Wed, 08/14/2013 - 18:15 —
canhco
Như hầu hết các nước Cộng sản,
Việt Nam có chế độ loa phường rất hữu hiệu trong việc tuyên truyền chính sách
của nhà nước tới người dân. Những chiếc loa ấy dù có ghét hay thích thì nó vẫn
cứ loe lóe vào các giờ giấc nhất định trong ngày. Thường là lúc người dân chuẩn
bị ra đồng, tới sở vào lúc 5 giờ rưỡi sáng và sau khi mệt mỏi quay lại nhà vào
7 giờ tối. Hai thời điểm quan trọng ấy bị chiếc loa phường chiếm hữu từ nhiều
chục năm qua, lâu dần không ai có ý tưởng mình bị sách nhiễu, bị nghe những
điều không muốn nghe và sống cùng với những dối trá của nó mà không thắc mắc.
Sự dối trá của những chiếc loa
phường không nằm một chỗ, nó lan ra xã hội và thâm nhập vào đời sống thường
nhật của người dân, hình thành một loại văn hóa lừa đảo ăn sâu, bắt rễ trong
nhiều thành phần quần chúng. Sự dối trá xuất hiện cả trong giới có học, được
giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa nhưng cách ăn nói, viết lách lại
không khác mấy với ngôn ngữ của loa phường.
Chỉ khác một điều loa phường tuy
xảo trá nhưng không hỗn hào, hay cao ngạo dạy đời. Khác với những kẻ ăn theo
phương pháp loa phường nhưng không biết giới hạn của ngôn ngữ. Những kẻ này lên
tay xuống ngón mạt sát người khác với từ ngữ hạ đẳng nhất mà ngay cả một chiếc
loa phường tuy làm bằng sắt cũng phải xấu hổ.
Một trong những chiếc loa miệng có bằng cấp ấy có tên là Đông La.
Đông La là bản sao không hoàn
hảo của một chiếc loa phường made in Vietnam. Đông La không phải là viên chức
chính phủ nhưng có tâm lý yêu đảng, yêu chế độ cuồng nhiệt vượt xa tất cả cán
bộ tuyên giáo cao nhất nước. Đông La mở trang blog riêng chỉ với mục đích: chửi
bới, bươi móc tất cả những ai có hoạt động hay bài viết phản biện lại các chính
sách sai trái của nhà nước. Đông La tự nguyện làm rào chắn mọi tấn công từ xã
hội bằng một thứ vũ khí duy nhất của Chí Phèo: chửi. Đông La chửi từ người lớn
tuổi nhất là Giáo Sư Huệ Chi cho tới người nhỏ tuổi nhất là nhà văn, giảng viên
Nhã Thuyên với cùng một ngôn ngữ của kẻ ăn mày không được bố thí. Đông La gầm
gừ kết án GS Huệ Chi là bập bõm trong bể trí thức, thiếu sáng tạo vì ông Huệ
Chi được giáo dục trong một môi trường cổ khi ấy nền đại học của Việt Nam còn
phôi thai.
Sau khi chửi bới GS Huệ Chi,
Đông La viết: "Không giống như tôi từng phải làm chủ nhiệm đề tài khoa học
công nghệ, giải quyết những bài toán mà người ta không làm được. Về văn chương,
tôi không chỉ sáng tác văn, thơ mà còn viết phê bình lý luận giàu tính thi pháp
học, đến GS Trần Đình Sử, một trong vài người viết nhiều về thi pháp ở VN, còn
phải sưu tập."
Rất nhiều loa phường bái phục
Đông La về hành động tự sướng này. Loa phường vốn vô tri nhưng tỏ ra hơn hẳn
Đông La ở chuyện liêm sỉ.
Năm 2009, Tôn Văn đã vạch cái vốn trí thức khoe mẻ ấy của
Đông La trên Talawas: "ông Đông La “bắt rễ, xâu
chuỗi” vào nhau để phán: “Trước hết, người ta chỉ phát hiện vũ trụ đang ‘giãn
nở gia tốc’ chứ vũ trụ không ‘giãn nở rồi ổn định rồi lại giãn nở gia tốc’ như
GS Nguyễn Huệ Chi viết” và kết: “sự hiểu biết tiến những bước thần kỳ là hạnh
phúc của nhân loại sao lại khiến nhiều người lo lắng thót tim?” Chắc ông khoái
chí với cái “dở hơi” “giãn ra rồi… ổn định vào như chơi” của vũ trụ; nhưng tiếc
rằng đó chỉ là trí tượng của ông!. Nghĩa là những đòn “thâm hậu” rút ra từ
những tri thức vật lý hiện đại của ông coi rất hoành tráng nhưng cuối cùng đều
đánh trượt."
Đông La tấn công GS Huệ Chi vì
ông và một nhóm trí thức mở trang blog Bauxit.Vn, một trang mạng nổi tiếng tập
trung các bài phản biện giá trị mà nhà nước không thể làm gì được vì sự đứng
đắn của nó.
Không phải chỉ GS Huệ Chi là
được Đông La chú ý hay nhận chỉ thị của Đảng để tấn công. Đông La tỏ ra rất
phấn khích khi bất cứ nhân vật nào được cộng đồng chú ý, bàn bạc. Từ TS luật Cù
Huy Hà Vũ, luật sư Lê Công Định... cho tới sinh viên trẻ như Phương Uyên hay
nhà văn nhà giáo Nhã Thuyên. TS Nguyễn Thị Từ Huy hay nhà phê bình văn học Phạm
Xuân Nguyên. Từ nhà văn Nguyễn Quang Lập đến nhà báo Huy Đức. Những khuôn mặt
ấy đều được Đông La nghiên cứu, soi mói với cái đầu nhăn nhúm định kiến của
loại tư duy nô bộc.
Đông La sung sướng tự nhận mình là văn nô khi tuyên bố
trên trang blog Đông La: "Tôi từng tuyên bố là tôi rất
muốn làm “văn nô” cho Đảng nếu điều đó giúp cho đất nước ổn định và phát triển
và vạch mặt giúp Đảng những kẻ dốt và ác nhưng lại luôn nhân danh đổi mới vì dân
vì nước. Tiếc là không được như thế, chính vì vậy, khi viết xong bài Các Mác –
một tình yêu bao la, tôi đã phải gởi đăng trên Talawas. Dù biết rằng trang này
cũng chẳng phải dân chủ dân chiếc gì đâu."
Nhiều người khi nghe đến tên
Các Mác đã phải bịt miệng lẫn mũi nhưng văn nô Đông La lại viết hẳn một bài về
Mác có tên "Các Mác – một tình yêu bao la" thì câu hỏi Đông La là ai
xem ra khá thừa thải.
Nhưng cái ông văn nô ấy không
chỉ viết mà còn bắt người khác phải như ông ta: biết ơn cái tình yêu bao la ấy
qua cách cúc cung tận tụy với chế độ này, một chế độ đang đặt hình ảnh của Các
Mác trên bàn thờ tổ quốc.
Đông La thấy tức tối khi TS
Nguyễn Thị Từ Huy ký tên phản đối việc bắt giữ TS Cù Huy Hà Vũ. Đông La cố tìm
ra một lý do tuyệt vời để lên án bà và gọi đó là hành động ăn cháo đá bát. Đông
La cho rằng vì TS Từ Huy đi Pháp du học theo đề án 322 nên bà phải tận tụy làm
việc với chính phủ, bất kể cái chính phủ ấy sai trái và lật lọng thế nào.
Đông La đem tư cách quỳ mọp của
mình để so sánh với chất trí thức trong sáng của Từ Huy. Cái "bất năng
khuất" của người học hành đàng hoàng khác xa với tư cách "năng
di" của một anh lái chữ.
"Tôi đã quá ngạc nhiên và
tự hỏi cái gì đã làm “hạt giống đỏ” Từ Huy chống lại chính cái thể chế ưu ái,
nâng đỡ, bồi đắp cho mình như thế?"
Khi cho rằng TS Nguyễn Thị Từ
Huy là "hạt giống đỏ" Đông La đã tố cáo sự hoạt đầu của chính mình.
Từng hơn một lần tự nhận "làm chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ" mà
lại không biết tính chất của một hạt giống là gì. Hạt giống tự nó không thể từ
“đỏ” biến thành “xanh” được nếu không qua một quá trình chuyển đổi sinh học. Tự
nhận là một kẻ theo khoa học, Đông La đã lộ mớ kiến thức còm cõi chắp vá.
Xét theo chính trị, Đông La là
kẻ phản động vì tố cáo chính phủ đã lạm dụng ngân sách quốc gia để chấp thuận
cho các "hạt giống đỏ" được hưởng đề án 322. Xét về mặt chữ nghĩa
Đông La dùng từ "hạt giống đỏ" trong ngữ cảnh này là hoàn toàn gượng
ép. Điều đó nói lên tính chất hai mặt của một văn nô khi viết về hai người sau
này, đó là Nhã Thuyên và Phạm Xuân Nguyên.
Với Nhã Thuyên, Đông La khó
lòng dùng ngôn ngữ Chí Phèo vì cô tuy còn trẻ nhưng tài rất lớn. Đông La không
đủ chữ nghĩa để viết về một bồ chữ như Nhã Thuyên, nhất là trong lĩnh vực Hậu
hiện đại. Mặc dù tự xưng nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng Đông La không nắm bắt
được cái cốt lõi của nó mà chỉ sờ soạng những điều nhiều người đã viết. Thiếu
kiến thức, thiếu căn bản lý luận về phê bình Hậu hiện đại đã làm Đông La trở
thành anh hề trên sân khấu văn học vốn dĩ đầy những tài năng như Lý Đợi, Bùi Chát,
những người được xem thành công nhất khi sáng tác theo phong cách Hậu hiện đại
của nhóm Mở Miệng chẳng hạn.
Với Phạm Xuân Nguyên thì khác,
Đông La lộ hết chân tướng khi mạt sát ông này không tiếc lời sau khi bài viết
"Phê bình chỉ điểm" của Phạm Xuân Nguyên xuất hiện. Người ta tự hỏi
phải chăng do ghen ghét với chức vụ Hội trưởng hội nhà văn Hà Nội của Phạm Xuân
Nguyên đã khiến Đông La quẫn trí?
Có thể, và cũng không thể.
Đông La viết: "Nguyên là một đảng viên, một
trưởng phòng của Viện Văn học, đương kim Chủ tịch Hội Nhà Văn Thủ đô Hà Nội.
Với dân thường thì như thế là rất to rồi! Một người ở trong thể chế như vậy,
hưởng danh hưởng lợi, lại đứng trong đội ngũ tiên phong mà khi được kết nạp
phải đọc lời thề cống hiến đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp của Đảng, nhưng
tại sao gần đây Phạm Xuân Nguyên lại có tên trong cái “Danh Sách 72”? Cái danh
sách đòi thay đổi Hiến Pháp, đòi bỏ điều 4 hiến định quyền lãnh đạo của Đảng,
đòi Lời nói đầu bỏ ý nhắc đến công ơn Đảng, Bác, v.v…"
Đây là phản xạ do bản chất, cứ
thấy ai được chế độ trọng dụng nhưng có
thái độ chống đối hay phê phán là Đông La phản ứng. Bài viết có cái tựa rất
"lưu manh" mang tên: "Phạm Xuân Nguyên: thằng mù chữ, thằng lưu
manh!" không cần phân tích cũng thấy sự "thông thái" của một người
tự vỗ ngực cho mình là nhà phê bình văn học như thế nào.
Cuối cùng xin nhắn với ông Đông
La nếu vô tình ông đọc được bài viết này: đối với Huy Đức không cần ông phải la
làng là tại sao nhà nước chưa bắt giữ anh ta, bởi vì Huy Đức rất khinh bỉ những
chỉ điểm của ông, anh ta xem sự điếm đàng của ông là chiếc loa phường không hơn
không kém. Không tin ông lật cuốn sách mới nhất mang tên "Bên Thắng
Cuộc" của Huy Đức ra xem thì sẽ hiểu, mặt mũi của ông in đầy trên bìa cuốn
sách ấy.
Có điều những chiếc loa phường
bị so sánh với tư cách của Đông La thì tội nghiệp và không công bằng cho chúng.
Hơn nữa chúng cảm thấy sắp bị diệt chủng vì cái mà người ta gọi là Đông La ngày
nay.
No comments:
Post a Comment