Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 14:17 GMT -
thứ hai, 19 tháng 8, 2013
Truyền thông Việt Nam hiện
nay là một môi trường phát triển mạnh nhưng các nỗ lực kiểm soát vì
lo ngại an ninh, cộng với sự phản ứng của dư luận thiếu niềm tin vào
báo chí đứng đắn đã tạo ra một môi trường báo đài lệch chuẩn.
Một thống kê sơ bộ cho
thấy, số đầu báo, tạp chí, bản tin trên TV, đài ở Việt Nam đạt con
số không dưới 700 cho trên 90 triệu đầu dân nhưng về lý thuyết, cả
nước chỉ có một vị tổng biên tập là Trưởng ban Tuyên Giáo của Trung
ương Đảng Cộng sản.
Nhìn vào hàng loạt tựa đề
tin tức giật gân trên báo mạng cả nước, khó có thể tin rằng vị tổng
biên tập đầy quyền uy trên có thời gian và tâm trí quyết định về mọi
bài báo, bản tin về các vụ 'chân dài', án mạng rùng rợn, tệ nạn
xã hội.
Trên thực tế, sự kiểm soát
chỉ tập trung vào an ninh chính trị cho hệ thống và toàn bộ phần
còn lại là tùy vào cảm quan của các chủ báo, vừa ăn lương quan
chức, vừa đóng vai tổng biên tập.
Quan báo làm hàng chợ
Điều đặc dị của Việt Nam
là chính quyền trên 60 tỉnh thành đều có các đài truyền thanh,
truyền hình riêng và quan chức nhà nước, sỹ quan quân đội, công an đã
dùng thời gian công, tiền bạc công để ‘làm báo’.
Họ dùng lợi thế có sẵn
về nguồn tin và nghiễm nhiên chiếm thị phần từ vị trí đặc quyền
của mình, tạo ra một thị trường méo mó và hiển nhiên là đưa tin theo
quan điểm quyền lợi nhỏ lẻ của ngành mình.
Một số còn vào cả cuộc
chơi mạng xã hội để phát tán quan điểm riêng đôi khi mang tính ân oán
giang hồ hoặc để đánh bóng tên tuổi.
Thị phần cho báo chí có
nội dung lành mạnh bị thu hẹp vì có quá nhiều tác nhân tham gia nên
cuộc chạy đua cũng khiến các báo đua nhau giật tít ‘khủng’, và bất
kể từ vị trí nào cũng làm báo lá cải và sản xuất 'hàng chợ'.
Ví dụ điểm qua trang
giaoduc.net (7/8/2013) trong mục Văn hóa có thể thấy các tựa bài như:
“Ngọc Trinh: Cú lột xác từ
'chân dài não ngắn' đến chủ cơ ngơi tiền tỷ”.
“"Hoa hậu 3 con" Thu
Hoài khoe vai trần như thiếu nữ 18”.
Chuyên mục Xã hội của báo
này có bốn bài dài về chủ đề ‘Đánh ghen kinh dị tại Bình Dương’
với các tựa đề như "Vụ đánh ghen, lột quần áo: Chồng giúp 'tình địch'
làm đơn tố cáo vợ".
Không hiểu tính giáo dục
của các bài đó nằm ở đâu?
Trang web báo Công an TP. HCM
cũng không thiếu các tin giật gân câu khách như trên, và còn đi sâu vào
các chủ đề xã hội nhưng không hề mang tính phê phán và cũng không có
chút gì về hoạt động của ngành công an.
Phóng sự điều tra: ‘Bướm đêm
dập dìu’ của báo này viết về ‘đội ngũ gái vẫy khoác trên mình
những bộ quần áo ngắn cũn, thiếu trên hụt dưới’ thi nhau mời khách lúc trời
chập tối tại Sài Gòn, ghi rõ cả giá đi khách của các cô gái bán
dâm.
Đó là về phía 'lề phải',
còn báo mạng 'lề trái' cũng không phải là không thiếu các vấn đề,
từ chất lượng bài vở, tính cá nhân chủ nghĩ̉a đến thói quen công
kích dễ dãi như 'đánh hội đồng' với người trái ý.
Cào bằng lịch sử
Một trong những tiêu chí
của báo chí là giải thích bối cảnh câu chuyện để người đọc nắm
bắt được đầu đuôi của sự việc.
Nhưng tại Việt Nam, tin quốc
tế cũng bị kiểm duyệt nên xảy ra tình trạng chỉ đưa tin chung chung
mà né tránh toàn bộ phần lịch sử.
Ví dụ, tin về ông Kim
Jong-un chỉ dừng lại ở chuyện lá cải như ông ta có mái tóc mới, vợ
ông ta cũng dùng hàng hiệu mà không có câu nào về tình trạng kinh tế
suy sụp ở Bắc Triều Tiên hay các trại trừng giới khủng khiếp.
Các chuyện về Nga, Cuba,
Trung Quốc cũng bị cắt xén phần lãnh đạo nước này bị phê phán ra
sao.
"Nhà nước phải dám
'cắt rốn' cho báo chí buông bầu sữa 'bao cấp tư tưởng' để được lớn
cùng xã hội dân sự"
Chẳng hạn hồi tháng 4/2013,
tin về tài sản tiền tỷ nhà cựu Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo
có thể tìm thấy trên trang web soha.vn,
của một công ty cổ phần tại Hà Nội trích lại trang Người đưa tin.
Nếu chỉ đọc báo Việt Nam,
người ta có thể ngỡ rằng Nam và Bắc Triều Tiên không khác nhau bao
nhiêu, và cũng không rõ cuộc chiến Triều Tiên 1953 do ai gây ra.
Báo chí Việt Nam cũng gần
như đặt thời Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay 'ngang nhau', và mập mờ
trong việc so sánh Trung Quốc thời Mao, thời Đặng và hiện nay.
Hệ quả của việc cào bằng
khác biệt này đang tạo ra một cách tư duy né tránh các vấn đề nghiêm
trọng của thế giới trong dư luận Việt Nam, khiến quốc gia mất đi tính
nghiêm túc.
Vì sao có tình trạng kiểm
soát thông tin mọi cách có chọn lựa, tùy đợt như hiện nay?
Như đã nói ở trên, sự bùng
nổ thông tin và giao lưu quốc tế khiến truyền thông Việt Nam không phải
là một môi trường khép kín như Bắc Hàn hay còn kém phát triển như
Miến Điện.
Nhưng Việt Nam cũng không có
phương tiện hoặc chưa có đủ nhân tài vật lực như Trung Quốc để tạo ra
cả một thế giới mạng song song với thế giới và cấm toàn bộ các
kênh bên ngoài như Facebook, YouTube.
Việt Nam vì thế chỉ có
thể cấm từng lúc, từng giai đoạn, hoặc qua các vụ bắt bloggers để
cảnh báo giới viết bài và đăng tải ‘ngoài luồng’, hoặc ra các quyết
định nhắm vào từng đối tượng cụ thể như Nghị định 72 gần đây nhất
nói về mạng xã hội.
Nhưng báo chí không chỉ là
chuyện hoạt động chính trị về nhân quyền, dân chủ hay các luồng quan
điểm trái chiều.
Quốc gia nào cũng cần có
các kênh thông tin chính thức lành mạnh và năng động như một phần của
sinh hoạt văn hóa, xã hội và tư tưởng.
Hệ quả và giải pháp
Việt Nam phần nào đã chấp
nhận truyền thông là một phần của kinh tế thị trường - báo chí,
truyền hình, truyền thanh là một loại hình kinh doanh – với các nhà
đầu tư tư nhân, trong và ngoài nước cùng tham gia, mà mới nhất là đầu
tư của Forbes.
Vì thế, có thể nói là
phần hạ tầng cơ sở (infrastructure, hardware) và công nghệ kỹ thuật,
các loại hình (genres, platforms) cho truyền thông Việt Nam đã có, khá
hiện đại và còn tiếp tục pháp triển.
Nhưng phần thượng cần kiến
trúc của báo chí chưa làm được việc chuyển tải thông tin, tư tưởng,
quan điểm các loại nhằm tạo ra các cuộc thảo luận rộng rãi để công
luận giám sát giới chức lập pháp và hành pháp.
Một trong số các giải pháp
chính mà chính quyền có thể làm được là hạn chế́ con số báo chí
hiện nay để giảm bới tính lá cải nói chung và sự lan truyền của
các tin tức gây choáng, gây sốc làm nhiễu loạn dư luận nói riêng.
Về sự hỗn loạn của con số
báo chí, đài phát thanh, phát hình ở Việt Nam, cần phải nhắc rằng
số cơ quan công quyền được cho phép ra báo, phát hành tin tức ngoài
lĩnh vực của họ lớn hơn nhiều so với một xã hội tự do như Anh Quốc.
Chưa nói đến các trang blog
cá nhân, các trang mạng xã hội, chỉ riêng con số các báo tỉnh, báo
ngành ở Việt Nam, từ báo toà án tới dầu khí, đã vượt xa Anh Quốc,
nước chỉ có chừng 10 tờ báo lớn ra ở London, Manchester và Glasgow.
Về truyền hình, cả Liên
hiệp Vương Quốc Anh cũng chỉ có bốn đài chính chuyên về tin tức quốc
tế và quốc nội là BBC, Channel4 (công lập), ITV và Sky News (tư nhân).
Tại Việt Nam, Nhà nước chỉ
cần nắm các đài phát thanh, truyền hình lớn, và để báo chí cho xã
hội tự quản lý.
Nhưng Nhà nước phải dám
'cắt rốn' cho báo chí buông bầu sữa 'bao cấp tư tưởng' để được lớn
cùng xã hội dân sự.
Vì không được vào các lĩnh
vực báo chí thực thụ, như phóng sự điều tra, đánh động dư luận về
các vấn đề cơ bản, nhiều trang báo mạng Việt Nam bám vào phần rẻ
tiền của thị trường lá cải.
Các đài báo chính thống
hơn cũng liên tiếp khai thác mấy chủ đề đã trở nên nhàm chán: hoa
hậu, giải trí, thời trang.
Nỗ sợ mất thị trường
quảng cáo là điều không chỉ có báo Việt Nam mới gặp phải.
Cách đây 4-5 năm báo chí
Phương Tây cũng lo ngại sự phát triển của mạng Internet làm họ mất
thị phần vì tiền bán báo và nhận quảng cáo sụt giảm.
Nhưng sau khi chọn con đường
trở lại tin tưởng vào bạn đọc, các báo Mỹ chẳng hạn, đã dũng cảm buông
'bầu sữa quảng cáo' từng chiếm 80% doanh thu của họ (theo The Economist
16/8), và áp dụng chế độ đọc trả tiền cho nội dung có chất lượng.
Nay, nhiều báo Anh và Mỹ
đã có thu nhập tăng đều từ phí bạn đọc trả trực tiếp qua chế độ
'pay-wall', với riêng New York
Times tính đến tháng 8/2013 có thu nhập 150 triệu USD từ lệ phí
bạn đọc qua bạn đọc trên mạng, một thành công đáng kể.
Các báo khác ở Anh, Canada
và một số nơi khác bắt đầu làm theo, và tin thời sự của BBC News
Online cũng thu hút quảng cáo trên mạng ngoài nước Anh, đem lại nguồn
thu cho tập đoàn này, cho thấy tin nghiêm túc vẫn có vẫn có một thị
trường bạn đọc.
Một bước tiến khỏi tình
trạng bùng nhùng hiện nay là Việt Nam lập chế độ kiểm duyệt công
khai (như ở Đông Dương thời Pháp) để làm rõ điều gì cấm, điều gì
được phép trong in ấn, xuất bản.
Sự kiểm duyệt như vậy ít
ra còn văn minh hơn chế độ kiểm soát mờ ảo tùy nhu cầu chính trị
hoặc phe phái từng lúc của các quan chức, và mạnh mẽ hơn cách ra văn
bản sau rụt lại vì bị phản đối.
Tiến bộ hơn, Việt Nam có
thể bỏ hoàn toàn cơ chế cơ quan chủ quản và lập ra Cục Giám sát
Truyền thông như OFCOM và Ủy ban Khiếu nại Báo chí (Press Complaints
Commission) ở Anh xem xét khiếu kiện khi báo chí phạm luật hoặc đạo
đức nghề nghiệp.
Ngoài những điều cấm đã
ghi rõ, báo chí được tự do hoạt động và tự chịu trách nhiệm khi bị
kiện cáo dân sự.
Nhưng dù lập ra kiểu gì và
gọi tên là gì, cơ quan này cần hoạt động theo luật định và độc lập
với các đảng phái, và chắc chắn không thể thuộc về một bộ nào đó
để tránh chuyện cơ quan hành pháp vừa ra quy định, vừa tự xử lý các
vụ việc của chính mình.
Như mọi lĩnh vực khác,
Việt Nam là nước có tiềm năng lớn trong thị trường truyền thông, thông
tin và sự hỗn loạn hiện nay có thể xếp vào thời kỳ quá độ nếu
mọi bên quan tâm thực sự muốn vươn tới một cuộc chơi mới, văn minh, giàu
có và nhiều tri thức hơn.
Nội dung chính của bài
viết đã được đăng trên trang Grupo RSB ở Brazil tháng 4/2013 và trình
bày tại một hội
thảo hè về Việt Nam tại Singapore 12/8 vừa qua. Tác giả là khách
mời của nhiều hội thảo quốc tế về truyền thông và đã tổ chức các
khóa học của BBC College of Journalism cho các nhà báo BBC cùng khách
mời Đông Nam Á ở Bangkok, Jakarta và London.
No comments:
Post a Comment