Wednesday 16 January 2013

TRUNG QUỐC CHƯA SẴN SÀNG GÂY CHIẾN TRANH (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Tuesday, January 15, 2013 5:49:39 PM

BBC tiếng Việt trong bản tin cập nhật hóa vào lúc 8.41 zulu ngày Thứ Ba (nửa đêm Thứ Hai qua sáng Thứ Ba giờ California) nêu lên nghi vấn phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh?

Lập luận này căn cứ vào một bài trên tờ nhật báo Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc (PLA) cho hay Bộ Tổng Tham Mưu quân đội nước này muốn tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận, đồng thời kêu gọi các tướng lĩnh và binh sĩ sẵn sàng cho khả năng xảy ra chiến tranh trong năm 2013.

Theo BBC Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Trung Quốc muốn quyết tâm nâng cao tính chiến đấu bằng cách tổ chức nhiều cuộc tập trận giống như thật trên thao trường. Chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu nói rằng: “Năm 2013, mục tiêu đặt ra cho toàn quân đội cũng như lực lượng quân cảnh là nâng cao khả năng tác chiến và chiến thắng...” Chỉ thị năm nay được xem là trái ngược với chỉ thị năm ngoái, vốn chú trọng các hoạt động tập trận chung và phối hợp giữa các đơn vị khác nhau của quân đội. Giới quan sát chú ý tới hai từ “đánh trận,” được nhắc đi nhắc lại tới 10 lần trong bản chỉ thị chỉ dài chưa đầy 1,000 từ. Cụm từ này không xuất hiện trong chỉ thị năm 2012.

Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ trên những biểu hiện ấy, đồng thời với căng thẳng đang gia tăng trong tranh chấp biển đảo với nhiều nước lân bang, để cho rằng có lẽ Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh thì có lẽ lo ngại ấy hơi quá xa. Trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như quân sự, Trung Quốc chưa sẵn sàng và chưa có tình thế bó buộc hay lợi ích gì để phải gây chiến tranh, kể cả xung đột giới hạn ở khu vực, ngoại trừ một vài va chạm nhỏ thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ðấy cũng là hoàn cảnh chung cho tất cả các bên và dù có những lúc đã dùng lời lẽ rất căng nhưng vẫn trong sự kiềm chế.

Nên thấy là trong hơn 30 năm nay, kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, quân đội TQ chưa khi nào chiến đấu. Một quân đội đã trải qua một thời gian dài không được dùng tới thì ngoài nhu cầu huấn luyện và thao dượt, cần phải được động viên tinh thần chiến đấu. Những chỉ thị của bộ Tổng Tham Mưu quân đội Trung Quốc chủ yếu nhắm vào nội bộ chứ không nên coi là sự đe dọa nước khác bởi lẽ đe dọa sẽ mất hiệu quả khi phải đi đến chiến tranh thật sự. Về chính trị, ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không có lợi ích gì để tỏ thái độ diều hâu nhất là khi quân đội chưa phát triển đầy đủ đến trình độ sẵn sáng chiến đấu.

Truyền thông Tây phương nhiều lúc vô tình đã quá đề cao sự bành trướng lực lượng và khả năng kỹ thuật quân sự của Trung Quốc dù rằng trong thực tế từ khi phát triển đến khi có thể sử dụng hữu hiệu là một khoảng cách xa.
Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Ðào hôm 7 Tháng Mười Hai năm ngoái lên tiếng kêu gọi quân đội “tích cực chuẩn bị chiến tranh.” Phát biểu này đưa ra giữa giai đoạn tranh chấp quần đảo Ðiếu Ngư/Senkaku và Trung Quốc đang khó chịu với việc Việt Nam-Philippines muốn dùng thế ngoại giao ASEAN cùng chiến lược hướng về Châu Á của Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề Biển Ðông. Hồ Cẩm Ðào đặc biệt nhấn mạnh đến việc “kiên quyết đẩy mạnh sự bành trướng và hiện đại hóa hải quân.” Ðó cũng là thời điểm mà chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu được đưa vào hoạt động. Nếu việc này có tác động tâm lý đối với các nước trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương thì thật ra cũng chưa có giá trị gì đáng kể về mặt quân sự đối với Hoa Kỳ.

Trong khi một số dư luận Hoa Kỳ quan tâm về sự tăng cường quân lực của Trung Quốc thì ngược lại chính Trung Quốc có nhiều lo ngại về chiến lược của Hoa Kỳ ở Á Châu. Những luận điệu cứng rắn của ban lãnh đạo Trung Quốc nhiều trường hợp chỉ là thể hiện thái độ xoa dịu và trấn an các phe phái diều hâu trong lực lượng quân sự của họ.
Không kể trường hợp một cuộc chiến tranh tầm cỡ thế giới bằng vũ khí nguyên tử, còn rất lâu Trung Quốc mới đủ khả năng đe dọa Hoa Kỳ về mặt quân sự. Ðụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nếu xảy ra sẽ ở Tây Thái Bình Dương chứ không phải ở gần lục địa Mỹ Châu và tất cả những gì Trung Quốc có thể làm lúc này là chuẩn bị cho những cuộc đụng độ như vậy. Tuy nhiên Trung Quốc chưa đủ hy vọng thắng và thắng lợi sẽ không đem lại nhiều lợi ích, nếu không phải là tổn hại lớn hơn cả về đối ngoại cũng như về ổn định quốc nội của chính nước họ. Do đó người ta có thể tin rằng dù có tỏ bày thái độ cứng rắn và nhiều hành động khiêu khích đối với các nước trong khu vực, thực tế Trung Quốc không muốn chiến tranh.

Một cách cụ thể, Trung Quốc hiện nay mới chỉ nhằm đối phó với những xung đột trong khu vực có thể có sự can dự của Hoa Kỳ. Từ Tháng Chín năm ngoái, Phó Ðề Ðốc Zhang Zhaozhong được tờ Nhân Dân nhật báo dẫn lời đã nói rằng Trung Quốc dễ dàng đánh bại Nhật Bản nhưng trong một trận chiến như vậy phải chuẩn bị trường hợp Hoa Kỳ can dự và quân lực Trung Quốc cần sẵn sàng đủ khả năng để đương đầu với tình huống ấy.

Trung Quốc có quân lực hiện dịch 2.3 triệu trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ có 230,000 người. Nhưng nếu lực lượng hỏa tiễn của Trung Quốc chưa thể rõ hiệu lực thì Hải quân và Không quân Trung Quốc không dễ dàng để giành được thế chủ động ngay cả trường hợp Hoa Kỳ chưa trực tiếp can dự. Không quân Trung Quốc có khoảng 1,600 máy bay chiến đấu trong đó các loại mới nhất là Chengdu J-10 và Shenyang J-11. Khoảng hơn 100 máy bay oanh tạc tầm xa Xian H-6 không được coi là nhiều khả năng và bảo đảm an toàn để tấn công những mục tiêu có hệ thống phòng không chặt chẽ. Chủ lực của Hải quân Trung Quốc là các khu trục hạm và tiềm thủy đĩnh, chưa được xem là đủ lực lượng yểm trợ cho tàu đổ bộ trong cuộc tấn công lên đất Nhật. Như thế, chủ yếu xung đột sẽ ở trên không và trên biển, không thể đưa đến một kết thúc có tính cách định đoạt.

Ngoài ra, như quan niệm của các chiến lược gia quân sự từ John Boyd, đại tá không quân Hoa Kỳ, đến Mao Trạch Ðông, vũ khí không quyết định trận chiến mà là con người sử dụng những kỹ thuật ấy. Vậy để kết luận, chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu quân đội nhân dân Trung Quốc trên nguyên tắc chỉ nhằm vào mục đích ấy hơn là nhắm tới cuộc chiến thật sự sắp xảy ra.

Cũng cần phải nói tới một sự thực là không chỉ Trung Quốc, mà Nhật Bản cũng ráo riết thực hiện các cuộc tập trận. Hôm Chủ Nhật, 13 Tháng Giêng, lực lượng phòng vệ Nhật Bản tổ chức diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của 20 chiến đấu cơ, 300 lính và 33 chiến xa tại thao trường Narashino. Ngày Thứ Ba các máy bay chiến đấu Mỹ và Nhật mở cuộc tập trận chung ngoài khơi đảo Shikoku đảo lớn thứ tư ở miền Trung Nhật Bản. (HC)








No comments:

Post a Comment

View My Stats