Monday 19 August 2013

NGƯỜI VIỆT & ĐỊNH MỆNH DÂN CHỦ (LS Vũ Đức Khanh, Canada)




Luật sư Vũ Đức Khanh
Viết từ Canada
Cập nhật: 14:34 GMT - thứ hai, 19 tháng 8, 2013

Sau gần 30 năm, Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội mới.

Trải qua gần một thập niên đạt tốc độ tăng trưởng cao, nền kinh tế chững lại giữa lúc các vấn đề chính trị - xã hội khác vốn tích tụ từ hàng chục năm qua đang ngày càng trở nên nhức nhối và không thể giải quyết nếu không có cải tổ hệ thống triệt để.

Bên cạnh đó, tình hình khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang đe doạ an ninh khu vực và thế giới, mà quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và nguy hiểm nhất chính là Việt Nam.

Tình hình cả trong nước lẫn khu vực hết sức khó khăn đó buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải đưa ra lựa chọn tương lai cho đất nước cũng như cho chính họ, nhất là khi mà hầu như ai cũng đã nhận ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn tồn tại mỗi cái tên.

Chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang (24 – 26/7/2013), xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, diễn ra trong bối cảnh đó.

Sự kiện một Đảng Dân chủ Xã hội đang được xúc tiến thành lập và việc sinh viên Nguyễn Phương Uyên được thả tự do là những diễn biến phù hợp với xu thế này.

“Thay đổi hay là chết” là mệnh lệnh đang trở nên ngày càng thúc bách với cả những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh nước nhà lẫn những người đang gánh vác trọng trách trong bộ máy hiện hành.

Một hệ thống đa đảng và tam quyền phân lập – bước đầu tiên trên chặng đường dài và khó khăn.

Chặng đường khó khăn

Một số người vẫn cho rằng nếu thực hiện bước quá độ từ một nhà nước độc đảng sang một chính thể đa đảng, Việt Nam sẽ đi đến tự do và dân chủ. Tuy nhiên, điều này có thể không hoàn toàn đúng.

Trước đây, ngoài Đảng Cộng sản, Việt Nam còn có hai chính đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Hai đảng này chủ yếu lệ thuộc vào Đảng CS và đã bị giải tán từ năm 1988.
Khi hai chính đảng này còn hoạt động thì tuy về mặt hình thức Việt Nam là một quốc gia đa đảng, nhưng do độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong Lời nói đầu Hiến pháp 1959 và Điều 4 Hiến pháp 1980, nên trên thực tế, Việt Nam là một nước độc tài độc đảng, không tam quyền phân lập.

Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở chỗ liệu Việt Nam có thể thực hiện bước chuyển tiếp từ một nhà nước độc đảng sang một chính thể đa đảng hay không, mà là ở chỗ liệu điều đó có dẫn tới tự do và dân chủ hay không.

Một số quốc gia trên thế giới tuy theo thể chế tam quyền phân lập và đa đảng nhưng vẫn bị coi là chính thể độc tài, điển hình như Indonesia của Suharto và Philippines của Ferdinand Marcos trước đây hay Zimbabwe của Mugabe, Campuchia của Hunsen và nước Nga của Putin hiện nay.

Điều đó chứng tỏ con đường đi đến một nền dân chủ - tự do đích thực là một chặng đường đầy cam go, và một nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản toàn trị hoàn toàn có thể lại rơi vào một chính thể độc tài cá nhân, như Campuchia hay Nga chẳng hạn.

Ở Nga, sự sụp đổ đột ngột của nhà nước cộng sản khiến đất nước này rơi vào hỗn loạn một thời gian dài.

Nhà nước Nga bất lực, không duy trì trật tự xã hội mới bằng pháp luật tạo thời cơ cho các thế lực đen trong thế giới ngầm nổi lên, kiểm soát xã hội bằng thứ “luật lệ” riêng của họ.

Dưới thời Boris Yeltsin, giới tài phiệt cấu kết chặt chẽ với thế giới ngầm và các chính trị gia quyền lực đã thao túng và lũng đoạn xã hội.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các đảng phái chính trị đối lập chịu đủ thứ kìm kẹp của bộ máy quyền lực muốn duy trì địa vị quyền lực không bị thách thức của nó.
Đến thời Putin, sau khi dùng quyền lực nhà nước (vốn ít bị giám sát) để khống chế giới tài phiệt, Putin nhanh chóng thâu tóm quyền lực tuyệt đối bằng những bước đi hợp pháp.

Bên cạnh những biện pháp “truyền thống” như trấn áp lực lượng đối lập, khống chế và kiểm duyệt báo chí chặt chẽ, ông ta cũng không quên lợi dụng các “quy trình dân chủ” trước sự mất cảnh giác của Quốc hội cũng như nhân dân Nga để thâu tóm và duy trì quyền lực độc tài của mình.

Từ năm 1995, Hiến pháp Nga quy định những người đứng đầu các tỉnh, miền phải được dân cử thông qua hình thức bầu cử rộng rãi.

Năm 2006, theo “sáng kiến” của Tổng thông Putin, Hiến pháp lại quy định người đứng đầu các thực thể tỉnh, miền, nước cộng hòa tự trị trong Liên bang Nga là do tổng thống bổ nhiệm.

Ngày 14/11 và 26/11/2008, lần lượt Hạ viện (Duma) và Thượng viện (Hội đồng Liên bang) của Nga thông qua việc sửa đổi hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm, một động thái được những người hiểu biết lúc bấy giờ nhìn nhận là nhằm mở đường cho “triều đại” mới kéo dài 12 năm của Putin bắt đầu từ năm 2012.

Ở Campuchia, nhân tố “góp công” lớn nhất cho triều đại độc tài kéo dài của Hunsen chính là việc Hiến pháp Campuchia không giới hạn nhiệm kỳ của Thủ tướng, một khiếm khuyết phổ biến ở các chính thể độc tài khác như Indonesia hay Philippines trước đây và Zimbabwe hiện nay.

Bước đi cụ thể

Sự chuyển mình mạnh mẽ của Myanmar khiến cả thế giới phải dõi theo với một tâm thái thán phục.

Đối với Việt Nam, Myanmar không chỉ là một tấm gương về dân chủ hoá đất nước, đây còn là hiện thân của một nguy cơ mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Myanmar đang trở thành đối thủ cạnh tranh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu của Việt Nam và tiến tới sẽ là đối thủ cạnh tranh các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để tránh vết xe đổ nói trên, Hà Nội cần lên kế hoạch cụ thể về lộ trình dân chủ hoá đất nước theo các bước sau:

  • Tiếp tục mạnh dạn trả tự do cho các tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến đang bị giam cầm;
  • Cho phép thành lập các đảng phái chính trị ở Việt Nam;
  • Khẩn trương ban hành Luật về “Hội bất vụ lợi” trong kỳ họp Quốc hội tới đây để điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, một nền tảng quan trọng của trật tự xã hội tự do - dân chủ;

Ngoài ra, cần mở rộng Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992 bằng cách cho phép mời các chuyên gia quốc tế về luật Hiến pháp tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho Uỷ ban, đồng thời mời một số đại diện của các tổ chức quần chúng phi cộng sản tham gia vào Uỷ ban.

Gia hạn cho Ủy ban thêm 6 tháng nữa, đến ngày 31/3/2014, để trình một bản dự thảo Hiến pháp mới lên cho Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào cuối tháng Năm).
Bản Hiến pháp mới cần hết sức lưu ý những nguy cơ tiềm tàng có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Hiến pháp mới phải được toàn dân phúc quyết thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày Quốc hội chính thức thông qua;

Điều nữa là Tổ chức bầu cử Quốc hội mới chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Hiến pháp mới được phúc quyết.

Vỗ tay cần hai bàn tay

Bên cạnh lộ trình dân chủ hoá đất nước mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện, cộng đồng những người đấu tranh cho tự do, dân chủ của Việt Nam trong và ngoài nước cũng cần khẩn trương thực hiện những bước đi cụ thể để tận dụng tốt thời cơ đã chín muồi này.

Thứ nhất, các lực lượng phi cộng sản trong và ngoài nước cần liên kết với nhau và phải được thống nhất để hình thành nên một lực lượng đủ sức đối trọng với Đảng Cộng sản.

Một Việt Nam tự do, dân chủ trong tương lai chắc chắn là sẽ có nhiều chính đảng, kể cả Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, khi Đảng Cộng sản còn mạnh như hiện nay, đặc biệt là với sự ủng hộ của bộ máy công an, quân đội và tuyên truyền, còn các đảng phái chính trị khác thì nhỏ bé và tản mát, việc tập hợp các lực lượng này dưới một ngọn cờ là hết sức cần thiết.

Điều này vừa tạo ra một lực lượng đủ mạnh để đối trọng với Đảng Cộng sản, vừa tạo ra sự đoàn kết trong các lực lượng đấu tranh, tránh âm mưu phân hoá, chia rẽ tiềm tàng của Đảng Cộng sản;
Thứ nhì, liên minh các đảng phái đối lập nói chung và các đảng phái thành viên nói riêng cần vạch ra cương lĩnh chính trị và chương trình hành động cụ thể để tập hợp lực lượng, chứ không thể cứ nói suông là đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền;

Thứ ba, đây tối quan trọng là các bên cần thành tâm hoà giải, hoà hợp dân tộc vì mục tiêu chung: xây dựng và bảo vệ một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân văn và cường thịnh.

Hoà giải là hành trang không thể thiếu trên hành trình hướng tới mục tiêu cao cả đó và chúng ta cần dứt khoát là người cộng sản nên thành tâm vì giờ đã là năm 2013 rồi, không phải như thời 1945, 1954 hay 1975 nữa.

Những người Cộng sản đừng nghĩ rằng họ vẫn tiếp tục tự dối mình, dối nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế về ý thức hệ của họ.

Lịch sử đã sang trang và đây là cơ hội cuối cùng để những người cộng sản một thời như ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận không chỉ trở về với dân tộc mà còn khảng khái lên tiếng góp phần xây dựng một nước Việt Nam mới.

Như đã chỉ ra ở trên, dân chủ là điều không hề dễ dàng.

Nó đòi hỏi cả công sức lẫn sự hy sinh, nhưng những cơ hội và phần thưởng mà nó đem tới lại hoàn toàn tương xứng.

Nhân dân Việt Nam đang đứng trước cơ hội làm chủ vận mệnh của nước nhà.

Tuy nhiên, tự do và dân chủ không thể tới nếu người dân không thực sự dũng cảm đứng lên đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền làm chủ đất nước trong một xã hội văn minh, công bằng và nhân bản.

Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada và blogger Lê Anh Hùng từ Việt Nam.


No comments:

Post a Comment

View My Stats