Monday, 19 August 2013

HOA KỲ - TRĂM TUỔI CÒN XUÂN (Nguyễn Xuân Nghĩa)




Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, August 19, 2013 6:20:38 PM

Năm năm sau khủng hoảng, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế...

Chúng ta có nhiều cách nhìn về sự chuyển động kinh tế. Trong ngắn hạn thì có thời sự với tầm khuếch đại của kính hiển vi để hiểu tại sao. Kết quả có thể là bài bình luận. Trong dài hạn, như qua một viễn vọng kính để thấy tương quan nhân quả của từng biến động của một bối cảnh rộng lớn, thì có thể dự đoán được hậu quả về dài. Kết quả kiểm nghiệm có thể là pho sách - khó nhá hơn một bài bình luận.

Trong khung cảnh của một xã hội đầy thông tin dồn dập, người Mỹ dễ ngã theo lời bình luận, như múc vào tô mì ăn liền. Chứ đọc nguyên cuốn sách, nhiều cuốn sách, thì mất thời giờ. Lại khó giải thích trên truyền hình bằng vài câu dễ hiểu... Vì vậy, chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi cách diễn giải, tường thuật, gọi là “narrative”, mà cứ tưởng rằng đấy là sự thật.

Bây giờ, xin mở kính hiển vi nhìn vào những chuyển động của năm năm qua.

***

Kinh tế Hoa Kỳ tích lũy nợ nần từ ba chục năm, muốn hiểu vì sao thì ta cần viễn vọng kính. Thị trường địa ốc tăng giá vùn vụt trong năm năm, 2002-2006, khi trái bóng bắt đầu xì, hiệu ứng thịnh vượng nhờ giá nhà tăng vọt, bị suy giảm. Người ta bèn bơm tiền và hạ lãi suất để kích thích kinh tế và gây hậu quả là khủng hoảng tài chánh từ đầu năm 2008. Vì tin vào cách tường thuật ngắn hạn khi thấy màn ảnh đỏ lòe, dư luận hốt hoảng và chính trường tranh luận về việc cấp cứu các tổ hợp lâm nạn. Khi các đại gia như Lehman Brothers, Fannie Mae, Freddie Mac và AIG đều sụp, mọi người đều có thể tin là tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ tới kỳ lụn bại, nguy kịch nhất kể từ Tổng Khủng Hoảng 1929-1933.

Ðấy là thời của các chính khách khoác áo cứu tinh, Barack Obama là một điển hình mà không duy nhất, để kéo Hoa Kỳ ra khỏi bờ vực, cũng lại bằng tăng chi....

Xin nhớ lại các cuộc đấu võ về ngân sách năm 2010, về “bờ vực thuế khóa” fiscal cliff năm 2011 hay biện pháp giảm chi gọi là “sequestration” sẽ tự động áp dụng khiến kinh tế bị suy trầm... Thế rồi như có phép lạ, mọi chuyện đều tan biến. Thị trường cổ phiếu lấy lại đỉnh cao, giá nhà hết sụt mà tăng, thất nghiệp giảm dần. Trong khối kinh tế hậu công nghiệp, Hoa Kỳ vẫn mạnh nhất với sáng kiến mới lạ cho một hình thái kinh tế khác!

Trong khi đó, nếu liếc ra ngoài, kinh tế thế giới lại chẳng được như vậy. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản mà chưa thể chôn sống chủ nghĩa tư bản Mỹ và lại đến hồi co cụm, y như các nước đang lên trong nhóm B.R.I.C. (Brazil, Nga, Ấn, Tầu)...

Chúng ta hãy quên kính hiển vi ở đó mà dùng khí cụ khác để nhìn xa hơn và rộng hơn... Ðấy là lúc nhìn lại Hoa Kỳ trăm năm, trong bối cảnh quốc tế.

***

Trăm năm trước, Hoa Kỳ vừa kết thúc 150 năm cường thịnh của đế quốc Anh để thành cường quốc kinh tế số một, trước khi thế giới trôi vào Thế Chiến I năm 1914. Sau đó chưa đầy một thế hệ, nước Mỹ bị chấn động vì vụ Tổng Khủng Hoảng 1929-1933 với hậu quả gián tiếp là Thế Chiến II và trực tiếp là sự hoài nghi về tương lai của chủ nghĩa tư bản đi cùng niềm tin về chánh sách kinh tế bao cấp... Hình như là Karl Marx có lý!

Nhưng sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ vẫn nguyên vẹn, còn giàu mạnh hơn trước.

Ðệ nhất siêu cường kinh tế và quân sự đã hỗ trợ các nước cùng áp dụng quy luật thị trường để tái thiết Âu Châu và phát triển Châu Á. Gần nửa thế kỷ Chiến Tranh Lạnh - nghẹt thở với võ khí tuyệt đối là bom nguyên tử - và tin tức hay diễn giải dồn dập về chiến tranh và xung đột khiến người ta có thể quên rằng Hoa Kỳ đã nâng cao lằn ranh của sự thịnh vượng.

Và đứng trên tuyến đầu của lằn ranh đó.

Khi ấy, từ sau 1945, nhiều quốc gia bị tàn phá hay còn chậm tiến lần lượt vận dụng tự do kinh tế và kinh nghiệm Âu-Mỹ để chinh phục sự thịnh vượng. Họ khỏi tốn tiền phát minh ra lề lối tổ chức sản xuất và kinh doanh đã có sẵn: các hãng xưởng sản xuất dây chuyền, loại công ty nặc danh hay trách nhiệm hữu hạn, trong cơ chế bảo vệ quyền tư hữu và mậu dịch tự do, v.v... là những gì được Hoa Kỳ bày ra và cải tiến sau mỗi đợt “khủng hoảng”.

Nhờ vậy mà khi nước Mỹ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 3% một năm, các nước đi sau đã có bước nhảy vọt vĩ đại gấp ba.

Nhật Bản rồi Nam Hàn, Ðài Loan, các nước Ðông Nam Á, tới Trung Quốc và Ấn Ðộ hay các nước Nam Mỹ đều có đà tăng trưởng 8-9%, từ các thập niên 1950, 1960, 1970, 1980, 1990, v.v.... Không mất tiền tìm ra bánh xe, các nước đi sau có thể tống ga vượt Mỹ mà khỏi chớp đèn.

Nếu có lấy lại kính hiển vi thì người ta thấy ra một sự thật bán phần, một phần sự thật.

Thí dụ như 30 năm trước, Samsung của Ðại Hàn đã mua về lò vi ba (microwave) của GE để banh ra học hỏi và chế tạo đến độ qua mặt và đánh bại phân cục microwave của sư phụ. Ngày nay Samsung còn làm Apple lúng túng với những smart phone mới!

Sông Trường giang, sóng sau dồn sóng trước? Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.

Cầm lại viễn vọng kính để nhìn xa và rộng hơn, người ta thấy ra một sự thể khác. Kinh tế từng nước có thể đạt mức tăng trưởng 8-9% một năm trong vài chục năm liền, so với quá khứ của họ thì quả là có giàu hơn. Nhưng sự giàu có này cần được gia trọng bởi nhiều yếu tố khác. Thí dụ như dân số đông có thể nâng Tổng sản lượng GDP một cách tương đối. Nếu tính bằng sức mua của đồng bạc ở từng nước thì ta có con số khác. Nếu lại tính theo dân trí hay năng suất từng người, ta có lợi tức trung bình của một người dân. Là GDP theo cách tính bằng tỷ giá mãi lực PPP chia cho dân số.

Và nếu so sánh loại dữ kiện đó của Hoa Kỳ với các nước đi sau, chúng ta thấy ra sự thể là từ sáu chục năm qua, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu. Các nước Âu Châu rồi Nhật đã tăng vọt và lên tới mức tiếp cận với - mà không thể vượt - Hoa Kỳ. Trong nhóm “tân hưng” mới nổi về sau, chỉ có Nam Hàn là tiếp giáp nổi và gần bằng Nhật Bản, chứ chưa qua mặt nước Mỹ. Lẹt đẹt ở dưới là trường hợp của Trung Quốc, hay Ấn Ðộ.

Ghi lại cho dễ nhớ, sau sáu thập niên, một năm một người Mỹ sản xuất ra khoảng 45 ngàn đô la, của dân Âu Châu tiên tiến và Nhật Bản thì từ 30 đến 35 ngàn, dân Nam Hàn thì được gần 30. Dân Trung Quốc được cỡ một phần ba của dân Ðại Hàn, lạc quan xính xái thì cho là kiếm được 10 ngàn đồng...
Tài năng có vậy mà thôi, và nay lại ôi thôi nước lã ra sông!

***

Nhưng kinh tế cũng là chính trị. Cái siêu hạng của Hoa Kỳ nằm ở nơi khác.

Ở khả năng đáng trống la làng. Dân Mỹ xanh xao thời Tổng Khủng Hoảng nên chạy theo F.D.Roosevelt, rồi mở lòng lân tuất với chế độ cưu mang xã hội thời L.B.Johnson, và vật vã với Jimmy Carter về tương lai u ám vì nạn lạm phát và hết dầu. Vài chục năm sau lại có Obama và “hội chứng Obamê,” với “đổi thay và hy vọng” khi cả thế giới nói đến sự suy tàn của nước Mỹ...

Nhưng trong khi các thầy bàn luận giải về sự thoái trào, cãi nhau chí chóe và bỏ phiếu lung tung, nước Mỹ thâm sâu vẫn tìm ra giải pháp khác và cái trớn khác. Khi phép lạ cứ thường xuyên xảy ra như vậy, chẳng ai coi là điều kỳ diệu nữa! Vì vậy, nếu trong vài tháng tới, nếu có thấy bùng nổ cuộc tranh luận về lãi suất tăng vọt, xin cứ điềm điềm.

Cậu thanh niên trăm tuổi này vẫn còn xuân. Còn dân Tầu thì chưa giàu đã già.

Lời cuối cho vui: Tuần này họ còn theo dõi vụ xử án lãnh tụ Bạc Hy Lai, kẻ đề xướng “mẫu mực Trùng Khánh” để cứu nguy Trung Quốc. Họ Bạc sẽ gặp một nhân chứng tai ác là bà vợ. Từ trong tù, nàng Cốc Khai Lai có thể phản thùng và cho chồng vào tù để cứu lấy đứa con trai, là cậu ấm Bạc Qua Qua.

May quá, cậu ta đang hồn nhiên sống bên Mỹ... Nếu thấy Tiểu Bạc lại giao du với các cậu ấm cô chiêu của Hà Nội trong nền tư bản tàn tạ của Hoa Kỳ thì ta đừng ngạc nhiên.

Nước Mỹ quái đản!


No comments:

Post a Comment

View My Stats