Sunday 25 August 2013

ĐIỀU TRA VỀ NÔ LỆ TRẺ EM Ở VIỆT NAM (Marianne Brown - BBC)




Marianne Brown
Viết từ Hà Nội, Việt Nam
Cập nhật: 13:53 GMT - chủ nhật, 25 tháng 8, 2013

Điện Biên là nơi có nhiều trẻ em bị đưa đi làm 'nô lệ' lao động

Năm ngoái ba thiếu niên đã nhảy khỏi cửa sổ từ tầng ba ở thành phố Hồ Chí Minh và chạy bán sống bán chết cho tới khi thấy người giúp.
Lúc đó mới một giờ sáng và họ không biết phải đi đâu.
"Tôi rất sợ là sẽ bị bắt," Hiếu, năm nay 18 tuổi, nhớ lại.
Hiếu, thanh niên không muốn dùng tên thật, nói anh là người dân tộc Khmu.
Anh lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Điện Biên, một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam, giáp ranh với Trung Quốc.
Năm lên 16, anh làm nghề đúc than gạch trong làng khi có phụ nữ tới mời đi học nghề.
"Bố mẹ tôi rất vui vì tôi có thể đi kiếm tiền," anh nói.
Anh và 11 thiếu niên cùng làng khác đã được chở bằng xe buýt vượt qua chặng đường 2.100 km vào thành phố Hồ Chí Minh.
Trong hai năm sau đó, họ bị khóa trái trong căn phòng chật hẹp và phải may quần áo không lương cho một công ty may nhỏ.
"Chúng tôi bắt đầu từ sáu giờ sáng và kết thúc lúc nửa đêm," anh nói. "Nếu chúng tôi may có lỗi, họ sẽ dùng roi đánh."

Mại dâm, ăn xin và xưởng may

Hiếu là một trong số 230 nạn nhân của tệ buôn trẻ em mà Quỹ Trẻ em Blue Dragon ở Việt Nam đã giải cứu từ năm 2005.
Quỹ cứu giúp trẻ em bị buộc phải làm đủ việc từ mại dâm tới ăn xin nhưng trong năm ngoái hơn 25% trẻ em được giải cứ từ các xưởng may ở thành phố Hồ Chí Minh.

Điều kiện làm việc tại các xưởng may thường khắc nghiệt

Điều kiện làm việc thường rất khắc nghiệt.
"Năm ngoái chúng tôi đột nhập vào một xưởng may. Tôi thấy 14 người ăn, ngủ và làm việc trong một phòng nhỏ với nhiều máy may," luật sư Tạ Ngọc Vân của Blue Dragon kể lại.
"Chủ xưởng chỉ cho họ đi vào nhà tắm tám phút mỗi ngày, bao gồm cả đánh răng, rửa ráy và đi vệ sinh."
Em nhỏ nhất 11 tuổi và hầu hết đều là người dân tộc thiểu số.
"Họ bắt trẻ em từ miền trung và miền bắc vì nghĩ rằng các em không thể trốn được," ông Michael Brosowski, người đồng sáng lập Blue Dragon cùng luật sư Vân nói.
"Nếu họ bắt trẻ em ở gần đó, các em có thể bỏ đi hoặc tìm về nhà."
Ông Brosowski tin rằng những kẻ buôn người nhắm tới những vùng hẻo lánh như Điện Biên vì người dân tại những nơi đó không ý thức được về nguy cơ buôn người.

Các băng đảng thường tới gặp quan chức địa phương và đề nghị dạy nghề cho trẻ em của những gia đình nghèo nhất.
Một số làng mà Blue Dragon tới thăm cũng có hàng chục trẻ em mất tích.
Các phụ huynh và quan chức địa phương chỉ ý thức được vấn đề khi xem ảnh chụp từ các vụ đột nhập những nhà máy may của Blue Dragon.
"Khi biết con cái mình đang bị bóc lột sức lao động, họ muốn đón con về," ông Brosowski nói.
Người đồng sáng lập Quỹ Blue Dragon tin rằng vấn đề ngày càng trầm trọng vì nó sinh lời tới mức những kẻ khác trong các đường dây buôn người cũng muốn 'chia phần'.
Nó cũng phản ánh trào lưu người nghèo ở nông thôn ra thành phố kiếm việc làm ở Việt Nam nói chung.
Ông Brosowski không cho rằng các sản phẩm may mặc mà các thiếu niên bị buộc phải sản xuất được đem đi xuất khẩu dù ông không thể khẳng định hoàn toàn như vậy.

'Hàng chục ngàn trẻ em và người lớn'

Xử lý tệ buôn người đã nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay và nước này từng được khen ngợi vì số vụ xử liên quan tới các băng đảng ở nước ngoài.

Có ước tính cho thấy hàng chục ngàn trẻ em và người lớn bị buôn ở trong nước

Theo các số liệu chính thức, khoảng 7.000 người trong đó 80% là phụ nữ và trẻ em, là nạn nhân của tình trạng buôn người ở trong nước và ra nước ngoài.
Các chuyên gia độc lập nói con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trẻ em được đưa từ mọi vùng tới làm việc ở các nhà thổ tại Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Âu.
Chính sách một con ở Trung Quốc cũng làm nảy sinh nhu cầu có các bé trai, vốn chủ yếu được đám ứng bởi các bà mẹ Việt Nam bán con, nhưng cũng có những trường hợp các cô gái Việt Nam bị đưa sang Trung Quốc để sinh con cho họ.
Đàn ông và nam thanh niên cũng bị đưa sang Anh để trông coi cần sa.
Số liệu của chính phủ không phân biệt buôn người trong nước và quốc tế nhưng tầm vóc của vấn đề trong nước mới vừa lộ ra.
"Vào bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng hàng chục ngàn trẻ em và người lớn ở trong cảnh ngộ do buôn người dẫn tới [ở trong Việt Nam]," theo một chuyên gia muốn ẩn danh.
Ước tính này cũng được những người làm việc cho các tổ chức có chuyên môn về tệ buôn người đồng tình nhưng họ cũng không muốn xuất hiện công khai.

Luật lệ rối rắm

Phần lớn của vấn đề nằm ở tình trạng pháp lý của các nạn nhân buôn người, theo lời ông Florian Forster, người đứng đầu Văn phòng Di trú Quốc tế IOM ở Việt Nam.
"Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người trong nước mới chỉ được chính thức công nhận kể từ năm 2011.
"Cần có thời gian để thực thi luật và để chính phủ công bố luật mới," ông nói.
Luật mới đã có hiệu lực từ tháng Một năm ngoái những cho tới giờ vẫn chưa có hướng dẫn thực thi luật.
Ông nói các chi tiết vẫn đang được "cân nhắc" và cũng còn cần có đào tạo.
Trong khi đó hầu hết các vụ buôn lao động trong nước thường không được coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính, chẳng hạn giữ người trái phép hay sử dụng vũ khí, theo bà Vũ Thị Thu Phương từ Dự án liên các tổ chức Liên Hiệp Quốc về phòng chống buôn người UNIAP.

Chủ nhà máy giam cầm Hiếu bị phạt 500 đô là và nhà máy bị đóng cửa nhưng ông không phải ra tòa.
Trong khi chính quyền còn đang quyết định sẽ trừng phạt những kẻ buôn người trong nước thế nào thì cũng đang có tranh luận về mức độ trầm trọng của vấn đề, một phần vì có những trẻ em được trả lương.
"Chúng tôi cũng gặp những em được trả từ 50-100 đô la một năm," ông Brosowski nói.
"Các em phải làm việc 18 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần và số tiền đó thật đãi bôi.

Việt Nam thường chỉ phạt hành chính chủ lao động giam giữ trẻ em

"Không ai nghi ngờ rằng chuyện các em gái bị đưa sang các nhà thổ ở Trung Quốc là nghiêm trọng.
"Nhưng về mặt văn hóa người ta vẫn bàn bạc về chuyện liệu có phải là điều tồi tệ đến thế không khi trẻ em của một gia đình nghèo, thiếu ăn, phải bỏ học và nay đi làm ở xưởng may."
Ít nhất đối với Hiếu, cảnh rùng rợn ở trại lao động đã lùi vào dĩ vãng.
Anh quyết định không trở lại Điện Biên và Blue Dragon đang giúp anh trở thành thợ cơ khí ở Hà Nội.
"Tôi hy vọng cuộc sống của tôi sẽ khá lên và tôi có thể giúp gia đình," anh nói.



No comments:

Post a Comment

View My Stats