Sunday, 11 August 2013

HỢP TẤC AN NINH MỸ - VIỆT : TUẦN TỰ TIẾN (Sadhavi Chauhan - Euro Asia Review)




Sadhavi Chauhan
Euro Asia Review  | Ngày 9/8/2013

Bản dịch của Lê Anh Hùng   (Defend the Defenders)

Chuyến công du Washington của Chủ tịch Trương Tấn Sang ngày 24.7 vừa qua là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Việt Nam tới Hoa Kỳ, và là chuyến thăm thứ hai của một nguyên thủ Việt Nam tới Nhà Trắng kể từ khi hai nước cựu thù khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1995. Trong 17 năm qua, công cuộc hợp tác giữa hai nước từng bước phát triển và chuyến thăm tháng qua đã chứng kiến việc ký kết hiệp định đối tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Đáng chú ý là mặc dù hiệp định kêu gọi tăng cường quan hệ song phương về quốc phòng và an ninh, song các chủ đề bàn thảo lại chỉ đơn thuần là lặp lại những nỗ lực song phương đang diễn ra, thể hiện thái độ thận trọng của cả hai bên. Bài viết này sẽ xem xét phạm vi hợp tác an ninh hiện tại và tương lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong bối cảnh động lực an ninh không ngừng biến chuyển trong khu vực. Trong khi nhấn mạnh lợi ích an ninh chung của cả hai nước ở khu vực, bài viết cũng sẽ nêu bật những nhân tố đang cản trở mối quan hệ an ninh sâu sắc hơn giữa giữa hai bên.

Những diễn biến gần đây

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Chủ tịch Sang ngày 25.7, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố là sự “tiến bộ từng bước một” trong mối quan hệ “đã cho phép chúng ta giờ đây loan báo về mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Điều này sẽ cho phép sự hợp tác còn lớn hơn nữa trên một loạt chủ đề từ hợp tác thương mại cho đến quân sự”. Ông đang ám chỉ đến bản chất tuần tự tiến của quá trình bình thường hoá quan hệ an ninh Mỹ-Việt sau khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao.

Quyết tâm chung của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh song phương đã được minh hoạ qua bản tuyên bố chung, được công bố sau cuộc gặp tại Phòng Bầu dục.[1] Đặc biệt, một Biển Đông bất ổn được thừa nhận là mối quan ngại lớn đối với cả hai nước và hai bên đã nhấn mạnh một giải pháp “hoà bình” cho những tranh chấp trong khu vực. Mặc dù không có sự đề cập trực tiếp nào đến Trung Quốc, song những lời kêu gọi về “…việc giải quyết các tranh chấp [trên Biển Đông] thông qua các biện pháp ôn hoà phù hợp với luật quốc tế, kể cả những quy định trong Công ước LQH về Luật Biển (UNCLOS)” đã thể hiện mối quan ngại trước một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trong khu vực.

Hồi đầu tháng Sáu, lời kêu gọi tương tự về việc tìm kiếm một giải pháp pháp lý mà quốc tế thừa nhận cho những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Martin Dempsey, khi ông chào đón Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, tới Washington. Với sự tháp tùng của Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội, cũng như các sỹ quan cao cấp khác, đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tới Lầu Năm Góc. Một điểm hết sức quan trọng của chuyến đi này là chuyến thăm chóng vánh của Phái đoàn Quân sự Cao cấp Việt Nam đến tổng hành dinh Quân đoàn Lục quân số 1 của Mỹ, đơn vị được giao nhiệm vụ hoạt động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, như một phần của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, chính chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới Vịnh Cam Ranh và Hà Nội cuối tháng Sáu năm ngoái đã mở đường cho các chuyến thăm lịch sử nói trên. Chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, điều đó đã nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quân sự Mỹ-Việt trong khu vực. Trong chuyến thăm, Panetta đã được dẫn lời khi phát biểu, “…sẽ đặc biệt quan trọng nếu chúng ta có thể hợp tác với những đối tác như Việt Nam, có thể sử dụng những hải cảng như thế này khi chúng ta di chuyển các con tàu của mình từ các hải cảng ở Bờ Tây đến các hải cảng hay nơi đồn trú ở đây, trong khu vực Thái Bình Dương”.

Những nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác an ninh

Mặc dù Hoa Kỳ không trực tiếp dính dáng gì đến các vụ tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở Châu Á – Thái Bình Dương, song họ lại là một “cường quốc thường trực ở Thái Bình Dương”, như khẳng định của Phó Tổng thống Joe Biden. Thật dễ hiểu khi sự ổn định ở khu vực là mối quan tâm an ninh hàng đầu của Mỹ. Giải thích về điều này, Kurt M Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, đã nói trong một bài phát biểu ở Thượng viện năm ngoái rằng “…cơn bùng phát tranh chấp gần đây ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản đang tạo ra những hiệu ứng trên khắp khu vực, đe doạ gây ra những bất ổn có thể làm xói mòn lợi ích của Mỹ”.

Với mục tiêu chính ở Châu Á – Thái Bình Dương là tránh và giải quyết những xung đột khu vực, Hoa Kỳ đã từ chối đứng về một bên trong các vụ tranh chấp lãnh thổ cụ thể. Phó Tổng thống Biden đã mô tả chính sách của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương là củng cố đồng minh, thắt chặt các mối quan hệ đối tác an ninh và đầu tư như chưa từng bao giờ vào các thiết chế khu vực nhằm xử lý các vụ tranh chấp một cách hoà bình. Trước một Trung Quốc hung hãn và ở thế đối đầu, một Trung Quốc đang đặt ra những yêu sách lớn nhất so với bất kỳ bên tranh chấp nào ở Biển Đông và vạch bản đồ của mình với yêu sách đường chữ lưỡi bò chín đoạn bao trùm phần lớn vùng biển thì việc Hoa Kỳ tìm kiếm các đồng minh khu vực hòng đối trọng với kẻ bắt nạt đang trỗi dậy này quả không cần nhiều lời giải thích.
Đặc biệt, Việt Nam đã cho thấy là một đối tác then chốt trong chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.[2] Theo Carlyle Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á ở Đại học New South Wales, Việt Nam liên tục tìm kiếm sự can dự nhiều hơn của Mỹ vào cuộc tranh chấp trên Biển Đông thông qua các diễn đàn đa phương ở khu vực.[3]

Giải thích lý do của Việt Nam đằng sau việc quốc tế hoá vấn đề, và đặc biệt là sự hợp tác của họ với Hoa Kỳ, TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành của tổ chức bảo vệ các quyền dân sự Boat People SOS (tiểu bang Virginia), viết: “Một điều đang thực sự đóng vai trò xúc tác hiện nay là sự hung hãn thường trực [đề cập đến Biển Đông] từ phương Bắc, tức là, từ Trung Quốc… Việt Nam không thể chống lại sự hung hãn ấy một mình… Họ phải đưa ra một quyết định – hoặc là hợp tác với Hoa Kỳ và các nước ASEAN khác để hình thành nên một mặt trận chung nhằm đẩy lùi sự hung hãn đó, hoặc là tiếp tục đồng hành với Trung Quốc.”[4]

Quyết định của Việt Nam ở đây đã trở nên rõ ràng qua nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI – mô tả một sự can dự chủ động với thế giới như một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội để tăng cường năng lực quốc phòng. Mặc dù những người theo đường lối cứng rắn trong ban lãnh đạo Đảng CSVN vẫn nổi tiếng vì sự gắn bó về ý thức hệ với Trung Quốc, số vụ phản đối Trung Quốc không ngừng tăng lên ở Việt Nam lại phản ảnh tai tiếng ngày càng tệ hại của Trung Quốc. Đáng chú ý là vài tháng gần đây đã chứng kiến sự đàn áp mạnh tay mà chính quyền Việt Nam nhằm vào các cuộc biểu tình như thế. Tuy nhiên, Reuters lại đưa tin rằng điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi thực tế là các cuộc biểu tình này đã trở thành một nguồn phản đối trong nước đối với nhà nước chứ không phải bởi bản chất chống Trung Quốc của chúng.

Những giới hạn của việc thắt chặt hợp tác an ninh

Bất chấp mối quan hệ an ninh tăng cường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, điều quan trọng là cần lưu ý rằng chuyến công du mới đây của Chủ tịch Sang tới Washington đã kết thúc trong một cuộc đối thoại toàn diện thay vì một cuộc đối thoại chiến lược song phương như nhiều đồn đoán trước đó. Giải thích về sự khác nhau giữa mối quan hệ đối tác chiến lược và mối quan hệ đối tác toàn diện, Carlyle Thayer nói rằng các nước vẫn ký kết hiệp định đối tác chiến lược với những nước được xem là quan trọng cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia.[5] Những diễn biến gần đây còn thiếu chuẩn mực thiết yếu đó và xác lập nên bản chất đang tiến triển của mối quan hệ Mỹ-Việt. Vấn đề chính yếu ở đây là chúng cũng nêu bật những giới hạn then chốt, giúp xác lập phạm vi hợp tác an ninh song phương trong tương lai gần.
Đầu tiên, mặc dù là mối quan ngại an ninh chung của hai nước, Bắc Kinh vẫn là một đối tác kinh tế chủ chốt của Hà Nội và Washington. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam.[6] Vì thế, điều dễ hiểu là cả hai đều tỏ ra thận trọng khi thực hiện một bước đi có thể khiến Trung Quốc thù địch.

Thứ hai, chế độ chính trị hiện thời ở Việt Nam lại tương đồng về ý thức hệ với Bắc Kinh. Lê Chí Dũng (Bộ Ngoại giao Việt Nam, đảng viên ĐCS) được dẫn lời khi phát biểu: “Chủ nghĩa dân tộc phát triển từ Khổng giáo.” Hai nước cũng tham gia vào một cuộc hội thảo giữa hai đảng cộng sản nhằm thổi luồng sinh khí mới cho cam kết vì chủ nghĩa xã hội của họ và thúc đẩy tình hữu nghị.

Thứ ba, một bộ phận người Mỹ vẫn phản đối mạnh mẽ việc tăng cường hợp tác với Việt Nam vì thành tích nhân quyền nghèo nàn của Hà Nội. Scott Flipse, Phó Giám đốc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ gần đây đã mô tả Việt Nam là quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất ở Đông Nam Á.[7]

Thứ tư, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ một lịch sử quan hệ ngoại giao căng thẳng.[8] Lịch sử thăng trầm của họ không phải là tâm điểm trong mối quan hệ hiện nay giữa hai bên. Tuy vậy, vấn đề POW/MIA (tù binh chiến tranh / mất tích trong chiến đấu) vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chính phủ Mỹ với Việt Nam, trước mức độ nhạy cảm của vấn đề đối với dư luận trong nước. Tương tự, những người Việt Nam bảo thủ vẫn tiếp tục ngờ vực rằng mục tiêu lâu dài của Mỹ là làm suy yếu độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN.[9]

Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông cũng như sự quyết đoán ngày một tăng của họ trong việc theo đuổi chúng đã dẫn đến sự tương đồng ngày càng tăng của lợi ích chiến lược Mỹ-Việt. Việt Nam có thể sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, song điều này có thể diễn ra với nhịp độ tuần tự. Việc nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam khác nhau đề cập đến “sự tôn trọng lẫn nhau” và “chủ quyền” đã chứng tỏ rằng mặc dù Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ song họ sẽ không liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc.

Trên thực tế, chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Washington đã xác lập nên khuôn khổ hợp tác trong những vấn đề an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, điều sẽ không phát tín hiệu nguy hiểm đến Bắc Kinh. Vấn đề quan trọng là cuộc gặp đã tránh những đặc điểm mang nhiều màu sắc quân phiệt của chủ đề an ninh quốc gia. Để kết thúc, mặc dù cuộc gặp gần đây giữa hai nhà lãnh đạo đã tạo ra một khuôn khổ đối thoại chính trị và ngoại giao cấp bộ trưởng,[10] song người ta vẫn còn phải chờ xem cả Washington lẫn Hà Nội sẽ xử lý những giới hạn của họ và thực hiện bước đi tiếp theo để xác lập một hiệp ước an ninh song phương toàn diện như thế nào.

(Tác giả là một thành viên chưa đầy đủ của Observer Research Foundation, Delhi.) 


[1] Kêu gọi tăng cường hợp tác về những vấn đề an ninh phi truyền thống, bản tuyên bố chúng đã chứng kiến một thoả thuận giữa hai nhà lãnh đạo nhằm hợp tác trong nỗ lực chống khủng bố, an ninh hàng hải, nỗ lực bài trừ tội phạm xuyên quốc gia và nhằm xử lý tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng.
[2] Mark E. Manyin, “US-Vietnam Relations in 2013: Current Issues and Implications for U.S. Policy,” 26 July 2013, Congressional Research Service, Pp. 2, xem tại đây: http://www.fas.org/sgp/crs/row/R40208.pdf
[3] Năm 2010, Việt Nam đã sử dụng vai trò Chủ tịch ASEAN để tích cực thúc giục Hoa Kỳ chủ động hơn trong những vấn đề an ninh hàng hải tác động đến Biển Đông. Trích dẫn trong: Carlyle Thayer, “Vietnam and the US: Convergence but not Congruence”, 13/2/2013; xem tại đây: http://www.isn.ethz.ch/Digital-Library/Articles/Special-Feature/Detail/?lng=en&id=159647&contextid774=159647&contextid775=159646&tabid=145 3526659
[4] Natalie Liu, “Vietnamese President Seeks New Relationship With US”, Voice of America, 25 July 2013; xem tại đây: http://m.voanews.com/a/1709661.html
[5] Carlyle A Thayer, “Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt: Đằng sau cái tên là gì?” The U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership: What’s in a Name?”, 26/7/2013; xem tại đây: http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/08/03/quan-he-doi-tac-toan-dien-my-viet-dang-sau-mot-cai-ten-la-gi/
[6] Wayne M. Morrison, “China-U.S. Trade Issues”, Congressional research Service, Summary, xem tại đây: http://www.fas.org/sgp/crs/row/RL33536.pdf
[7] ParameswaranPonnudurai, “Vietnamese President Highlights ‘Differences’ Over Human Rights”, Radio Free Asia, 25 July, 2013; xem tại đây: http://www.rfa.org/english/news/vietnam/rights-07252013161937.html
[8] Mười bảy năm trước, quan hệ song phương Mỹ-Việt đã lâm vào bế tắc trước những chủ đề bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Việt Nam còn tồn đọng: giải trình đầy đủ về vấn đề POW/MIA, người Việt tị nạn, và yêu cầu của Việt Nam là Hoa Kỳ phải giải quyết những vết thương chiến tranh và chấm dứt ủng hộ những đối tượng chống cộng lưu vong đang tìm cách lật đổ chính quyền Hà Nội.
[9] Mark E. Manyin (2013), Summary, xem ở đây: http://www.fas.org/sgp/crs/row/R40208.pdf
[10] Carlyle A Thayer, “Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt: Đằng sau cái tên là gì?” The U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership: What’s in a Name?”, 26/7/2013; xem tại đây: http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/08/03/quan-he-doi-tac-toan-dien-my-viet-dang-sau-mot-cai-ten-la-gi/

Nguồn: Euro Asia Review


No comments:

Post a Comment

View My Stats