Thursday, 1 August 2013

CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN MUỐN KIỂM SOÁT TRANG CÁ NHÂN TRÊN FACEBOOK (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ năm, 01 Tháng 8 2013 00:09


Ngày 31/07/2013, chính quyền cộng sản Việt Nam vừa cho công bố nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định 72 do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2013.

Nghị định 72/2013

Nội dung nghị định 72/2013 có nhiều thay đổi so với Nghị định số 97 ban hành năm 2008, theo đó trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. Do đó, những tài khoản được lập thông qua các mạng xã hội như Facebook sẽ chỉ được đăng thông tin của riêng cá nhân đó.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, nói : "Trước hết chúng ta phải nói rõ đây là trang thông tin của cá nhân, mà các trang cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước".
Ông Lê Nam Thắng, thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, bổ túc thêm : "Trong thực tế có thể vẫn còn nhiều trang Facebook đang tổng hợp thông tin, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra xử lý. Tổng hợp còn liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, không phải lấy chỗ nọ sang chỗ kia, đưa lên thành của mình được. Trích dẫn phải xin phép và được đồng ý. Ngay cả việc đưa thông tin cá nhân cũng phải tuân thủ quy định pháp luật".

Cũng nên biết hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều blog hoặc tài khoản Facebook do cá nhân lập ra để chia sẻ tin tức thời sự, hay các bài viết về sức khoẻ, công nghệ, thời trang... mà chủ nhân của những trang đó thu thập từ báo chí để thu hút cộng đồng.

Một nội dung khác cũng đặc biệt được quan tâm là quản lý thông tin xuyên biên giới. Nghị định 72 viết : "Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam".

Khi được báo chí hỏi về những hình thức xử phạt cụ thể với các trường hợp vi phạm như thế nào, ông Lê Nam Thắng cho biết hiện nay Ban soạn thảo của Bộ thông tin và truyền thông đang cnj trong quá trình xây dựng về cách xử phạt các vi phạm hành chính trong cả hai lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông - Công nghẹ thông tin và lĩnh vực Báo chí - Xuất bản và dự kiến sẽ trình chính phủ trong thời gian sắp tới.

Ông Lê Nam Thắng nói : "Internet là phát minh lớn của loài người, nhưng thách thức là những kẻ xấu lợi dụng thành tựu công nghệ để vi phạm pháp luật. Trong điều kiện trên lãnh thổ từng nước thì dễ quản lý, nhưng xuyên biên giới lại là thách thức lớn. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, đăng trên cổng thông tin để công khai minh bạch, cũng như tham chiếu các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tham khảo quy định của các quốc gia khác trong vấn đề quản lý dịch vụ xuyên biên giới".

Được hỏi về những trang web mạo danh các lãnh đạo đảng, nhà nước, những người nổi tiếng, ông Lê Nam Thắng giải thích : "Internet là một xã hội thu nhỏ, có người tốt, người xấu, có thông tin tốt, có thông tin không chính xác, lừa đảo. Việc xử lý nội dung thông tin độc hại cũng sẽ được áp dụng như trong cuộc đời thực. Bộ thông tin và truyền thông cùng các bộ ngành, cơ quan báo chí cũng phải vào cuộc, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái chứ chỉ dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn".

Quyết tâm kiểm soát thông tin

Nhắc lại, ngày 09/01/2013, ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội, trong bài phát biểu tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012, cho biết thành phố Hà Nội đã thành lập một đội ngũ chuyên gia để "đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch". Ông Hồ Quảng Lợi cho hay cơ quan tuyên giáo thành phố đã thành lập một đội ngũ gồm 900 "dư luận viên" làm công tác tuyên truyền miệng. Nhiệm vụ của những giám sát viên internet là kiểm soát tin tức và hướng dẫn dư luận, trong đó có các trang mạng Facebook và phát hiện những nơi xuất phát thông tin bất lợi cho chính quyền. Đó là lý do giải thích tại sao từ nhiều năm qua, những người đấu tranh và bình luận viên đối lập (blogger) phê phán chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị bỏ tù vì bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước.

Ông Hồ Quang Lợi cho biết báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm, thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Các cơ quan truyền thông Hà Nội, như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hay báo Hà Nội Mới trong vài năm nay đã khá tích cực trong việc công kích, đả phá hoạt động biểu tình chống Trung Quốc trên địa bàn thành phố.
Hiện nay các "chuyên gia" của Thành ủy Hà Nội đã xây dựng 19 trang tin điện tử và lập ra hơn 400 tài khoản trên các mạng xã hội để trực tiếp bút chiến với các "thế lực phản động". Số lượng sẽ càng tăng  thêm trong những ngày sắp tới.

Ở cấp độ cao hơn, ngày 08/01/2013, ông Đinh Thế Huynh, ủy viên bộ chính trị, người đứng đầu ngành tuyên giáo của đảng cộng sản, kêu gọi các cấp cán bộ đảng cần "nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự đề kháng, năng lực phản bác của nhân dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Bên cạnh những cố gắng ngăn chặn thông tin của Đảng cộng sản Việt Nam, hệ thống kiểm soát thông tin của quân đội cũng không im lặng. Tập công ty viễn thông quân đội, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) do bộ quốc phòng chỉ đạo, làm chủ hệ thống bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin.

Ngày 04/06/2013, trang mạng TuanVietnam.net cho đăng một bài ca ngợi công ty viễn thông Viettel của quân đội ("Binh đoàn" Viettel của tác giả Trần Nguyên), với những chức năng tương tự như Đơn vị 61398 của Bộ quốc phòng Trung Quốc vừa bị báo chí Mỹ tố cáo và lên án. Đây là một kiểu tự thú "lạy ông con ở bụi này", hay "chưa đánh đã khai". Truyền thông là một chức năng cao quý trong thông tin liên lạc, nhưng lạm dụng nó để theo dõi hay rình rập người dân là một hành vi không danh dự. Cũng nên biết Viettel là một trong số 20 đại công ty thuộc Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng và là tác giả những vụ đánh sập và chiếm đoạt những trang nhà chống đối chính quyền cộng sản Việt Nam.

Tại Việt Nam, Internet không còn là một phương tiện để cập nhật hóa kiến thức hay thông tin, chính quyền cộng sản Việt Nam đang biến nó thành một chiến trường để huy động mọi khả năng và phương tiện để tiêu diệt thông tin và sự thật. Hà Nội đang bỏ ra những số tiền lớn để thương lượng và mua chuộc chủ nhân những trang mạng xã hội lớn (Skype, Facebook, Twitter, LinkedIn, Tumblr..) trong mục tiêu phát hiện những tiếng nói chống đối hay những phong trào bất mãn.

Một hiện tượng gần đây đang được dư luận chú ý là hiện tượng "anh hùng hóa" những người người bị chính quyền cộng sản kết án và bắt bỏ tù về các tội "tuyên truyền chống phá nhà nước và lật đổ chính quyền", vì có những hoạt động xuống đường chống Trung Quốc. Chúng ta ngưỡng mộ sự dấn thân và sự can đảm của những người đã dám lên tiếng bày tỏ thái độ trước sự xâm lấn của Trung Quốc và sự trấn áp của chính quyền cộng sản Việt Nam. Những người Việt Nam can đảm này sẽ ngày một đông hơn và sẽ bày tỏ lòng yêu nước của mình ngày càng nhiều hơn. Nhưng đừng quên, mục tiêu chính của đối lập Việt Nam là thay đổi chế độ cộng sản hiện hành để xây dựng một đất nước có chỗ đứng cho mọi người và cho mỗi người.

Vấn đề là hiện nay sau mỗi vụ án hay mỗi tố cáo bị hành hung trong nhà tù của những blogger hay những nha đối lập có tên tuổi, liền lập có hàng chục bài ngợi khen và biến nạn nhân thành anh hùng trong vài ngày rồi im bặt. Ngày nay không ai biết số phận và cuộc sống của những người đã từng bị chính quyền cộng sản bắt giam ra sao, những Lê Chí Quang, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn… Và cũng không ai biết số phận những người bị bắt trong những vụ án chính trị khác như Bia Sơn, Dòng Cứu Cứu Thế, hay những người đã rải truyền đơn cho tổ chức Việt Tân hiện nay ra sao.

Dư luận trong và ngoài nước cứ như đàn cừu liền chạy theo tung hô và thần thánh hóa những người nạn nhân của chế độ cộng sản, có người tình nguyện đi ở tù thay, tuyệt thực theo, hay viết bài ca ngợi những nạn nhân đó như những anh hùng cứu nước, và không ai biết những người đó chủ trương cái gì để thay đổi đất nước và bằng cách nào để thực hiện những chủ trương đó. Nạn nhân nào giỏi về truyền thông thì được nhắc tới nhiều, những người không biết sử dụng phương tiện internet thì bị chìm vào quên lãng. Công cuộc đấu tranh đòi tự do và dân chủ hiện nay đang bị lãng quên trước những yêu cầu bức xúc về an ninh nhân thân của từng cá nhân bị nạn của chế độ. Đừng để lá cây che khuất khu rừng.

Đối lập Việt Nam coi chừng đang đi lệch hướng. Mục tiêu của chúng ta là tranh đấu đòi tự do dân chủ cho đất nước và đề nghị một giải pháp đưa đất nước Việt Nam vào quỹ đạo tự do dân chủ và hạnh phúc.

Nếu cứ chạy theo những hiện tượng cá nhân đơn lẻ để làm lớn chuyện và quên đi mục tiêu chính, đối lập Việt Nam hãy coi chừng bị sa vào bẫy của chế độ. Ước muốn của chính quyền cộng sản Việt Nam là người dân càng ít quan tâm đến chính quyền thì càng tốt. Cố gắng hạn chế thông tin trên các trang mạng xã hội, như nghị định 72, chỉ là một cách điệu hổ ly sơn để Hà Nội tha hồ tự tung tự tác chiếm đoạt tài sản của quốc gia và buôn bán tương lai đất nước.

Nguyễn Văn Huy

----------------------------------

Đọc thêm :
Download Nghị định số 72/2013/NĐ-CP Tại đây




No comments:

Post a Comment

View My Stats