Monday 12 August 2013

QUAN HỆ ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM-HOA KỲ : BIỂN ĐÔNG, KINH TẾ & NHÂN QUYỀN (Lê Hồng Hiệp - EAF)




Lê Hồng Hiệp, EAF

Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
13/08/2013

Vào ngày 25 tháng Bảy vừa qua, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm chính thức đến Nhà Trắng. Trong chuyến thăm này,  hai nhà lãnh đạo đã công bố thiết lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam–Hoa Kỳ.

Bước tiến trong chính sách ngoại giao vừa được thiết lập tập trung vào ba vấn đề trọng tâm:  Tăng cường sự cạnh tranh của Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông, cải thiện nền kinh tế lạc hậu và cuối cùng là bàn bạc các vấn đề về hồ sơ nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam.

Đầu tiên, việc thiết lập quan hệ đối tác Tòan diện với Hoa Kỳ có thể thấy như một bước tiến lớn trong việc củng cố sức mạnh hàng rào chiến lược của Việt Nam nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời, nó mang lại cho Việt Nam sự tự tin – cũng như nhiều sự lựa chọn hơn – để có thể giáp mặt với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Trong bản Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã ‘tái khẳng định việc ủng hộ giải quyết các tranh chấp trên phương diện hòa bình, phù hợp luật pháp và công ước quốc tế’ và ‘nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa quân sự trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hàng hải’. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration of Conduct of Parties in the South China Sea) cũng như nỗ lực nhằm đi dến đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử chung (Code of Conduct).

Việt Nam có thể được hưởng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ thông qua các kênh ngoại giao để chống lại áp lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhìn từ phía quan điểm của Hoa Kỳ, quan hệ đối tác toàn diện – và các đề nghị hỗ trợ mà Hoa Kỳ ngoại giao dành cho Việt Nam – sẽ giúp tăng cường quan hệ với nhà nước cộng sản này tại thời điểm mà chiến lược tái cân bằng lược lược tại châu Á đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ và liên tục của các quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực.

Tiếp theo, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định các cam kết kết thúc Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm nhất là vào cuối năm nay. Trong khi Việt Nam có những tính toán chiến lược để có thể tự thúc đẩy trong quá trình này, đặc biệt trong hoàn cảnh tương quan với Trung Quốc thì các lợi ích ích kinh tế khi đạt được kí kết TPP giữa hai nước sẽ giúp cho Việt Nam đạt được nhiều lợi thế và quyền lợi hơn để theo đuổi các hiệp định thương mại đa phương.

Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng yếu kém như thời gian vừa qua, điều đã và đang góp phần gia tăng sự bất bình của công chúng về khả năng quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam, các lãnh đạo Việt Nam hi vọng rằng hiệp ước TPP không những góp phần kích thích kinh tế mà còn gia tăng vị thế chính trị của họ ở trong nước. Cần lưu ý rằng các nền kinh tế trong TPP, trong đó có Nhật Bản, là nước đã thu hút tới 39 % (khoảng 45 tỉ USD) tổng kim nghạch xuất khẩu của Việt nam trong năm 2012. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm của Việt Nam và tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua TPP là một nhân tố quan trọng cho việc phục hồi kinh tế Việt Nam.

Cam kết để hợp tác kinh tế sâu hơn với Việt Nam thông qua các cơ chế TPP cũng phù hợp với các lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ giữa lúc Washington đang muốn gia tăng cơ hội tiếp cận thương mại với các thị trường nước ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ cho cho nền kinh tế nội địa. Việt Nam, mặc dù điều kiện kinh tế đang trong tình trạng khó khăn, sẽ tiếp tục là một thị trường đầy hứa hẹn và một đối tác kinh tế của Hoa Kỳ. Đồng thời, việc khuyến khích Hà Nội hội nhập kin sâu hơn vào kinh tế cũng sẽ phù hợp với các tính toán chiến lược lớn hơn của Washington, trong đó bao gồm việc tăng cường mối quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng và đẩy các quốc gia cộng sản gần lại phía tự do hóa kinh tế cũng như các tiềm năng dân chủ hóa trong kế hoạch lâu dài hơi hơn.

Cuối cùng, hồ sơ nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam vẫn còn là một điểm quan trọng trong mối quan hệ đối tác mới được thiết lập. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề này. Các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể xem việc thúc đẩy các quyền con người sẽ đặt ra các mối đe dọa an ninh với chế độ của họ. Đối với Hoa Kỳ, đó là tình thế khó xử giữa tôn trọng nhân quyền của đối tác như một nguyên tắc quan trọng trong chính sách đối ngoại và hạ thấp các vấn đề trong các giao ước với VIệt Nam vì lợi ích chiến lược. Nhưng không hề có nghi ngờ rằng vấn đề này sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho sự phát triển quan hệ song phương Việt Nam–Hoa Kỳ trong tương lai.

Mặc dù có vài tranh cãi cho rằng quan hệ đối tác chiến lược chứ không phải một quan hệ đối tác toàn diện là những gì hai nước cuối cùng phải phấn đấu và đạt tới, nhưng kí kết vừa được công bố là bước tiến quan trọng và lớn nhất trong mối quan hệ ngoại giao song phương kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ hồi năm 1995. Hai bên phân loại mối quan hệ của họ như thế nào thực sự không phải điều quan trọng khi so với những gì họ làm trong thực tế để thúc đẩy lợi ích chung của cả hai bên.

Việc làm thế nào để mối quan hệ song phương tiếp tục phát triến sẽ phụ thuộc vào nhận thức và các động thái của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam sẽ phải cân nhắc lợi ích và rủi ro trong mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đối với nền an ninh chính trị của chế độ và mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Trong khí đó, cách Washington đánh giá vấn đề nhân quyền với lợi ích kinh tế và chiến lược xác thực trong mối quan hệ với Hà Nội sẽ có tầm quan trọng ngang nhau.

Nhận thức của cả hai bên về những yếu tố quan trọng trên sẽ tiếp tục biến đổi để tác động đến sự phát triển tương lai ở cả hai nước cũng như khu vực châu Á như những gì họ vừa làm trong thời gian vừa qua. Do đó, quan hệ đối tác toàn diện nên được xem là sự khởi đầu của chương mới trong mối quan hệ song phương Việt Nam–Hoa Kỳ chứ không phải là đỉnh điểm của quan hệ hợp tác hai bên.
————-

Lê Hồng Hiệp là  nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales, Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc, Canberra. Ông cũng là sáng lập viên trang Nghiencuuquocte.net, một dự án phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Việt Nam bằng cách dịch các bài báo khoa học từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

* Tựa đề do CTV Phía Trước đặt lại từ bài “The US–Vietnam comprehensive partnership: key issues and implications”






No comments:

Post a Comment

View My Stats