Monday, 19 August 2013

CÂU CHUYỆN AI CẬP (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, August 17, 2013 2:25:48 PM

Cách đây vài năm, tôi đã đến thăm Ai Cập. Là một du khách, tôi tìm đến để xem chứng tích của một nên văn minh cổ xưa. Nhưng bản chất nhà báo cũng làm cho tôi không thể bỏ qua Ai Cập ngày nay.

Hôm chúng tôi tới Cairo để đi thăm khu các kim tự tháp nổi tiếng nằm ngay sát thủ đô của Ai Cập ngày nay, một thành phố mà nhà cao cửa rộng pha trộn với những khu ổ chuột, kiến trúc Tây phương chen chân với khu chợ bazzar cổ kính, thì ngay gần trung tâm thủ đô đã thấy chực sẵn mấy cái thiết vận xa, vài chục cái xe truck chở đầy lính. Khi tôi hỏi ông hướng dẫn thì ông ta bảo, đó là chuyện thường, quân đội thích thị uy. Cũng xin thêm đây là những năm đầu của thập niên 2000 khi mà chưa ai có thể tưởng tượng là sẽ có một Mùa Xuân Ả Rập.

Rồi trong khi đi thăm nơi này nơi khác, một điều mà những ai đã từng sống trong một chế độ độc tài đều nhận thức ra ngay, đó là khẩu hiệu cùng đường và hình lãnh tụ khắp nơi. Lãnh tụ đây là ông Hosni Mubarak, một ông tướng đã lên cầm quyền sau khi một ông tướng khác, ông Anwar Sadat bị ám sát chết. Và trước ông Sadat là ông Gamal Abdel Nasser, cũng lại là một vị sĩ quan nữa. Vâng họ đều là tướng tá cả.

Người hướng dẫn đoàn du khách chúng tôi là một giáo sư khảo cổ học của Viện Ðại Học Cairo. Ðồng lương không đủ sống, ông kiếm thêm bằng cách đi làm hướng dẫn du lịch. Ông thấu hiểu khảo cổ, diễn giảng lý thú về các kim tự tháp, về tôn giáo, về đủ thứ của Cổ Ai Cập. Tuy ít khi nói về Ai Cập ngày nay, thỉnh thoảng ông để lộ sự bực tức đối với chế độ quân phiệt đã lên cầm quyền từ năm 1953. Một lần đi qua một tấm bảng hình ông Mubarak thật bự, cao bằng cái nhà ba bốn tầng, đứng chế ngự ở một góc đường, ông chỉ tay bảo, “Vị tổng thống muôn năm của chúng tôi thì hẳn quý vị đã biết, không cần giải thích thêm!”

Có một hôm, sau một ngày đi vào sa mạc để thăm ngôi đền Abu Simbel đã được bốc lên đưa vào dựng lại trong sa mạc trước khi vị trí cũ của nó bị ngập nước vì đập Aswan, câu chuyện của chúng tôi lan sang đập nước vốn được coi là một thành quả vĩ đại thời ông Nasser, một nhà độc tài quân phiệt. Ðập Aswan, ông nhắc, được xây bằng tiền và sự trợ giúp của Liên Xô và ông kể đến sự liên minh của ông Nasser với Liên Xô sau nhiều năm tìm cách đi dây giữa Liên Xô và Tây Phương mà đại diện lúc đó là Hoa Kỳ và Anh. Ðập Aswan, ông nói tiếp, “Vĩ đại thật đó, nhưng rồi từ đó trở đi có gì nữa đâu.” “Và ngày nay,” ông thêm, “Liên Xô không còn nữa, nhưng ở Ai Cập chúng tôi vẫn còn chế độ quân phiệt. Không chúng tôi vẫn còn pharaoh!”

Bẵng đi nhiều năm, khi Mùa Xuân Ả Rập bùng lên, tôi chợt nhớ đến ông giáo sư kiêm hướng dẫn viên du lịch. Có lần tôi email hỏi thăm. Email trả lời của ông hăng say, sung sướng và đầy lạc quan. Thế rồi tháng 2 năm 2011, ông Hosni Mubarak bị lật đổ, ông viết cho tất cả bạn bè một cái email với vỏn vẹn hai chữ “Victory! Rejoice!” (Chiến thắng. Hãy ăn mừng!).

Nghe đâu sau đó ông đâm đầu vào chính trị. Trong giai đoạn mà quân đội nắm quyền chuyển tiếp, tiến trình dân chủ có lúc tiến chậm như rùa bò, ông tuy vậy vẫn không nản chí. Ông tin tưởng là các tướng lãnh sẽ không dám trở lại tình trạng cũ. Cũng như những người dân chủ cấp tiến khác, ông bồn chồn, nóng ruột, và cùng với đám sinh viên, ông trở lại Quảng trường Tahrir.

Nhưng rồi thì mấy ông tướng cũng không trì hoãn mãi được tiến trình dân chủ. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội, ông ra ứng cử nhưng bị thua một ứng cử viên của Huynh Ðệ Hồi Giáo. Nhưng trong email báo tin thất bại ông vẫn lạc quan: “Tôi thua nhưng tiến trình dân chủ thắng. Tôi không ân hận. Ðối thủ tôi có nhiều ủng hộ hơn tôi. Lần sau tôi sẽ thắng.”

Ông cũng vẫn còn lạc quan khi ông Mohammed Morsi, lãnh tụ của Huynh Ðệ Hồi Giáo đắc cử. Ông còn chỉ ra cho các bạn ở Tây phương là ông Morsi đã thắng rất khít khao, chứng tỏ là không có gian lận. Ông cũng còn phân tích thêm, “Với số phiếu thắng không lớn lắm như vậy, theo tôi Huynh Ðệ sẽ ít kiêu căng hơn, như vậy có thể hợp tác với họ. Dầu sao chúng tôi cũng có một chính phủ dân cử, một tổng thống đầu tiên do dân bầu lên. Ðây là một ước mơ mà tôi tưởng sẽ không bao giờ có thể thành sự thực.”

Nhưng trong những ngày tháng sau đó, khi ông Morsi và Huynh Ðệ bắt đầu khuynh đảo chính trị, ông bắt đầu ít hăng say hơn. Lúc đầu ông còn cố biện minh nói là phải để cho ông Morsi thời gian. Nhưng càng ngày, ông Morsi và Huynh Ðệ càng coi thường phe đối lập thế quyền. Ông gây sự với tòa án và các luật sư. Ông bắt đầu tìm cách áp đặt lập trường bảo thủ của Huynh Ðệ trong chính sách xã hội. Lờ đi nhóm sinh viên, thanh niên, trí thức, mà nếu không có các cuộc biểu tình của họ thì Huynh Ðệ khó có thể lật được các ông tướng để lên cầm quyền, ông Morsi và Huynh Ðệ tìm cách làm thân và kết hợp với quân đội. Ông bạn tôi đã lần đầu tiên tỏ ra bất mãn với chính phủ Morsi khi họ tái lập cho quân đội những đặc quyền mà có khi còn hơn cả thời họ còn cai trị.

Rồi sự rạn nứt ngày càng gia tăng, Ai Cập phân chia làm hai, một nửa dân chúng ủng hộ ông Morsi và Huynh Ðệ, trong khi nửa còn lại chán ghét ông ta và nói là Huynh Ðệ cũng chẳng khác gì quân đội, cũng muốn giành độc quyền cai trị.

Khi những cuộc biểu tình chống Huynh Ðệ bắt đầu, ông giáo sư của tôi lại theo sinh viên xuống đường. Hôm 30 tháng 6, ông đã đứng ở Quảng trường Tahrir, giữa cả triệu người biểu tình chống lại ông Morsi, nhân đúng một năm ngày ông Morsi nhậm chức, ông tweet, “Triệu triệu người phản đối. Ông Morsi phải nghe tiếng nói của họ.”

Nhưng ông Morsi, như vịt nghe sấm, cứ thản nhiên không chấp nhận đòi hỏi của nửa đất nước muốn có một chế độ dân chủ thế quyền, còn lên tiếng chỉ trích những người xuống đường là “phản động, khủng bố.”

Ngày hôm sau, quân đội ra tối hậu thư cho Tổng Thống Morsi nói là họ sẽ can thiệp và áp đặt “lộ trình” của riêng họ nếu ông Morsi không đáp ứng những đòi hỏi của nhân dân trong vòng 48 giờ. Khi hạn kỳ đến gần, ông Morsi vẫn khăng khăng nói ông là lãnh tụ chính đáng của Ai Cập. Ông Morsi còn khuyến cáo là bất cứ một cố gắng nào dùng vũ lực lật đổ ông cũng sẽ đưa đất nước vào đại loạn.

Hôm mùng 3, khi Tướng Abdul Fattah al-Sisi, nhân danh quân đội, loan báo ngưng Hiến Pháp và chỉ định Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Adly Mansour trông coi giai đoạn chuyển tiếp với một chính phủ chuyên gia cho đến khi có bầu cử tổng thống và Quốc Hội mới. Ông giáo sư lại vui mừng trở lại. Qua email, ông lại bày tỏ là lần này dân chủ sẽ đến với Ai Cập thật sự. Ông còn vui mừng hơn khi thấy có một số bạn bè, đồng chí được mời vào chính phủ lâm thời.

Nhưng Huynh Ðệ không chịu rút lui. Họ tổ chức và thành lập hai trại phản đối, một ở gần một đền thờ lớn, và một ở ngay gần Viện Ðại Học Cairo. Ông giáo sư không hài lòng vì ông nói sự hiện diện của trại của Huynh Ðệ làm hoen ố khu đại học mến yêu của ông. Ông cũng tức tối chỉ ra là Huynh Ðệ, khi cầm quyền, chẳng đếm xỉa gì đến sinh viên, đến dân chủ, nhưng khi mất quyền lại mượn thế sinh viên.

Ngày 14 tháng 8, quân đội quyết định tấn công và giải tán hai trại tọa kháng này của Huynh Ðệ. Một số thành viên của Huynh Ðệ, có vũ trang, chống cự bắn vào hàng ngũ cảnh sát, quân đội. Phe an ninh trả đũa. Rốt cuộc nhiều trăm người thiệt mạng.

Hôm 15 tôi nhận được một cái email của ông giáo sư: “Thôi thế là hết rồi! Chúng tôi đã mắc lỡm quân đội và Huynh Ðệ.

Quân đội tấn công để giành lại quyền thế cũ. Huynh Ðệ khiêu khích để trở về vị trí cũ, vị trí của một lực lượng đối lập, một vị trí mà họ hài lòng hơn vì không phải lo kinh tế, ngoại giao, chính trị, chỉ lo phản đối. Họ đều thắng. Chỉ có nhân dân Ai Cập là thua!”



No comments:

Post a Comment

View My Stats