Sunday, 4 August 2013

NHỜ ĐÂU NƯỚC VIỆT VẪN CÒN SAU NGÀN NĂM BẮC THUỘC (Nguyên Huy - Người Việt)




8/04/2013 12:41:00 PM

WESTMINSTER (NV) - “Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?” Ðó là câu hỏi không chỉ của những nhà viết sử Việt Nam mà còn của mọi người dân Việt khi nhìn lại sử Việt. 
     
Tác giả Ngô Nhân Dụng ký tặng sách cho một độc giả tại buổi trò chuyện. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)  

Trong buổi nói chuyện nhân giới thiệu cuốn sách vừa hoàn tất của mình, cuốn “Ðứng Vững Ngàn Năm,” nhà báo Ngô Nhân Dụng nói về thắc mắc này trong gần hai tiếng đồng hồ trước hơn 100 khán thính giả, trong một không khí yên tĩnh ít thấy tại những buổi sinh hoạt.

Poster “Đứng vững ngàn năm”

Buổi nói chuyện có được không khí như vậy, một phần vì đề tài cuộc nói chuyện, phần khác cũng vì cách sắp xếp trong buổi sinh hoạt có tính cách thân mật như một cuộc hội thảo bàn tròn.

Trước hết, nhà báo Ngô Nhân Dụng nói về nguyên nhân khiến ông có ý định soạn thảo cuốn sách với đề tài này. Ông nói, khi nhìn lại những bài viết của mình, mới thấy rằng không phải chỉ gom lại một số bài viết mà thành sách, nên đã phải chọn một vấn đề để soạn ra những bài viết thích hợp. Nhưng khi chọn ra rồi mới thấy cần phải viết lại những bài đó để có sự liên kết trong chủ đề định ra, mới đầu định lấy tên là “Xét lại sử Việt” nhưng rồi thấy nó “huênh hoang” quá nên cứ chù chừ thì chợt nhớ đến một bài thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền và tinh thần của các bạn hữu trong ngục tù Cộng Sản, “đứng vững không khuỵu,” nên mới quyết định lấy tên sách là “Ðứng Vững Ngàn Năm”.

Ði vào nội dung cuốn sách, tác giả không nhắc tới sách có gần 500 trang khổ lớn với 32 trương mục đề cập đến nhiều vấn đề mà ai yêu thích sử học cũng thấy quyến rũ, thu hút. Tác giả đã say sưa nói về cái thắc mắc chung của mọi người: “Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc”. 
     
Tác giả Ngô Nhân Dụng nói chuyện cùng độc giả trong dịp giới thiệu  cuốn sách “Ðứng Vững Ngàn Năm”. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)  

Tác giả nhắc đến các cuốn sử giá trị của Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược) và một số cuốn sử sau này như của Lê Mạnh Hùng (Nhìn Lại Sử Việt) đều thấy có một kết luận tương tự cho thắc mắc trên. Ðó là vì “đã giữ được tiếng nói, nó là cái gốc của một dân tộc”.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng như chưa thỏa mãn về những kết luận ấy vì nhiều dân tộc Trung Hoa vẫn có tiếng nói riêng nhưng sao đã bị đồng hóa (Hán hóa) nên ông đi tìm thêm những yếu tố khiến cho nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc.

Ðầu tiên là tín ngưỡng. Người Việt thời lập nước đã có tín ngưỡng thờ Thần là những người từng nổi lên đánh đuổi quân xâm lăng để giữ được tự chủ. Khi Phật Giáo vào nước ta thì tinh thần Phật Giáo đã làm cho người dân Việt bảo vệ được văn hóa của mình. Phật Giáo vốn có tổ chức Tăng Ðoàn nên quy tụ được người dân chung quanh và hình thành được mạng lưới nối kết bảo vệ nhau. Trường hợp Ba Lan chống Liên Xô cũng vậy.

Theo nhà báo Ngô Nhân Dụng thì đây cũng là một đề tài cần phải khai triển.

Thứ đến, yếu tố khí hậu. Ðất Giao Châu của người Việt (miền Bắc Việt Nam và Thanh Hóa) là nơi khí hậu không thích hợp với người Trung Hoa, nhất là ở mạn Hoa Bắc nên đã giết hại rất nhiều quan quân Trung Hoa sang cai trị hoặc xâm lăng.

Kế nữa là sự loạn ly, phân hóa của Trung Hoa. Hễ có những cuộc khởi loạn, tranh hùng là người Việt lại đứng lên đánh đuổi người Trung Hoa để giành lại tự chủ.

Kể đến những khác biệt giữa người Trung Hoa với người Giao Châu, nhà báo Ngô Nhân Dụng nhắc đến những chuyện khá thú vị khi nói đến người Trung Hoa coi dân Việt là man di vì để phụ nữ cầm binh đánh giặc, phụ nữ còn phải đeo bông tai để cho nam giới kiểm soát sự đi lại... Chính những khác biệt này đã là những yếu tố khiến cho người dân Giao Châu quyết liệt chiến đấu để gìn giữ được cách sống của mình. 
     
Cử tọa và tác giả tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt chiều 3 Tháng Tám, 2013. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)  

Sau nữa, đặt trong tâm trạng của người dân Việt lúc ấy, hẳn phải có một cân nhắc: Nên làm dân một nước nhỏ nhưng tự chủ, hay là làm dân một nước lớn mà không còn tự chủ nữa?

Tất cả những yếu tố mà nhà báo Ngô Nhân Dụng đưa ra thêm vào những kết luận của các sử gia viết từ trước đến nay đã khiến hơn 100 khán thính giả thích thú theo dõi và đã sôi nổi đặt những câu hỏi, những thắc mắc khi diễn giả chấm dứt phần thuyết trình của mình bằng một nhận xét: “Người Việt Nam không chỉ bị Hán hóa mà ngược lại còn Việt hóa được hầu hết người dân Trung Hoa khi đến Việt Nam cai trị hay sinh sống.”

Trong số hơn 10 bạn trẻ có mặt, cô Quỳnh Vy, tốt nghiệp đại học UC Davis, tay ôm mấy cuốn “Ðứng Vững Ngàn Năm,” cho chúng tôi biết: “Cháu đã mua cuốn này trên Amazon và đọc rồi. Cháu thấy hay quá nên đến mua để tặng cho mẹ cháu và các bạn của cháu. Nó hay vì sách đưa ra những chứng tích rõ ràng. Ðọc để biết vận nước của mình mà tin rằng nó sẽ vẫn còn đứng vững mãi mãi. Nhưng các nhà cầm quyền phải biết tự lực tự cường mới giữ được.”
___

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

--------------------------------------

8/04/2013 12:39:00 PM


No comments:

Post a Comment

View My Stats