Sunday, 25 August 2013

BỌN VỊN ĐẢNG MÀ ĐỨNG (Cánh Cò)




Sun, 08/25/2013 - 19:01 — canhco

Báo Công an Nhân dân Online: ngày 24 tháng 8 có đăng bài của Linh Nghĩa với tựa: "Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng".

Bài báo này hơi khác với những bài viết cùng thể loại trên Quân Đội Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Nhân Dân...hình như cố gắng cho xứng tầm với tên báo là Công an Nhân dân. Nó đầy vẻ hậm hực, dọa dẫm, cáo buộc và không che giấu việc kết án tác giả Lê Hiếu Đằng.

Đã có rất nhiều bài viết lẫn phản biện về bài viết của ông Lê Hiếu Đằng nhưng chưa thấy ai lên tiếng về bài viết của Linh Nghĩa. Có thể người ta dị ứng với bốn chữ Công an Nhân dân nên cái gì dính tới 4 từ này thì mọi người đều tránh xa chăng? Nếu thế thì không công bằng cho một cái tên. Báo Công an Nhân dân có quyền tham gia bài viết như mọi tờ báo khác, kể cả nếu tờ báo có tự cho phép mình vượt ra quy phạm thông thường của báo chí: trung thực và khách quan trước một cá nhân hay bất cứ nguồn tin nào mà nó đưa ra.

Đáng buốn là hai tiêu chí này hoàn toàn không có trên bài viết của Linh Nghĩa trên tờ Công an Nhân dân Online.

Mở đầu tác giả Linh Nghĩa trói buộc Lê Hiếu Đằng vào một điều mà bất cứ người đọc bình thường nào cũng thấy quá gượng ép và thô thiển, nói lấy được và phảng phất hơi hám....ép cung.

"Trong phần đặt vấn đề, ông LHĐ gọi hành động sám hối của mình là “Tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới”. Mới đọc mấy câu trên, người đọc ngỡ rằng sắp có vụ thanh toán nhau của các băng nhóm tội phạm!"

Hình như Linh Nghĩa vừa bước ra khỏi phòng điều tra nên trong đầu luôn ám ảnh chuyện tội phạm. Tác giả Lê Hiếu Đằng viết rất bình thản, đàng hoàng. Ông cốt đưa ra một lời mở đầu gói gọn ý tưởng tính toán lại những gì mà ông đã đầu tư hết cả cuộc đời cho Đảng Cộng sản. Tới giờ này ông trắng tay, không phải vì thua lỗ mà ngược lại, sau khi toàn thắng, đảng mà ông theo đã thoái hóa, rục rã trên đống chiến lợi phẩm thu được để rồi trên chính những chiến lợi phẩm ấy nảy sinh không biết bao nhiêu là giòi bọ của giai cấp toàn trị. Ông Đằng có "băng nhóm tội phạm" như Linh Nghĩa nói đâu?

Báo Công an Nhân dân đã phạm lỗi quy chụp người khác một cách vô căn cứ. Tờ báo khác với phòng điều tra xét hỏi vì nó được đọc rộng rãi trên cả nước, còn trong phòng điều tra thì ông/bà Linh Nghĩa muốn làm gì thì làm, kể cả đánh chết nạn nhân rồi đổ cho hắn tự tử cũng xong.

Linh Nghĩa viết: "Nội dung đoạn này chủ yếu LHĐ kể về “lòng yêu nước của mình” nhưng thực chất là sám hối, phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, đồng thời ca ngợi, chế độ cũ. LHĐ kể về chuyện khi ông đang bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế, gia đình làm đơn xin cho ông ra tù để về thi “tú tài”.

Cố gắng lắm thì người ta mới thấy ông Lê Hiếu Đằng có một chút so sánh nhằm khẳng định nhận xét của ông chứ không nhằm ca ngợi chế độ cũ như Linh Nghĩa cáo buộc.

Điều khác nhau rất lớn giữa ông Đằng và ô/b Nghĩa là sự tỉnh táo. Trong khi ông Đằng tỏ ra rất bình thản thuật lại một mẩu chuyện nhỏ trong chính cuộc đời mình thì Linh Nghĩa lại mất bình tĩnh, đập bàn kết tội tác giả là theo chân chế độ cũ để đả phá chế độ mới. Linh Nghĩa không đủ tầm để hiểu được rằng tại sao trong lúc nằm giữa lao tù như vậy mà ông Đằng vẫn nhớ mẩu chuyện thi cử có vẻ lạc điệu và kỳ khôi như thế.

Đây chính là cái cốt hồn của những gì làm cho ông Đằng tỉnh giấc mộng 45 năm mặc dù câu chuyện đã lui vào quá khư thăm thẳm, chỉ những người ở cuối đường cuộc sống mới có đủ tỉnh táo để viết lên như thế: Đó là tính nhân văn rất lớn của chế độ cũ, nó tiềm ẩn rất sâu trong lòng người dân miền Nam bất kể chiến tranh và những tác động ý thức hệ. Tính nhân văn ấy ông Đằng không thấy xuất hiện sau 45 năm ông theo Đảng và vì vậy ông nhớ. Nỗi nhớ tuy bình thường như người ta nhớ một mẩu chuyện đẹp trôi qua trong cuộc đời nhưng có ý nghĩa mạnh mẽ đến nỗi thúc giục ông mang ra trong bài viết mà không chút mặc cảm nào.

Đóng dấu vào văn bản kết tội ấy cho thêm thuyết phục hơn Linh Nghĩa viết: "Lẽ ra ông phải nhớ đến ít nhất một vài vụ việc, chẳng hạn như bọn Mỹ và tay sai đã dùng thuốc độc giết chết cả trăm tù nhân tại Nhà lao Phú Lợi; bọn chúng tra tấn dã man – đóng đinh vào đầu tù nhân ở Nhà tù Côn Đảo, đó là chưa kể đến chúng đã rải hàng triệu lít chất độc da cam trên những đồng quê yên ả khiến cho đến nay vẫn còn hàng triệu nạn nhân thuộc nhiều thế hệ. Quên tội ác của kẻ thù, khái quát bản chất chế độ cũ bằng một sự kiện là một biểu hiện sa ngã về đạo đức, là có tội với đồng bào và chiến sỹ."

Luận cứ này mọi người đã quen. Câu hỏi đặt ra: Nếu muốn so sánh, thì các nhà tù khắp miền Nam làm sao so được với hàng trăm ngàn nhà tù cải tạo khắp đất nước sau ngày giải phóng? Có nhà tù nào kinh hoàng hơn Trại Giam Cổng Trời? Vụ giết người nào dã man tàn độc bằng các vụ giết người công khai trong Cải cách ruộng đất?

Nhà giam Phú Lợi có đóng đinh vào đầu tù nhân hay không thì còn chờ giải mã. Cải cách ruộng đất đem trâu ra cảy cho đứt đầu địa chủ thì hình ảnh, nhân chứng còn sống đầy dẫy ra đấy bác Linh Nghĩa ơi!

Linh Nghĩa sợ người cộng sản quên tội ác của Mỹ, của kẻ thù mà lại cố tình quên tội ác của chính đồng chí của mình đối với toàn dân Việt Nam. Ông Lê Hiếu Đằng hoàn toàn không quên những gì mà cả hai chế độ làm cho người dân của ông. Lần trước ông tham gia phong trào sinh viên, vào bưng chống Mỹ. Lần sau ông một mình đứng lên kêu gọi những ai còn lương tri hãy theo ông lập đảng như ngày xưa ông Hồ Chí Minh từng kêu gọi. Ông Hồ không sai thì ông Đằng sai ở chỗ nào?

Linh Nghĩa tỏ ra yếu lý luận khi đặt vấn đề: “Vấn đề đa nguyên, đa đảng”. Phần này đã quá quen thuộc vì đã có quá nhiều bài viết trên mạng. Vấn đề là ở chỗ, việc lựa chọn chế độ chính trị nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia dân tộc.

Linh Nghĩa lại nói lấy được, hình thức cả vú lấp miệng em của các bà nhà quê ham đánh tứ sắc!
Ai lựa chọn chế độ chính trị vậy? - Đảng Cộng sản.

Hoàn cảnh mỗi quốc gia dân tộc nào vậy? - Cũng do Đảng Cộng sản tạo ra.

Sau khi thống nhất tổ quốc, Đảng huênh hoang vỗ ngực cho rằng mình là tối thượng, là giai cấp tiên phong là nơi phát sinh ra mọi tinh hoa dân tộc. Đảng quên béng hàng triệu sinh linh bỏ mình trong hai cuộc chiến mà nếu thiếu họ thì Đảng chỉ là manh chiếu rách treo tòn teng trên cây nêu trong ba ngày tết chứ làm gì mà phất phới như ngày nay?

Ban đầu, sau giây phút nức lòng vì thoát khỏi chiến tranh người dân cả nước tự nguyện để cho Đảng cái quyền độc tôn, độc diễn. Lâu dần, sai lầm này chồng chất sai lầm khác đã khiến sân khấu ấy ngày càng ít người xem. Rồi điều tất yếu xảy ra: khán giả tẩy chay và yêu cầu gánh hát Đảng dọn đi cho đoàn hát khác dọn vào.

Đây là quy luật của bất cứ đảng phái nào trên trái đất. Đảng Cộng sản là gì mà có thể tự thoát ra khỏi quy luật ấy?

Linh Nghĩa châm biếm mà không ai cười: “Vấn đề đa nguyên, đa đảng”. Phần này đã quá quen thuộc vì đã có quá nhiều bài viết trên mạng."

Ừ, thì nó tuy quen đấy nhưng rò ràng là chưa thuộc, nhất là Đảng. Nếu Đảng biết đọc chữ hay đủ trình độ để lên mạng xem dân chúng viết gì trên ấy thì có thể câu chuyện ngày hôm nay đã khác. Ông Lê Hiếu Đằng và những đồng chí của ông không mất công kêu gào sau gần 50 năm làm trâu bò cho Đảng khai thác sức kéo.

Đảng không biết đọc thì những người như Linh Nghĩa phải đọc giúp cho Đảng chứ sao lại để đến nông nỗi này, khi nước đã tới vai mới khăn đùm áo vắt mà chạy lũ? Câu trả lời chỉ có thể là: Linh Nghĩa không dám cho Đảng thấy vì khi Đảng mở được mắt ra thì những nô tài như Linh Nghĩa phải đóng đôi mắt của họ lại. Là chết đấy!

Linh Nghĩa móc còi cảnh sát giao thông ra thổi tài xế Lê Hiếu Đằng: "Nhân đây xin nhắc LHĐ pháp luật Việt Nam quy định rằng mọi tổ chức chính trị xã hội đều phải đăng ký, xin phép Nhà nước, kể cả các tôn giáo."

Ngặt một nỗi tài xế Lê Hiếu Đằng và những công dân cứng đầu khác có thể hỏi lại công an: "Vậy Đảng Cộng sản xin phép ai mà tự ý thành lập, tự ý phong thánh cho mình và cũng tự ý bắt tất cả con dân nếu muốn lập đảng phải xin phép?"

Thấy thua hoài, bực quá, Linh Nghĩa nhảy sang một góc khác. Lần này trèo lên tới Bộ chính trị cơ!

Linh Nghĩa viết: Trong bài viết này, LHĐ còn nói: Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hội nghị Shangri-La (chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam) là ý kiến cá nhân của Thủ tướng. LHĐ nói: “Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ Chính trị cả”.

Rồi, vừa đập bàn, vừa quát tháo, Linh Nghĩa la lối: Xin hỏi ông LHĐ vì sao ông hồ đồ đến vậy? Phải chăng đây là cách suy nghĩ của một người nằm viện hay là của kẻ “ếch ngồi đáy giếng?”. Ai cũng biết ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng thời là quan điểm của Đảng ta, của Nhà nước ta. Có phải ông đang cố tình gây chia rẽ trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam?

Rõ rồi nhé, ông Nguyễn Phú Trọng gọi cái anh đồng chí Ếch là tự diễn biến đấy nhé. Ai đời Bộ chính trị đồng nhất một lòng như thế mà ông Trọng, trong tư cách Tổng Bí Thư lại mếu máo nói không ai dám kỷ luật đồng chí này, thôi thì để cho đồng chí ấy tự kiểm điểm lấy mình và sửa đổi vậy.

Cái đồng chí X không ai dám kỷ luật ấy ngại gì mà không phát biểu vượt lên nỗi sợ truyền kiếp của cái ông có Đảng hàm là Trọng Lú?

Có những người tuy còn trẻ, còn sung sức nhưng đôi chân lại yếu đến nỗi không thể tự đứng một mình mà phải vịn vào Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam từ bao lâu nay bị bọn a dua, bợ đỡ, nịnh thần dựa vào nhiều quá làm cho nó siêu vẹo đi mất rồi.

Nhà siêu vẹo thì trùng tu. Đảng khi đã siêu vẹo thì chỉ có cách đập bỏ đi mà lập ra một đảng khác.

Ông Lê Hiếu Đằng lấy 45 năm theo Đảng mà nói như thế, ai không tin thì cứ hỏi Đảng cớ sao lại hỏi ông ấy?

Cánh Cò.

Bài viết của Linh Nghĩa ở link này:
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2013/8/207330.cand



No comments:

Post a Comment

View My Stats