Sunday, 18 August 2013

LOẠN BÀN VỀ CHUYỆN UYÊN - KHA (Người Buôn Gió)




Chủ nhật, ngày 18 tháng tám năm 2013

Thứ nhất bàn về chuyện mức án. Uyên được giảm từ 6 năm tù giam xuống thành 3 năm tù, cho hưởng án treo. Mức án như thế nói về giảm là đã giảm đến mức tối thiểu. Tại sao không thể dưới 3 năm. Vì luật quy định 1 ngày tù giam bằng 3 ngày tù treo. Khi Uyên đã phải ở tù giam gần 1 năm rồi, thì muốn hợp thức hóa gần 1 năm tù đó người ta phải chọn mức án 3 năm tù treo. Để coi như thêm gần hai tháng nữa, Uyên không còn chịu án tù nào cả.

 Nếu xử Uyên thấp hơn 3 năm tù, thì sẽ kéo theo kiện cáo, đòi hỏi bồi thường vì thiệt hại ngày bị giam. Điều này chẳng khi nào nhà cầm quyền chịu chấp nhận.

Thế còn Kha tại sao lại bị tù giam, trong khi Uyên được án treo.

Trường hợp của Kha thật éo le, Kha vướng án 2 năm trước đó. Theo luật đang vướng án trước thì án sau không thể xử treo. Mà phải cộng cả án trước lẫn án sau thành án tù giam. Người ta tuyên án năm tù theo luật trong sách, nhưng cho tù treo hay tù giam lại do tòa quyết định. Vậy tòa đã quyết định Kha 4 năm tù , tất nhiên Kha không thể  3 năm tù bằng với Uyên được. Vì vai trò đầu vụ phải nặng hơn.

 Nếu không vướng án trước 2 năm vì tội gây thương tích. Có lẽ lần này Đinh Nguyên Kha sẽ hưởng 4 năm án treo,như án treo của Uyên.

( Nhưng biết đâu, người ta cũng tính Kha đã có mức án trước, không thể thoát khỏi tù giam . Cho nên họ chọn vụ Uyên Kha để giảm án, để chỉ phải thả có một người mà không phải thả cả hai. Vừa có tiếng là thả người, vừa vẫn giữ được sự đe dọa cho thanh niên.?)

 Vì sao Uyên được chọn mức án chỉ công bố là gần như vừa vặn hết án luôn.?

Một số quan điểm cho rằng đó là sức ép quốc tế, là sức ép dư luận, là do chuyến đi của ngài A ở đâu đó về. Ngài chỉ định phải làm êm vụ này để lấy uy tín cá nhân ở quê hương và nhân dân, để cho đối tác mà ngài vừa gặp về thấy nước của ngài đã cởi mở và thiện chí trong vấn đề nhân quyền.

Tất nhiên những quan điểm này là có lý, không có sức ép, không có mục đích phục vụ chuyến đi, chả việc gì người cộng sản tử tế bỗng dưng thả người tù ra. Trong khi bản chất của họ xưa nay vẫn muốn trừng phạt càng nặng những người chống đối được nhiều bao nhiêu họ càng hả dạ. Và trong vô vàn sức ép đòi thả bao nhiêu người tù chính trị, phải lựa chọn thì lựa chọn thả một cô gái còn trẻ, sinh viên là đáng hơn cả.

Đáng hơn vì cô bé non nớt không phải là một nhà đấu tranh lão luyện, có chiến hữu, có bạn bè nhiều. Đáng hơn nữa là thả một cô bé như thế dễ lay động lòng người hơn.

Câu chuyện đến đây là hết bàn, lý do thả người, lý do chọn người thả, vì sao mức án của người này khác người kia. Tất cả đã được nhiều cây bút đánh giá, nhận định một cách nghiêm túc, nhiều chiều. Đến mức không còn gì để bàn nữa.

Nhưng nhận định nghiêm túc thì có thể không còn gì bàn. Thế còn chém gió, bàn loạn thì tất nhiên có thể chứ. Bởi bàn luận cho các nhận định thêm phong phú cho dư luận rôm rả. Ta có thể luận sự việc theo một chiều hướng oái ăm nào đó. Chỉ với mục đích giải trí.

Ví dụ ngài X  nổi hứng giải quyết vụ này chẳng hạn.

Biết đâu đấy, ngài X đang đối diện với sự tấn công của Đảng. Đã thế con bé nó nói chống Đảng không phải chống nhà nước, dân tộc. Ngài cho lệnh miễn giam tù luôn.

Ngài X làm vậy, ngầm khiến cho Đảng hiểu rằng. Nếu cứ o ép ngài quá, không những một vụ này, mà còn nhiều vụ khác nữa. Cơ quan an ninh của ngài sẽ chẳng rắn tay bảo vệ cho Đảng nữa đâu. Rồi tới nữa nhóm này, nhóm kia hoạt động nở rộ. Ngài cũng cho quân của mình đứng ngoài ngó lơ.

Nếu Đảng chịu để ngài yên, thì ngay tức khắc ngài sẽ ra quân vãn hồi trật tự. Đưa tất cả những phần tử ý đồ chống Đảng vào trong cũi. Hình như kịch bản này trước đây đã vài lần xảy ra từ khi vụ Vinashin được khui ra..Em gì đó của ngài X  phụ trách an ninh miền Nam ( đó mới là điểm giải thích vì sao an ninh miền Nam xuống tay bạo hơn an ninh miền  Bắc trong các cuộc biểu tình, hay trấn áp bạo lực những nhà đấu tranh dân chủ....vì quyết đoán và thẳng tay  là bản chất  của ngài X ra sao, thì quân bản bộ của ngài cũng theo vậy ). Thường theo lệ ngầm giữa các bộ phận an ninh, nơi nào bắt thì nơi đó xử lý kiêm nhiệm luôn hết.  Cho nên nói bên nào đó can thiệp qua mặt ngài X và em gì gì đó của ngài phụ trách an ninh miền Nam để quyết định vụ Uyên Kha thì  cũng chưa chắc chắn lắm.

Ngài A công du về rồi. Giờ chắc đến lượt ngài X công du, thành quả nhân quyền qua vụ Uyên chắc chắn dư âm ngài X đi công du được hưởng. Hơn nữa cũng đòn báo hiệu với Đảng, đừng ép nhau quá, tớ buông tất ra đấy. Một công đôi việc lợi. Như thế chuyện thả Uyên cũng có thể là X51 chăng.

Vui chả mất gì, thỉnh thoảng cứ đoán bừa. Dạo này mình chỉ chém gió, suy diễn lung tung. Các bác đọc thông cảm đừng nhìn theo khách quan thực tế, cứ nhìn theo dạng phiếm luận cho nó vui.

Được đăng bởi nguoibuongio1972 vào lúc 09:15

No comments:

Post a Comment

View My Stats