Thursday, 22 August 2013

DÂN CÓ QUYỀN LẬP ĐẢNG, KHÔNG CẦN NHÀ NƯỚC CẤP PHÉP (Người Việt Online)




Thursday, August 22, 2013 4:24:18 PM


HÀ NỘI (NV) .- Một luật sư ở Hà Nội gửi thư “xin ý kiến quốc hội” về các ý kiến của ông cho rằng hiến pháp và luật pháp của Việt Nam hiện nay không cấm người dân lập đảng chính trị.

“Không có điều khoản nào trong Hiến pháp và các luật của Việt Nam cấm công dân Việt Nam thành lập và tham gia một chính đảng khác ngoài ĐCSVN”.

Ông Trần Vũ Hải, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội, viết như vậy trong bức thư “Xin ý kiến Quốc hội xung quanh việc thành lập đảng” sau khi ông trưng ra những văn bản luật mà ông đã đọc tham khảo để viết “Bản ý kiến”.

Luật sư Trần Vũ Hải đại diện người dân Văn Giang tranh luận với GS. Đặng Hùng Võ tại buổi gặp mặt ở Hà Nội ngày 9/11/2012 về việc cưỡng chế kiểu cướp ngày của nhà cầm quyền. (Hình: GDVN)


Trong đó ông cho biết đã tham khảo “Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (được sửa đổi 2001); Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005; Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 và các luật sửa đổi, bổ sung bộ luật này; Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1984); Luật về quyền lập hội 1957; Một số luật khác như: Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật Công đoàn 2012; Luật Thanh niên; Pháp lệnh về Cựu chiến binh….; Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; các thông tư hướng dẫn các Nghị định này.”
Theo sự khảo cứu của luật sư Trần Vũ Hải, ngoài các văn bản luật trên, “Điều 79 Bộ luật Hình sự có quy định trừng phạt người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Như vậy, việc thành lập hoặc tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này. Nói cách khác, hoạt động thành lập và tham gia vào một đảng không nhằm lật đổ chính quyền sẽ không được coi là bất hợp pháp.”

Ông Trần Vũ Hải thấy điều 69 của Hiến Pháp nói “Công dân có quyền...hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó điều 22 của Công ước về Các Quyền Dân sự và Chính Trị (LHQ) mà Việt Nam tham gia ký kết quy định “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Theo ông, pháp luật nhiều nước phân biệt giữa đảng phái chính trị và hội. Nhưng Bộ Luật Dân Sự của Việt Nam “không có quy định rõ” trong đó “Hội” thuộc loại pháp nhân nào trong 3 loại được Luật Dân Sự định nghĩa gồm “(i) tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; (ii) tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; (iii) tổ chức khác.”
Theo ông hiểu “Một đảng phái hoặc một liên minh chính trị là tổ chức chính trị theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, không có điều khoản nào của Hiến pháp, các Luật, Điều lệ ĐCSVN khẳng định ĐCSVN là một tổ chức chính trị. Điều 9 Hiến pháp quy định Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu… Luật Mặt trận Tổ quốc cũng có quy định tương tự, nhưng không khẳng định Mặt trận tổ quốc là tổ chức chính trị (theo cách hiểu của Bộ luật Dân sự).”

Không thấy có luật nào hay pháp lệnh nào quy định sự hoạt động của đảng CSVN. Trong khi đó LS Hải lại thấy có luật ban hành cho các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam gồm: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công đoàn (theo Luật Công đoàn), Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam (theo Luật Thanh niên), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (theo Pháp lệnh Cựu chiến binh),Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (theo Điều lệ của hội này), Hội Nông dân Việt Nam (theo Điều lệ của hội này).

Qua nhận định của LS Trần Vũ Hải thì “Có vẻ như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không được coi là hội theo pháp luật hiện hành của Việt Nam. Luật về Quyền lập hội 1957 hiện đang còn hiệu lực (mặc dù một số điều khoản trong Luật này thực tế đã không còn hiệu lực do không phù hợp với một số luật khác ban hành sau đó hoặc không phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng Nghị định 45/2010/NĐ-CP vẫn căn cứ vào Luật này, tức Chính phủ vẫn coi Luật này còn hiệu lực). Điều 9 Luật về quyền lập hội quy định: Các đoàn thể dân chủ và các đoàn thể nhân dân đã tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ kháng chiến, được Quốc hội và Chính phủ công nhận, không thuộc phạm vi quy định của luật này.”

Trong khi đó “Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) quy định không áp dụng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức giáo hội. Không thấy Nghị định này quy định rõ loại trừ ĐCSVN và tổ chức chính trị ra khỏi đối tượng áp dụng. Nhưng Điều 2 định nghĩa hội như sau: Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”

Như vậy “Hiểu theo quy định này, đảng phái (tổ chức chính trị) không được coi là Hội. Như vậy, có thể cho rằng Luật về quyền lập hội, Nghị định 45/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 33/2012/NĐ-CP) không áp dụng cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.”
Như kể trên, hiện đã có luật cho các cơ quan ngoại vi của đảng CSVN (Công đoàn, Mặt trận...) nhưng không hề có luật nào cho đảng phái chính trị gồm cả đảng CSVN. Tuy nhiên theo LS Hải phân tích ở trên, “đảng là một tổ chức chính trị, một loại pháp nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó, những quy định về pháp nhân, tổ chức chính trị trong Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng nếu xem xét về thành lập, tham gia một đảng chính trị.”

Theo Điều 84 của Luật Dân Sự “Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Được thành lập hợp pháp; 2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Theo ông Hải “Thế nào là thành lập hợp pháp không được định nghĩa rõ trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên Điều 85 Bộ luật Dân sự quy định như sau: Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy có 02 loại pháp nhân được thành lập: (i) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức.”

LS Trần Vũ Hải nêu ra cho thấy “điều 102 Bộ luật Dân sự quy định về loại pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ quy định phải có điều lệ, nhưng không quy định cơ quan nhà nước công nhận điều lệ và cho phép thành lập đối với loại pháp nhân này. Như vậy, tổ chức chính trị (và tổ chức chính trị - xã hội) phải có điều lệ nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận điều lệ, cho phép thành lập.”

Ông dẫn chứng “Thực tế, ĐCSVN đã hoạt động như vậy, điều lệ của Đảng này sửa đổi nhiều lần nhưng không cần cơ quan nhà nước nào công nhận việc sửa đổi vì không có điều khoản của văn bản pháp luật nào (kể cả Bộ luật Dân sự) quy định phải có thủ tục công nhận từ Nhà nước. Nói cách khác pháp luật Việt Nam (cụ thể là Bộ luật Dân sự) quy định: đảng phái (tổ chức chính trị) là loại pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của tổ chức cá nhân (không thuộc loại thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước), không phải xin phép thành lập, điều lệ không cần Nhà nước công nhận nhưng phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua.”

Nói tóm lại, qua những bộ luật tại Việt Nam mà ông khảo cứu, đảng phái chính trị “được thành lập và hoạt động hợp pháp” chỉ cần “có sáng kiến của những cá nhân (công dân VN) đề nghị thành lập đảng”, “không cần sự cho phép, công nhận từ nhà nước”.

Luật sư Trần Vũ Hải gửi “Bản ý kiến” của ông cho chủ tịch nước, chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội, chánh án tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và một số giáo sư có tiếng về luật ở Việt Nam.

Ông nêu ý kiến để yêu cầu những ông và cơ quan có thẩm quyền về pháp luật giải thích nhân dịp dư luận đang khá sôi nổi theo dõi phản ứng của chế độ Hà Nội đối với bức thư “viết trên giường bệnh” của đảng viên hơn 45 tuổi đảng Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận, một nhà báo nhiều người biết, cổ võ việc thành lập một đảng chính trị đối lập với đảng CSVN. (TN)



No comments:

Post a Comment

View My Stats