01:07:am 19/08/13
Xã hội luôn luôn có sự đấu tranh lẫn nhau, đó là
điều hoàn toàn tự nhiên giữa các cá nhân. Đấu tranh về đời sống, về kinh tế, về
pháp lý, về xã hội, về văn hóa, về chính trị, hay nói chung lại cũng chỉ là đấu
tranh xã hội.
Đấu tranh xã hội vì ai sinh ra cũng có quyền sống,
mà sự thiện ác luôn xen kẽ lẫn nhau, hoàn cảnh luôn luôn thay đổi khác nhau, ai
cũng muốn được thăng tiến theo ý mình, có khi có người lại muốn đấu tranh cho
cái lý chung, cho ích lợi chung của cộng đồng và xã hội, nhưng những người khác
lại không như thế, vậy là xảy ra sự đấu tranh và đi đến ý nghĩa hay mục đích
của đấu tranh.
Có nghĩa sự đấu tranh xã hội là không bao giờ ngừng
nghỉ, không bao giờ được loại bỏ hay triệt tiêu được, bởi mọi cái cũ dầu có hết
đi, có đào thải, thì mọi cái mới vẫn cứ sinh ra, mọi hoàn cảnh và điều kiện mới
vẫn luôn thay hoài cho mọi điều kiện và hoàn cảnh cũ. Ý nghĩa sự vận động và
tiến lên của xã hội chỉ là như thế mà không thể nào khác. Người nào nghĩ đời sẽ
thôi đấu tranh và đạt tới sự cân bằng, hòa hợp hay hạnh phúc cuối cùng đều chỉ
mơ hồ và thiển cận.
Nhưng mọi sự đấu tranh riêng biệt, cá nhân với nhau
chỉ là sự đơn lẻ, chẳng có tác động gì đến ai nên cũng chẳng có gì đáng nói.
Chỉ khi nào sự đấu tranh của nhiều cá nhân lẫn nhau, trở thành những bộ phận xã
hội lẫn nhau, điều đó mới thành ảnh hưởng chung, mới có tác động, hậu quả hoặc
lợi ích chung. Ngày xưa Mác chỉ khuôn mọi sự vào ý niệm đấu tranh giai cấp.
Điều đó không phải không có phần đúng, nhưng chỉ tiếc Mác đã siêu hình hóa nó,
tin tưởng nó như một quy luật khách quan của xã hội theo một định hướng và bài
bản nhất định kiểu như ý niệm “biện chứng luận” của Hegel, nên trở thành mù
quáng, quy chụp, mê tín, và những lầm lạc đó ngày nay mọi người đều thấy xuyên
qua mọi hệ lụy của nó.
Thật ra đấu tranh xã hội của thực thể con người có
hai khía cạnh là đấu tranh ý thức và đấu tranh thực tế. Ý thức là nội dung nhận
thức, và thực tế là mọi phương diện cụ thể trong đời sống. Tất nhiên hai khía
cạnh này đều gắn với nhau, chính cái này sinh ra cái kia cũng như ngược lại.
Chỉ nhấn mạnh vào yếu tố này, mà quên hay coi nhẹ yếu tố kia, cũng đều chủ
quan, phiến diện, thiếu sót. Mác chỉ nhấn mạnh vào yếu tố thực tiễn mà coi nhẹ
phần ý thức, coi ý thức chỉ là bọt bèo, chính hạ tầng kiến trúc quyết định
thượng tầng kiến trúc một cách toàn diện về mọi mặt, đó thật sự cũng là sự cả
vú lấp miệng em một cách hết sức sai lầm và tai hại. Đây cũng là cách nhìn mang
tính cách phi khoa học nhưng lại được tự nhận là khoa học sâu xa lẫn bao quát
nhất của Mác.
Nói cách khác đi, mỗi cá nhân con người chỉ luôn là
một thực thể, tức là một tồn tại có thật trong thực tế, đây là điều tất yếu
không thể phủ nhận hoặc nhìn khác đi được. Như vậy cả ý thức lẫn thân xác chỉ
là hai khía cạnh của một vấn đề, không thể chỉ bỏ cái nào lấy cái nào một cách
hoàn toàn duy nhất hoặc tuyệt đối. Ý nghĩa của đời sống do vậy là ý nghĩa của
thực tiễn, khách quan, cụ thể, khoa học, không thể là ý nghĩa của ý thức hệ có
tính siêu hình, mù mờ, ảo tưởng nào đó, như kiểu lập luận đầy tính trừu tượng
hoặc không tưởng theo như cách của Mác.
Nói cách cụ thể, ý thức con người thực chất khác hẳn
ý thức loài vật. Loài vật thì muôn đời cũng vậy vì không có văn hóa mà chỉ có
bản năng nên cũng không thể có nhận thức gì nhiều. Trong khi đó con người trái
lại có lịch sử xã hội, có ý nghĩa văn hóa, bởi vậy sự tương quan trong ý thức
con người luôn luôn là sự tương quan về giáo dục, về trình độ hiểu biết lẫn
tương quan về nội dung lẫn cả chiều cao nhận thức. Nói khác đi, trong ý thức
con người còn có cả cái thiện và cái ác, cái tiêu cực và cái tích cực, ý hướng
tiến bộ hay ý hướng phản động, nên về mặt cá nhân cũng như phần lớn xã hội,
chính mặt nào thắng hay yếu tố nào thắng mới là điều đáng nói hoặc mang tính
quyết định nhất.
Có nghĩa nói về tính nhận thức của con người trong
xã hội, thì không hẳn chính nghĩa mới luôn luôn thắng mà có khi là hoàn toàn
ngược lại. Đấy nguyên nhân và ý nghĩa của đấu tranh xã hội cứ mãi mãi diễn ra
không ngừng là như thế đó. Bởi vì mọi cái tốt rồi cũng qua đi và mọi cái tốt
mới hơn lại cũng xuất hiện. Cái ác hay cái bất thiện cũng thế, cái cũ tiêu đi
rồi lại xuất hiện cái khác mới hơn, phù hợp theo hoàn cảnh, điều kiện hơn. Nên
nói không ngoa thì mặt trận đấu tranh giữa điều thiện ác, tốt xấu vẫn luôn
thông thường xảy ra và không thể bao giờ lại triệt tiêu đi được. Dòng đời chẳng
khác như dòng sông cứ luôn mãi chảy và thiện ác, xấu tốt cứ luôn như những con
sóng nhấp nhô cũng tương tự như thế.
Cũng chính từ đó mà rút ra kết luận chính thể chế xã
hội là điều quan trọng nhất. Thể chế xã hội nào mà điều ác hay sự tiêu cực bị
chế ngự nhiều nhất cũng như điều thiện và sự tích cực được phát huy tốt đẹp,
hiệu quả nhất, đó là thể chế xã hội tối ưu và cần thiết nhất. Có người cho rằng
chính xã hội độc tài độc đoán mới tạo nên sự ổn định chắc chắn nhất, mới phát
huy hiệu quả đầy đủ nhất, hay mới tiết kiệm mọi mặt nhất, đó thực sự chỉ là sự
nhầm lẫn. Bởi nói như vậy là sai nguyên tắc, sai tính bình đẳng, công bằng, vì
như vậy thì ai mới có quyền độc tài, cá nhân, nhóm người hay thành phần xã hội
nào mới có được điều đó?
Điều đó chẳng khác gì gần trong suốt cuộc đời ở thời
kỳ đầu Mác và Ăng ghen đã chủ trương chuyên chính vô sản, coi giai cấp vô sản
phải tự thực hiện mình như một chủ thể độc tài để đưa xã hội thành một chỉnh
thể cách mạng và tiến tới sau cùng là mục đích giải phóng xã hội, thành lập xã
hội không còn có giai cấp, không còn có đấu tranh giai cấp, tức một xã hội sẽ
hoàn toàn thủ tiêu mọi đấu tranh một cách trọn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối. Quả
thật đó chỉ là một sự giả định, một nguyện vọng ảo tưởng, một nguyên tắc phản
nguyên tắc, một nguyên lý sai nguyên lý, và cho mãi đến ngày nay thì mọi sự đều
đã được sáng tỏ.
Thế nên chỉ có chính thể chế xã hội tự do dân chủ
thật sự mới đúng nghĩa là xã hội giúp phát huy tối đa cái thiện, cái tích cực
và khống chế được phần lớn mọi cái ác, cái tiêu cực. Bởi xã hội dân chủ, tự do
thật sự thì không có cơ chế chặt chẽ, không có sự tổ chức toàn diện, không có
sự khống chế một chiều nào cả, tạo cho ý thức con người được khách quan tối đa,
tạo cho dư luận xã hội trở thành sức mạnh lành mạnh, công khai, khiến tạo điều
kiện làm khống chế đa phần cái ác, cái tiêu cực mà không bất kỳ xã hội độc tài
độc đoán nào lại có thể làm được.
Thế nhưng lý luận và quan điểm của Mác lẫn Ăng ghen
đã từng cho rằng dân chủ tự do như thế chỉ là dân chủ tự do kiểu tư sản. Mà đã
tư sản thì chỉ mãi mãi tư sản, không thể có cách mạng vô sản, không thể tiến
lên thế giới đại đồng vô sản. Đó là lý do tại sao phải thủ tiêu tự do, dân chủ
tư sản để nhằm thực hiện sự chuyên chính, độc tài vô sản để xây dựng được thế
giới vô sản. Rõ ràng đó hầu chỉ là lý luận giả định, bởi nó không được xây dựng
trên bất cứ một tiền đề khoa học khách quan hay chắc chắn nào cả. Nó chỉ thể
hiện thuần túy như một niềm tin chủ quan, một nguyện vọng ảo tưởng, một lý luận
sai nguyên tắc thậm chí một lý thuyết đầy tính huyễn hoặc. Mọi người có đầu óc
thực tiễn, cụ thể hoặc khách quan, khoa học thì không thể nào tin chắc hay bị
thuyết phục được kiểu như thế.
Bởi vì như đã nói, cuộc đời mãi mãi cứ như một dòng
chảy. Dòng sông thì không thể bao giờ chặn lại được. Chặn lại tất dòng sông sẽ
đổi dòng và phần còn lại sẽ trở thành bể nước ao tù, không còn phát triển hay
không còn đúng theo ý nghĩa nguyên thủy vốn có. Bởi vì mỗi thực thể con người
trong xã hội chẳng khác gì những đơn vị nguyên tử. Các đơn vị nguyên tử đó hoàn
toàn sinh động, tự do, chuyển động. Không thể biến tất cả chúng thành một mạng
lưới cứng nhắc để cho đó là sự toàn bích, sự ổn định, hay sự tối ưu nào đó. Tất
yếu cho dù đó là mạng kiểu kim cương cũng không còn là vật thể sinh động, không
còn sự sống, không còn phát triển, huống gì nếu đó chỉ là mạng than chì, mạng
kim loại, hay thậm chí chỉ còn là bê tông cốt sắt hoàn toàn không hơn không
kém. Ở đây chính ý nghĩa bản thân của xã hội dân chủ tự do hay ý nghĩa nhân
quyền cũng như thế đó.
Vậy thì tóm lại, đối với mọi vấn đề xã hội, ý nghĩa
và mục đích không thể là giả định, cảm tính, tùy tiện, mà nhất thiết phải theo
nguyên lý hay nguyên tắc. Không thể cho bánh xe vuông chuyển động tốt hơn bánh
xe tròn. Bởi vì cho như thế chỉ là điên gàn, vì hoàn toàn sai thực tế, sai
nguyên tắc. Nhưng đó mới là sự kiện dễ thấy trước mắt. Còn những sự việc trừu
tượng, khó thấy hơn hay chỉ có thể đạt đến được bằng tư duy, suy nghĩ trừu
tượng, tất nhiên đều phải cần đến các nguyên tắc khoa học, các hiểu biết khoa
học, các lý luận khách quan khoa học. Mà nền tảng cho mọi sự khách quan đó cũng
chỉ có thể là những đầu óc tự do dân chủ đích thực, nên mọi sự độc tài độc đoán
đều rõ ràng chỉ thực chất là nghịch lý, phi lý, tiêu cực hay chỉ làm hại và làm
chận đứng tất cả mọi sự phát triển cũng như mọi sự sinh động, khách quan, hữu
ích của toàn xã hội.
Bởi trong thể chế xã hội dân chủ, tự do đích thực,
nền pháp luật cũng luôn là nền pháp luật tự do, dân chủ đích thực. Có nghĩa
không ai có thể lợi dụng được tự do, dân chủ nên tự do dân chủ đó mới có tính
chất là tự do dân chủ đích thực. Có nghĩa làm ra pháp luật, quản lý pháp luật,
thực thi hay áp dụng pháp luật đều thật sự xây dựng trên nền tảng tự do dân chủ
thực sự thì mọi ý nghĩa liên quan đó mới có thể có được ý nghĩa đích thực. Theo
nguyên tắc không ai có thể cho là không biết pháp luật hay vượt lên trên pháp
luật, thế thì ý nghĩa của cơ chế xã hội tự do dân chủ đích thực lại càng trở
nên vô cùng hệ trọng hay tối ư cần thiết.
Lý do tại vì một nền pháp luật không có tự do dân
chủ thực sự thì nó vẫn có thể tồn tại được trong những hoàn cảnh hoặc điều kiện
nào đó, nhưng thực chất nó lại không mang ý nghĩa pháp luật đích thực, không mang
ý nghĩa pháp luật tự do dân chủ đích thực, không tạo điều kiện khống chế khách
quan cái ác, cái tiêu cực, không phát huy cái thiện, cái tích cực một cách thật
sự, mà nó chỉ trở thành một sự gông cùm, hà khắc, bởi vì chỉ tạo ra nỗi sợ hãi
mọi mặt cho toàn xã hội mà không loại trừ bất kỳ một cá nhân nào hết. Nó như
một hệ mạng lưới không ai có thể thoát ra khỏi đó được, kể cả những người làm
ra hay những người thực thi nó. Mọi cái đều trở thành giả tạo, tiêu cực, mất
hết mọi ý nghĩa cao cả hay những giá trị khách quan, tự nhiên nhất. Tất cả mọi
người đều trở nên thụ động, chai lỳ, ích kỷ, hạn hẹp hay nói chung là tiêu cực
về mọi mặt trong ý nghĩa rộng rãi nhất. Đấy sự khác nhau giữa đấu tranh xã hội
trong cơ chế xã hội dân chủ tự do đích thực và cơ chế xã hội độc tài độc đoán
hoặc toàn trị nói chung chỉ là như thế.
© Võ Hưng Thanh
© Đàn Chim Việt
------------------------------
12:56:pm 18/08/13
No comments:
Post a Comment