Jonathan London (Blog Xin lỗi Ông...)
Posted on August 21, 2013 by Jonathan London
Bài
này đã được đang trên trang của BBC World Service (Tiếng Anh) và BBC Tiếng
Việt.
*
Hai thập niên trước, cứ 10,000 người Việt Nam mới có
chưa đầy một cái điện thoại, một tỉ lệ thuộc hàng thấp nhất thế giới. Ngày nay,
ở đất nước 90 triệu dân, cứ mỗi 100 công dân thì lại đếm được tới 135 chiếc
điện thoại.
Tỷ lệ tiếp cận Internet cũng đã cất cánh. Cứ ba
người thì có hơn một người nối mạng so với tỉ lệ một trên 33 của một thập niên
trước. Lịch sử rõ ràng đã tăng tốc ở Việt Nam, mang đến cả cơ hội và những rủi
ro.
Tác động của internet đối với văn hóa chính trị của
Việt Nam trở nên đột ngột và quan trọng. Cho tới gần đây, việc tiếp cận thông
tin, tin tức, quan điểm không bị kiểm duyệt về Việt Nam vẫn chỉ giới hạn trong
phạm vi quan chức có quyền.
Tình hình đã thay đổi sâu sắc. Có lẽ nổi bật nhất là
việc viết blog về chính trị nay trở nên phổ biến ở Việt Nam, bất chấp những nỗ
lực của nhà nước muốn nhổ rễ nó.
Hình thức viết blog chính trị ở Việt Nam cũng đa
dạng.
Một số blogger có nguyện vọng thành nhà báo độc lập.
Người khác lại tập trung vào các vụ scandal và đồn đoán, nhất là nếu chúng liên
quan tới các đầu lĩnh chính trị của đất nước.
Những người khác quảng bá cho đối mới chính trị và
cảnh ngộ của các tù nhân lương tâm đang dần tiều tụy trong nhà tù Việt Nam.
Những người này được vô số blogger trên các trang mạng xã hội khác như Facebook
tán thưởng và tham gia.
Khi họ bị bịt miệng, qua việc bắt bớ hay cách nào
khác, lại có các blogger khác nhanh chóng thay thế và dồn dập cơn bão chỉ trích
trên internet phản đối chiến thuật đàn áp của nhà nước.
Khát
khao thay đổi
Lên tiếng về chính trị ở Việt Nam kèm theo nhiều rủi
ro.
Trong năm qua, một số blogger đã chịu án tù dài theo
luật hà khắc nhằm làm im tiếng các nhà bất đồng chính kiến và gieo sợ hãi trong
dân chúng.
Điều kiện tù đày ở Việt Nam có thể khắc nghiệt.
Trong tù, hành hạ thể xác và tinh thần – và cả chết sớm – là chuyện thường
tình. Bên ngoài, phân biệt đối xử với người thân của họ cũng đã thành lệ.
Mời quý vị đến với Việt Nam của đầu thế kỷ 21, quốc
gia chín mọng tiềm năng nhưng đang rạn nứt vì gánh nặng của một hệ thống chính
trị không hiệu quả.
Một đất nước khao khát hiện đại nhưng chính nhà nước
của nó lại thẳng tay trừng trị những kêu gọi thay đổi căn bản.
Các blogger của Việt Nam chỉ là một phần quan trọng
của một chiến dịch chưa từng có, tuy vẫn chỉ tổ chức lỏng lẻo. Nó nhắm tới việc
cổ động, thậm chí thuyết phục chính quyền độc đảng của Việt Nam thực hiện đổi
mới chính trị một cách căn bản.
Bị miệt thị là “kẻ thù” và “thế lực thù địch” bởi
những yếu tố bảo thủ trong chế độ, thường xuyên bị đe dọa, họ kiên quyết muốn
thấy đất nước mình phát triển những thể chế xã hội càng đa nguyên, minh bạch và
dân chủ.
Không
còn giấu giếm
Trong quá khứ, blogger của Việt Nam giấu mình dưới
những cái tên giả trên mạng để tránh bị bắt và để bước một bước trước chính
quyền.
Nhưng ngày càng có nhiều người Việt Nam lên mạng
công khai để được lắng nghe. Họ vẫn tiến hành cẩn trọng nhưng với sự tự tin và
quyết tâm.
Thực vậy, trong một thời gian ngắn, bất đồng chính
kiến một cách công khai đã trở thành một đặc tính chắc chắn của xã hội Việt
Nam. Văn hóa chính trị của đất nước này đã thay đổi trên những khía cạnh cơ
bản.
Và công khai kêu gọi đổi mới cũng không chỉ dừng ở
giới trẻ thạo công nghệ.
Đầu năm nay, 72 viên chức và nhà phân tích, còn làm
việc và đã về hưu, công khai kêu gọi kết thúc chế độ độc đảng ở Việt Nam. Kiến
nghị 72 là bước bạo dạn và tới nay đã có được 14.000 chữ ký, rất nhiều người
trong số đó vẫn nằm trong bộ máy của đảng – nhà nước.
Mặc dù bị nhà nước bác bỏ, bản kiến nghị vẫn tự do
lưu truyền trên mạng. Cuộc bàn luận công khai trên mạng đã là một bước ngoặt
không tranh cãi được trong sự phát triển chính trị của đất nước.
Thế nhưng, những sự kiện trên không thể xảy ra nếu
đã không có các thay đổi quan trọng trong chế độ.
Thực vậy, chính trị bên trong Đảng Cộng sản thường
rất ảm đạm, thậm chí chán nản, nhưng đã trở thành thú vị, Nó thể hiện một mức
độ bất trắc chưa từng thấy kể từ những năm 1940.
Chính trị bè phái mà đã kiềm giữ được trong quá khứ
nay đã nhường chỗ cho một cuộc đấu tranh công khai, phản ánh cuộc khủng hoảng
lãnh đạo.
Kinh
tế trì trệ
Bản thân cuộc khủng hoảng này là sản phẩm của nhận
thức rằng các nhóm lợi ích và sự kém cỏi trong đảng làm xói mòn tương lai của
đất nước. Để hiểu được cuộc khủng hoảng này, người ta chỉ cần nhìn vào kinh tế.
Trong nhiều thập niên, Việt Nam là quốc gia nghèo
nhất châu Á. Chiến tranh và cấm vận của Mỹ và Trung Quốc khiến đất nước này
nhìn chung bị cô lập khỏi thương mại thế giới.
Thế nhưng đổi mới thị trường cuối thập niên 1980 và
đầu những năm 1990 làm bùng nổ tăng trưởng kinh tế. Lao động ở Việt Nam vẫn
tương đối rẻ, cộng với việc gần với Trung Quốc và các thị trường Đông Á khác,
và mối quan hệ ngày càng phát triển với châu Âu và châu Mỹ khiến đất nước này
trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn này, Việt Nam đã cải thiện mức sống
một cách đáng kể, dù không đồng đều.
Tuy nhiên trong 5 năm qua, quỹ đạo tăng trưởng của
Việt Nam đã dần chậm lại do quản lý kinh tế sai lầm. Sai lầm quản lý là do các
nhóm lợi ích mà sản phẩm chính của nó là trác táng và lãng phí.
Trong khi kinh tế Việt Nam vẫn phát triển và sẽ tiếp
tục phát triển ở tỉ lệ vừa phải, năng suất của nó khá yếu ớt. Những đổi mới
được đề xướng từ thập niên 90 đã mất đi đà tiến.
Nhà nước thất bại trong việc giải quyết các vấn đề
cơ bản một cách đầy đủ, chẳng hạn như bế tắc trong cơ sở hạ tầng, nhu cầu về
lực lượng lao động có kỹ năng và minh bạch trong quản lý và điều tiết kinh tế.
Trong khi đó, quyền lực của nhà nước quá thường
xuyên được những người đứng đầu sử dụng cho chính họ và đồng minh của họ. Đất
nước trở nên bức bối.
Kiềm
chế blog
Cho tới gần đây, câu trả lời thường lệ của chính
quyền đối với các kêu gọi đổi mới là trấn áp. Điều này đã làm vấy tên tuổi của
Việt Nam và làm yếu đi những nỗ lực tăng cường quan hệ với những quốc gia như
Hoa Kỳ.
Không có dấu hiệu cho thấy các vụ đàn áp đang giảm
đi. Nhưng nỗ lực công khai thuyết phục đổi mới cũng không giảm.
Nhưng liệu tình hình có đang đến lúc dầu sôi lửa
bỏng?
Trong những tháng gần đây, chính quyền đã sử dụng
Điều 258 bộ luật Hình sự Việt Nam, quy định nhiều năm giam giữ đối với tội danh
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và xâm phạm “lợi ích nhà nước”.
Tháng trước, cảm thấy có cơ hội chính trị từ cuộc gặp
giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, 103
blogger đã viết kiến nghị phản đối điều 258.
Chỉ vài ngày sau cuộc gặp, chính quyền Việt Nam ra
Nghị định 72, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/09.
Nghị định này có vẻ giới hạn chặt chẽ việc viết blog
chính trị bằng cách cấm người dùng internet không được nhắc tới các “thông tin
tổng hợp,” trích lại “thông tin từ các hãng thông tấn nhà nước hoặc các trang
web,” hay “cung cấp thông tin chống Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Nhưng mục tiêu chính xác mà nghị định nhắm tới và
khả năng thi hành của nó vẫn không rõ ràng.
Tình
hình khó đoán
Chỉ vài tuần trước, một nhà hoạt động dũng cảm người
Việt Nam kể lại cách cô trốn khỏi nhà từ 4:30 sáng để tránh bị công an giữ, để
tham gia chiến dịch ủng hộ quyền chính trị.
Trong khi đó, hôm 13/08/2013, một nhóm nhỏ thanh
niên Hà Nội, những người khá năng nổ về chính trị trên mạng, bị đàn áp bạo lực,
điện thoại và máy tính xách tay của họ cũng bị tịch thu.
Cũng trong tuần đó, một nhân vật khá nổi trội của
đảng Cộng sản thúc giục đồng đội trước kia của mình ra khỏi Đảng để cùng tham
gia đảng Dân chủ – Xã hội mới chưa được thành lập.
Cuối tuần đó, trong một quyết định bất ngờ và kịch
tính, nhà nước trên thực tế đã bỏ án tù nhiều năm đối với hai nhà hoạt động
trẻ. Một người 21 tuổi, Phương Uyên, thậm chí còn được thả cho rời tòa, sau khi
đã phê phán tòa án.
Những diễn biến như thế không bình thường ở Việt
Nam. Nó cho thấy bộ máy nhà nước đang chịu áp lực khổng lồ và một khung cảnh
chính trị mới thú vị và khó đoán trước đang đến.
Những thay đổi này nhắc tôi nhớ tới chính trị chống
chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam gần một thế kỷ trước. Khi đó, những người Việt
Nam yêu nước có địa vị khác nhau cùng họp lại để đấu tranh nhiều thập niên cho
quyền tự quyết, nhiều tự do hơn và một nền kinh tế công bằng hơn.
Ngày nay, người Việt ở các tầng lớp khác nhau đang
cùng đứng dậy cho rất nhiều lý tưởng tương tự. Nhưng họ phải giáp mặt với tầng
lớp trên mà tính chính danh đã bị xói mòn vì đấu đá chính trị nội bộ, quản lý
kinh tế sai lầm và các nhóm lợi ích.
Chính trị Việt Nam giờ dễ thay đổi. Liệu có xảy ra
những thay đổi căn bản hay không thì chưa chắc chắn. Tuy nhiên, rõ ràng là có
nhiều người sáng láng, có trình độ và quyết tâm trong và ngoài đảng và nhà nước
đang đấu tranh vì lợi ích của một trật tự xã hội mới công khai và minh bạch
hơn.
Ở khắp các tầng lớp trong xã hội Việt Nam đang có
khát khao thay đổi. Khát khao ấy không bắt nguồn từ các lực lượng thù địch mà
từ những người Việt Nam khác nhau yêu đất nước của họ và muốn có tương lai tốt
đẹp hơn càng sớm càng tốt.
No comments:
Post a Comment