Sunday, 4 August 2013

CÔNG AN NGHỆ AN BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT ? (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-04

Cuối tháng 6 vừa qua, hai giáo dân thuộc giáo họ Trại Gáo, xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh bị cơ quan công an bắt giữ mà người thân và giáo dân cho rằng việc bắt giam đó có nhiều khuất tất.

Bắt trước gửi giấy báo sau

Hai giáo dân Công giáo thuộc giáo họ Trại Gáo xứ Yên Khê bị bắt hồi ngày 27 tháng 6 vừa qua là ông Ngô Văn Khởi, 53 tuổi và ông Nguyễn Văn Hải 43 tuổi. Ông Ngô Văn Khởi từng là một thành viên trong Ban Hành Giáo của giáo xứ và ông Nguyễn Văn Hải hiện là một giáo lý viên của giáo xứ.

Cả hai bị cơ quan chức năng bắt khi họ đang trên đường đi công việc của bản thân, và mãi đến hơn một tuần lễ sau đó gia đình mới nhận được thông báo đề ngày 28 tháng 6 của cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng. Gần đây sau hơn 1 tháng bị bắt giữ, gia đình họ được cho gặp mặt thân nhân tại trại giam Nghi Kim, tỉnh Nghệ An.

Anh Ngô Văn Nhất, con trai của ông Ngô Văn Khởi, cho biết lại việc cha anh ta bị bắt như sau:
Bố đi đưa dâu con bà dì, bị công an giao thông chặn bắt bất ngờ mà không biết lý do gì.

Ông Nguyễn Văn Vinh, một người thuộc Ban Hành giáo của giáo họ Trại Gáo cũng nói lại việc hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải bị bắt trên đường hồi ngày 27 tháng 6 vừa qua:
Ông Khởi đi đám một người cháu ở Nghĩa Đàn, khi đến trạm giao thông bị chặn lại rồi có ba xe con đến bắt đi. Còn anh Hải chở một người cháu vào Tòa Giám mục khám bệnh, sau đó chở hai bao bột mì về để làm hàng bán bánh mì, công an chặn đường bắt thầy Hải và trả đứa cháu 5 tuổi về cho gia đình.

Hành động bảo vệ

Theo lời kể của những người trong cuộc thì hồi chiều ngày 22 tháng năm nay, trước khi diễn ra phiên xử phúc thẩm 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Vinh, có một đoàn xe của những người đến hành hương Đền Thánh An tôn, thường được gọi là linh địa Trại Gáo. Tuy nhiên khi chiếc xe đến gần Đền thánh đã bị một nhóm người chặn lại và đòi lục soát hành lý của người đi trên xe. Giáo dân địa phương biết được chuyện đó đã đến yểm trợ và yêu cầu những người chặn xe mặc thường phục như thế phải xuất trình giấy tờ công vụ và cho biết lý do chặn xe và lục soát hành lý của hành khách.

Thế nhưng số những người đó không chịu và giáo dân bắt giữ ba người, còn một số khác chạy về nhà của xã đội trưởng địa phương. Giáo dân đưa ba người bị bắt về nhà văn hóa xã và đã tra khảo họ, đồng thời sau đó phát hiện trong cốp xe của họ mũ, áo công an và những vật dụng như cùm số 8 và gậy. Những người giáo dân tiếp tục đến nhà xã đội trưởng để truy tìm những người còn lại.

Vụ việc được báo cho Tòa giám mục Vinh, và đại diện của tòa giám mục cùng linh mục hạt trưởng và linh mục chính xứ Yên Khê phải có ý kiến và giáo dân thả những người mặc thường phục bị bắt và bị tra khảo ra; nhưng thực chất đó là những công an.

Vợ của ông Nguyễn Văn Hải nói về ý kiến của linh mục chính xứ đối với vụ việc xảy ra hồi chiều tối ngày 22 tháng 5 mà chồng bà bị cho là một đối tượng tham gia nay bị khởi tố và bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng:

Vào đi lễ thì cha nói những người cầm quyền của nước Việt Nam làm những việc sai trái, không có lý gì cả. Tại sao đoàn hành hương đến Đền thánh mà ách xe lại, không cho xe vào, rồi còn làm những việc này, việc nọ… Khi nói thì chối! Sau khi có lời khai của 3 anh công an, họ vào lia nhà.
Sau khi lục cốp xe họ mới biết là công an. Có hai công an ở huyện, còn một anh mới ra nghề, đi thực tập. Có hai công an trưởng của tỉnh, huyện. Tất cả đều có văn bản tại hội đồng của Trại Gáo. Biết là công an của huyện Nghị Lộc rồi; nhưng nay họ lật lại nói giáo xứ vu khống cho công an. Những điều họ làm nhục cha và giáo xứ là có thật.
Dân nói nếu thi hành công vụ thì phải xuất trình giấy tờ cho dân biết, dân hiểu họ làm gì. Cán bộ làm mất uy tín, làm dân bức xúc chứ không phải chia rẽ lương, giáo. Gia đình tôi sống có đạo đức, biết thương nhau, muốn sự việc hài hòa. Những cán bộ làm sai trái nên dân bức xúc quá.

Khi giáo dân Vinh phản ứng!

Việc giáo dân tại một số giáo xứ ở địa phận Vinh phản ứng trước việc làm khuất tất của những cán bộ, công an địa phương và đã phải cầm chân họ để phải trả lời cho ra lẽ những  hành vi bất minh đó từng xảy ra một số lần ở địa phận này. Đây là nơi có chừng nửa triệu giáo dân Công giáo sinh sống, có những giáo xứ có thể nói là toàn tòng tức hầu như cả làng đều theo đạo Công giáo. Sức mạnh đoàn kết trong giáo xóm, giáo họ và giáo xứ như thế có thể giúp họ thực hiện biện pháp cầm chân, bắt giữ cán bộ hầu như rất hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay lâu nay.


No comments:

Post a Comment

View My Stats