Hoàng Lô Giang
Chủ Nhật, 18/08/2013
Tướng Trần Độ mất ngày
9/8/2002. Trong buổi tang lễ, có Người đã đọc điếu văn kể tội ông rằng ông đã
công khai vạch trần những sai lầm xấu xa của Đảng. Nhưng 11 năm sau, ngày
6/2/2013, chính Người đó (1) đã nói với báo VNN rằng: ”Tình hình hiện nay rất
nguy hiểm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có cả một số cán bộ
cao cấp là vô đạo đức, tham nhũng, vơ vét của dân. Đó là điều không thể chấp
nhận“.
Những điều này, tướng Trần Độ
đã viết trong tập “Nhật ký Rồng Rắn“ (2) của ông trong khoảng thời gian
cuối năm Canh Thìn 2000 và đầu năm Tân Tỵ 2001. Xin trích ra 3 đoạn trong tập
nhật ký đó.
Trong phần 2:
Trần Độ đặt câu hỏi: ”Cuộc
cách mạng ở Việt Nam, rút cục đã xoá được cái gì, đập tan được cái gì, lập nên
được cái gì, xây dựng được cái gì?“.
Ông tự trả lời: “Ta đã đập tan
được bộ máy đàn áp, nô dịch, bóc lột, xoá được nỗi nhục mất nước và ta đã xây
nên được một bộ máy ít hiệu quả, nhiều mặt bất lực. Đó là bộ máy độc đoán, độc
tài toàn trị, thẳng tay đàn áp các ý kiến khác. Bộ máy đó có một đội ngũ chuyên
nguỵ biện, nói lấy được, nói bừa trắng trợn, bắt chấp lẽ phải, bắt chấp đạo lý
và luật pháp, có lúc dùng cả đến những thủ đoạn lưu manh. Bộ máy đó đã tạo ra
một xã hội không có tự do dân chủ, đầy tệ nạn tham nhũng, đầy tệ nạn xã hội,
làm cho mọi người dân trong xã hội luôn luôn sống trong lo lắng, sợ hãi. Đảng
từ một tổ chức gồm những con người chịu hy sinh gian khổ để đập tan bộ máy
thống trị gian ác, giải phóng nhân dân thì sau khi đập tan được bộ máy đó, lại
biến dạng trở thành một bộ máy cai trị, thống trị nhân dân, bắt nhân dân hết
thảy phải theo ý của Đảng, nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Đảng
nói nhiều lời hay nhưng bộ máy của Đảng làm ngược lại Hiến pháp và pháp luật,
bất chấp đạo lý. Đảng còn làm ngược lại cả Điều lệ của chính mình. Đảng luôn
luôn tạo ra một không khí khủng bố đối với bất cứ ai có chính kiến độc lập, làm
cho xã hội khô cằn. Những gì trước đây ta khinh bỉ, chửi rủa, chống lại thì
ngày nay những cái đó đã xuất hiện trở lại nhiều hơn, đậm hơn. Như vậy là ta đã
xây nên chính cái ta đã đập bỏ.
Đây là nỗi niềm cay đắng của
một cuộc cách mạng và của một kiếp người, gửi tặng các vị lão thành, các cựu
chiến binh đã qua 2 cuộc kháng chiến, các bậc trí giả và tất cả những ai quan
tâm đến vận mệnh của Tổ quốc“.
Trong phần 3:
Trần Độ đặt câu hỏi: ”Một Đảng
lãnh đạo có dân chủ được không?”
Trần Độ viết: ”Câu hỏi đó chính
là đề tài nghiên cứu khoa học của Hội đồng lý luận của Đảng. Mới đọc đề dẫn
người ta đã thấy sự lúng túng và tắc tị, không thể chứng minh được là một Đảng
lãnh đạo có thể dân chủ được. Vì sao?
Vì trong đề dẫn có nêu 6 trở
ngại và nguy cơ đối với dân chủ của chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền.
Đó là:
1. Đảng sẽ chủ quan, duy ý chí, quan liêu trong xác
định chủ trương, đường lối.
2. Đảng dễ áp đặt ý chí của mình đối với Nhà nước và
xã hội, sắp đặt người của Đảng vào các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội,
tự đặt mình lên trên nhà nước và pháp luật, bao biện làm thay công việc của nhà
nước mà lại không chịu trách nhiệm pháp lý về những quyết định của mình.
3. Hệ thống các đoàn thể xã hội có thiên hướng hoạt
động phục vụ đường lối của Đảng hơn là làm tròn trách nhiệm đại biểu cho nguyện
vọng lợi ích của đoàn viên, hội viên mà mình đại diện (Trần Độ ghi thêm: thực
ra các đoàn thể xã hội đã biến thành các công cụ tay sai của Đảng).
4. Các đảng viên có chức có quyền dễ xa vào đặc
quyền đặc lợi, tham nhũng cửa quyền, gây phiền hà cho dân (TĐ ghi thêm: tệ sùng
bái cá nhân đã được nhấn mạnh và khuyến khích).
5. Người dân rất khó kiểm tra giám sát được các cơ
quan quyền lực (TĐ ghi thêm: các cơ quan đó toàn là đảng viên, không phải là
khó mà không thể kiểm tra giám sát được).
6. Dân chủ xã hội bị vi phạm quá mức sẽ đổ vỡ tất cả
(TĐ ghi thêm: đây là thực trạng mà chế độ độc Đảng đang gây ra)
Trần Độ viết tiếp: “Thế rồi đến
tháng 11/1999, người ta sơ kết. Một nhà lý luận (TĐ không nêu tên) đã nêu 5
điều kiện để một Đảng duy nhất nắm chính quyền mà vẫn dân chủ được.
Đó là:
1. Phải là một Đảng cách mạng chân chính (TĐ ghi
thêm: nhưng Đảng này lại đầy rẫy quan liêu, tham nhũng, phải vận động chỉnh đốn
mà rất ít kết quả).
2. Phải đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, xứng đáng là
đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc (TĐ
ghi thêm: sự thật nhân dân đã biết là KHÔNG rồi).
3. Coi trọng đề cao và phát huy vai trò của mặt trận
dân tộc, các đoàn thể nhân dân.
4. Đảng phải có phương thức tổ chức và phương thức
lãnh đạo đúng đắn.
Trân Độ đi đến kết luận: “Chỉ
cần căn cứ vào đề dẫn và 5 điều kiện đó thì đã đủ để kết luận là không thể
chứng minh được “Một Đảng độc quyền lãnh đạo cũng có thể dân chủ“. Thực trạng
đã chứng minh là một Đảng độc tôn và toàn trị thì chỉ có thể là phản dân chủ“.
Trong một đoạn khác của phần 3:
Trần Độ đặt câu hỏi: ” Bây
giờ phải làm gì?”. Ông viết tiếp:
“Sự thật không có gì khó khăn
lớn, không có gì đảo lộn. Có những nhà trí thức đã vẽ cho nước ta một bức tranh
xã hội tốt đẹp ngay trước mắt. Bức tranh đó gồm 4 yếu tố thiết yếu và quan
trọng như 4 bánh xe của một chiếc xe như sau:
1. Thực hiện một xã hội công dân , trong đó mỗi người thật sự làm chủ thân phận, làm chủ cuộc sống của
mình chứ không như hiện nay xã hội chỉ có thần dân chứ không có công dân.
2. Một nhà nước pháp quyền, có kỷ cương và tinh nhuệ, thực sự là công bộc của dân chứ không phải
nhà nước chỉ biết cai trị dân, sai bảo dân và tìm mọi cách để đục khoét của
dân.
3. Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Nó vận hành theo quy luật vận động của nó chứ
không cần định hướng XHCN gì cả.
4. Một nền dân chủ thật sự, bao gồm cả xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, bảo đảm tất cả mọi
quyền của công dân đã ghi trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế, thực hiện
ngay quyền tự do ngôn luận, tự do ứng cử bầu cử và tự do lập hội“.
Tướng Trần Độ cho rằng như vậy,
dân chủ là vấn đề bao trùm mọi mặt của xã hội, về chính trị, kinh tế và văn
hoá. Tất cả đều quy nạp vào vấn đề dân chủ.
Trước đây 10 năm, ý kiến người đọc đối với tập “Nhật ký
Rồng Rắn“ của tướng Trần Độ còn rất khác nhau nhưng đến nay, hầu hết đều cho
rằng Trần Độ đã nói đúng thực trạng nước ta. Ông đã có tầm mắt vượt lên phía trước, nhìn
thấu được và nói ra những điều mà nhiều người đồng hành chưa nhận ra. Có lẽ vì
thế, như trong thư chia buồn trước tang lễ của tướng Trần Độ, ông Hà Sĩ Phu nói
“Trần Độ đã gánh lấy những nhọc nhằn đến tận phút lâm chung“.
Việc thành lập Đảng Dân chủ Xã
hội vào thời điểm này để phối hợp với Đảng cộng sản thúc đẩy quá trình dân
chủ hoá đất nước chính là cách góp phần giải toả bớt nỗi niềm cay đắng mà
tướng Trần Độ đã nhọc nhằn gánh chịu đến tận lúc lâm chung.
Hoàng Lô Giang
Ghi chú:
(1) Ông Vũ Mão, nguyên chủ
nhiệm văn phòng Quốc hội. Nay ông đã suy nghĩ khác, do đó đề nghị không nêu
tên.
(2) Xem toàn tập “Nhật
ký Rồng Rắn“ của tướng Trần Độ tại Việt Nam thư quán (http://vnthuquan.net)
No comments:
Post a Comment