BBC
Cập nhật: 07:39 GMT -
thứ bảy, 3 tháng 8, 2013
Luật sư bào chữa cho hay phiên phúc thẩm Đinh Nguyên
Kha và Nguyễn Phương Uyên sẽ được tiến hành vào ngày 16/8 tới.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng,
bào chữa cho Đinh Nguyên Kha, nói ông đã nhận thông báo về ngày phúc
thẩm. Trong khi đó luật sư của Nguyễn Phương Uyên, ông Hà Huy Sơn, nói
với BBC ông chưa nhận được giấy của tòa, "có lẽ do gửi bưu điện
chưa tới nơi".
Nguyễn Phương Uyên và Đinh
Nguyên Kha bị Tòa án Long An xử tù 6 năm và 8 năm tù giam hôm 16/5 vì
tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Hai người này cũng sẽ bị 3
năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Cả hai người sau đó đều đã
kháng án.
Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt từ
hồi đầu tháng 10/2012 ở thành phố Hồ Chí Minh còn Đinh Nguyên Kha bị bắt sau
đó. Cả hai người liên quan vụ rải truyền đơn tại cầu An Sương tháng 10
năm ngoái.
Cáo trạng nói hai người là
thành viên tổ chức Tuổi trẻ yêu nước, bị cho là chống đối chính quyền
trong nước.
'Treo cờ vàng ba sọc'
Nguyễn Phương Uyên, sinh viên
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, bị nói là đã dán và treo cờ
vàng ba sọc hồi tháng 8/2012, đồng thời chụp ảnh ghi lại việc này.
Truyền thông trong nước hồi
tháng 11/2012 nói các tang vật mà cơ quan điều tra thu được gồm hơn 700 tờ truyền
đơn, cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ miền Nam Việt Nam trước đây cùng hơn hai kg
hóa chất tạo thuốc nổ cùng một số vật chứng khác.
Một số chính phủ và tổ
chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ xét xử Kha và
Uyên hôm 16/5, được biết chỉ diễn ra trong vòng một ngày.
Ngày 15/6 vừa qua, anh trai
của Đinh Nguyên Kha là Đinh Nhật Uy cũng bị bắt tại Long An để điều
tra tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự.
Hiện Đinh Nhật Uy chưa được
mang ra xét xử.
----------------------------------------
Lê Diễn
Đức
2013-06-18
2013-06-18
Không biết bao giờ phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra và
tại đâu, nhưng một lần nữa, Phương Uyên và Nguyên Kha lại đối diện với toà án.
Ai sẽ
trả lời cho các em?
Hai tuần sau khi bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù
giam và 6 năm quản chế, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã kháng cáo.
Phương Uyên và Nguyên Kha đã khẳng định lòng yêu
nước qua việc tố cáo Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Tuy nhiên cả hai đều quyết
định "không xin giảm án" mà cốt có cơ hội được nói hết ý của mình đã
không được biểu thị trong phiên xử ngắn ngủi và bất minh ngày 16/05/2013.
Phương Uyên, cô gái bé nhỏ, 21 tuổi, nói rằng,
"rất uất ức về bản án cũng như còn rất nhiều việc chưa giải bày được … vì
trong phiên xử bị quan tòa ngăn không cho nói… . Uyên nói là rất
"sốc" vì bản án, nhưng sau mấy ngày thì lấy lại được tinh thần…
Phiên tòa 16/05 hầu như không làm sáng tỏ bất cứ một
vấn đề gì, không có nhân chứng, không có vật chứng, thậm chí không đưa ra được
những căn cứ để buộc tội. Một câu hỏi rất đơn giản là khẩu hiệu "Tàu
khựa cút khỏi Biển Đông" mà Phương Uyên viết bằng máu có vi phạm luật
pháp Việt Nam hay không, Phương Uyên hỏi đến ba lần nhưng chánh án không trả
lời được, cả bồi thẩm đoàn cũng ngồi im, cuối cùng họ cho em về chỗ...",
theo lời của mẹ Phương Uyên.
Ngay sau phiên toà sơ thẩm của Phương Uyên và Nguyên
Kha hôm 16/5, đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã phản đối bản án và kêu gọi trả tự
do cho hai người này.
Trong một cuộc điều trần tại quốc hội Hoa kỳ với chủ
đề “Các mối quan hệ Việt-Mỹ” do Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban
Đối Ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức hôm 5/6, theo đài VOA, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ
trách Dân chủ - Nhân quyền - Lao động, ông Daniel Baer, tuyên bố:
“Tôi cam kết sẽ tiếp tục nêu lên trường hợp của hai
nhà hoạt động này cũng như thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Uyên
và bạn của cô ấy là Kha”.
Phát biểu của ông Baer, người dẫn đầu phái đoàn Hoa
Kỳ sang Hà Nội đối thoại nhân quyền hôm 12/4 vừa qua, được đưa ra trước yêu cầu
của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, đòi hỏi chính phủ
của Tổng thống Barack Obama phải làm sao để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại
nhân quyền hằng năm với Việt Nam mang lại những tiến bộ hay kết quả cụ thể.
Ông
Ed Royce nhấn mạnh với hai giới chức trong hành pháp Hoa Kỳ
tham gia buổi điều trần gồm Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer và Quyền Trợ lý
Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Joseph Yun, rằng:
“Xin quý vị làm ơn cho thấy ít nhất một ví dụ để
chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hiện tại với việt Nam có thể mang
lại một số kết quả đúng với ý nghĩa khi nói rằng chúng ta muốn cùng nhau làm
việc cho nhân quyền và cho tương lai. Bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha là điểm quan trọng để nhà cầm
quyền Hà Nội bắt đầu trong tiến trình đó”.
Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nói Hoa Kỳ
không thể không hành động hay không lên tiếng trước các vi phạm trầm trọng hàng
loạt của Việt Nam khi mà chỉ trong 6 tuần lễ đầu năm nay Hà Nội đã tống giam
hơn 40 các nhà bất đồng chính kiến như Uyên và Kha.
Ông Royce nói áp lực Việt Nam phóng thích Uyên và
Kha hay những nhà hoạt động tương tự khác không phải là một đòi hỏi quá đáng vì
cái “tội” mà họ bị trừng phạt chỉ là thực thi nhân quyền, bày tỏ quan điểm ôn
hòa của công dân, vốn là những điều mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết tôn trọng
với quốc tế.
Theo dân biểu Royce, không có gì có thể biện minh
được cho hành vi bắt bớ, đánh đập, giam cầm của chính phủ Việt Nam đối với
Phương Uyên và Nguyên Kha để trả đũa cho việc họ đã rải truyền đơn kêu gọi bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ.
Vẫn theo lời Chủ tịch Ed Royce, Hoa Kỳ cần phải dùng
đòn bẩy đang có để kiểm tra các vi phạm nhân quyền của Việt Nam, để chứng tỏ
hành động của Mỹ đi đôi với lời nói trong lĩnh vực cổ xúy và bênh vực nhân
quyền toàn cầu.
Dân biểu Gerry Connolly thuộc đảng Dân chủ khuyến
cáo rằng lập pháp, tức Quốc hội, có thể khước từ đề nghị của hành pháp liên
quan đến Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP với Việt Nam nếu thành
tích nhân quyền của Hà Nội không được cải thiện.
Trường hợp của Uyên và Kha cũng được đại sứ Liên
hiệp Châu Âu tại Việt Nam nêu lên khi bày tỏ quan ngại về tình trạng bắt bớ, bỏ
tù các nhà bất đồng chính kiến và các blogger tại Việt Nam.
Đáng
ngưỡng mộ
Tại một cuộc gặp với giới hữu trách Việt Nam hôm
24/5, đại sứ EU, Franz Jessen, đã kêu gọi Hà Nội ngay lập tức xem lại
các bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động như Phương Uyên, Nguyên Kha, và
các thanh niên Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Đại sứ Liên hiệp Châu Âu cũng
đã phản đối việc chính quyền Việt Nam từ chối yêu cầu của EU muốn được tham dự
các phiên xử ấy.
Phiên toà của
Phương Uyên và Nguyên Kha là một hiện tượng và biểu tượng của tinh thần phản
kháng dứt khoát, trực diện và ngoại lệ. Vì rằng, từ
trước đến nay, trong tất cả các phiên toà xét xử những nhà bất đồng chính kiến,
những nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền, chưa hề có một ai can đảm thừa
nhận chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thông thường, mức độ của các
trường hợp trước đó chỉ dừng lại ở sự xác nhận cách thức biểu hiện ôn hoà các
chính kiến, phê phán các chính sách của nhà nước, nhưng chống lại ĐCSVN thì
không.
Phương Uyên và Uyên Kha đã chứng tỏ thái độ rất bản
lĩnh, một sự trưởng thành về nhận thức ở cái tuổi còn rất trẻ. Hai em chẳng hề
bị ai "giật dây", "kích động" hay "xúi giục".
Ngay cả
chuyện cờ vàng cũng không phải là cái cớ để toà án kết tội, vì theo Phương
Uyên, đuợc học tập lịch sử nước nhà, cờ vàng ba sọc đỏ tồn tại từ năm 1890, từ
thời Nhà Nguyễn, mang truyền thống và sắc thái quốc gia Việt Nam. Lá cờ, tự
dưng nó không phải là sự chống đối nhà nước Việt Nam mà là một cách quảng bá
tinh thần quốc gia của dân tộc Việt.
Khẩu
hiệu mà Phương Uyên phát tán có nội dung: “Vì danh dự dân tộc, chống giặc Tầu . Vì tương lai đất
nước, chống tham nhũng”.
Chống ĐCSVN tức là chống lại sự lãnh đạo và chính
sách của ĐCSVN, một đảng thời nay chỉ biết ăn mày quá khứ, đã biến chất, phản
bội lại lợi ích của người lao động, dung dưỡng, bao che tham nhũng, rút ruột
công trình ở mọi cấp độ, lớn nhỏ từ trên xuống dưới.
Những điều mà toà án căn cứ để buộc tội Phương Uyên
và Uyên Kha không đủ cơ sở pháp lý cho nên quan toà đã tỏ ra lúng túng và vội
vã kết thúc.
Tại phiên phúc thẩm cô bé Phương Uyên muốn làm sáng
tỏ, mặc dù em chấp nhận mức án đã được tính trước.
Mọi thái độ và việc làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với Trung
Quốc đều phải bị trừng trị. Đó là chủ trương xuyên suốt của tập đoàn lãnh đạo
Hà Nội.
Cho nên, tôi không tin ở tác động của áp lực dư luận
quốc tế. Có chăng, những người bị giam cầm đôi khi là con bài mặc cả cho một sự
cần thiết nào đó, như trong trường hợp hiện nay, Việt Nam làm ứng viên vào Uỷ
ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong năm 2014 và mong muốn tham gia Hiệp định
thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP. Trong bối cảnh này, có một hy vọng mỏng
manh.
Mức
án sơ thẩm tại phiên toà phúc thẩm có thể không thay đổi, mặc dù quá nặng nề và
bất công. Những gì các em đã làm chỉ là biểu hiện của lòng yêu nước, chống
ngoại xâm và chống nội xâm: tham nhũng.
Các em xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, tạo
một tiền lệ đáng ngưỡng mộ. Tù đày sẽ không làm các em giảm ý chí mà ngược lại,
sẽ qua đi nhanh chóng, cuộc đời còn trải rộng trước mặt các em.
Bài viết trích từ trang blog của Lê Diễn Đức. Nội
dung không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment