Friday, 9 August 2013

HỒ SƠ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM LÀM NGUỘI LẠNH QUAN HỆ VỚI HOA KỲ (James Hookway - Wall Street Journal)





Bản dịch của Lê Thiên Hà  (Defend the Defenders)

Hoa Kỳ từ chối dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho đến khi nhận thấy “tiến bộ về nhân quyền”

WSJ | 8.8.2013 – Nỗ lực của Việt Nam hòng bóp nghẹt Internet và trừng phạt những người bất đồng chính kiến trong nước đang gây trở ngại cho việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, qua việc Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cảnh báo rằng môi trường nhân quyền ở đất nước cộng sản này cần cải thiện trước khi Washington đồng ý giở bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Quốc gia Đông Nam Á này dường như đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực hòng thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng tháng qua giữa lúc xuất hiện một cơn bùng nổ đầu tư mới vào Việt Nam của các công ty Mỹ, trong đó có sự kiện khai trương cửa hiệu Starbucks đầu tiên ở đây và việc McDonald’s loan báo rằng họ đang đưa thương vụ nhượng quyền kinh doanh vào Việt Nam. Trước cuộc gặp ở Nhà Trắng, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ giở bỏ lệnh cấm bán vũ khí, điều mà Việt Nam xem là một cách để bình thường hoá hơn nữa mối quan hệ giữa hai cựu thù chiến tranh và thúc đẩy hợp tác quân sự.

Mặc dù vậy, Hoa Kỳ lại chưa sẵn sàng bỏ lệnh cấm vận, bất chấp mong muốn của chính quyền Obama là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam như một đồng minh hữu ích mới trong chính sách đối ngoại lớn hơn của họ là tái cân bằng sang Châu Á.

“Phía Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm tới việc giở bỏ hạn chế kia, và chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc đề nghị ấy”, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear nói trong bài phát biểu với truyền thông Việt Nam hôm thứ Tư mà Đại sứ quán Hoa Kỳ công bố hôm thứ Năm. “Song chúng tôi cũng tin tưởng là để nhận được sự ủng hộ chính trị cho việc giở bỏ những hạn chế kia… chúng tôi cần nhận thấy một số tiến bộ về nhân quyền từ phía Việt Nam.”

Việt Nam đã truy tố và bỏ tù hơn 40 người bất đồng chính kiến trong năm nay, nhiều hơn con số của cả năm 2012. Trên thế giới, chỉ có Trung Quốc là nước giam giữ nhiều blogger hay nhà báo hơn, và chiến dịch đàn áp của Việt Nam dường như vẫn còn tiếp diễn.

Động thái mới nhất của Hà Nội, được loan báo tuần trước, bao gồm việc cấm mọi người sao chép và dán các bài tin tức và những thông tin khác trên blog – một quy định có thể hạn chế sự phát triển của các cổng thông tin phi chính thức. Internet đã trở thành một nguồn phê phán nhằm vào các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Những quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.9.

Theo truyền thông nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu rằng những hạn chế kia không nhằm mục đích hạn chế tự do ngôn luận mà là nhằm quản lý sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Việt Nam. Các quan chức khác thì nói rằng những quy định này cũng sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Một số những công ty Internet lớn nhất thế giới lo ngại những hạn chế kia sẽ kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử trong nước. Liên minh Internet Châu Á (Asia Internet Coalition), một tổ chức ngành đặt trụ sở ở Hồng Kông bao gồm Google, Facebook, và những tên tuổi khác như Yahoo!, đã bày tỏ trong một bản tuyên bố tuần này là “về lâu dài, nghị định đó sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo và khiến các doanh nghiệp tránh xa Việt Nam”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng lo ngại trước bầu không khí bất khoan dung ở đất nước này. Hôm thứ Tư vừa qua, lãnh đạo của năm tôn giáo chính tại Việt Nam đã ra một thông cáo chung ở Hà Nội, phản bác lại phát biểu của ông Trương Tấn Sang rằng chính phủ Việt Nam tôn trọng đầy đủ quyền con người. Các đại diện của Phật giáo, Công giáo và Tin lành, cùng với các nhà lãnh đạo Cao Đài và Hoà Hảo sở tại, đã kêu gọi chính quyền phóng thích các tù nhân lương tâm và bãi bỏ các quy định Internet mới.

Những người hiểu biết tình hình cho hay Việt Nam đã rút một số điều khoản khắt khe trong các quy định mới về Internet, gọi là Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Hà Nội từng có lúc dự định yêu cầu những công ty như Google và Yahoo! phải đặt máy chủ ở Việt Nam, đặt chúng trước khả năng tiềm tàng là dễ nhượng bộ trước áp lực từ phía nhà chức trách khi họ đòi cung cấp dữ liệu về người sử dụng. Nhà chức trách cũng bác đề xuất cấm những người sử dụng Facebook hay Twitter đăng các đường link web lên trang cá nhân của mình.

Dù vậy, cùng với chiến dịch kéo dài nhằm vào các blogger và những người chỉ trích chính quyền, Nghị định 72 khiến cho Việt Nam gặp khó khăn trong việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Những hạn chế này cũng có khả năng phức tạp hoá quan hệ thương mại trong tương lai, kể cả nỗ lực của Việt Nam nhằm gia nhập Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt.

Mặc dù Việt Nam đã ký kết các hiệp định đối tác chiến lược với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ – bao gồm Trung Quốc, Nga và Anh – Chủ tịch Sang lại không đạt được một thoả thuận đối tác chiến lược như thế trong cuộc gặp với ông Obama, Carlyle Thayer – chuyên gia về tình hình Việt Nam và là giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia (Australian Defence Force Academy) ở Canberra – lưu ý.

Nguyễn Anh Thư đã đóng góp vào bài viết này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats