Sun, 08/25/2013 - 21:01 — ledienduc
Ông Lê Hiếu Đằng, luật gia, trong bài "Suy nghĩ
trong những ngày nằm bịnh..." và hai bài khác sau đó đã khởi xướng thành
lập đảng Dân chủ Xã hội.
Trong bối cảnh nhóm 72 nhân sĩ trí thức
kiến nghị sửa đổi hiến pháp đòi bỏ điều 4, Mạng lưới các bloggers trẻ ra
"Tuyên bố 258" đề nghị huỷ bỏ điều 258 về quyền tự do báo chí của Bộ
Luật hình sự, và cùng với việc Nguyễn Phương Uyên nói trước toà án rằng, chống
đảng không phải là chống Tổ quốc, dân tộc - khởi xướng, kêu gọi thành lập đảng
Dân chủ Xã hội của ông Lê Hiếu Đằng đã gây ra một liệu pháp sốc, gây tranh cãi.
Ông Đằng nói:
"Tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra
khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy
tại sao chúng ta, hàng trăm đảng viên, không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và
thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội, những Đảng đã có
trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán.
Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta
không dám làm điều này? Chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương
của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này, mà nguyên tắc pháp
lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công
dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa".
Ngay lập tức, với bài "Phá xiềng",
ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí
Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mở màn cho sự ủng hộ
này. Ông kêu gọi các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) bỏ đảng để tham
gia Đảng Dân chủ Xã hội:
"Tôi kêu gọi các bạn đảng viên cộng
sản thật sự yêu nước, từng cả đời dấn thân đấu tranh vì lý tưởng độc lập Tổ
Quốc, tự do dân chủ và nhân đạo, nhưng ngày càng nhận thấy đã bị đảng mình phản
bội, mà số này là rất đông, hãy mạnh dạn dứt khoát đứng vào hàng ngũ Đảng Dân
chủ Xã hội mới. Đặc biệt các đảng viên trẻ và giới trẻ nói chung hãy nắm lấy cơ
hội làm nên lịch sử. Vì đất nước thời nào cũng vậy, đặc biệt những lúc lâm
nguy, là luôn thuộc về tuổi trẻ, là của tuổi trẻ.
Đứng vào hàng ngũ Đảng mới để tính toán nợ
nần với quá khứ lịch sử, với dòng tộc, với chính mình; giũ sổ với đảng cầm
quyền toàn trị; mở một trang mới cho tương lai dân tộc. Đứng vào hàng ngũ Đảng
Dân chủ Xã hội mới ngày nay là yêu nước. Không chần chờ, đắn đo, hay e sợ bị
bắt bớ, trù úm".
Ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận với
một quá khứ khó khăn là đã từng ủng hộ chế độ cộng sản, tranh đấu nội thành
chống lại Việt Nam Cộng Hoà và tham gia chính quyền cộng sản suốt từ 30/4/1975
đến nay.
Cái quá khứ của họ đè nặng lên cả sự tỉnh
ngộ vì thấy mình bị phản bội, lừa lọc, đã tạo ra mối nghi ngờ.
Ông Hà Sĩ Phu đã
phải viết:
"Tội nghiệp thay cho những người Cộng
sản thức tỉnh, dù ở những mức độ khác nhau, nhưng cứ lên tiếng một điều gì dũng
cảm, ích nước lợi dân là lập tức bị cả “ba phía” xúm vào lăng mạ, cánh thủ cựu
thì bảo đó là sự bất mãn, cơ hội, thoái hóa biến chất, cánh “chống cộng cực
đoan” thì lập tức gọi họ là “dân chủ cuội” hoặc cò mồi, hỏi sao trước đây không
nói bây giờ mới nói, nếu phản tỉnh thật thì thử chửi nhân vật này nhân vật kia
xem nào ?! Còn các “dư luận viên CS” thì dùng cả hai chiêu thức, trà trộn vào
cả hai cánh nói trên".
Ông Lê Hiếu Đằng đã dựa vào một tiền đề cơ bản để
thành lập đảng Dân chủ Xã hội. Ông "nói công khai minh bạch, và hơn nữa
vấn đề đa đảng đó là chủ trương của ĐCS thôi. Cho đến bây giờ tôi hỏi các luật
sư và luật gia – bản thân tôi cũng là luật gia – thì tôi thấy là chưa có văn
bản pháp lý nào cấm việc đa nguyên đa đảng cả. Mà theo nguyên tắc luật pháp,
không cấm là người dân có quyền thực hiện".
"Không có điều khoản nào trong Hiến
pháp và các luật của Việt Nam cấm công dân Việt Nam thành lập và tham gia một
chính đảng khác ngoài ĐCSVN. Tuy nhiên, Điều 79 Bộ luật Hình sự có quy định
trừng phạt người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân. Như vậy, việc thành lập hoặc tham gia vào một đảng không
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo
điều luật này. Nói cách khác, hoạt động thành lập và tham gia vào một đảng
không nhằm lật đổ chính quyền sẽ không được coi là bất hợp pháp", ông Trần
Vũ Hải, luật sư, đã gửi một lá thư cho lãnh đạo
ĐCSVN với nội dung như vậy.
Tuy nhiên, trung thực nhìn nhận rằng, uy
tín và ảnh hưởng của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận không cao đối với
quần chúng, khó tạo ra được một phong trào đối kháng mới, hoặc thúc đẩy cuộc
đối kháng hiện tại bùng lên mạnh hơn, nên có vẻ nhà cầm quyền không có phản ứng
mạnh, trừ một số bài viết trên báo Quân đội Nhân Dân, đó là "Đôi
điều với tác giả “Viết trên giường bịnh" (18/08/13), “Kiến nghị lỗi
thời, nhận thức sai lệch” (20/08/13) vá "Màn tung hứng vụng về”
(23/08/13) chỉ trích ông Lê Hiếu Đằng “đầy những lỗi tư duy, lập luận phiến
diện, hàm hồ, ấu trĩ”.
Nhìn
lại Ba Lan
Công đoàn Đoàn kết muốn ra hoạt động công
khai cũng phải được sự cho phép của chính quyền cộng sản, đăng ký ở toà án theo
luật hiện hành. Các khẩu hiệu tranh đấu của Công đoàn Đoàn Kết đều dựa trên
hiến pháp và luật lệ của nhà cầm quyền CS.
Khi cao trào tranh đấu đạt mức tột đỉnh,
dồn ĐCS vào chân tường, giải pháp cuối cùng vẫn là Hội nghị Bàn Tròn, cho bầu
cử tự do một phần vào tháng 6/1989, bầu 100 ghế Thượng nghị viện và 1/3 số ghế
quốc hội. Phe đối lập đã phải chấp nhận giải pháp dung hoà sau khi thắng cử:
Thủ tướng của chúng tôi và Tổng thống của các anh. Tướng W. Jaruzielski, Tổng
bí thư ĐCS kiêm Bộ trưởng quốc phòng làm Tổng thống. Phải đợi tới khi bầu cử
toàn quốc, Lech Walesa đắc cử Tổng thống mới chấm dứt vai trò của ông ta và năm
1991 bầu cử tự do toàn phần với thắng lợi của Công đoàn Đoàn kết, Ba Lan mới
thực sự trở thành quốc gia dân chủ, tự do.
Thế nhưng năm 1994, sau một nhiệm kỳ của
chính phủ, nghịch lý ở chỗ, Liên minh Cánh Tả Dân chủ (SLD) chiếm đa số phiếu
và lên cầm quyền. SLD bao gồm các thành viên cựu cộng sản. ĐCS Ba Lan đại hội
lần cuối và giải tán năm 1991, nhưng những người cựu đảng viên CS đã liên kết
thành lập một đảng theo khuynh hướng xã hội dân chủ. Chủ tịch đảng là ông A. Kwasniewski,
từng là Bộ trưởng thời CS, đã ra tranh cử tổng thống, đánh bại huyển thoại Lech
Walesa và giữ chức Tổng thống Ba Lan tới hai nhiệm kỳ (1995-2005).
Rõ ràng những đảng viên CS Ba Lan đã lột
xác, thay đổi và chiến thắng trong một môi trường mà hiến pháp cấm ĐCS hoạt
động. Ông Majkowski, Bộ trưởng Phủ Tổng thống nói một câu chí lý: "Con
người được quyền thay đổi".
SLD trong vòng hơn hai thập niên qua là một
trong những lực lượng chủ yếu trên chính trường Ba Lan.
Nhìn qua Miến Điện
Ngày 1 tháng Tư năm 2012 cuộc bầu cử nghị
viện lần đầu tiên trong gần 22 năm, phe đối lập có cơ hội để giành 47 ghế trong
quốc hội 600 ghế. Không nhiều nhặn gì, nhưng là cái tát đối với quân đội cầm
quyền kể từ năm 1962. Cuộc bỏ phiếu cho thấy những thay đổi tương tự như cuộc
bầu cử chuyển tiếp ở Ba Lan vào năm 1989.
Bà Aung San Suu Kyi được tự do đi vận dộng
bầu cử và phe đối lập đã giành được gần như toàn bộ số phiếu. Nhưng đây là có
sự chấp thuận của giới cầm quyền quân sự. Họ đồng ý cho phép một tiến trình như
vậy. Họ đã từng phủ nhận kết quả bầu cử vào năm 1990 với thắng lợi hơn 60% số
phiếu và chiếm 80% ghế quốc hội của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và duy trì
tình trạng giam giữ bà Aung San Suu Kyi mười mấy năm trời.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung
San Suu Kyi mặc dù không thoả mãn, nhưng họ không nhìn thấy con đường nào khả
dĩ hơn để tham chính.
"Đất nước Miến Điện với
59 triệu người là một trong 20 quốc gia nghèo nhất trên thế giới (660 USD thu
nhập GDP bình quân đầu người một năm), và 1/3 dân số sống dưới mức nghèo. Để
duy trì một đội quân 400 ngàn lính phải chi tới 40% GDP quốc gia. Phần còn lại
bị ăn cắp phần lớn bởi các quan chức quân sự và doanh nhân bắt tay với chính
phủ. Chỉ 1% GDP được dành cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. (...) Chế độ đã
chi rất nhiều tiền bạc xây dựng thủ đô mới Naypyidaw. Nhà ở của các quan chức
được bao quanh bởi sân golf nối với Rangoon bằng đường cao tốc có tám lằn xe.
Quân đội vẫn tiếp tục chia lợi nhuận từ các hợp đồng bán dầu và khí đốt cho
Trung Quốc".
"Chính quyền quân sự công bố xây dựng
"một nền dân chủ có kỷ luật". Họ hy vọng rằng trong bối cảnh
này, bà Aung San Suu Kyi sẽ kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng
phạt kinh tế nghiêm trọng".
Rất may mắn, bước chuyển hoá tiệm tiến của
Miến Điện mang lại hiệu quả. Đất nước này đang đi dần tới con đường dân chủ.
Thực
tế Việt Nam
Đại đa số quần chúng thờ ơ với chính trị,
chỉ chăm chú cho đời sống cơm gạo hàng ngày, chấp nhận sống chung với dịch tham
nhũng và văn hoá phong bì. Một cuộc biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc
giỏi lắm cũng khoảng vài trăm người tham gia. Nông dân bị tước đoạt đất đai hay
công nhân bị bóc lột nhìn chung có ý thức chính trị kém, họ đình công hay khiếu
kiện chỉ vì miếng ăn. Đi ăn mày như một bà cụ ở Hà Nội mà đi khiếu nại vẫn tin
tưởng ở đảng. Trong một bối cảnh như thế, chờ mong một cuộc xuống đường vĩ đại
làm thay đổi chế độ là hoang tưởng.
Những cá nhân tranh đấu cho dân chủ, nhân
quyền không nhiều, mới chỉ tạo ra được sự chú ý tới một phần dư luận, báo chí
quốc tế, các tổ chức nhân quyền, chính phủ các nước phương Tây, để gây áp lực
lên nhà cầm quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang cầm
quyền và cai quản đất nước. Không bao giờ họ chấp nhận chia xẻ quyền lực và sẵn
sàng đập tan mọi lực lượng phản kháng. Ra đời một chính đảng song song, với chủ
trương không chống đối, nhưng cạnh tranh lành mạnh thì bằng cách nào? Chắc chắn
phải chấp nhận một số luật chơi của ĐCS, phải được ĐCS đồng ý chấp nhận. Có thể
xem như một thứ "dân chủ cuội". Nhưng không thể khác. Các đảng phái
ra đời tự do chỉ có thể đòi hỏi trong môi trường dân chủ, điều mà trong xã hội
Việt Nam chưa có.
Trong cái thế bị kìm kẹp này, nếu ra đời
được một đảng chính trị, độc lập với ĐCSVN thì quả là bước đi tốt cho một sự
chuyển hoá. Đa đảng không phải là dân chủ nhưng có một đảng rồi, hy vọng theo
tiến trình sẽ nảy sinh và phát triển ra hai ba, bốn, năm... cùng với những biến
chuyển khác.
Thế
nhưng đáng tiếc, sự khởi xướng và lời kêu gọi của ông Lê Hiếu Đằng ít tính khả
thi, vì chẳng ai đi bỏ một đảng có lý tưởng, giờ là lý tưởng tiền hay sổ hưu,
để đi theo một cái đảng khơi khơi, không hề có cương lĩnh và chương trình hành
động chính trị. Hơn nữa, nếu "tính sổ" với ĐCSVN và thấy bị phản bội,
lẽ ra ông phải tuyên bố từ bỏ đảng CSVN ngay lập tức. Như thế mới có sức thuyết
phục và thu hút. Vẫn ở trong ĐCSVN mà kêu gọi, thành lập đảng, đẻ ra một đảng
kiểu "anh em" của ĐCSVN với cùng ý thức hệ và chủ nghĩa Mác-Lenin thì
hoá ra chỉ "bình mới rượu cũ", vô nghĩa.
Ông nói “dù đứng trước bạo lực, cường quyền
nào, anh em chúng tôi cũng không nao núng, lùi bước, vì một khi đã dấn thân là
chấp nhận hy sinh”, nhưng phát động của ông quá bức xúc và nôn nóng, chưa có sự
chuẩn bị. Không những thiếu vắng cương lĩnh, chương trình hành động, mà cả dàn
nhân lực để sàng lọc, tuyển dụng thành viên cho đảng. Và một điều nữa cần biết:
chưa có tín hiệu nào cho thấy ĐCSVN chấp nhận điều này.
Kết
luận
"Nhưng dù cho đảng của những người bỏ
đảng ấy không lập ra được vì lý do nào đó thì tiếng hô hào của họ cũng giúp
đánh tan được phần nào nỗi sợ hãi đang bao trùm, cũng là góp tiếp những bước đi
cho sự hình thành xã hội dân sự", ông Hà Sĩ Phu viết.
Tôi đồng ý với nhận định này và ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng
và Hồ Ngọc Nhuận trên nguyên tắc. Giá như đây là lời kêu gọi cho một cao trào bỏ ĐCS thì tốt hơn và sau
đó mới là bước tiếp theo.
Nhưng dẫu sao cũng cảm phục hai ông đã dũng
cảm nói lên nguyện vọng của mình và của xã hội. Rằng, loại bỏ sự độc quyền cai
quản đất nước của ĐCSVN là nhu cầu bức thiết nhằm tạo tính cạnh tranh lành mạnh
và hiệu quả. Một mình một sân, vừa đá bóng vừa thổi còi trong suốt mấy chục năm
qua, thiết nghĩ đã quá đủ để chứng minh rằng, ĐCSVN bó tay, bất lực trước tình
trạng tham nhũng hoành hành, luật lệ lộn xộn, bất công phổ cập. Chế độ hai nhà
nước song song tồn tại (cơ quan đảng và cơ quan của chính phủ) chỉ làm tổn hại
ngân sách và vô ích.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment