Tuesday, 20 August 2013

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁ XIỀNG ? (Kami)




Tue, 08/20/2013 - 08:20 — Kami

Thời gian qua có một tin đang được chú ý và được nhiều người quan tâm, đó là việc luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM kêu gọi các đảng viên CSVN cùng tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một đảng Dân chủ Xã hội. Điều mà theo ông Hồ Ngọc Nhuận, Nguyên Giám đốc chính trị chủ bút nhật báo Tin Sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gọi là "Phá xiềng". Liệu việc làm này của các vị nêu trên có thể "Phá xiềng" được hay không hay phải dùng cách nào khác?

 Cần phải khẳng định lại rằng, để có sự chuyển biến trong thể chế chính trị ở Việt nam thì phải dựa trên vấn đề có áp lực trong nước cũng như của quốc tế. Chỉ khi nào hai nguồn áp lực này đủ mạnh để tạo sức ép cho chính quyền Việt nam thì lúc đó họ sẽ nới lỏng hoặc thay đổi chính sách và ngược lại nếu không có hoặc không có đủ thì đừng bao giờ hy vọng. Do vậy vấn đề thành lập một đảng Dân chủ Xã hội được dư luận chú ý và bàn thảo khá sôi nổi, chưa chắc vì ý tưởng hay hay hợp lý, mà nó được chú ý vì có lẽ nó đánh trúng vào tâm lý khao khát mong mỏi đối với những người quan tâm về vấn đề chính trị ở Việt nam. Nhưng thực ra nó cũng chỉ là một quả mơ chua dành cho người khát nước, điều đó có lẽ sẽ không giải quyết được vấn đề. Trong bối cảnh mà chính trị đối lập hầu như còn bị bỏ trống để mặc đảng CSVN mặc sức tung hoành, thì cái tổ chức mà chúng ta cần là cái tổ chức có thể tạo nên sức mạnh đồng thuận của một tổ chức khác mà nó có khả năng tạo ra áp lực. Đảng chính trị của người Việt hiện nay quá thừa về số lượng, nhưng vì họ chưa biết cách phát huy được hiệu quả của nó.

1. Thành lập đảng Dân chủ Xã hội sẽ được kết quả gì?

Được biết ý tưởng thành lập một đảng Dân chủ Xã hội được ông Lê Hiếu Đằng đưa ra trong một bài viết có tựa đề "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…", mà theo ông Đằng vệc này với mục đích để thúc đẩy dân chủ, xã hội công dân mạnh lên. Đây là một ý tưởng được coi là táo bạo của  luật gia Lê Hiếu Đằng và các cộng sự trong hoàn cảnh chính trị Việt nam được coi là một thể chế chính trị độc đảng. Cho dù theo lời các cộng sự thì chính đảng mới này sẽ không nhằm chống đối Đảng CSVN, mà cùng hợp tác để thúc đẩy "xây dựng dân chủ cho nước Việt Nam. Có thể nói cái được ở đây sẽ là một hy vọng lách luật để tạo một chỗ đứng công khai cho một đảng chính trị, để tạo tiền đề cho vấn đề đa đảng ở Việt nam. Nhưng cái chính là nhằm để gây tiếng vang, cảnh báo đảng CSVN là đã và đang có một lực lượng người cao tuổi sẽ từ bỏ đảng CSVN để thành lập một đảng mới. Suy nghĩ của luật gia Lê Hiếu Đằng và các cộng sự có lẽ là như vậy. 

Được biết đảng Dân chủ Xã hội đã khẳng định sẽ không chống đối Đảng CSVN, mà cùng hợp tác để thúc đẩy xây dựng dân chủ cho đất nước. Và theo như ông Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM Hồ Ngọc Nhuận có nói rằng đảng mới để đối trọng với Đảng CSVN. Từ đó có thể thấy Đảng Dân chủ Xã hội sẽ là một chính đảng với mục đích làm đối trọng nhưng không chống đối. Có lẽ như vậy Đảng Dân chủ Xã hội sẽ chủ trương theo tinh thần phản biện để phát triển và đối lập chứ không đối kháng. Nếu như vậy tôi nghĩ đó là một chủ trương mang tính cải lương và nó (Đảng Dân chủ Xã hội) khó có thể hoàn thành vai trò đối trọng mà ông Lê Hiếu Đằng và các cộng sự mong muốn. Và kết cục của việc làm lần này của Lê Hiếu Đằng và các cộng sự chắc sẽ cũng không khác gì việc ông Hoàng Minh Chính trước đây đã phục hoạt đảng Dân chủ Việt nam, mà ai cũng đã rõ. Trong tương lai gần đảng Dân chủ Xã hội cũng khó có thể tránh khỏi vết xe đổ của đảng Dân chủ Việt nam trước đây mà đỉnh cao là sự đấu tranh của các ông Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung... Trong chính trị một điều tối kỵ là lặp lại các sai lầm của người đi trước.

2. Đảng Dân chủ Xã hội chỉ phát huy tác dụng khi có tiếng nói trong Quốc hội

Điều đó đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ Xã hội phải được thừa nhận để hoạt động một cách công khai và hợp pháp, đây là một việc hết sức khó nếu không muốn nói là không thể trong bối cảnh chính trị Việt nam hiện nay. Bởi vì trong thể chế chính trị nghị trường trên thực tế nói chung cho thấy, một chính đảng không có chỗ đứng trong Quốc hội thì sự tồn tại của những đảng đó sẽ trở nên vô nghĩa. Việc một đảng chính trị hoạt động bất hợp pháp cũng có số phận tương tự nếu như không có các bước đi đúng. Ai cũng biết, trong một xã hội dân chủ đa nguyên thì việc thành lập các chính đảng hay các tổ chức dân sự được nhà nước khuyến khích và còn được ngân sách tai trợ chi phí hoạt động. Ở đó có vô số các tổ chức xã hội, các đảng chính trị hiện diện, nhưng một số chính đảng ít ai biết có sự hiện diện của nó, vì họ không có điều kiện cất lên tiếng nói một cách chính thức. Trường hợp Đảng Dân chủ Xã hội nếu không được công nhận thì có nghĩa vẫn là bất hợp pháp và đương nhiên sẽ không có ghế trong quốc hội thì khả năng làm đối trọng với đảng CSVN sẽ là điều bất khả thi. Khi ấy cho dù họ hoạt động bí mật đi chăng nữa thì nó cũng không phát huy dược tác dụng và khả năng làm đối trọng là hoàn toàn không có.

Có thể coi đây là phép thử đầu tiên trong vấn đề đa nguyên đa đảng đối với đảng CSVN của ông Lê Hiếu Đằng và các cộng sự. Song nó sẽ là bất khả thi, bởi vì việc làm này đã vi phạm một luật bất thành văn vẫn đang tồn tại ở Việt nam, đó là đảng CSVN là một chính đảng duy nhất được coi là hợp pháp và được quyền hoạt động công khai. Cho dù quan điểm của ông Lê Hiếu Đằng lập luận rằng "chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng CSVN chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này""Nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta". Đây có thể coi là một việc dùng lý lẽ trên cơ sơ khoa học pháp lý để tranh luận với luật rừng (luật bất thành văn) và kết quả sẽ nghiêng về kẻ mạnh. Đừng quên vấn đề đa nguyên đa đảng đối với đảng CSVN là một vấn đề sinh tử của đảng CSVN, không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước đã từng khẳng định "Bỏ điều 4 là tự sát!".  Phải hiểu, đảng CSVN chấp nhận đa nguyên, đa đảng cũng có nghĩa là chấp nhận cải cách chính trị, chính vì vậy việc thành lập đảng Dân chủ Xã hội sẽ không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta ngồi chờ để họ (đảng CSVN) ban ơn.

Thực ra lời giải cho vấn đề mà ông Lê Hiếu Đằng và các cộng sự không phải là việc quá khó. Nó phải bắt đầu từ việc tạo áp lực buộc đảng CSVN phải thay đổi thể chế chính trị và chấp nhận đa nguyên đa đảng. Nên nhớ quyền lực còn giá trị lớn hơn tiền bạc và vật chất khác, quyền lực là việc phải tranh giành chứ không phải là vấn đề có thể xin - cho. Quyền lực thì không ai được phép đi xin và xin thì chắc chắn cũng chả ai cho bao giờ. Tư duy của các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận và các cộng sự sai lầm là ở chỗ đó. Kết cục và hậu quả của việc làm này chắc hẳn ai cũng rõ phần thắng thuộc về ai, vậy mà có không ít các nhà lý sự "cùn" cứ khẳng định là pháp luật không cấm thì có quyền làm. Nhưng họ không tự đặt câu hỏi: "Đã biết không có kết quả thì làm để làm gì?" Nó cũng giống như để đi đến đích mà cứ theo cố bám theo lối mòn (tư duy), cho dù biết sẽ rơi xuống vực nhưng cứ cố. Sao họ không chọn một con đường khác, cho dù dài hơn mà chắc chắn sẽ đến đích.

3. Giải pháp nào để phá xiềng?

Câu trả lời cho câu hỏi trên là khi nào hiệu ứng "Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu" được phát huy và có hiệu quả, đây là vấn đề then chốt trong việc tạo áp lực chính trị đối với đảng CSVN. Điều này không chỉ liên quan đến vấn đề đoàn kết là sức mạnh như chúng ta đã biết, mà còn là làm thế nào đề mọi sức mạnh tìm về một mối. Trên thực tế hiện nay, lợi thế của vấn đề đa nguyên đã và đang trở thành trở lực đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam, cũng bởi đa nguyên không được tôn trọng và áp dụng đúng thì nó sẽ phủ định sự thống nhất. Đó chính là lý do vì sao các tổ chức mang màu sắc chính trị của người Việt cả trong và ngoài nước tuy nhiều về số lượng nhưng hầu như tất cả đều không có tiếng nói chung. Nghĩa là không có một ngọn cờ hay một tổ chức mang tính tập hợp với màu sắc một mặt trận đoàn kết dân tộc. Cái mà hiện nay chúng ta thiếu là một tổ chức mang tính chất liên minh, liên kết hay nói các khác là đoàn kết và tập hợp lực lượng. Nên nhớ đây cũng chính là sở trường của ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận và các cộng sự, họ có thừa kinh nghiệm để làm việc này. Nhưng quan trọng là họ có dám làm hay không? Hơn nữa uy tín của họ có được mọi người và mọi tổ chức khác trong và ngoài nước chấp nhận hay không? Chắc là rất khó!

Vì kinh nghiệm ở các quốc gia dân chủ cho thấy, các đảng chính trị có kinh nghiệm muốn hoạt động có hiệu quả và giành thế chủ động thường dùng chiến thuật vận động bằng hai chân. Có nghĩa là việc vận động trong nghị trường là việc của đảng chính trị đảm trách, còn việc vận động ngoài nghị trường hay gọi là chính trị "hè phố" thì do một Mặt trận dưới hình thức một tổ chức quần chúng ủng hộ của đảng đó chịu trách nhiệm. Tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của một bộ chỉ huy chung, với các cá nhân nòng cốt để tiến hành các hoạt động chính trị vì một mục tiêu chung. Ví dụ ở Thái lan hai chính đảng lớn là đảng Vì nước Thái - cầm quyền với lực lượng Áo đỏ và đảng Dân chủ - đối lập với hậu thuẫn là lực lượng Áo vàng. Muốn gây áp lực lên chính phủ, thì đảng đối lập không đủ sức là được do số phiếu vote thấp hơn, nên biện pháp duy nhất là dùng các tổ chức quần chúng của họ gây áp lực dưới nhiều hình thức khác nhau có thể là biểu tình, tẩy chay v.v.... Có nghĩa là một đảng chính trị hợp pháp hay bất hợp pháp vẫn có khả năng thể hiện diện thông qua các tổ chức xã hội làm bình phong cho mình. Việc làm đơn lẻ của các tổ chức khác nhau như ở Việt nam sẽ khó về nhiều mặt. Vậy tại sao các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo không nằm trong vòng cương tỏa của đảng CSVN ở cả trong và ngoài nước (nghĩa là không phải là những tổ chức cánh tay nối dài) lại không liên kết mang tính chiến thuật để xây dựng cho mình một lực lượng hậu thuẫn chung cho mình?

Điều đó cho thấy, thực ra đối trọng với đảng CSVN không nhất thiết chỉ  là một đảng chính trị mới làm được, hơn nữa chỉ là một đảng chính trị như hiện nay ở Việt nam thì chưa có đủ tầm để làm đối thủ của đảng CSVN. Mà chỉ cần là một tổ chức tập hợp quần chúng dưới hình thức mặt trận đòan kết dân tộc kiểu như Măt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt nam ... trước đây. Đây là yếu tố quyết định là điều kiện cần và đủ cho giải pháp chính trị của Việt nam. Tổ chức này sẽ là một Liên minh các tổ chức (đấu tranh) vì tự do và dân chủ của Việt nam, nó là một tổ chức thống nhất tất cả các lực lượng đảng chính trị, các tổ chức xã hội, tôn giáo .v.v... với bao gồm mọi thành phần dân chúng trong và ngoài nước. Với cơ quan lãnh đạo là một Ủy ban Trung ương được một Hội nghị đại biểu của tất cả các lực lượng bầu ra. Khi đó các tổ chức chính trị, xã hội... bên cạnh việc hoạt động theo các chủ trương của mình thì đồng thời phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách của Ủy ban Trung ương đã hoạch định sẵn. Như thế mới có thể có được một tổ chức có tầm cỡ đủ khả năng tạo sức ép và làm đối trọng đối với đảng CSVN. Việc làm này sẽ giảm bớt rủi ro bị khủng bố đối với các đối tượng là thành viên hay ủng hộ viên của Mặt trận này, nó khác với việc là đảng viên của một đảng phái chính trị.

Hiên nay các đảng chính trị của người Việt không thiếu, nếu không gọi là quá nhiều như Việt Tân, Vì dân, Thăng tiến, Dân chủ.... , bên cạnh đó các tổ chức xã hội như Khối 8406, Phong Trào Con đường Việt nam, Mang lưới Nhân quyền, Mang lưới bloggers, Hội dân oan.... cũng không ít (bạn có thể search để tìm hiểu). Nhưng hiệu quả của các tổ chức này hầu như chưa đúng tầm cần phải có cuả nó và đặc biệt chưa có những hành động thống nhất cho một mục tiêu chung. Đó là lý do vì sao chưa có những áp lực cần thiết đối với đảng CSVN và chính quyền. Dẫu biết điều này là hoàn toàn khó, trước hết bởi tính đố kỵ và thiếu cầu thị của các chính trị gia người Việt. Với họ thì ý mình luôn luôn đúng, còn ý người khác thì luôn luôn sai; kể cả khi họ không nắm bắt được thực tế tình hình chính trị xã hội... Đây là trở ngại lớn nhất, nó là nguyên nhân vì sao hàng chục năm phong trào đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Việt nam vẫn dẫm chân tại chỗ, cũng chẳng qua không thể so được đũa để chọn cột cờ cần phải có cho phong trào.

Kết:

Hãy bắt đầu từ việc xóa bỏ mọi mặc cảm vốn có để chụm đầu, chung tay khởi đầu sự nghiệp bằng một bản Dự thảo Hiệp định chính trị của một vài nhân vật tạm có uy tín để làm cơ sở cho các bên tham gia hiệp thương. Chán rồi cái cảnh người nọ trông người kia, tổ chức nọ trông tổ chức kia thì chả bao giờ hy vọng có sự thay đổi chính trị ở Việt nam cả. Có người nói rằng "Đừng có ảo tưởng rằng những kẻ độc tài sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh của nhân dân." Thực tế ở Việt nam nhiều chục năm nay đã chứng minh điều đó. Có nghĩa là không bao giờ được phép hy vọng vào một ngày đẹp trời đảng CSVN sẽ tự thay đổi. Vì tôi được biết đảng CSVN khẳng định sẽ còn tiếp tục duy trì quyền lực thêm 200 năm nữa, sau đó sẽ đi theo mô hình quân chủ lập hiến ở các nước quân chủ hiện nay. Nếu phong trào dân chủ không có các chuyển biến sâu sắc mang tính cách mạng trong nội bộ của mình.

Ngày 20 tháng 08 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA  


No comments:

Post a Comment

View My Stats