Ấn tượng về nhà tù còn đọng lại với cả những người đàn ông phong trần từng trải. Huống chi là đứa trẻ ngây thơ. Tôi vẫn kể cho con trai tôi nghe ở nhà tù bố được đối xử tốt, công an cũng tốt, họ nghi ngờ thì họ giữ bố để xem đúng bố phạm tội không, chẳng phải thì họ cho bố về. Cháu vui lắm, cháu kết luận rất hồn nhiên.
- Thế là công an bắt bố, thấy bố không có tội họ lại cho bố về với con. Công an làm thế cũng được.

Gần hai mươi năm trước đây, tôi từng chịu cảnh bị trói treo, đánh vào mạng mỡ, vào tai, bị cùm xích ròng rã 15 ngày, bị biệt giam... tôi mới nhận ra những điều mà các đàn anh đi trước kể cho tôi hồi nhỏ về những gì diễn ra trong nhà tù là sự thật.

Gần hai mươi năm sau, tôi bị bắt nhiều lần, ở gần như khắp mọi miền đất nước bởi những người an ninh. Lý do bắt thật bất công. Nhưng điều kiện bị giam giữ không có gì đáng phàn nàn, thái độ của người canh giữ cũng tốt. Nhưng thứ đó làm tôi cảm giác mọi thứ có một số điều đã tốt hơn.

Tuy nhiên đó chỉ là những thời gian ngắn ngủi, và những người canh giữ là không phải là quản giáo chuyên nghiệp và nơi giam giữ chưa hẳn là trại tù thực sự.

Hôm nay theo dõi câu chuyện về nữ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh. Tôi đọc lời kể của người thân cô, nhìn tấm hình cô chụp trước đến nay.

Tấm hình trước kia không son phấn, nhưng toát lên vẻ trẻ khỏe, sung mãn đầy sức sống. Tấm hình sau dù Đỗ Thị Minh Hạnh gắng trang điểm thế nào, cũng chẳng giấu nổi vẻ tiều tụy, ôm đau, đôi mắt và nét mặt gắng bình thản nhưng người tinh tế vẫn nhận ra những gì khốc liệt mà cô đã chịu đựng trong nhà tù.

Thương lắm những người tù nữ. Mỗi lần đi gặp người thân, họ mượn nhau bộ quần áo tươm tất, xin nhau chút son phấn, họ trang điểm cho nhau trước lúc gặp gia đình. Với mong muốn gia đình nhìn thấy mình không đau khổ , không tiều tụy. Dù ở hoàn cảnh như vậy họ vẫn cố giấu đi những gì sẽ khiến người thân đau lòng, vẫn muốn an ủi người thân bằng cách che đậy đi những gì mình phải chịu đựng.

Khi trước ở trong tù, được làm phục vụ cho đội trưởng đội quản giáo. Nhiều lần đi qua song sắt khu giam nữ. Tôi phải dừng lại nghe những tiếng van xin.
- Hiếu ơi, chị bị thu gương lược rồi, Hiếu lấy lại giúp chị đi.
- Tù rồi cần gì đẹp hả chị, ai ngắm đâu, lấy bị phát hiện thì em toi.

Tôi định dợm bước đi, người tù nữ vọng ra tha thiết.
- Em ơi, làm đẹp để chồng mình nó gặp, nó thấy mình không xấu, nó còn chờ, còn đi tiếp tế cho mình em ơi.

Người khác nói với theo.
- Làm đẹp chút, cho mẹ mình nhìn không xót em à.

Cái câu của người tù nữ nói với theo, khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi rình lấy chìa khóa kho của quản giáo để lấy gương, lược và cả nhíp sắt nhổ lông mày cho các chị. Thậm chí thấy giấy bút tôi còn tiện tay khua nốt để khuyến mại cho các chị luôn.

Đằng sau những lớp phấn vụng về, nét son thô kệch là bao nhiêu nỗi đau muốn che giấu. Những chị em nào đọc được dòng này, nhìn cách trang điểm của Đỗ Thị Minh Hạnh, chắc hiểu được vì sao cô ấy trang điểm không được như xã hội, điều kiện nhà tù được như thế là một nỗ lực rất lớn. Và xót xa hơn nữa, chúng ta hiểu được vì sao cô ấy cố gắng điểm trang.

Hai mươi năm trước nữa là thời gian tù của những đàn anh kể cho tôi, rồi đến lượt tôi. Rồi hai mươi năm sau này nữa đến lượt Đỗ Thị Minh Hạnh. Cảnh trói treo, đánh mang tai, đánh mạng sườn ...vẫn còn diễn ra đằng sau những cánh cổng trại giam. Không tránh ai cả, từ tên tù ngỗ ngược xăm trổ đầy mình đến cô gái trong trắng vì niềm thương yêu đối với đất nước, niềm xót xa cho những thân phận người công nhân phải vào tù và chịu đựng cảnh hung tàn đó.

O ép từ miếng ăn, nước uống, điều kiện vệ sinh, khủng bố tinh thần, đánh đập dã man một cô gái đang chịu án tù vốn dĩ đã đầy oan ức.

Chả lẽ sự tàn bạo trong nhà tù Việt Nam vẫn muôn năm như vậy. Chả lẽ những người quản giáo trại giam, đảng viên ĐCS cũng muốn sự bạo tàn này được duy trì mãi mãi như ước mơ của họ qua khẩu hiệu ĐCSVN quang vinh muôn năm? Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm, chủ tịch HCM vĩ đại muôn năm?

Vậy để tôi cùng hô với các bạn.
Sự tàn bạo muôn năm!


-----------------------------------------

Xem thêm : 





No comments:

Post a Comment

View My Stats