Thursday 8 August 2013

MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA VIỆT NAM KHI BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH 72 (theo báo Hà Nội Mới)




Cù Xuân Trường  -  Ha Noi Moi
Thứ Hai 05:37 05/08/2013

(HNM) - Ngày 15-7-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (có hiệu lực từ ngày 1-9). Nghị định 72 nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ và thông tin trên internet.

Đáng lưu ý, để tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh thông tin trên mạng, Nghị định cũng quy định rõ một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo…

Ngay sau khi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành, trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về các quy định của nghị định này: Có người đặt câu hỏi về tính khả thi của nghị định; có người đưa ra những giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự lây lan của những loài "nấm độc" trong đời sống xã hội; cũng có người bức xúc đòi "đóng cửa" mạng xã hội… Cần hiểu rằng, những quy định thể hiện thẩm quyền điều hành của Chính phủ, có tác động và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, đương nhiên sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người và luôn có ý kiến khác nhau xuất phát từ những "hệ quy chiếu" khác nhau trong xã hội. Thế nhưng, có thể khẳng định rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại góp phần tạo nên một "thế giới phẳng" với xa lộ thông tin kết nối toàn cầu. Trên nền tảng đó, các mạng xã hội ra đời, trong đó sự bùng nổ của Facebook đã đánh dấu bước phát triển mới của mạng xã hội trực tuyến. Với một chiếc điện thoại "tầm tầm" có khả năng nối mạng, người ta có thể dễ dàng kết nối thông tin, chia sẻ tình cảm với người thân, bè bạn; bày tỏ suy nghĩ về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả những khía cạnh nhạy cảm, để mang đến cho nhau tri thức, sự hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm sống… Trong không gian mở ấy, nếu sử dụng với mục đích nhân văn, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giao tiếp, giải trí lành mạnh. Và như vậy mạng xã hội là sự hỗ trợ đắc lực đối với đời sống con người, với sự phát triển của xã hội. Điều đáng nói là không phải ai cũng sử dụng mạng xã hội với ý nghĩa tích cực và có trách nhiệm. Lướt qua Yahoo, Twitter hay Facebook có thể thấy đủ thứ thượng vàng hạ cám, các kiểu hỷ, nộ, ái, ố của một xã hội lẫn lộn thực hư nhưng rất có sức hút. Không ít kẻ "ném đá" đã và đang biến thế giới nhân văn của thành tựu khoa học, công nghệ trở thành "cái thùng không đáy" của đủ thứ nhiễu nhương. Trong khi đó, nhiều "tín đồ" mạng xã hội làm những điều vi phạm luật pháp, sỉ vả vào nguyên tắc đạo đức bất chấp tác hại đối với cộng đồng.

Mạng xã hội trở thành căn phòng không khóa chứa đựng những điều tốt đẹp và cả những ô uế tạp nham của những kẻ cố ý ném vào vì những mục đích riêng. Những nhiếc móc dè bỉu, những câu nói tục tĩu thoải mái cùng những hình ảnh phản cảm của không ít người đẹp chỉ muốn dư luận biết mặt, biết tên. Người này nổi tiếng nhờ tạo scandal, người kia cũng không muốn kém cạnh thế là tung ra đủ chiêu, đủ trò. Hết "khoe thân", "khoe ăn", "khoe ngủ" lại đến chuyện "bóc mẽ", "dìm hàng", "ném đá", "đánh hội đồng"… thật giả lẫn lộn. Đám trẻ mới lớn bị kích thích bởi việc tạo scandal của giới showbiz cũng học đòi việc khoe cơ thể. Không ít cô gái đã chấm dứt cả tương lai tươi đẹp vì mê muội trong giây lát, vì không chịu nổi áp lực của dư luận xã hội. Đau xót hơn, có nữ sinh đã phải từ bỏ cuộc đời vì bị ghép ảnh rồi đăng lên mạng xã hội... Những kẻ giấu mặt trong "xã hội ảo" đã gây ra hậu quả thật. Những hành vi xúc phạm, nhục mạ người khác trên các trang mạng xã hội thật sự rất nghiêm trọng. Nhưng đáng buồn là có quá ít biện pháp để có thể "tự vệ" trước sự tấn công của cái xấu trên mạng xã hội.

Các mạng xã hội không chỉ là phương tiện trút giận của người tiêu dùng mỗi khi gặp chuyện ấm ách mà còn là công cụ hữu hiệu để không ít doanh nghiệp quảng bá sản phẩm một cách "vô đối" và tung ra những đòn "tiểu nhân" để bêu xấu, hạ gục đối thủ cạnh tranh. Toàn bộ kế hoạch tuyển dụng của một hãng taxi đã bị đình trệ sau bài viết phản hồi tiêu cực được đưa lên diễn đàn của một mạng xã hội. Thế nhưng cơ hội cho hãng taxi đối chứng với người đưa tin để "nói cho rõ" là bất khả thi bởi không ai xác định được danh tính người bêu xấu. Gần đây, một số công ty điện tử, điện thoại di động, máy tính đã buộc phải lên tiếng trước việc nhiều diễn đàn, blog tập trung, đả kích các sản phẩm mới của họ. Rồi thị trường sữa cũng xuất hiện tình trạng tương tự khi một công ty bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng diễn đàn dành cho các bà mẹ có con nhỏ để nói xấu, làm sụt giảm lượng bán và thị phần. Chưa kể, có những trang mạng lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để chiếm đoạt tài sản của những người "nhẹ dạ" như trang Muaban24.com.vn. Vấn nạn này đã được giới luật sư, các nhà quản lý doanh nghiệp nêu ra nhưng chưa thể giải quyết tận gốc bởi bất cứ người nào sở hữu một chiếc máy tính nối mạng đều có thể đưa những thông tin bêu xấu cá nhân hay tổ chức để trục lợi hoặc thỏa mãn tư thù. Thiệt hại kinh tế hết sức nghiêm trọng, thế nhưng nạn nhân thường không biết kêu ai, phản hồi thông tin ở đâu khi uy tín của mình bị xâm hại dễ dàng đến như vậy...

Với việc kết nối không biên giới và tính đặc thù của thế giới "ảo", hoạt động của hệ thống mạng xã hội ngày càng phức tạp và tác động ngày càng lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống, gây nguy hại cho sự phát triển ổn định của đất nước. Có những website đăng ký hoạt động dưới dạng trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động dưới hình thức báo điện tử, đăng tải các bài viết có nội dung nhạy cảm. Có một số người đã sử dụng các blog cá nhân đăng tải, truyền bá, phát tán những thông tin sai lệch hoặc lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để phê phán, phản đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Thời gian gần đây, những "blog đen" liên tiếp xuất hiện cho thấy các thế lực thù địch đã và đang biến mạng xã hội trở thành một công cụ đắc lực để tuyên truyền những quan điểm sai trái, khoét sâu, thổi phồng, tung thông tin sai lệch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu niềm tin của nhân dân, phá hoại an ninh, gây bất ổn trong xã hội… Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần có giải pháp quyết liệt. Việc quản lý, sử dụng internet và các mạng xã hội ở nhiều nước Đông Âu và phương Tây đã có những bài học đắt giá khi các "thế lực bóng tối" tận dụng triệt để sức mạnh của "xa lộ thông tin" cho những âm mưu gây rối, phá hoại.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy: Mặt trái của "mạng xã hội" không chỉ là chuyện tiêu tốn thời gian, chuyện giới trẻ phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội hay những phát ngôn tùy tiện, tự do quá trớn, mà nghiêm trọng hơn là những ảnh hưởng tiêu cực gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cho tiến trình phát triển kinh tế, cho việc giữ gìn, bồi đắp nền văn hiến và những giá trị đạo đức Việt Nam. Tuy nhiên, nếu "đóng cửa" mạng xã hội ở Việt Nam như đòi hỏi của một số người để ngăn chặn những độc hại trong đời sống xã hội cũng có nghĩa là từ bỏ những thành tựu khoa học mà internet mang đến cho loài người và đi ngược lại với xu thế phát triển. Mạng xã hội là công nghệ mang tính đột phá mang lại nhiều tiện ích, không phải là kẻ "tội đồ". Do vậy việc tạo ra những hành lang pháp lý để phát huy giá trị tích cực của internet, của mạng xã hội với những ưu điểm vượt trội của nó, đồng thời hạn chế những tiêu cực đối với đời sống, với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước, là hết sức cần thiết. Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng là phù hợp với bối cảnh thực tế. Đã đến lúc Nhà nước cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn những "cơn gió độc".


Để Nghị định 72 của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, vấn đề đặt ra không chỉ là những giải pháp quản trị mạng, quản trị hệ thống hay những giải pháp mang tính kỹ thuật, cốt lõi là việc thể hiện trách nhiệm của các ngành liên quan với từng hành động cụ thể. Nếu các ngành chức năng vẫn triển khai Nghị định theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", nếu cộng đồng không tự điều chỉnh ý thức trách nhiệm khi đăng ảnh, đưa tin…; và nếu không đưa được những "cơn gió lành", những tri thức nhân văn của nhân loại để đẩy lùi những "cơn gió độc" thì chắc chắn "mầm độc" sẽ tiếp tục lây lan và đương nhiên mạng xã hội tiếp tục là vấn nạn xã hội.

Cù Xuân Trường


No comments:

Post a Comment

View My Stats