Monday 19 August 2013

Phản biện lại bài viết ĐÔI ĐIỀU VỚI TÁC GIẢ BÀI “VIẾT TRÊN GIƯỜNG BỊNH” (Trung Nghĩa - Ba Sàm)




Trung Nghĩa
Posted by basamnews on August 20th, 2013

 Phản hồi cho ông/bà Trọng Đức, tác giả của bài viết được đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân điện tử ra ngày chủ nhật 18/08/2013 trong mục chính luận với thông cáo “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình”. *

 Tôi đã nhiều năm không đọc báo QĐND. Hôm nay thông qua diễn đàn mạng tôi được biết đến bài báo của tác giả Trọng Đức (có lẽ là một bút danh) mà khi đọc bài viết tôi không khỏi bức xúc. Tôi cũng tự đặt ra một bút danh cho mình để phản hồi cho bài viết này vì bản tính tôi là nhút nhát, sợ bị “nổi tiếng”. Tác giả bàn về những luận chứng nhằm phủ nhận người khác nhưng có vẻ như tác giả quá yếu kém khi đưa ra một ví dụ lệch lạc, không hiểu những luận cứ chủ thuyết của Marx, giải thích một cách lèo lái, gượng ép để phủ nhận những ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng.

Tôi chỉ xin đi vào từng mảng lập luận mà tác giả Trọng Đức đề cập:

Thứ nhất: Tác giả Trọng Đức nhắc tới một chi tiết “ông Lê Hiếu Đằng có nhắc đến “một kỷ niệm khó quên”. Đó là việc khi ông đang bị chính quyền Thừa Thiên – Huế (dưới chế độ cũ) “cầm tù”, nhờ có lá đơn của bố ông nên ông được “cho ra tù” để đi thi”.

Ông Đằng cho rằng “Tôi không biết với chế độ được gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”

Để rồi sau đó Trọng Đức phủ nhận cái ý kiến của một người từng sống ở hai chế độ, từng đấu tranh để xây dựng nên nền móng chính quyền của nhà nước XHCN này bằng cách nêu ra một trường hợp về chàng trai Phan Hợi (sinh năm 1983, quê ở Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thi đỗ đại học sau khi ra tù để phủ nhận ý kiến của ông Đằng rằng chế độ hiện nay không bằng chế độ Việt Nam Cộng hòa trước kia.

Nó buồn cười ở hai điểm:

- Ông Lê Hiếu Đằng khi đó là một tù nhân chính trị, còn chàng trai Phan Hợi lại là một tù nhân hình sự phạm tội vì ăn cắp và chiếm đoạt tài sản của cá nhân hay tổ chức khác có chủ ý.

- Ông Đằng được tha để đi thi đại học sau lá đơn của bố ông, tức là ông vẫn đang thời gian bị giam cầm. Còn Phan Hợi thì sau khi mãn hạn tù một thời gian, anh ta mới thi đại học. Khi mãn hạn tù thì việc anh Hợi có đầy đủ quyền của một công dân, anh ta thi đại học cũng không có gì là bất thường. Báo chí nêu trường hợp của anh Hợi có lẽ không ngoài mục đích để khuyến khích những người sai lầm tội lỗi đứng lên và làm lại cuộc đời.

Tác giả ngây thơ một cách đến ngờ nghệch khi đưa ra một ví dụ sai khác về bản chất của sự việc nhằm biện minh cho chủ kiến chế, độ chính trị hiện nay của Việt Nam cũng “ưu việt” khômg kém các chế độ chính trị các nước khác về tính nhân văn. Thế mà tác giả Trọng Đức lại quên ngay một vụ án nghiêm trọng, gây nên những cơn bão dư luận trong nước và thế giới: đó là vụ án hai em sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị bắt khẩn cấp như một hình thức bố ráp/bắt cóc mà không hề có lệnh bắt trong lúc các em vẫn đang là sinh viên ngồi ghế giảng đường. Suốt cả hai phiên toà, từ thẩm phán tới chủ toạ không một ai nhớ ra rằng nếu các em bị giam cầm thì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của các em, phải chăng họ đã quên?

Thứ hai: Tôi phải phì cười khi tác giả Trọng Đức viết “cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy”. Cách lập luận đến ngô nghê chẳng những yếu kém về cách diễn đạt mà nó sai một cách cơ bản về kiến thức.

Xin tác giả Trọng Đức hãy nhớ: khi bàn về vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng, Marx đã viết:

Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là hai mặt của đời sống xã hội, chúng thống nhất biện chứng với nhau, trong đó cơ sở hạ tầng đóng vai trò quyết định đối với kiến trúc thượng tầng.
Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng trước hết thể hiện ở: mỗi cơ sở hạ tầng sẽ hình thành nên một kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó.
Tất cả các yếu tố của kiến trúc thượng tầng như nhà nước, pháp quyền, triết học, tôn giáo, v.v. đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định”
Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng còn thể hiện ở chỗ: cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn, kiến trúc thượng tầng cũng phải thay đổi theo.
Karl Marx đã khẳng định chắc chắn trong quyển tư bản “cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”.

Ngoài ra, tác giả Trọng Đức kém cỏi đến mức nực cười khi viết
Điều đó không có nghĩa (cũng chẳng có nước nào cho phép) nhất thiết phải tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy.

Đâu phải có một đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài mới bảo vệ được quyền lợi của họ mà chỉ cần một tổ chức, một hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã bảo vệ được họ nếu họ bị xâm phạm quyền lợi. Hoặc đơn giản hơn, họ sẽ tự bảo vệ mình bằng cách rút vốn, ngừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nếu họ thấy họ không được bảo vệ bằng các luật doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Điều đó đang diễn ra một cách ào ạt tại Việt Nam, nó càng khẳng định rõ hơn, những chính sách và những “lắt léo” khó nói thành luật về quản lý của Việt Nam có vấn đề.

Trong bản tuyên ngôn mà ông Hồ Chí Minh đã đọc “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng” thế nhưng việc duy trì một đảng lãnh đạo độc tài suốt bao nhiêu năm qua đã vi phạm tuyên ngôn ấy.

Ông Trọng Đức viết “Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân”

Đây là điều sai sự thật. Người dân Việt Nam chưa hề có được quyền tự do dân chủ thực sự, dùng lá phiếu của mình để bầu người đại diện cho mình. Đơn cử là đại biểu quốc hội hiện nay với hơn 90 % là đảng viên đảng công sản, khi mà tổng số đảng viên của tổ chức này chỉ chiếm 1,3% dân số Việt Nam, như thế làm sao đại diện cho đại đa số người dân Việt Nam? Vì thế kết luận của tác giả “Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân” là hoàn toàn ngụy biện và sai trái, nó chỉ duy trì quyền lợi của đảng CS và những thành viên của đảng mà thôi.

Tác giả viết “Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động.” Đây là một luận điểm sai trái và ngụy biện tiếp theo.
Ngay chính quyền VN các cấp đều thừa nhận kinh tế VN đang khủng hoảng, nợ nước ngoài theo bác cáo của chính phủ VN là 56% GDP, còn theo báo cáo của thế giới là 102% GDP. Bình quân, một người dân Việt Nam từ già tới trẻ gánh một khoản nợ 860 USD do sự quản lý yếu kém của chính phủ gây ra. Chính ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận trong phiên họp diễn ra tại hội nghị Trung Ương 6 “Tôi còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, chịu sự lãnh đạo quản lý của Đảng. Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi nhận chức vụ gì. Là một cán bộ Đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng. Tôi nghĩ Đảng hiểu tôi, tổ chức hiểu tôi. Đảng đã quyết định phân công tôi làm Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu làm Thủ tướng và tôi sẵn sàng chấp nhận. Gần cả cuộc đời theo Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không có xin, tôi cũng không có từ chối thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng và nhà nước phân công”

Rõ ràng quốc hội Việt Nam hiện nay thực tế không phải là ý chí và nguyện vọng của người dân mà là ý chí của Đảng. Bằng lý lẽ trên, Đảng phân công ông Dũng làm thủ tướng, rồi quốc hội của Đảng lại bầu cho ông ta. Đảng đã sai phạm trong việc lấn quyền hạn của nhà nước khi phân công người điều hành chính phủ, chứng tỏ đảng làm thay việc của nhà nước. Ông Thủ tướng Dũng là do đảng chỉ định làm thủ tướng để điều hành nền kinh tế, vì vậy việc suy thoái và lao dốc nền kinh tế hiện nay là lỗi của đảng cộng sản, hay nói một cách khác đi, Đảng quá yếu kém khi dùng sai người.

Thứ ba:  tác giả Trọng Đức viết:

“Bất cứ sự kích động chiến tranh nào trong khi vẫn còn những lựa chọn giải pháp ngoại giao đều đi ngược lại truyền thống ngoại giao của cha ông, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc”
Mềm mỏng hoàn toàn khác với khiếp ngược. Chúng ta chỉ mềm mỏng khi biện pháp đó hiệu quả cho việc bảo vệ lãnh thổ biên giới hải đảo, còn một khi kẻ thù vẫn ngoan cố xâm lược thì dân tộc ta “quyết đánh”. Chẳng lẽ tác giả đã quên rồi sao tinh thần của hội nghị Diên Hồng?. Xn nhắc lại một chút về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, từ chống quân Hán thời Hai Bà Trưng, tới chống quân Nguyên thời Trần hay chống quân Minh thời hậu Lê, đó có phải là kích động chiến tranh không thưa ông/bà Trọng Đức? Chính ông Hồ Chí Minh đã đọc lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến “chúng ta đã nhân nhương nhưng càng nhân nhượng thực dân pháp càng lần tới. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước”.

Với thái độ hung hăng leo thang của Trung Quốc trong việc xâm chiếm biển đảo và đất liền của Việt Nam mà cả thế giới lên án, từ sự kiện cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974; chiến tranh biên giới, 1979; cưỡng chiếm Trường Sa 1988, cắt cáp Tàu Bình Minh 2, Virking; xây lô cốt trên vùng biển đảo của Việt Nam……t hì đã gọi là một sự cố tình xâm lược chưa thưa ông Trọng Đức cùng tờ báo QĐND?

Sự “mềm dẻo” theo cái nghĩa như ông Trọng Đức nói, không hề hợp lòng dân, người dân chúng tôi liên tục xuống đường biểu tình chống Trung Quốc dù bị chính quyền đàn áp, khủng bố; bắt chấp bắt bớ tù đầy.

Cái “truyền thống ngoại giao” mà ông Trọng Đức nói ra nó qua xa lạ với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Thứ tư: Tác giả cho rằng không cần tam quyền phân lập, nếu phủ nhận việc phải phân định rõ ràng tam quyền phân lập, thì nó không khác kiểu vừa đánh trống, vừa thổi còi. Tất cả mọi thứ quyền lực phải được kiểm soát để kiểm tra lẫn nhau.

Khi phủ nhận quyền được tự do, tác giả viết: “Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là “con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại”.

Hãy thử nhìn lại xem hiện nay đã có sự hòa hợp giữa lợi ích của công đồng người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam với lợi ích của  nhân loại hay chưa?

Ông Trọng Đức lại một lần nữa ngu ngơ và giả vờ đánh tráo khái niệm về tự do “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Con người có xã hội, có văn hoá có pháp luật. Không ai đòi hỏi cái tự do của một con vật cả, điều đó có nghĩa đương nhiên tự do phải theo khuôn khổ pháp luật. Có lẽ ngoại trừ các nước như giống Việt Nam như Bắc Hàn hay Trung Quốc ra thì không có một quốc gia nào, con người có thể  bị tù đày bắt bớ đánh đập chỉ vì họ dám viết, dám nói những cái sai trái của chính quyền hay của các nhân vật chính trị bằng những điều như 258 bộ luật hình sự hay nghị định 72 của chính phủ sắp có hiệu lực. Ai đã xây dựng và ban hành những điều luật đó, chắc chắn không phải là ý chí của nhân dân Việt Nam.

 Xã hội loài người ngoài hệ thống luật pháp rằng buộc hành vi, còn có những nhân tố bất thành luật kiểm soát hành vi của con người như văn hóa làng xã, chuẩn mực đạo đức xã hội tham gia. Việc một con người bình thường tự nhiên cởi truồng đi rong ngoài phố, nếu xét về luật anh ta không vi phạm luật pháp vì anh ta không phải diễn viên, nhưng người bình thường không ai làm thế. Một kẻ cho vay lấy lời một người bệnh sắp chết, dù không phạm luật nhưng cũng sẽ bị công đồng lên án về đạo lý. Nói một cách khác con người còn khác con vật là họ biết xấu hổ, biết nhục khi chuẩn mực đạo đức/hành xử của họ bị dân chúng trong nước, bị cộng đồng quốc tế phản đối và tẩy chay.

Tất cả những luận cứ mà tác giả đưa ra, với cá nhân tôi chưa có sức thuyết phục. Với cảm nhận cá nhân, có lẽ chính tác giả Trọng Đức chưa đọc hết về chủ nghĩa Marx để thấy hết những cái hay cái dở của nó, lý luận mà ông ta đưa ra quá yếu kém, thậm chí ngô nghê ở một cây bút về mảng chính luận của một tờ báo lớn như QĐND

Tôi xin bàn vài vấn đề rất nhỏ để thấy sự sai lầm cũng như tính mâu thuẫn của chủ nghĩa Marx.
Marx vận dụng ba phát minh vĩ đại nhất của loài người ở thế kỷ 19 là học thuyết tế bào, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượnghọc thuyết tiến hóa để làm cơ sở cho luận chứng đưa ra.

- “Marx cho rằng lượng biến đổi sẽ dẫn đến biến đổi về chất và ngược lại”, ý tưởng này do thuyết tế bào ghi “tế bào luôn sinh ra từ tế bào có trước” điều đó hiểu theo một cách đơn giản có nghĩa là, khi tế bào lớn lên về thể tích, gia tăng vật liệu di truyền thì chính màng/vách tế bào sẽ trở nên chật trội và phải cho ra tế bào mới. Nếu điều đó không xảy ra, tế bào sẽ chết. Thế nhưng, việc phân tích sự thay đổi/biến đổi về cơ sở hạ tầng sẽ phải đưa đến sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng ngay trong lòng chủ nghĩa xã hội là gì, Marx đã “quên”.  Học thuyết Marx không dạy học trò của mình rằng vẫn giữ nguyên chiếc áo chật chội kiến trúc thượng tầng (mô hình xã hội) khi cơ sở hạ tầng đã biến đổi thì phải làm gì.

- Marx đưa ra giá trị khái niệm thặng dư, cho rằng giới tư bản bóc lột công nhân vì chiếm đọat giá trị thặng dư. Điều này là sai lầm khi Marx cào bằng mọi đóng góp của mọi bộ óc con người. Năng lực trí tuệ của mỗi cá nhân không giống nhau vì vậy họ phải được hưởng những kết quả không giống nhau cũng là lẽ thường. Những con người mà Marx gọi là tư sản bóc lột kia, họ làm giàu cho họ và được cả thế giới biết ơn. Với quan niệm của Marx thì những cái đầu khổng lồ như Bill Gates, Mark Zuckerberg là những kẻ đại bóc lột.

- Một điều trở nên mâu thuẫn quá hiển nhiên của Marx nữa là: Marx dùng quy luật đấu tranh sinh tồn trong học thuyết tiến hoá của Darwin làm nền tảng cho lập luận đấu tranh giai cấp. Trong học thuyết tiến hóa, Darwin đã chỉ rõ, đấu tranh sinh tồn luôn luôn diễn ra, tùy thời điểm, tùy hoàn cảnh mà mức độ mạnh hay yếu, nó chính là động lực cho sự phát triển của sinh giới. Chính chọn lọc tự nhiên giúp cho sinh giới chọn lọc được những cá thể, những loài ưu việt nhất mà đỉnh cao của quá trình đó chính là con người.

Nếu áp dụng quy luật này vào nền kinh tế thì việc cạnh tranh/thậm chí là đấu tranh với nhau chính là động lực phát triển và quy luật thị trường, sự chọn lựa của chính nhu cầu thị trường giúp sàng lọc lại những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất.

Thế nhưng nhà nước và chính quyền VN lại “tiến hành một phép lai khác loài” để đưa ra một mô hình “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” một khái niệm xa lạ thậm chí lố bịch trong con mắt các nhà chuyên môn trên thế giới.

Sự đấu tranh luôn luôn diễn ra thậm chí trong từng mặt của vấn đề hay trong bản thân một cá nhân.

Thế nhưng Marx lại cho rằng, khi tiến tới Chủ nghĩa cộng sản thì mọi mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp bị thủ tiêu.

-  Về quan niệm vật chất quyết định ý thức Marx viết “Vật chất quy định ý thức”. Theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật quan hệ giữa vật chất và ý thức được viết như sau “vật chất có trước, ý thức có sau” tuy nhiên nó không phải là quan điểm một chiều, nó khác hoàn toàn với quan điểm “chỉ có vật chất mới quy định ý thức”.

Sau đó chính Lê Nin đã bổ sung cho tiền đề này khi ông tuyên bố:

“Vật chất có thuộc tính quy định ý thức. Ý thức có thuộc tính quy định vật chất”. Theo tôi, đây là câu hoàn chỉnh. Đơn giản chúng ta hãy tưởng tượng công việc của một nhà thiết kế, hay một họa sỹ vẽ tranh trìu tượng, tác phẩm của họ có được, là những bức tranh (vật chất) hoàn tòan được xây dựng từ ý tưởng (ý thức). Tuy nhiên khi vận dụng quan điểm này vào Việt Nam, những học trò của Marx có dòng máu Lạc Rồng này chỉ nói đến quan điểm khởi đầu của Marx là “chỉ có vật chất quyết định ý thức” để thể hiện quan điểm duy vật triệt để.

Còn rất nhiều điều về những sai lầm cũng như những vận vận dụng thiếu khoa học trong học thuyết của Marx, tuy nhiên nó lại là những khía cạnh hơi sâu về kinh tế, quản lý vĩ mô, về chính sách công mà những người ngoại đạo hơi khó hình dung nên tôi không tiện bàn.

Chỉ xin nhắc tác giả Trọng Đức nhớ rằng, phản biện hoàn toàn khác với ngụy biện. Việc non nớt trong lý luận và dẫn chứng mà tác giả đưa ra nó không những không thuyết phục người nghe mà nó còn làm cho người ta khinh ghét xem thường khi tác giả cố tình đưa ra những điều sai trái và mâu thuẫn cũng như bày biện khả năng suy diễn lệch lạc.

Hãy nằm lòng trong đầu “mọi học thuyết, lý thuyết chỉ để nghiên cứu còn việc chứng minh nó là phần việc của thực tiễn. Tính đúng đắn của học thuyết Marx, của mô hình xã hội chủ nghĩa, của việc một đảng độc tài lãnh đạo nó được chứng minh qua lịch sử phát triển của nhân loại bằng sự sụp đổ có hệ thống của CNXH ngay từ cái nôi nó ra đời và hiện trạng nền kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay”. Đó là minh chứng hùng hồn nhất, mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất, chứ không phải là mấy bài báo định hướng như của ông/ bà đâu.

Có lẽ đã đến lúc những cơ quan về văn hóa, tư tưởng, chính trị nhằm định hướng dư luận cũng nên thay đổi não trạng về khả năng nhận thức và phải biện của độc giả là giới bình dân trong thời điểm này.
T.N.

—-




No comments:

Post a Comment

View My Stats