Friday, 9 August 2013

NÔNG DÂN NGHÈO - NHÀ NÔNG BỎ RUỘNG (Đài RFA / Báo Đời Sống)




Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2013-08-09

Khi vật giá leo thang, mọi thứ đụng đâu cũng thấy tiền, nhu cầu tối thiểu của người nông dân là có thật nhiều lúa để bán kiếm tiền mua những thứ khác. Nhưng, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Trung buộc lòng bỏ ruộng, chấp nhận bỏ quê đi làm thuê làm mướn, bôn tẩu khắp mọi miền để tồn tại. Câu chuyện những người nông dân ở Hà Tĩnh bỏ ruộng vừa có tính chất giống như một lời giải thích cho hiện tượng này, đồng thời đó cũng là một tiếng thở dài của một lớp người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Nông dân lắc đầu ngao ngán

Ông Trần Bình Minh, sống ở huyện Can Lộc, cho chúng tôi biết là ông đã bỏ ruộng suốt bốn vụ lúa gần đây, đồng ruộng của ông bây giờ đã lên cỏ um tùm, nhìn đám ruộng bỏ hoang, ông đau lòng lắm, hơn nữa, với tâm lý và thói quen của một người làm nông nghiệp, sự an tâm của họ gửi hết vào đám ruộng, những bông lúa trĩu hạt như một lời hứa đảm bảo an ninh lương thực của gia đình họ. Nhưng hiện tại, với vật giá leo thang theo tốc độ tên lửa như vậy, ôm đám ruộng chả khác nào ôm một cô gái lỡ thì cùng một đàn con vô thừa nhận kèm theo.

Ông Minh ví von khá hóm hỉnh rằng đám ruộng thời bây giờ chính là cô gái lỡ thì, nó không còn là cô gái phơi phới tuổi mới lớn mà cũng chẳng giống cô gái đã trưởng thành, có chồng con chỉn chu. Nghĩa là nếu như nó còn là cô gái tuổi mới lớn, thì nó sẽ hấp dẫn, thu hút trai làng, thu hút nông dân, đằng này mỗi khi người nông dân nhìn đám ruộng, cảm giác nợ nần lại xâm lấn tâm hồn họ, không tài nào rứt ra được cái của nợ này. Nhưng nó cũng không phải là người đàn bà đã trưởng thành tử tế, vì nếu được vậy, nó không gây nhiễu sự, nó không làm cho người nông dân trở nên rối rắm, khó chịu một khi phải cảnh “bỏ thì thương vương thì tội”.

Trung bình, một mùa lúa, mỗi sào ruộng, người nông dân phải đầu tư từ một triệu hai trăm ngàn đồng đến một triệu năm trăm ngàn đồng cho việc thuê máy cày, bừa, dọn mặt bằng, sạ lúa, phân bón lót, thuốc trừ sâu bệnh, mua lúa giống, trả tiền thuế nước, trên danh nghĩa thì nông dân được miễn thuế đất nông nghiệp nhưng trên thực tế, thuế thủy lợi tăng gấp ba lần, thuế dịch vụ hợp tác xã cũng tăng cao mặc dù mô hình hợp tác xã đã được giải thể khá lâu nhưng nó vẫn hoạt động khắp mọi miền đất nước theo hình thức dịch vụ chăm sóc nông nghiệp. Chính vì phải gánh quá nhiều khoản chi phí cho ruộng lúa, kết quả, cuối mùa, thu hoạch vào vẫn chỉ tương đương với tiền đầu tư bỏ ra. Tiền công của người nông dân xem như công cốc, nếu cộng vào thì mức thua lỗ sẽ tăng cao.

Một người nông dân khác tên Quốc, người Can Lộc, Hà Tĩnh, hiện đang làm thuê tại Hà Nội, kể cho chúng tôi biết là ông đã phải viết đơn xin trả ruộng vì mức thuế quá nặng, làm chừng nào lỗ chừng đó, không những mất tiền mà còn mất công, thôi thì trả đất cho rảnh của nợ, chứ nếu không trả được mà bỏ cỏ thì vẫn bị đánh thuế. Trong khi đất đai cằn cỗi, nguồn nước không ổn định, làm sáu tháng trời chỉ thu được từ hai trăm ba chục ký lô đến hai trăm năm chục ký lô lúa, cách gì cũng lỗ, chấp nhận đi mua gạo ăn, dư được ngày công, đi làm thuê mới sinh ra số dư được.

Nói xong, ông Quốc lắc đầu ngao ngán, ông nói thêm rằng nếu biết đi làm thuê dễ thở như vậy, ông đã bỏ ruộng từ lâu để kiếm một chút tiền mà bỏ ống, xây cái nhà, chứ bây giờ, giả sử có đau ốm, nhà không ai có bảo hiểm y tế, cũng không có tiền, chỉ có mà méo miệng cho qua ngày đoạn tháng.

Người trí thức buồn rầu cùng nhà nông

Một giáo sư dạy đại học nông nghiệp ở phía Bắc, hiện đang nghiên cứu đề tài nhằm tìm phương án nâng cao sản lượng cho cây lúa ở Hà Tĩnh đã lắc đầu buồn rầu, nói rằng ông thật sự bó tay trước tình trạng người nông dân bỏ ruộng ở Hà Tĩnh, và trong trường hợp này, ông cũng đồng tình khuyên người nông dân nên bỏ ruộng đi cho đỡ phải vất vả. Nhưng nói thế, chứ làm một người nghiên cứu, ông rất buồn khi phải đối diện với ba nguyên nhân chính dẫn đến nông dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng sẽ còn bỏ ruộng dài dài sau này. Ba nguyên nhân đó gồm: Chính sách vĩ mô của ngành nông nghiệp Việt Nam rất lủng củng, thiếu khoa học; Văn hóa nông nghiệp đã bị đánh tráo và khủng hoảng; Và chính sách đất đai cho người nông dân quá sơ sài.

Giải thích rõ hơn về ba nguyên nhân, vị giáo sư này nói rằng một khi chính sách đầu tư cho nhà nông bị chấm mút từ trung ương đến địa phương, khi đồng tiền hay quyền lợi nào đó đến tay người nông dân chỉ còn là cây tăm xỉa răng nhỏ xíu nhưng ở đầu nguồn chi thì nó là cây tre, các lớp cán bộ từ trung ương đến địa phương đã phù phép một cách khéo léo để chẻ chính sách cho đến mức nhỏ nhất. Nhưng họ vẫn giữ được cái lý là họ đã đưa tre về làng, vì cây tăm nó vẫn làm từ tre, không ai nói được, tham nhũng cả hệ thống nên sẽ tự bao che cho nhau trong cả hệ thống, người thiệt thòi nhất luôn là nông dân. Đó là chưa nói đến một chiến lược khoa học bền bĩ cho vấn đề xuất khẩu nông nghiệp, hoàn toàn không có!

Thứ đến, người nông dân sau một quá trình suốt mười năm ròng phải làm và hưởng thành quả lao động theo công điểm, tới lúc nào ông đội trưởng gõ kẻng thông báo thì mới vác bị lên cân lúa về, có khi đói trước hụt sau, quá trình làm lụng mịt mù trong hệ điều hành hợp tác xã và bao cấp như vậy, người nông dân bị mất phương hướng và rơi vào trạng thái thụ động. Mãi đến năm 1986, kinh tế mở cửa nhưng ruộng đất chỉ khoán cho dân, họ lại bị ép vào tình thế quần quật cày bừa kiếm sống và nộp thuế, đến Khoán 10 năm 1995, họ tạm được chia ruộng đất thì lại rơi vào bất an, không biết đất sẽ bị thu hồi ngày nào, giờ nào.

Chính vì không làm chủ được mảnh ruộng của mình, nên mọi niềm tin và hy vọng của nhà nông bị phai dần theo thời gian, và những nét đẹp của tính chân chất, thật thà bị thay thế bởi sự toan tính, áp phe, cúi luồn… Hơn nữa, đau ốm không có bảo hiểm y tế, muốn mua nhưng quá đắt, một sào lúa bán ra cả vốn lẫn lãi vẫn chưa mua được một cái giấy bảo hiểm, đời sống phiêu linh. Một khi văn hóa nông nghiệp bị phá sản, nó sẽ kéo theo nền nông nghiệp bị khủng hoảng và kém sáng tạo.

Hai tính chất và nguyên nhân trên đây là hệ quả của nguyên nhân thứ ba, đó là chính sách nhà nước dành cho người nông dân quá sơ sài. Và với đà này, nông dân sẽ còn tiếp tục bỏ ruộng bởi sức ép thời giá, sức ép ngày công lao động và sức ép của sự trống rỗng trong tâm thức khi đối diện mảnh ruộng vốn thân yêu và gần gũi của mình.

Nếu như trong một nền nông nghiệp có văn hóa và khoa học, khi đứng trước đám ruộng, người nông dân sẽ nghĩ đến một mùa bội thu cùng những tiếng hát bay theo ngọn gió đồng, còn trong một nền nông nghiệp bất ổn như Việt Nam, hoặc là người nông dân nghĩ đến cách làm sao hợp thức hóa đám ruộng để bán đất, nhưng cách nghĩ này khó thực hiện, nên phần lớn, người ta nghĩ đến việc buông thả nó, vì trước sau gì, nó cũng thành nền nhà của một ai đó sau khi kẻ này chi tiền cho chính quyền địa phương.

Đó là một thực tế phũ phàng, là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến việc bỏ ruộng của người nông dân. Vị giáo sư này đưa ra kết luận trên và không quên dặn chúng tôi đừng bao giờ tiết lộ về danh tánh của ông.


 -----------------------------


Khánh Dung  -  (Đời sống)
Thứ Sáu, 09/08/2013, 07:26 [GMT+7

(Đời sống) - Báo Dân Việt dẫn nguồn tin tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” cho biết hiện nay, mức thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt gần 50.000 đồng/ngày; 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Báo cáo này có số liệu từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Bản chi tiết cho thấy thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng. Điều đáng chú ý là trong số các hộ tham gia điều tra, có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao (số tiền nợ từ vay tư nhân, tín dụng ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%).

Nghe những số liệu trên, dư luận không khỏi buồn vì cuộc sống của người nông dân Việt nghèo vẫn nghèo. Còn nhớ, phát biểu tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam - Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” tổ chức hồi tháng 6/2011 ở Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng (nay đã nghỉ hưu - PV) nói: “Những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật, nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân vẫn là những người nghèo và những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển".

Từ những con số tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh” nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người (một cặp vợ chồng và hai con) thì chia bình quân mỗi người được 12.000 đồng/ngày. Thu nhập một năm mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,2 triệu đồng, tương đương với 200 USD trên một năm.

Người nông dân Việt đang ngày càng nghèo đi

Nếu đem so sánh mức thu nhập của người nông dân Việt Nam so với các nước trong khu vực thì chúng ta càng xót xa hơn về bức tranh nghèo của người nông dân. Mức thu nhập này chỉ  hơn tý chút mức thu nhập 20 năm trước của chúng ta. Năm 1991, mức thu nhập bình quân theo đầu người của người dân Việt Nam là 114 USD. Nhiều năm trở lại đây mức thu nhập này đã tăng đáng kể nhưng ở nông thông thì chỉ có ngày càng nghèo hơn. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình theo đầu người ở nông thôn của Trung Quốc năm 2012 đạt 1.285 USD/năm. So với người nông dân Việt và người nông dân Trung Quốc họ có thu nhập cao hơn chúng ta cả chục lần.

Dư luận cả nước từng mắt tròn, mắt dẹt khi nghe đến bảng lương khủng của nhiều người. Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức có mức thu nhập 2,8 tỷ đồng/năm (mức thu nhập công ty trả). Đó còn chưa kể các khoản thu nhập khác của ông. Hay lương khủng của các CEO khối ngành kinh doanh khác như ngân hàng, tài chính, địa ốc. Mỗi tháng thu nhập của họ bằng người nông dân làm cả trăm năm.

Người nông dân vốn nghèo lại ngày càng đối mặt với giá cả leo thang như điện, xăng dầu, học phí...thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, một gia đình còn bao nhiêu thứ phải dùng đến tiền như học phí, xăng xe, trả lãi ngân hàng, khám bệnh...

Đúng như lời nhận xét của TS Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam: Nông dân hiện có nhiều cái nhất: Đông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất, đời sống bấp bênh nhất...

Khánh Dung


No comments:

Post a Comment

View My Stats