22/08/2013
Tuần rồi, chính quyền Trung Quốc đã thông báo chính khách
thất sủng Bạc Hy Lai sẽ hầu tòa về các tội tham nhũng vào ngày thứ Năm 22/8. Xì
căng đan Bạc Hy Lai nổ ra hồi tháng Ba năm ngoái, chỉ mấy tháng trước khi cuộc
chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra mười năm một lần đưa Tập Cận Bình lên thay
Hồ Cẩm Đào làm tổng bí thư và chủ tịch.
Lúc đó, bí thư Trùng Khánh được xem là một nhân vật đang
lên và nhiều tham vọng trong hệ thống tôn ti phức tạp của chính trị Trung Quốc.
Đà thăng tiến của ông chấm dứt khi thuộc hạ thân cận của ông lánh nạn tại lãnh
sự quán Mỹ tại Thành Đô. Hơn một năm sau, Bạc Hy Lai bị buộc tội hối lộ, tham
nhũng và lạm dụng quyền lực.
Từ ngôi sao đang lên đến vòng lao lý
Ở đất nước mà hình ảnh của Mao Trạch Đông vẫn còn được
tôn kính và giới tài xế tắc-xi treo huy hiệu Mao trên kiếng chiếu hậu làm bùa
cầu may, chiến dịch hồi sinh ‘văn hóa đỏ’ của Bạc Hy Lai luôn có người ủng hộ.
Ở Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã khởi xướng phong trào “hồng
ca, đả hắc” tung hô văn hóa Trung Cộng bằng những đợt hát nhạc đỏ của cộng sản,
đồng thời triệt phá tội ác có tổ chức. Từ tháng 6/2009, Bạc Hy Lai đã chỉ đạo
một chiến dịch an ninh trật tự, bắt giữ hàng ngàn nghi can thuộc các băng đảng
xã hội đen, nhưng giới phê bình cho rằng chiến dịch này cũng nhắm vào các kẻ
thù chính trị của ông.
Đợt càn quét này có thể đã làm hài lòng nhiều người ở
thành phố Trùng Khánh với 32,8 triệu dân (gần 4 triệu trong số đó là dân nông
thôn lên thành thị tìm việc), nhưng chiến dịch đả hắc này đã chạm đến một trong
những vết rạn nứt xã hội và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi
nhiều người trở nên giàu sụ ở nước Trung Quốc mới, hàng triệu người khác cảm
thấy họ không hưởng được thành quả của quá trình biến đổi kinh tế của đất nước.
Các chính sách kinh tế đượm sắc hồng của Bạc Hy Lai
(trong đó có hàng triệu nhân dân tệ chi tiêu cho nhà xã hội) có thể đã khiến
ông nổi tiếng như siêu sao ở Trùng Khánh, nhưng cách thành phố ven sông Dương
Tử này gần ngàn cây số, một số lãnh tụ đảng tại Bắc Kinh lại có quan điểm khác.
Các chính sách dân túy và phong cách cá nhân thích phô trương đình đám của ông
bị xem là mối thách thức đối với phe chủ trương tự do kinh tế và định hướng cải
cách bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sự chia rẽ này thể hiện rõ trong cuộc tranh luận “lý
thuyết cái bánh” nổi tiếng giữa Bạc Hy Lai và Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng
Đông, vào năm 2011. Lúc đó, Uông Dương cho rằng Trung Quốc cần phấn đấu tăng trưởng
kinh tế trước khi lo đến chuyện phân chia của cải; ông nói: “ta phải làm một
cái bánh lớn hơn trước khi chia bánh”.
Được biết Bạc Hy Lai đã đáp lại: “Một số người nghĩ rằng
ta phải làm một cái bánh lớn hơn trước khi chia bánh; nhưng như vậy là sai lầm
trên thực tế. Nếu chia bánh không công bằng, những người làm bánh sẽ không muốn
làm bánh”. Giới phân tích chính trị nhận định rằng cuộc tranh cãi này (được đưa
tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hồi năm ngoái) đánh
trúng trọng tâm tình trạng chia rẽ bè phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những chia rẽ chính trị đó lên đến đỉnh điểm vào tháng
3/2012 khi quốc hội Trung Quốc nhóm họp thường niên ở Bắc Kinh. Phát biểu với
các ký giả hôm 9/3/2012 bên lề một cuộc thảo luận nhóm của đoàn đại biểu Trùng
Khánh, Bạc Hy Lai biện hộ cho các chính sách của mình. Ông hớn hở khoe: “Thử
hỏi bất cứ người dân thường nào xem họ có ủng hộ chống tham nhũng hay không,
thì họ sẽ nói ‘có’”. Bàn về sự phân hóa giàu nghèo, ông nói: “Nếu chỉ vài người
giàu lên, thì chúng ta là tư sản rồi, chúng ta đã thất bại”.
Đó có thể là lần kháng cự cuối cùng của ông. Vài tuần
trước đó, Vương Lập Quân, giám đốc công an Trùng Khánh, lánh nạn tại lãnh sự
quán Mỹ tại Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên lân cận, gây ra một cuộc khủng hoảng
chính trị làm rúng động giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Ngày 14/3, thủ tướng Ôn Gia Bảo cạnh khóe phê phán lãnh
đạo Trùng Khánh về vụ Vương Lập Quân trong cuộc họp báo thường niên của thủ
tướng. Ôn Gia Bảo cũng nhắc đến tác hại do Cách Mạng Văn Hóa đưa ra, ám chỉ đến
phong trào hồng ca ở Trùng Khánh, và nói rằng thành tựu kinh tế xuất sắc với tỉ
lệ tăng trưởng hai chữ số của thành phố này là kết quả của nhiều đời lãnh đạo
chứ không chỉ là công lao riêng của Bạc Hy Lai.
Ngày 15/3, Tân Hoa Xã thông báo Bạc Hy Lai đã bị cách
chức bí thư Trùng Khánh, và gần một tháng sau, ông bị đình chỉ chức vụ trong
Trung ương Đảng và Bộ Chính Trị trước khi diễn ra các cuộc điều tra về những vi
phạm kỷ luật nghiêm trọng. Vụ cách chức Bạc Hy Lai là xì căng đan chính trị đình
đám nhất của Trung Cộng trong những năm gần đây.
Là “thái tử đảng”, Bạc Hy Lai được xem có nhiều khả năng
lọt vào Thường vụ Bộ Chính Trị gồm 9 ủy viên có quyền ra quyết định điều hành
Trung Quốc. Cha của ông, Bạc Nhất Ba, hoạt động cùng thời với Mao Trạch Đông và
Đặng Tiểu Bình, và thuộc nhóm “Bát đại nguyên lão”, tức các lão thành cách mạng
nắm giữ những chức vụ chóp bu của Trung Cộng trong thập niên 1980 và 1990. Bạc
Nhất Ba từng bị tống giam và tra tấn trong thời Cách Mạng Văn Hóa vì bị cáo
buộc là “tẩu tư phái” (chịu áp lực của tư sản và có thiên hướng đưa cách mạng
theo con đường tư bản chủ nghĩa).
Bạc Nhất Ba chủ trương cải cách kinh tế, và tiếng tăm đó
được củng cố vào thập niên 1980 trong một chuyến đi thăm nhà máy Boeing ở Mỹ.
Thấy chỉ có hai chiếc máy bay trên đường băng, Bạc Nhất Ba hỏi có phải nhà máy
chỉ định sản xuất hai chiếc đó thôi. Khi nhận được câu trả lời Boeing chỉ sản
xuất máy bay đã có đơn đặt hàng, ông lập tức nhận ra những vấn đề của nền kinh
tế kế hoạch tập trung của Trung Quốc: sản xuất hàng hóa bất kể có thị trường
hay không.
Bản thân Bạc Hy Lai cũng nằm tù 5 năm trong thời Cách
Mạng Văn Hóa và được biết là đã tố giác cha mình trong giai đoạn biến động
chính trị kinh hoàng đó. Có người cho rằng hành động đó có thể đã khiến ông mất
nhiều đồng minh chính trị trong một nền văn hóa đề cao các mối quan hệ gia
đình.
Sau khi ra tù, năm 1977 Bạc Hy Lai vào học khoa lịch sử ở
Đại học Bắc Kinh, và hai năm sau, sau khi lấy bằng, ông học chương trình thạc
sĩ báo chí (đầu tiên ở Trung Quốc) tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Một bạn học và bạn thân của ông cho biết hoài bão lớn nhất của ông lúc đó là
làm ký giả ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, ông không theo đuổi hoài
bão đó mà làm cán bộ đảng và chính quyền địa phương để tiến thân. Ông làm việc
17 năm ở Đại Liên thuộc đông bắc Trung Quốc. Ông trở thành chủ tịch Đại Liên
năm 1993 và biến thành phố này thành một địa điểm đầu tư và du lịch nổi tiếng.
Năm 1999, Bạc Hy Lai dự kiến sẽ chuyển lên Bắc Kinh làm
bộ trưởng nhưng bất thành vì không được bầu vào Trung ương Đảng. Ông làm chủ
tịch tỉnh và về sau là bí thư tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc. Ở Liêu Ninh, một
tỉnh có nhiều doanh nghiệp quốc doanh lớn nhưng thường thua lỗ, ông giải quyết
nạn thất nghiệp cao và tình trạng tham nhũng lan tràn. Năm 2004, khi được bầu
vào trung ương, ông lên Bắc Kinh làm bộ trưởng thương mại. Năm 2007, ông được
bầu vào Bộ Chính Trị, và được bổ nhiệm bí thư Trùng Khánh.
Trong nhiều thập niên, Bạc Hy Lai là một trong những
chính khách năng động nhất trên chính trường Trung Quốc. Wenfang Tang, giáo sư
chính trị học tại Đại học Iowa, nhận xét: “Ông có cơ hội thành lãnh tụ hàng đầu
của Trung Quốc nếu nước này có bầu cử trực tiếp. Nhưng ông lại thể hiện cá tính
và sức thu hút quá nhiều trong nền văn hóa chính trị hậu Mao Trạch Đông vốn
nhấn mạnh sự lãnh đạo tập thể”.
Trong chiến dịch chống tham nhũng, Bạc Hy Lai dựa rất
nhiều vào Vương Lập Quân, giám đốc công an Trùng Khánh từ năm 2009 đến 2011.
Chiến dịch này đã dẫn đến hàng ngàn vụ bắt bớ và nhiều vụ xử tử. Vương Lập Quân
được thưởng công bằng chức phó chủ tịch thành phố.
Oái ăm thay, cũng chính Vương là người phá hủy sự nghiệp
của Bạc. Ngày 8/2/2012, báo chí bất ngờ đưa tin Vương “nghỉ phép” vì lý do sức
khỏe. Mấy ngày sau Vương bí mật trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, cách Trùng
Khánh sáu giờ lái xe. Ngày hôm sau, giới chức Mỹ cho biết Vương tự ý rời khỏi
lãnh sự quán và bị cơ quan an ninh bắt giữ.
Đến nay vẫn chưa rõ tại sạo Vương muốn lánh nạn ở lãnh sự
quán Mỹ, và hành động đó gây nên những hậu quả gì. Kể từ khi đó chưa ai nghe
nói gì hay thấy ông ở nơi công cộng. Biến cố Vương Lập Quân dẫn đến một cuộc
điều tra vụ giết người liên quan đến gia đình Bạc Hy Lai.
Hồi tháng tư, vợ ông, Cốc Khai Lai, và trợ lý của gia
đình bị bắt vì bị nghi đã sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Hai tháng
sau, họ bị buộc tội “cố ý giết người”. Sau một phiên tòa chỉ diễn ra trong một
ngày 9/8, tòa phán quyết Cốc Khai Lai phạm tội giết Neil Heywood. Bà nhận án tử
hình treo, dự kiến sẽ giảm xuống thành chung thân.
Trong phiên tòa, bà Cốc nói rằng bà không bác bỏ những
lời buộc tội đối với bà mà “chấp nhận mọi sự thật viết trong cáo trạng” (trong
đó có đầu độc Heywood khi bà nghĩ tính mạng con trai bà, Bạc Qua Qua, bị nguy
hiểm). Trợ lý của gia đình, Trương Hiểu Quân, cũng bị phán quyết phạm tội trong
cái chết của Heywood và nhận án chín năm tù.
Ván cờ chính trị?
Nhưng vẫn còn đó câu hỏi liệu phiên tòa và hình phạt dành
cho ông sẽ chuyển thông điệp gì cho quốc dân vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc
đang đẩy mạnh chủ trương chống tham nhũng và chống lãng phí.
Joseph Cheng, giáo sư chính trị học tại Đại học City
University of Hong Kong, nhận định rằng phiên tòa này không nhất thiết đem lại
công lý, mà chỉ là một dàn xếp chính trị. Theo giáo sư này, Bạc Hy Lai bị trừng
phạt một phần là để trả đũa việc ông cả gan thách thức Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình
và các lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng khi cổ xúy “mô hình Trùng Khánh” của
ông và tìm cách lấy lòng dân chúng.
Giáo sư Cheng cho rằng đây là một ván cờ chính trị. “Lâu nay
có nhiều tin đồn là nhiều lãnh đạo cấp cao khác đã ủng hộ Bạc, và Bạc có tham
vọng thay thế Tập Cận Bình. Ngay cả sau khi Tập chính thức được bầu làm tổng bí
thư hồi tháng 11 năm ngoái, màn mặc cả chính trị vẫn tiếp diễn và trong đó có
vấn đề làm sao xử lý vụ Bạc Hy Lai”. Giáo sư Cheng nhận định rằng Tập muốn
nhanh chóng kết thúc vụ này để chuẩn bị cho hội nghị đảng dự kiến nhóm họp vào
cuối năm nay để bắt đầu cải cách và thảo luận vấn đề kinh tế và các vấn đề quan
trọng khác.
Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn giải quyết xong và quên đi
vụ này, nhưng một số chuyên gia cho rằng hình phạt dành cho Bạc Hy Lai có thể
thể hiện rõ chính quyền nghiêm túc đến đâu trong việc chống tham nhũng chính
trị. Tuy cáo trạng không nêu con số cụ thể, nguồn tin của Đài CNN cho biết Bạc
Hy Lai bị cáo nhận hối lộ 20 triệu nhân dân tệ (3,3 triệu Mỹ kim) và biển thủ 6
triệu nhân dân tệ (1 triệu Mỹ kim).
Luật sư Shang Baojun cho rằng vụ Bạc Hy Lai mang tính cá
nhân; ông bị đưa ra xử chỉ vì cá tính và phong trào hồng ca đả hắc, chứ chưa
hẳn vì tội tham nhũng. Theo luật sư này, vụ án này không có ý nghĩa gì đối với
chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, mà chỉ là lời cảnh báo đối với
những người như Bạc sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt mục tiêu.
Mo Shaoping, một luật sư ở Bắc Kinh từng biện hộ cho
những nhà bất đồng chính kiến, cũng nghi ngờ tương tự. “Tôi tin rằng chống tham
nhũng ở Trung Quốc là một vấn đề mang tính hệ thống, chứ không chỉ một vụ cụ
thể. Nhiều người dân thường tin rằng tất cả các cán bộ nhà nước đều tham nhũng,
và không ai được phép thoát”.
Báo chí Trung Quốc mô tả phiên tòa sắp tới là bằng chứng
cho thấy lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm chống tham nhũng. Một số công dân mạng
Trung Quốc đồng ý, ví dụ trên mạng Vi Bác có người cho rằng vụ xử Bạc Hy Lai là
một bước cải thiện cho hệ thống pháp lý Trung Quốc, có người hồ hởi phát biểu
đây là một ví dụ của nguyên tắc quân pháp bất vị thân.
Nhưng cũng có người nghi ngờ. Họ cho rằng đây là cuộc đấu
đá giữa các nhóm lợi ích, mà không phải là lần đầu tiên. Trên mạng Vi Bác,
Riyuezhiguangjushi viết: “Khi Giang Trạch Dân cầm quyền, ông trừ khử (cựu chủ
tịch Bắc Kinh) Trần Hy Đồng. Cũng dễ hiểu là Tập muốn trừ khử Bạc Hy Lai, ngay
cả Đặng Tiểu Bình cũng từng trừ khử Hoa Quốc Phong. Đây là chuyện chính trị,
không có đúng sai. Chỉ có được làm vua, thua làm giặc”.
Phiên tòa xử Bạc Hy Lai sẽ được tổ chức ở thành phố Tế
Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc, cách xa trung tâm quyền lực
của Bạc ở Trùng Khánh, nơi ông vẫn còn ảnh hưởng. Chính quyền Trung Quốc chắc
sẽ quản lý chặt chẽ diễn tiến, trừ phi Bạc Hy Lai không chịu làm theo kịch bản
soạn sẵn.
Một nguồn tin thân cận với gia đình Bạc Hy Lai nói với
Đài CNN rằng Bạc Hy Lai phủ nhận các cáo buộc và mong có cơ hội tự biện hộ
trước tòa – nếu ông được phép phát biểu công khai. Xem chừng khó có khả năng
đó. Ban Tuyên huấn Trung ương Trung Quốc đã ra chỉ thị: “Khi đưa tin về phiên
tòa Bạc Hy Lai, các cơ quan báo chí phải sử dụng bản tin của Tân Hoa Xã, không
có ngoại lệ nào cả. Không được điều tra độc lập và và không sử dụng tư liệu từ
các nguồn khác”.
Tham khảo:
1. Jaime A. FlorCruz, China’s Bo Xilai trial: A show or serious test of
Communist Party reforms?, CNN 18/8/2013
2.
3. Jaime A. FlorCruz and Peter Shadbolt, China’s Bo Xilai: From rising
star to scandal, CNN 25/7/2013
4.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản lược dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng
trên Thời Mới Canada, ngày 21/8/2013.)
Bài liên quan:
No comments:
Post a Comment