Sunday 11 August 2013

ẤN ĐỘ TỨNG BƯỚC VƯƠN LÊN THÀNH CƯỜNG QUỐC HẢI QUÂN ĐÍCH THỰC (Trọng Nghĩa - RFI)




Trọng Nghĩa   -  RFI
Chủ nhật 11 Tháng Tám 2013

Ngày mai, 12/08/2012, Ấn Độ sẽ cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên do chính họ thiết kế và chế tạo. Hôm qua, 10/08, New Delhi cũng vừa loan báo tàu ngầm nguyên tử đầu tiên ‘made in India’ do nước này tự chế tạo đã sẵn sàng đi vào thử nghiệm. Hai sự kiện liên tiếp kể trên nêu bật quyết tâm của Ấn Độ, khẳng định tư thế của mình trong câu lạc bộ hiếm hoi các cường quốc tự sản xuất chiến hạm hiện đại cho mình. 

Theo báo chí Ấn Độ, chiếc hàng không mẫu hạm tương lai của Ấn Độ sẽ mang tên INS Vikrant, trọng tải 40.000 tấn, dài 260 mét, có thể được dùng cho các loại chiến đấu cơ Nga MiG-29K, cũng như loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA do chính Ấn Độ chế tạo, hay các loại phi cơ trực thăng.

Dù được chính thức hạ thủy vào ngày mai, nhưng chiếc tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ chưa được hoàn tất. Theo lời thừa nhận của Đô đốc Robin Dhowan, Phó tư lệnh Hải quân Ấn Độ, công việc cần phải làm tiếp trên chiếc hàng không mẫu hạm này còn rất nhiều. Theo báo chí Ấn Độ, ít ra phải đến năm 2016 chiếc tàu mới có thể bắt đầu các chuyến thử nghiệm ngoài khơi, và sẽ chỉ được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2018.

Cho dù vậy, đối với giới phân tích, sự kiện chiếc Vikrant được đưa xuống mặt nước vào ngày mai là một bước tiến quan trọng của Ấn Độ lên hàng cường quốc hải quân, gia nhập vào câu lạc bộ hiếm hoi của các nước đóng được tàu sân bay cho chính mình. Hiện nay, câu lạc bộ này chỉ bao gồm 4 quốc gia, đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc : Anh, Nga, Pháp, Mỹ.

Đối với New Delhi, việc trở thành một cường quốc Hải quân ngang hàng với 4 cường quốc đại dương kể trên là một tự hào rất lớn, nhất là khi Ấn Độ qua mặt được Trung Quốc trong lãnh vực này, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên chính thức phô bày năng lực tự đóng tàu sân bay. Có nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc cũng có đề án đóng hàng không mẫu hạm ‘made in China’, nhưng điều này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Sự tự hào của Ấn Độ còn tăng lên gấp bội khi lễ hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế tạo diễn ra chỉ hai hôm sau khi New Delhi loan báo sự kiện chiếc tàu ngầm nguyên tử cũng do họ tự chế tạo – chiếc INS Arihant - đã có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm ngoài khơi.

Và cũng như trong lãnh vực chế tạo tàu sân bay, Ấn Độ đã trở thành nước thứ sáu trên thế giới tự làm ra tàu ngầm nguyên tử, vươn lên ngang hàng với các nước như Anh, Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ, việc tự chế tạo được hai loại phương tiện tiên tiến nhất trong ngành hải quân không chỉ là một vấn đề tự hào dân tộc, mà còn mang một ý nghĩa thực tiễn lớn lao : Giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí nhập khẩu.

Thật vậy, Ấn Độ hiện đang đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu vũ khí trên thế giới, với 65 % thiết bị quân sự nhập từ nước ngoài. Hai lãnh vực tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân là hai bằng chứng rõ nét nhất về sự lệ thuộc nước ngoài – cụ thể là lệ thuộc vào Nga.

Từ tháng 4 năm 2012 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức gia nhập hàng ngũ các nước có tàu ngầm nguyên tử. Thế nhưng, chiếc tàu mang lại cho New Delhi danh hiệu này lại là một tàu ngầm thuê dài hạn của Nga. Hải quân Ấn Độ cũng sắp đưa vào sử dụng một chiếc tàu sân bay, chiếc INS Vikramaditya. Và trong trường hợp này cũng vậy, đây là một chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Nga, được Ấn Độ mua và tân trang để sử dụng.

Đề án chế tạo tàu sân bay Vikrant và tàu ngầm nguyên tử Arihant nằm trong nỗ lực bù đắp cho khiếm khuyết nêu trên. Theo các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, hàng không mẫu hạm Vikrant là chiếc đầu tiên trong kế hoạch đóng 3 chiếc tàu sân bay của nước này, và bên cạnh chiếc tàu ngầm hạt nhân Arihant đầu tiên, Ấn Độ cũng đang cho đóng thêm 3 chiếc khác.



No comments:

Post a Comment

View My Stats