Thursday, 22 August 2013

NGU LÂU, DỐT BỀN (Võ Văn Tạo)




Võ Văn Tạo
Posted by basamnews on August 23rd, 2013

 Công văn 1042/C67-P3

Không biết cái thành ngữ tếu táo dân dã “ngu lâu, dốt bền” có từ bao giờ và ai là người phát minh. Nhưng có vẻ như khó có thể tìm được cụm tính từ nào sát hợp hơn, và nó hơi bị… chuẩn khi đề cập đến sự kiện đang gây bão dữ dội trên công luận: công văn (c/v) số 1042/C67-P3 của Cục CSGT đường sắt, đường bộ (C67) – Bộ Công an và lý lẽ bảo vệ nó của 2 ngài đại tá, đều cương vị Phó Cục trưởng C67, khi bị báo chí rầm rộ chất vấn, phản biện.

Đọc c/v 1042 và ý kiến 2 quan chức trên, người ta có cảm giác tác giả những phim kinh dị hàng “bom tấn” của hollywood cũng chào thua. Tại c/v này, C67 yêu cầu Trưởng phòng CSGT các tỉnh, TP trực thuộc TW chỉ đạo lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý…” (!?!).

Người ký c/v này là đại tá Phó Cục trưởng Trần Sơn Hà. Trả lời báo chí chất vấn, Phó Cục trưởng Hà vẫn quanh co bao biện, khư khư bênh vực cái “quái thai” này. Ngoài ông Hà, phải kể đến đại tá Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Tuấn.

Ngu lâu

Đọc c/v 1042, từ bạn đọc bình dân, đến người rành chữ nghĩa – chuyên “soi” các văn bản quy phạm pháp luật – các luật gia, luật sư, đại biểu Quốc hội… đều không khỏi “kinh hãi”. Trong đàm luận bạn bè thân tình, một công chức bạn tôi, vốn con nhà luật, nói: chẳng biết mấy cha này ăn phải cái gì? Hay não trạng có “vấn đề”? Ai đời lại biên soạn, ký tá, ban hành văn bản “bốc mùi” lạm quyền, ngồi xổm lên Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật CAND, Luật Công chức, viên chức nhà nước, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng… và vô số văn bản quy phạm pháp luật khác mang chủ trương tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan công quyền.

Không khó để nhận ra, c/v 1042 của C67 thể hiện quá lộ liễu ý tứ dung dưỡng, bảo kê cho tập quán lạm quyền, thái độ hách dịch, cửa quyền, thiếu văn hóa và tệ mãi lộ trắng trợn như cướp cạn lâu nay của “bộ phận không nhỏ” CSGT.

Chỉ trong vòng ba ngày, trên hầu hết các tờ báo và trang mạng, hàng nghìn bài phản ánh, phỏng vấn, phân tích, bình luận và ý kiến bạn đọc, comment… chỉ rõ những nội dung ngớ ngẩn, vô lối, trái luật, trái chủ trương tăng cường phòng chống tham nhũng trong bối cảnh thực tiễn tiêu cực nhức nhối lâu nay của lực lượng CSGT.

Không ai có thể phủ nhận vai trò, hiệu quả của báo chí và người dân trong việc giám sát, phát hiện và đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ chức quyền hoặc công chức làm việc ở các lĩnh vực, vị trí dễ tham nhũng. Tuy nhiên, trước thực tế tiêu cực đang rất phổ biến trong lực lượng CSGT, những vụ việc được phát hiện và xử lý có lẽ còn ít hơn phần nổi của tảng băng chìm. Lẽ ra, trêncương vị lãnh đạo cấp Cục của Bộ Công an, các Phó Cục trưởng Hà và Tuấn phải tham mưu cho Bộ trưởng Công an và Thủ tướng Chính phủra văn bản khuyến khích hơn nữa báo chí và người dân giám sát, phản ánh, phê phán các hành vi tiêu cực của CSGT, góp phần thanh lọc lực lượng nhiều tai tiếng này. Như tẩy các vết lem luốc trên mặt, đó là phương thức hiệu quả nhằm xây dựng hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ CADN trong con mắt nhân dân.

Dốt bền

Ở ta, hiện tượng thi thoảng các cơ quan công quyền lại ra một văn bản ngớ ngẩn không phải hiếm. Vấn đề là có ngu, mới ra văn bản như vậy (dân ta đã chẳng cảnh báo: “bút sa, gà chết” đó sao!). Nhưng một khi công luận đã phản biện một cách thuyết phục, cách khôn ngoan nhất là nhanh chóng tiếp thu, nhận lỗi, khẩn trương thu hồi hoặc chỉnh sửa lại văn bản (như vụ Bộ Xây dựng mới đây ra văn bản yêu cầu các Sở XD không cấp phép XD cho các công trình mô phỏng kiểu cổ điển Pháp – châu Âu) để tránh búa rìu dư luận dài dài. Đã sai bét nhè, lại còn sĩ diện hão, bảo thủ, cù nhầy, biện bạch vòng vo Tam Quốc, càng nói càng lòi cái dốt, càng bất lợi, kết cục vẫn phải thu hồi, chỉnh sửa, chẳng phải “dốt bền” ư?

Trước khi các phóng viên báo chí rầm rộ tiếp cận phỏng vấn, đã có nhiều bài báo và ý kiến phê phán, chỉ ra một cách cụ thể và đầy thuyết phục những nội dung sai trái của c/v 1042. Thế nhưng, khi trả lời phỏng vấn, hai Cục phó C67 trên vẫn lập lờ, cù nhầy bao biện, chèo chống vụng về cho cái “quái thai” nọ.

Sáng 20-8, đại tá Hà trả lời phóng viên info.net: “Tôi không ký bất cứ văn bản nào thể hiện cấm báo chí không được chụp ảnh, quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ” (xin lỗi! Muốn cấm, phải đề nghị Quốc hội sửa luật. C67 làm sao có quyền cấm?). Báo Tri Thức dẫn lời ông Hà biện bạch: “Công văn này cũng không hạn chế quyền giám sát cùa người dân và báo chí. Mục đích của công văn này là để công an và báo chí phối hợp với nhau xây dựng hình ảnh CSGT tốt lên” (!?); “anh đến làm việc với tôi, quay phim chụp ảnh thì anh phải đến xin phép tôi”. Liền đó, phóng viên truy tiếp: “Quy định phải xin phép CSGT mới được quay phim, chụp ảnh có phù hợp với pháp luật không?”. Ông Hàvẫn lấp liếm: “Ở đây không phải là xin phép mà các anh đến làm việc với tôi về việc đảm bảo giao thông, xử lý vi phạm thì các anh phải đến đặt vấn đề là chúng tôi làm việc với các anh để giám sát, thu thập” (!?). Ối giời! Cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa thấy ai làm cái việc điên khùng như C67 áp đặt: muốn thu thập bằng chứng tố cáo kẻ tiêu cực mờ ám, lại đi đặt vấn đề, xin phép kẻ tiêu cực. Rõ là logic đứng đường!
Những tưởng C67 chỉ có duy nhất ông Cục phó… “bã đậu” đến vậy. Nào ngờ, còn có ông Cục phó Nguyễn Ngọc Tuấn, không kém phần… “củ chuối”! Ngày 21-8, ông Tuấn trả lời phóng viên Báo Người Lao Động: “Văn bản đó không có gì sai cả. Dư luận đã hiểu sai nội dung chỉ đạo trong văn bản” (chữ nghĩa rành rành, ai mới là người hiểu sai?) và ngoan cố khẳng định “sẽ không thu hồi văn bản 1042/C67-P3”.

Cả hai Cục phó đều nói c/v này không phải văn bản pháp quy, chỉ có tính chất nội bộ. Pháp quy hay không phải pháp quy, đâu có thật sự quan trọng? Theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của UBND xã cũng thuộc dạng pháp quy, nhưng nó chỉ có hiệu lực tác động trong xã. Công văn 1042 có hiệu lực tác động toàn bộ lực lượng CSGT cả nước và hàng triệu người tham gia giao thông hàng ngày. Vâng, nó sẽ chỉ có tính chất nội bộ, nếu như nội dung thể hiện đại loại: cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ phải lễ tiết nghiêm túc, tác phong khiêm tốn và lịch sự, không nể nang bất cứ ai nhờ vả, dứt khoát từ chối mọi kiểu hối lộ…

Có lẽ, với tư duy của những ông kẹ cầm dùi cui đứng đường, mọi lý lẽ và căn cứ pháp luật như công luận dày công phân tích sẽ đều như nước đổ đầu… vịt.

Có điều, xin rỉ tai 2 ông Phó Cục trưởng (cái vụ này coi bộ không dễ bỏ ngoài tai à nhe!), trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính – Bộ Công an của các quý ngài đã có ý kiến về vụ này như sau: “…hoàn toàn được tự do ghi âm, ghi hình. Nếu đàng hoàng thì sợ gì ghi âm, chụp ảnh?

Được biết, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp vừa có c/v về vụ này. Theo c/v và ý kiến làm rõ thêm của Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản:
 “quy định tại c/v 1042 có thể hiểu bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ thì buộc phải có sự đồng ý của họ. Việc CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo” là không phù hợp với quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim chụp ảnh. Vì pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim chụp ảnh, thì mới buộc công dân phải tuân thủ.
Theo Cục Kiểm tra văn bản, qua rà soát thì chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ. Vì thế cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép và cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo.
Về việc c/v số 1042 quy định nội dung “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản biết”, theo Cục Kiểm tra văn bản là thể hiện rõ việc trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định đó là nhà báo hay không phải nhà báo. Việc này không phù hợp với nhiệm vụ của CSGT khi làm nhiệm vụ.
Việc quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một vài cá nhân cụ thể (không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo điều 31 BLDS) mà là ghi hình ảnh công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng là bình thường, không cần phải được CSGT hay bất cứ cá nhân nào cho phép. Hơn nữa, khi nhà báo tác nghiệp theo đúng Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét.
Nếu công dân không phải là nhà báo mà quay phim, chụp hình cũng không phải là hành vi sai trái. Vì thế, việc cho phép quay phim chụp hình lực lượng CSGT, xác định nhà báo hay giả danh nhà báo tại công văn số 1042 là không thuộc thẩm quyền quy định của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức họp với đại diện Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và một số cơ quan liên quan để trao đổi thêm về nội dung sai trái của công văn 1042. Đồng thời Bộ Công an cũng có trách nhiệm xử lý những nội dung sai trái theo thẩm quyền”.
Hai 5 đã rõ 10, tự giác khẩn cấp thu hồi c/v 1042, hay cứ khư khư chờ đến lúc bị cơ quan thẩm quyền buộc thu hồi, điều đó còn phụ thuộc vào mức độ “dốt bền” của lãnh đạo C67!
V.V.T.

* Hình 1: đại tá Trần Sơn Hà;

Hình 2: đạt tá Nguyễn Ngọc Tuấn; Hình 3: Công văn của Cục CSGT




No comments:

Post a Comment

View My Stats