Saturday 17 August 2013

"PHỔ CẬP" Y KHOA (Phan Sơn - Saigon Tiếp Thị)





Phan Sơn  -  Saigon Tiếp Thị
Ngày 14.08.2013, 10:02 (GMT+7)

SGTT.VN - Cuối tuần qua, có dịp ngồi chơi với một số bác sĩ thâm niên làm việc tại các bệnh viện lớn TP.HCM, họ chia sẻ với tôi một thông tin tưởng như đùa: đó là trường đại học Võ Trường Toản, một đại học dân lập ra đời vào năm 2008 tại Hậu Giang, nhận hồ sơ xét tuyển đào tạo bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học với mức 17 điểm trở lên, sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Như thế, những học sinh đạt 14 điểm sàn thi đại học khối B năm nay chỉ cần có thêm 3 điểm ưu tiên là ung dung bước qua cánh cửa đại học!

Chuyện tưởng như đùa nhưng hoá ra có thật. Tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long do đại học Y dược Cần Thơ tổ chức ngày 12.8 vừa qua, thông tin này được khẳng định, và chính ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, phải than thở: “Thật nhức nhối khi đào tạo bác sĩ, dược sĩ mà chỉ cần 14 điểm, vừa tạo bất công, vừa tạo ra một thế hệ sau này không thể khám chữa bệnh”. Than thở quá đúng. Còn gì kỳ quặc cho bằng khi điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa và dược sĩ của đại học Y dược TP.HCM năm nay từ 26 – 27 điểm, gần gấp đôi điểm xét tuyển của đại học Võ Trường Toản. Nhưng sẽ còn kỳ quặc hơn nữa khi sau năm, sáu năm đào tạo, sinh viên tốt nghiệp của hai trường này đều được xã hội gọi tên là “bác sĩ”, “dược sĩ” dù trình độ đầu vào của cả hai gần như cách nhau một trời một vực!

Vì sao có chuyện điểm đầu vào quá thấp như vậy? Hoá ra xuất phát từ thực tế thiếu trầm trọng nhân lực ngành y tại đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu cho thấy cả vùng này chỉ có Cần Thơ và Cà Mau đạt bảy bác sĩ/một vạn dân theo quy định của bộ Y tế, những địa phương khác chưa đạt đến năm bác sĩ/một vạn dân. Chưa đạt quy định, nghĩa là nhu cầu nhiều, cần phải cung cho đủ cầu bằng cách đào tạo thêm nhiều bác sĩ, dược sĩ cho xã hội.

Thế nhưng tại hội nghị vừa qua, PGS.TS Phạm Văn Lình, hiệu trưởng đại học Y dược Cần Thơ, đã cảnh báo tình trạng nở rộ các trường, cơ sở đào tạo bác sĩ, dược sĩ ngoài công lập. Theo ông, từ năm 1975 – 2010 cả nước có thêm 12 cơ sở đào tạo nhân lực ngành y, nhưng chỉ từ năm 2011 – 2013 đã có thêm 13 cơ sở đào tạo, trong đó có tới 11 cơ sở ngoài công lập! Ông nói: “Có trường ở đồng bằng sông Cửu Long mới thành lập nhưng mở một lúc bốn, năm ngành, đào tạo cả bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật xét nghiệm và điều dưỡng. Chất lượng không biết thế nào khi họ không có kinh nghiệm vì hiệu trưởng, hiệu phó không phải là dược sĩ, bác sĩ; trưởng phòng đào tạo cũng không phải là dân chuyên môn luôn!” Nếu thế thì đào tạo làm gì? Hoá ra chỉ “chạy theo đồng tiền, chứ chẳng phải cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho vùng”, như ông Lê Hùng Dũng khẳng định. Có cơ sở để nói điều này, vì theo một phụ huynh có con học tại một đại học dân lập đào tạo bác sĩ ở Hậu Giang, năm qua ông phải bỏ ra 34 triệu đồng để đóng học phí cho con, gấp sáu lần học phí đại học công lập!

Nhưng chất lượng của các bác sĩ, dược sĩ xuất thân từ đại học dân lập như thế nào mới là điều đáng nói. Khó tin được rằng trình độ của những người phải đóng học phí ngất ngưởng lại vượt trội khi năng lực đầu vào của họ quá thấp. Tại hội nghị, bà Trần Thị Thái, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề khám chữa bệnh là “sửa người”, không dễ dàng như sửa máy móc. “Sửa máy móc hư còn đền được, chứ “sửa người” hư không thể đền vì phải trả bằng tính mạng con người”, bà nói. Ví von của bà Thái thật dễ hiểu, người bình thường ai cũng hiểu được, nhưng chẳng hiểu sao bộ Giáo dục và đào tạo và bộ Y tế lại cấp phép cho những trường đại học đào tạo theo cung cách như thế. Có thông tin cho rằng đằng sau cơ sở này, cơ sở kia là những quan chức một thời của ngành y tế. Tôi không tin như thế, bởi không lẽ những nhà quản lý ngành y thời nay lại đánh cược sinh mạng người dân bằng những mối thân quen hay lợi ích riêng tư. Không tin điều này, nhưng tôi tin một điều là “gieo gì, gặt nấy”, và với những hạt giống chất lượng không đảm bảo thì dù có được gieo trồng trên một mảnh đất màu mỡ đến mấy cũng khó có được vụ mùa bội thu. Huống chi...

Chuyện chạy theo nhu cầu xã hội của những cơ sở đào tạo nhân lực ngành y tại đồng bằng sông Cửu Long tưởng như kỳ quặc, nhưng ngẫm ra cũng bình thường. Tại TP.HCM, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm nay dự kiến có 800 chỉ tiêu ngành y, tăng gần 200 so với năm qua. Để giảm áp lực thực tập của sinh viên tại bệnh viện, có thông tin cho biết nhà trường dự kiến chia sinh viên thành hai suất sáng, chiều: ai học lý thuyết buổi sáng sẽ thực tập buổi chiều, và ngược lại. Liệu với đà tăng chỉ tiêu đào tạo vào những năm tới, 1.000 – 1.200 chỉ tiêu/khoá, sẽ có ngày trường sẽ cho sinh viên thực tập cả suất tối? Có lần trò chuyện với một giảng viên kỳ cựu của đại học này, ông buồn bã nói: “Trước đây cơ sở được xây dựng nhằm đào tạo 150 bác sĩ/khoá, nay tăng lên 800 – 1.000 bác sĩ/khoá để bảo đảm chỉ tiêu 15 bác sĩ/một vạn dân vào năm 2015 cho TP.HCM. Muốn đào tạo bao nhiêu cũng được thôi, nhưng có điều bác sĩ là làm nghề cứu người. Với cách đào tạo hiện nay, khó có thể đòi hỏi cho ra trường một bác sĩ làm công việc cứu người”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, dường như các nhà quản lý ngành y tế đang chọn một giải pháp đơn giản, “phổ cập y khoa” bằng cách tăng chỉ tiêu, chứ không hướng đến những giải pháp mang tính chiến lược và bền vững. Với chính sách “phổ cập y khoa”, người người sẽ là bác sĩ, nhà nhà sẽ là bác sĩ, rồi đây ai sẽ phải trả giá cho điều này? Chắc chắn không phải là những người quản lý thời nay vì chục năm nữa là họ hết nhiệm kỳ. Cũng chẳng phải là người thân quen của những nhà quản lý này, vì nếu có vấn đề sức khoẻ, chắc chắn họ sẽ tìm đến những cơ sở y tế tuyến trung ương có chất lượng, bệnh viện quốc tế hay ra nước ngoài chữa bệnh. Người phải lãnh hậu quả chỉ còn là… người dân bình thường! Lẽ nào sinh mạng của người dân lại bị đánh cược bằng chính chính sách của những nhà quản lý?

Phan Sơn


No comments:

Post a Comment

View My Stats